Friday, September 11, 2009

HOA KỲ và TRUNG QUỐC : AI LÀM CHỦ THÁI BÌNH DƯƠNG ?


Quá sớm để lo lắng về “ngáo ộp” Trung Quốc
11/09/2009 05:51 (GMT + 7)
http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/tuanvietnam.net/Dong-A-Co-van-trong-tay-My/3192987.epi
Sau hơn 30 năm tiến hành cải cách, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu đáng nể về khoa học kỹ thuật quân sự. Thế nhưng, liệu có quá sớm khi người Mỹ lo lắng về một “ngáo ộp” mang tên Trung Quốc?
Liệu Trung Quốc đã thực sự lớn mạnh và sớm giành ngôi bá chủ Thái Bình Dương từ tay Mỹ. Đang có nhiều ý kiến rất khác nhau về sức mạnh thực của quốc gia này.
Aaron L. Friedberg cho rằng Washington đang tụt hậu nghiêm trọng trong cuộc chạy đua vũ trang của thế kỷ 21. Nhưng Robert S. Ross lại lập luận: Sức mạnh quân sự và thế lực của Mỹ ở Đông Á vẫn là trở ngại lớn mà Trung Quốc khó lòng vượt qua.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu tiếp phần 2 cuộc tranh luận của Aaron L. Friedberg, Giáo sư Chính trị và Ngoại giao của ĐH Princeton và Robert S. Ross, Cố vấn cấp cao của Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Học viện MIT, trên tạp chí National Interest về chủ đề này.

----------------------------

Trung Quốc chưa đủ tầm là “ngáo ộp”
- Robert S. Ross -
Sau hơn 30 năm tiến hành cải cách, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu đáng nể về khoa học kỹ thuật quân sự. Thế nhưng, liệu có quá sớm khi người Mỹ lo lắng về một “ngáo ộp” mang tên Trung Quốc?
Với nhiều người Mỹ, Trung Quốc hiện nay có thể giống với Liên Xô năm nào. Trung Quốc đang phát triển một thế hệ công nghệ quân sự mới với những loại vũ khí giúp nước này không những đủ sức dự phóng sức mạnh ở lục địa châu Á mà còn có thê rbước ra những vũ đài mới như trên biển và ngoài không gian. Những bước tiến vững chắc này đã khiến không ít người lo ngại về thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn quá sớm để khẳng định Trung Quốc sẽ là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh trọng yếu của Mỹ. Mặc dù đã đạt nhiều tiến bộ về khoa học quân sự, nhưng Trung Quốc vẫn chưa phát triển được những công nghệ cần thiết để trở đối trọng của Mỹ trên sân chơi quân sự. Do đó, việc cảnh báo hay đánh giá quá mức về khả năng của Trung Quốc hiện thời và ảnh hưởng của công cuộc hiện đại hóa hệ thống quốc phòng Trung Quốc đối với lợi ích an ninh của Mỹ ở Đông Á là không cần thiết.
Những bước tiến mang tính chiến lược của chính quyền Trung Quốc chưa thể khiến Washington phải thay đổi những điểm quan trọng trong chính sách an ninh khu vực và quốc phòng, hay chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngược lại, niềm tin hiện tại vào năng lực của bản thân cho phép người Mỹ một mặt có thể cùng “chia ngọt sẻ bùi” với Trung Quốc trên cả hai lĩnh vực quân sự và ngoại giao; mặt khác vẫn củng cố được lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực này.
Trong bao nhiêu năm qua, người Mỹ đã xây dựng và củng cố được mối quan hệ hợp tác chiến lược với các nước ven biển Đông Á và duy trì thế cân bằng quyền lực trong và sau Chiến tranh Lạnh nhờ ưu thế áp đảo về kỹ thuật hàng hải. Khả năng dự phóng sức mạnh của Mỹ đã trấn an các đối tác chiến lược của nước này. Nó củng cố niềm tin rằng họ hoàn toàn có thể dựa vào Mỹ để ngăn ngừa cuộc tấn công của bất kỳ “ông lớn” nào; và nếu chiến tranh xảy ra, họ sẽ chỉ phải chịu thiệt hại ở mức thấp nhất. Vào thời điểm hiện nay, “tờ giấy bảo đảm an ninh” này có sức mạnh và đáng tin hơn lúc nào hết.
Ngược lại, với địa chiến lược, cộng thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá dồi dào, Đông Á nghiễm nhiên có tên trong những lợi ích an ninh trọng yếu của Mỹ. Không ai có thể phủ nhận Đông Á với vai trò là trợ thủ đắc lực, giúp Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự trong cuộc đua không tên với “gã khổng lồ” Trung Hoa mới nổi và duy trì vị thế có lợi trên cán cân quyền lực.
Liên minh Mỹ - Nhật và quan hệ đối tác chiến lược hết sức gần gũi với Singapore mang lại những điều kiện thuận lợi về hải quân, không quân, cho phép chính quyền Washington thỏa sức triển khai sức mạnh của mình tại khu vực. Ngoài ra, mối bang giao chiến lược với Malaysia, Indonesia và Philippines cũng tạo những điều kiện hết sức quan trọng, tăng cường sức mạnh cho Mỹ trong suốt giai đoạn căng thẳng leo thang.
Do đó, điểm tối quan trọng khi đánh giá mức độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc là liệu Trung Quốc có thể thách thức khả năng “đỡ đầu” của Mỹ và năng lực chiến đấu của nước này có đủ để các nước Đông Á phải đặt dấu hỏi về giá trị của cái bắt tay chiến lược với Mỹ.
Mặc dù đúng là khả năng của Trung Quốc ngày càng được củng cố, nhưng họ ”chưa có cửa” chiếm thế thượng phong hiện tại của Mỹ. An ninh biển của Mỹ không chỉ dựa vào những đội tàu hay mẫu hạm được trang bị tối tân trên mặt nước, mà còn ở đội tàu ngầm, tạo nền hoạt động “êm ru” bảo đảm cho bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào, cũng như hệ thống C4ISR đảm bảo cho Mỹ có năng lực chỉ huy, điều khiển, liên lạc, máy tính, tình báo, trinh sát và do thám vượt trội. Ở từng yếu tố, Trung Quốc còn phải rất vất vả mới có thể theo kịp Mỹ.

Khả năng có nhưng không mạnh

Hiện nay, Trung Quốc đang mua và có nhiều chính sách củng cố cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trên biển. Thế nhưng, đáng tiếc, những tiến bộ mà hải quân Trung Quốc đạt được không gây ra tác động nào đáng kể đến an ninh trên biển của Mỹ.
Từ đầu và đặc biệt là đến cuối những năm 1990, Bắc Kinh đã tập trung chương trình mua khí tài biển vào những loại tàu ngầm hiện đại như tàu ngầm hạng kilo, máy bay Su-27, Su-30 với hơn 1500 đầu đạn tên lửa đối không. Hiệu quả của nỗ lực này là khả năng nhắm mục tiêu vào các máy bay Mỹ được củng cố và khả năng ngăn chặn tàu và máy bay Mỹ vào vùng biển của Trung Quốc được cải thiện.
Phải thừa nhận một điều, khả năng dự phóng sức mạnh của Mỹ ở Đông Á hiện nay yếu hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn nào kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ nhận thức rất rõ những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong thời gian gần đây và đã có chính sách đối phó bằng nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu khả năng bị tấn công của các tàu chiến Mỹ. Với nguồn ngân sách lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn và khả năng do thám, theo dõi các tàu lạ của Mỹ liên tục được cải thiện.
Trong một nỗ lực khác nhằm chống lại thế thượng phong trên biển của Mỹ, từ giữa những năm 1980, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng những đội hàng không mẫu hạm và chẳng bao lâu nữa, kế hoạch này sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, trái ngược với những đánh giá bi quan nhất của một số nhà quan sát Mỹ, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sẽ không thể củng cố năng lực hải quân của Trung Quốc. Một hoặc thậm chí hai mẫu hạm của Trung Quốc sẽ không thể giúp Trung Quốc xuất hiện liên tục tại những vùng biển xa. Trung Quốc cần một con số lớn hơn nếu muốn tăng cường năng lực chiến đấu của mình.
Ngoài ra, việc tự xây dựng những mẫu hạm tiên tiến của riêng mình thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga cũng rất quan trọng. Trung Quốc cũng sẽ phải phát triển hệ thống C4ISR để bảo vệ các mẫu hạm của mình và nhắm mục tiêu chính xác đến các đội tàu của Mỹ. Đây là một quá trình lâu dài, không thể diễn ra một sớm một chiều.
Một điểm khác cần phải tính đến là hải quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những yêu cầu đầy thách thức về tổ chức khi đưa một mẫu hạm hoàn chỉnh vào hoạt động. Những yêu cầu quản lý hiệu quả đối với mẫu hạm và các khí tài trên đó quả thật không phải là vấn đề đơn giản. Vì lẽ đó, mối đe dọa về những mẫu hạm của Trung Quốc sẽ là sự thật nhưng chỉ diễn ra sau vài chục năm nữa.
Một trong những mối lo ngại lớn nhất của các nhà quan sát là việc Trung Quốc nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo đối hạm di động với tầm bắn 1500km. Nếu những tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền loại này có thể nhắm mục tiêu và sau đó xâm nhập vào hàng phòng thủ của chiến hạm Mỹ, nó sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ trên biển. Là vũ khí phản công, ASBM của Trung Quốc có khả năng ngăn chặn hoạt động hải quân của Mỹ ở phần lớn khu vực phía tây Thái Bình Dương và biển Đông, làm suy yếu khả năng bảo vệ các đối tác chiến lược của Mỹ tại các khu vực này.
Tuy nhiên, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu coi nhẹ những trở ngại mà Trung Quốc phải đối mặt khi chế tạo tên lửa ASBM và gán cho chúng những tác động có ý nghĩa chiến lược. Việc phát hiện một mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như mẫu hạm trên đại dương rộng lớn không phải là việc đơn giản. Sau tìm kiếm là việc theo dõi mẫu hạm đang di chuyển theo thời gian thực cũng là điều tối quan trọng để xác định đúng mục tiêu và là một trở ngại công nghệ không nhỏ đối với Trung Quốc.
Trở ngại cuối cùng và cũng là vấn đề hóc búa nhất là việc thâm nhập vào hệ thống phòng thủ của mẫu hạm. Các tàu chiến của Mỹ luôn được trang bị những hệ thống phòng thủ tối tân, đủ sức vô hiệu hóa các tên lửa ASBM. Những khó khăn này đã làm dấy lên quan ngại và tranh cãi giữa các chuyên gia Trung Quốc về tính khả thi của dự án
Tất nhiên, không phải tất cả những trở ngại công nghệ này đều không thể vượt qua được, và Trung Quốc đang dành rất nhiều nguồn lực để xây dựng một hệ thống ASBM mạnh. Rất có thể, cuối cùng rồi quân đội Trung Quốc cũng sẽ phát triển được khả năng xác định mục tiêu và do thám ASBM cần thiết để làm suy yếu tiềm lực của Mỹ.
Nhưng để được như vậy, trước tiên Trung Quốc phải tiến hành thành công cuộc thử nghiệm ASBM chính thức đầu tiên. Sau thử nghiệm đầu tiên đó, Trung Quốc sẽ cần thêm một giai đoạn nghiên cứu và phát triển để ASBM phát huy hiệu quả trong điều kiện thực tế.
Và ngay cả nếu Trung Quốc có thể xây dựng một hệ thống ASBM có thể hoạt động được, nước này vẫn sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn để đạt được mức độ hiệu quả cần thiết khi chiến sự diễn ra. Cũng cần nói thêm một điều, năng lực chiến đấu của hải quân Mỹ không chỉ giới hạn ở lực lượng trên mặt nước, và sẽ thật sai lầm khi đánh giá thấp số lượng các hệ thống mà Mỹ có sẵn hiện nay. Các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Mỹ được liên kết với 154 tên lửa hành trình Tomahawk đặt tại bờ tây Thái Bình Dương có thể nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền của Trung Quốc và thâm nhập vào vùng duyên hải của nước này với khả năng bị phát hiện rất thấp.
Hệ thống tên lửa hành trình này đã giúp Mỹ có được khả năng trả đũa và phòng thủ tuyệt vời. Nếu Trung Quốc cải thiện khả năng sử dụng ASBM, Mỹ cũng có thể triển khai tấn công trả đũa và sử dụng các vũ khí tấn công ngầm, từ đó loại trừ bất kỳ khả năng quân sự mới nào của Trung Quốc.

Đông Á: Cờ vẫn trong tay Mỹ
Mỹ nắm giữ lợi thế quân sự ở khu vực Thái Bình Dương và biển Đông. Đồng thời, Mỹ cũng có khả năng bảo vệ các quốc gia ven biển và làm thoái lui bất kỳ ý đồ nào không có lợi cho các nước này. Khả năng làm thối chí các thế lực thù địch và tham chiến chính là nhân tố quyết định giúp Mỹ phát triển và duy trì các mối quan hệ đối tác chiến lược, có ý nghĩa vô cùng thiết yếu đối với những nỗ lực duy trì vị thế có lợi trên cán cân quyền lực ở khu vực của Washington.
Trong vài năm gần đây, trong khi Trung Quốc tiến hành hiện đại hoá lực lượng quân đội và trở thành một thế lực kinh tế, thì Mỹ cũng củng cố vững chắc các mối quan hệ chiến lược của mình. Nhật Bản, hay các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines không ngừng cải thiện quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hải quân với Mỹ. Với chỗ dựa vững chắc, các nước này tỏ ra khá rắn mặt trước những đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền trên biển.
Phải thừa nhận một điều, chương trình hiện đại hoá quân sự của Bắc Kinh mang lại kết quả rất khả quan. Sau 30 năm tiến hành cải cách, giờ đây Trung Quốc có thể sản xuất được những loại vũ khí rất hiện đại. Mỹ không thể xem nhẹ Trung Quốc với tư cách một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, nhưng Trung Quốc cũng không dám tạo mối đe dọa đối với vị trí chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Á. Xây dựng chính sách gây hại đến quan hệ hợp tác Mỹ - Trung chỉ vì lợi ích kinh tế hay an ninh trước mắt sẽ là một nước cờ thiếu khôn ngoan.
Mặc dù Trung Quốc có những bước tiến vô cùng ấn tượng, song Mỹ vẫn duy trì được lợi thế quân sự, khả năng ngăn cản và chiến đấu lợi hại ở vùng biển Đông Á. Tuy nhiên, việc Mỹ không thể xây dựng chính sách dựa trên phân tích thổi phồng quá mức về mối hiểm hoạ từ Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ được phép tự mãn coi nhẹ, làm phương hại đến an ninh quốc gia. Washington phải duy trì khả năng của mình để củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia ven biển là láng giềng của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ vị thế cân bằng quân sự có lợi cho mình.
Dè chừng trước tiềm năng chiến lược của Bắc Kinh, chính sách quốc phòng của Mỹ cần tiếp tục chú trọng đến việc mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương. Những biến cố bất ngờ chớp nhoáng không thể không khiến người ta nghĩ đến một cuộc chiến giữa các cường quốc trong tương lai, vì thế việc chuẩn bị chu đáo về mọi mặt là không thừa. Nếu Mỹ vẫn chú trọng củng cố những thế mạnh đã có trong lĩnh vực hải quân như công nghệ thông tin, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, thì quốc gia này vẫn có thể giữ chắc ghế của mình trước một "ngáo ộp" Trung Quốc.
Thanh Trà - Huyền Trang (Lược dịch từ National Interest)


Thế kỷ 21: Ai soán ngôi bá chủ Thái Bình Dương?
10/09/2009 10:02 (GMT + 7)
http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7954/index.aspx
Washington và Bắc Kinh - ai sẽ là bá chủ quân sự ở Thái Bình Dương trong thế kỷ 21? Mỹ sẽ giữ vững vị thế của mình hay sẽ đuối sức trước một đối thủ đang tăng tốc bứt phá?

Quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh và nhiều người dự đoán họ sẽ sớm giành ngôi bá chủ Thái Bình Dương từ tay Mỹ. Aaron L. Friedberg cho rằng Washington đang tụt hậu nghiêm trọng trong cuộc chạy đua vũ trang của thế kỷ 21. Song Robert S. Ross lại cho rằng sức mạnh quân sự và thế lực của Mỹ ở Đông Á vẫn là trở ngại lớn mà Trung Quốc khó lòng vượt qua.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc tranh luận thú vị giữa Aaron L. Friedberg, Giáo sư Chính trị và Ngoại giao của ĐH Princeton và Robert S. Ross, Cố vấn cấp cao của Chương trình Nghiên cứu An ninh thuộc Học viện MIT, trên tạp chí National Interest về chủ đề này.
----------------------

Trung Quốc sẽ giành ngôi bá chủ Thái Bình Dương?
- Aaron L. Friedberg -
Được kích hoạt bởi sự biến đổi địa chính trị sau Chiến tranh Lạnh, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhảy vọt của nền kinh tế, và được chèo lái bởi sự hòa trộn giữa bất ổn và tham vọng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang ngày một tăng lên. Đã đến lúc Mỹ không thể tiếp tục coi thường những thách thức quân sự do Trung Quốc đặt ra.
Ngay từ trước khi Liên Xô sụp đổ, các chiến lược gia Trung Quốc đã bắt đầu chuyển mối quan tâm từ việc chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh nhân dân” toàn diện chống lại kẻ xâm lược mang vũ khí nguyên tử đến từ phương Bắc sang thứ mà họ gọi là “cuộc chiến cục bộ trong điều kiện công nghệ cao”.
Cuộc chiến này sẽ được thực hiện trong vùng biển và vùng trời phía đông Trung Quốc, và chỉ sử dụng vũ khí thông thường. Vùng biển phía đông Trung Quốc là cái nôi của những hiểm họa lớn với nước này, đến từ xu hướng ly khai Đài Loan, chủ nghĩa bá quyền Mỹ và xu hướng quân phiệt trong một bộ phận người Nhật, hoặc trong tình huống xấu nhất là cả ba hiểm họa xảy ra cùng lúc.
Trong suốt 20 năm qua, sự thay đổi về chiến lược này đã được phản ánh qua việc Trung Quốc tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt về hải quân và hàng không vũ trụ.
Nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, Bắc Kinh có thể tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng mà không tạo ra gánh nặng đáng kể đối với xã hội. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Quốc phòng Mỹ, từ năm 1996 tới 2008, ngân sách quốc phòng công khai của Trung Quốc tăng trung bình 12,9%/năm trong khi GDP tăng khoảng 9,6%. Thực tế có thể nhiều hơn như vậy.
Các quan sát viên phương Tây đôi khi có xu hướng hạ thấp tầm quan trọng của những số liệu này. Sau Chiến tranh lạnh, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tỏ ra nghèo nàn, lạc hậu và rất cần được hiện đại hóa. Mặc dù Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào việc trang bị vũ khí nội địa và ngoại nhập, nhiều người cho rằng sức mạnh quân sự của nước này vẫn sẽ tiếp tục thua xa Mỹ.
Trong suốt những năm 1990, đa số chuyên gia tin rằng Bắc Kinh chỉ quan tâm tới việc tìm kiếm biện pháp cưỡng chế hoặc tấn công Đài Loan. Khi quy mô và vai trò của chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang Trung Quốc hiển lộ rõ rệt hơn, họ lại tự an ủi rằng Trung Quốc là một quốc gia đang lên và việc nước này tăng cường sức mạnh, mở rộng tầm ảnh hưởng và bảo vệ các lợi ích của mình là hoàn toàn tự nhiên và tất yếu.

Thời hoàng kim của Mỹ
Cách tốt nhất để diễn tả tầm quan trọng của những gì đang diễn ra là so sánh cân bằng quân sự ở Đông Á hiện tại với tình hình một vài năm trước:
Tới đầu thập niên 1990, cùng những dấu hiệu xuống dốc của hải quân và không quân Liên Xô ở các căn cứ quân sự vùng Viễn Đông Nga, Thái Bình Dương dường như trở thành cái ao của Mỹ. Quân đội Mỹ bất khả chiến bại và có thể hoạt động tự do ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời điểm nào. Với tàu, phi cơ và các đội quân trực chiến từ những căn cứ quân sự ở Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore cũng như ở Hawaii và các bang ven biển miền Tây (West Coast), Mỹ có thể bảo vệ đồng minh, đe dọa kẻ thù và tự do di chuyển lực lượng khắp phía tây Thái Bình Dương.
Các đơn vị hải quân và không quân Mỹ thường xuyên dàn trận và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bên ngoài (đôi khi là bên trong) hải phận và không phận Trung Quốc mà không sợ bị sách nhiễu, cản trở trong khi các vệ tinh Mỹ cũng bay lượn tự do và bí mật như vậy.
Không chỉ ở Đông Á, hải quân Mỹ còn chi phối tất cả các đại dương trên thế giới. Khi đã nhận lệnh, hải quân Mỹ có thể cản đường hoặc đánh chìm các tàu buôn tới Trung Quốc cho dù chúng chạy qua Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương.
Tiềm lực nguyên tử tầm xa của Mỹ và Trung Quốc cũng có sự chênh lệch rất lớn. Sau một số cam kết cắt giảm vũ khí của các cường quốc đầu thập kỷ 1990, Mỹ vẫn nắm trong tay hàng nghìn quả bom nguyên tử và đầu tên lửa có khả năng tấn công Trung Quốc trong khi Trung Quốc không có nhiều hơn 20 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn xa tới Mỹ, và chỉ 4 trong số đó sẵn sàng được đem ra sử dụng.
Do yếu thế, nơi duy nhất mà Trung Quốc có thể đương đầu với quân đội Mỹ là hải phận nước này. Tình huống này có thể xảy ra trong một cuộc xung đột về vấn đề Đài Loan. Hệ quả của xung đột này có thể đoán trước được, đó là chiến thắng của Mỹ và đồng minh. Nếu Bắc Kinh vẫn tỏ ra cứng đầu, Mỹ có thể sẽ cấm vận kinh tế và phong tỏa bờ biển Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh có dấu hiệu leo thang hạt nhân, Washington sẽ chủ động tấn công nhằm phá hủy toàn bộ vũ khí hạt nhân tầm xa vốn rất nghèo nàn và ít nhất một phần vũ khí tầm ngắn của Trung Quốc. Tóm lại, với xung đột ở mọi cấp độ - từ đụng độ trên biển tới chiến tranh hạt nhân liên châu lục, Mỹ đều ở thế thượng phong.

Trung Quốc – đối thủ đáng gờm
Hiện nay, khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ ở tây Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi sự chín muồi của chiến lược “chống xâm nhập” của Trung Quốc. Theo chiến lược này, Trung Quốc sẽ phát triển hệ thống quân sự chuyên biệt nhằm cản trở quân đội Mỹ hoạt động tự do gần bờ biển Trung Quốc.
Trong thế kỷ qua, Bắc Kinh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu này. Mỗi căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Á đều sẽ sớm nằm gọn trong tầm bắn của tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo Trung Quốc. Đồng thời, PLA cũng đang thiết lập mạng lưới vệ tinh, radar trên bờ biển và các thiết bị cảm ứng khác để định vị và theo dõi tàu của kẻ thù cách bờ biển Trung Quốc hàng trăm hải lý, sau đó sử dụng kết hợp thủy lôi, tên lửa hành trình tốc độ cao và tên lửa đạn đạo trên đất liền để đánh chìm hoặc vô hiệu hóa những tàu này.
Các hàng không mẫu hạm khổng lồ và đắt tiền có vị trí then chốt trong năng lực triển khai sức mạnh của Mỹ. Trong tương lai, nếu xảy ra khủng hoảng, Washington có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút những hàng không mẫu hạm này xa khỏi bờ biển Trung Quốc. Việc này sẽ làm suy giảm năng lực phòng không của Mỹ dành cho các nước đồng minh và Mỹ cũng khó có thể tấn công quân đội Trung Quốc trên biển và đất liền.
Ngoài các phương pháp tấn công trực tiếp kể trên, PLA đang thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh và các kỹ thuật phá hoại mạng máy tính của đối thủ, khiến đối thủ trở nên “điếc” và “mù” trong suốt giai đoạn khởi đầu vô cùng quan trọng của một cuộc chiến.
Trên lĩnh vực phòng thủ, hải quân PLA (PLAN) đang khẩn trương tập hợp các tàu ngầm tấn công và phát triển hệ thống mìn dưới nước rất tinh vi. PLA cũng đang trong quá trình hoàn thiện một căn cứ tàu ngầm khổng lồ mới gần biển Đông và bắt đầu triển khai hệ thống cảnh báo dưới nước để kiểm soát các tàu ngầm Mỹ đang hoạt động ngoài khơi. Cuối cùng, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào hệ thống phòng thủ bị động, radar hiện đại, tên lửa đất đối không, bao gồm một số loại có thể đương đầu với tên lửa hành trình và phi cơ do thám của phương Tây.
Sự phối hợp giữa lực lượng tấn công và phòng thủ hiện đại của Trung Quốc bắt đầu làm gia tăng nghi ngờ trong khu vực về năng lực bảo vệ đồng minh và dự phóng sức mạnh của Mỹ. Nguy hiểm hơn, trong vòng vài năm tới, nếu xảy ra khủng hoảng trầm trọng, các lãnh đạo Trung Quốc có khả năng phát động một cuộc chiến tranh hất cẳng Mỹ khỏi phía tây Thái Bình Dương và vô hiệu hóa các hành động trả đũa mà không cần dùng tới vũ khí hạt nhân hay xâm nhập lãnh thổ Mỹ.
Tất nhiên, Mỹ vẫn có thể tránh được một cuộc chiến hạt nhân với Trung Quốc. Nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ có thể phản công Trung Quốc bằng cách “leo thang chiều ngang”, nghĩa là đánh vào những nơi mà Trung Quốc yếu thế. Theo đó, Mỹ sẽ tận dụng sức mạnh hải quân và không quân toàn cầu của mình để gạt Trung Quốc ra khỏi các vùng biển.
Mặc dù PLAN có thể thống trị lãnh hải Trung Quốc nhưng càng cách xa Trung Quốc, sức mạnh của PLAN càng giảm. Đây chính là cơ hội để quân đội Mỹ duy trì và phát huy tính ưu việt của mình. Nếu một ngày nào đó Mỹ muốn chặn nguồn cung dầu khí, khoáng sản và các hàng hóa khác tới Trung Quốc thông qua đường biển, Bắc Kinh khó có thể phản ứng ngay.
Ý thức sâu sắc về tình thế khó khăn này, các chiến lược gia Trung Quốc đang lao động cật lực trong các dự án nhằm giảm thiểu rủi ro như: kho dự trữ xăng dầu chiến lược; đường ống dẫn dầu xuyên lục địa tới Nga và Trung Á; khai thác tài nguyên biển gần bờ biển Trung Quốc; các tuyến đường giao thông mới xuyên Đông Nam Á cho phép dầu khí nhập khẩu từ Trung Đông có thể được vận chuyển qua các eo biển hẹp ở Indonesia; xây dựng cảng và sân bay ở Myanmar và Pakistan để sử dụng trong tình huống khẩn cấp; xây dựng quan hệ chiến lược với Iran nhằm tạo chỗ đứng ở Vịnh Ba Tư; phát triển hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử tấn công tầm xa; chế tạo nhiều tàu ngầm diesel giúp PLAN bảo vệ các tuyến đường biển Trung Quốc và tấn công tàu địch.
Nếu được chế tạo đủ số lượng, các tên lửa đạn đạo đối hạm có thể sẽ sớm được dùng để đe dọa cả hàng không mẫu hạm và tàu buôn Mỹ. Bằng cách phối hợp tên lửa và tàu ngầm, Bắc Kinh có thể bảo vệ mình khỏi những đồng minh lớn của Mỹ như Nhật Bản, làm những nước này nhụt chí hoặc ngăn cản họ hợp tác với Mỹ.

Tranh giành ảnh hưởng ở châu Á: Hành trình chông gai
Nếu Mỹ tỏ ra nhu nhược và không thực hiện được các cam kết của mình, ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á sẽ giảm sút nhanh chóng, để lại hậu quả lâu dài về an ninh, kinh tế và năng lực truyền bá tự do dân chủ. Khi ấy, các nước khác sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc bắt tay với Trung Quốc.
Muốn củng cố lòng tin của các đối tác chiến lược, Washington phải tìm cách ứng phó với hệ thống chống xâm nhập của Trung Quốc. Nếu không, Mỹ sẽ sớm đánh mất vị trí thống lĩnh quân sự ở Đông Á.
Cho đến nay, Lầu Năm Góc mới chỉ dàn xếp lại lực lượng ở một số căn cứ quân sự. Các bước tiếp theo sẽ tốn kém và gây tranh cãi hơn: củng cố các căn cứ quân sự chống tên lửa tấn công, mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và đất liền, chế tạo thêm tàu ngầm và máy bay chiến đấu thế hệ mới. Về lâu dài, Mỹ cũng phải phát triển thêm nhiều loại vũ khí mới hiện đại hơn bằng cách đầu tư các chương trình nghiên cứu và phát triển ngay từ bây giờ.
Mặc dù liên tục bị Mỹ gây sức ép trong những năm qua, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn không có ý định hãm phanh quá trình xây dựng lực lượng. Dường như trong hàng thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn coi Mỹ vừa là đối tác kinh tế, vừa là đối thủ chiến lược. Nếu không muốn bị gạt khỏi châu Á, Mỹ cũng phải có quan điểm và cách ứng xử tương tự.
Tuy không chịu thừa nhận công khai nhưng một số nhà quan sát vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ sớm thống trị châu Á. Thay vì cố gắng cản đường Trung Quốc hay bám trụ vào những nền dân chủ nhỏ yếu hơn như Đài Loan và Nhật Bản, Mỹ nên tìm kiếm thỏa hiệp với Bắc Kinh về hợp tác xử lý các vấn đề trong khu vực hoặc phân chia phạm vi ảnh hưởng như đề xuất của Trung Quốc vào năm 2008, theo đó Trung – Mỹ sẽ chia đôi Thái Bình Dương, lấy đảo Hawaii làm ranh giới.
Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm ảnh hưởng ở châu Á của cả Mỹ và Trung Quốc đều có nhiều chông gai. Ngân sách liên bang của Mỹ đang phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do đó việc tập trung đầu tư cho quân đội không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngoài ra, những khó khăn mà Mỹ gặp phải trước sự phát triển của Trung Quốc cả về kinh tế và sức mạnh quân sự còn chưa được nhiều người công nhận và để ý tới.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải đối diện với thực tế là Mỹ và các nền dân chủ khác ở châu Á (bao gồm Ấn Độ) vẫn còn nguồn lực dồi dào để duy trì cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Hơn nữa, việc Trung Quốc có giữ mãi được đà phát triển hay không vẫn còn là một nghi vấn. Hàng loạt những thách thức về dân số, xã hội và môi trường sẽ là lực cản lớn đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong những thập kỷ tới, khiến nước này khó khăn hơn trong việc theo đuổi những tham vọng quân sự lớn lao như hiện nay.
Thanh Trà - Huyền Trang (Lược dịch từ National Interest)


No comments: