Friday, September 11, 2009
HÃY TRẢ LẠI DẤU NẶNG CHO CÂU TỤC NGỮ "CÓ HỌC PHẢI CÓ HẠNH"
Hãy trả lại dấu nặng cho câu tục ngữ ấy
Lê Hữu
8.09.2009
http://damau.org/archives/8562
LTS: Bài viết dưới đây của tác giả Lê Hữu dựa trên khẳng định của chính ông về một nghi vấn thú vị: “Có học phải có hạnh” hay là “Có học phải có hành?”
Trong trường hợp “Hãy trả lại dấu nặng cho câu tục ngữ ấy,” liệu toàn bộ giá trị của bài viết có bị phủ nhận nếu có ai đó chứng minh được rằng “Có học phải có hành” mới đúng và hơn thế nữa, đã thịnh hành ở Miền Nam Việt Nam ngay cả trước tháng Tư năm 1975.
Trong một tình huống như thế, bài viết dưới đây có thể có thêm vấn đề để chúng ta suy gẫm, sự cần thiết phải chính xác của tiền đề và có thật đúng là lý luận về những vấn nạn văn hóa cũng bị chi phối bởi một qui luật không thể đảo ngược tương tự như của toán học, ở đó một bài toán bắt đầu sai thì kết quả phải sai? Đó là chưa kể đến một nội hàm rộng hơn: ảnh hưởng của chính/định/thiên kiến lên ngòi bút của bất cứ ai.
BBT Da màu trân trọng cám ơn tác giả Lê Hữu về bài viết với một nội hàm phong phú và bất ngờ.
----------------------------
- “Có học phải có hạnh” và “Có học phải có hành”, câu nào đúng?
Một thầy giáo trẻ hỏi tôi câu ấy trong giờ ra chơi của học sinh. Tôi hỏi lại:
- Ở đâu ra câu “Có học phải có hành”?
- Các tài liệu giáo khoa ở trong nước. Và ở đây nữa, đôi lúc cũng thấy ghi như vậy.
Thay vì trả lời câu hỏi, tôi mời thầy giáo trẻ ấy một tách café và kể câu chuyện nhỏ: Một phụ huynh nói với tôi rằng, muốn biết học sinh học được những gì ở một trường Việt ngữ, hãy đến thăm trường ấy trong giờ ra chơi của các em. Ông phụ huynh ấy đã đến thăm trường này, và chỉ sau năm phút đứng quan sát các em trong giờ chơi, ông đã quyết định ghi tên cho con mình theo học tại trường. Ông đã “thấy” gì? Ông thấy các em nhỏ gặp thầy, cô mình đều lễ phép cúi đầu chào “Con chào Thầy”, “Con chào Cô”. Ông thấy lại hình ảnh quen thuộc của một sân trường, một giờ ra chơi của học sinh người Việt ở quê nhà thuở trước. Ông thấy lại hình ảnh quen thuộc của một cậu học trò nhỏ nhiều năm về trước, khoanh tay cúi đầu chào thầy cô giáo. Cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn và lễ phép ấy là ông, và nay ông muốn thấy con mình cũng ngoan ngoãn và lễ phép như thế.
Ngoan ngoãn và lễ phép, đó là chữ “lễ” ở trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, và là chữ “hạnh” ở trong câu “Có học phải có hạnh”.
Từ sau năm 1975, người ta đã lập lờ, đã nhập nhằng một cách cố ý, đánh tráo chữ “hạnh” bằng chữ “hành” trong câu tục ngữ trên. Rõ ràng là cả “ý đồ” (1) chứ không phải chỉ là chuyện dấu nặng hay dấu huyền.
Đánh tráo cái “dấu nặng” ấy là đánh tráo những giá trị tinh thần về luân lý, đạo đức của một nền văn hóa truyền thống. Đánh tráo cái “dấu nặng” ấy là muốn tháo gỡ các khẩu hiệu vẫn treo dán trong các lớp học ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, như “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Có học phải có hạnh”, “Không thầy đố mầy làm nên”. Bôi xóa cái dấu nặng ấy là bôi xóa hình ảnh con người ăn ở có nhân có nghĩa, có thủy có chung, có trước có sau, có trên có dưới, và thay vào đó, con người “mới” với nếp sống “mới” trong một xã hội “mới” “tiên tiến, ưu việt” (1).
Nhiều người dễ tính có thể nói “‘Có học phải có hành’ thì cũng đúng thôi”. Vâng, cũng đúng thôi; tuy nhiên, đấy là câu tục ngữ mà ông cha ta đã truyền từ đời con sang đời cháu, sang đời chắt, chút, chít…, và thường thì người ta không việc gì phải đi sửa một câu tục ngữ, nếu câu ấy không có gì sai quấy, và nhất là việc sửa đổi không làm cho câu ấy đúng hơn, hay hơn. Hai câu ấy có hai nghĩa khác nhau, và câu được sửa lại–“Có học phải có hành”–chắc chắn không mang ý nghĩa mà ông cha ta và những thầy cô giáo của những thế hệ trước thiết tha muốn truyền đạt cho những thế hệ tiếp nối.
Tương tự, không việc gì phải đổi chữ “công” thành chữ “ơn” trong câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà ai cũng thuộc nằm lòng từng chữ. Tại sao không chịu gọi là “công” cho nó đàng hoàng? “Công” ấy là “công đức sinh thành”, là “công ơn dưỡng dục” (không phải… “cám ơn” một tiếng là xong, như bạn như bè). Muốn thay bằng chữ “ơn” thì ít ra cũng phải đi với chữ “công”, phải là “công ơn”.
Cũng không việc gì phải đổi “Công cha nghĩa mẹ” thành “Ơn cha nghĩa mẹ”. Không việc gì phải “dị ứng” (1) với chữ “công” ấy. Không thể tùy tiện sửa đổi, thêm bớt, chế biến, hoặc giải thích khác đi ý nghĩa các tục ngữ, ca dao đã trở thành những khuôn thước và “chuẩn mực đạo đức” (1) từ ngàn xưa của ông cha ta.
Có những “tu chỉnh” thật nhỏ, rất nhỏ, làm như là… quên, là nhầm lẫn, là vô tình, không dễ “phát hiện” (1) vì ít ai để ý; hoặc nếu có, cũng chỉ nói “Thôi thì ‘ơn’ cũng được vậy”. Việc tu chỉnh ấy là một trong những thủ thuật có chủ ý tạo sự quen mắt, quen tai khiến người đọc, người nghe, nhất là các em nhỏ, dần dà dễ tiếp thu (1). Vì thế học sinh bây giờ mới viết là “Ơn cha như núi Thái Sơn…”, hoặc mới có bài hát “Ơn cha” (mà không phải “Công cha”), hát véo von.
Vì sao những người làm công tác giáo dục ở trong nước lại muốn đổi chữ “hạnh” ra chữ “hành”? (Chắc chắn không phải là đổi cho… vui). Có phải vì cho rằng chữ ấy không cần thiết lắm, hoặc là đã… lỗi thời nên người ta “nhất trí” (1) thay chữ “hành” vào câu tục ngữ ấy, và cho chữ “hạnh” đi chỗ khác chơi. Cho chữ “hạnh” đi chỗ khác chơi có nghĩa là cho những bài học “thảo kính cha mẹ, kính thầy yêu bạn, lễ phép với người già, giúp đỡ người tàn tật, đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng” đi chỗ khác chơi. Thành thử, nếu học trò gặp thầy cô giáo, gặp các bác, các cô, các chú… mà cứ trơ mắt ếch ra thì chắc chắn không phải là lỗi của các em, vì… có được “học” đâu mà “hành”.
Giá dụ học sinh có nêu thắc mắc, “Bố con nói ‘có học phải có hạnh’”, cán bộ giáo dục sẽ nhanh chóng “lên lớp” (1) để đả thông tư tưởng: “Sai. ‘Có hành’, không phải ‘có hạnh’. Viết ‘hạnh’ là… sai chính tả. Không có ‘hạnh họe’ gì hết. ‘Hành’ nghĩa là ‘chấp hành nghiêm chỉnh’, bảo gì làm nấy, nói sao làm vậy. Hiểu chưa?”
Kể từ khi câu tục ngữ ấy bị đánh tráo bằng hàng giả, “hàng nhái” (1), nếp sống của người Việt trong nước không còn như trước nữa. Những phong tục tập quán, những luân thường đạo lý bị kéo sập. Và tất nhiên, ba cái lẻ tẻ như “Công, dung, ngôn, hạnh” hay “Cái nết đánh chết cái đẹp” hay “Trai thời trung hiếu làm đầu / Gái thời tiết hạnh là câu sửa mình” (2)… cũng bị kéo sập theo.
Không ngạc nhiên chút nào khi mà cái nền tảng luân lý, đạo đức ở trong nước đang ngày càng “xuống cấp” (1) trầm trọng. Không ngạc nhiên chút nào khi mà trên các trang báo, trang web hàng ngày nhan nhản, tràn lan những bài báo, những hình ảnh, những khúc phim “minh họa” các thành tích vẻ vang về “hành xử”, “hành sự” (1) của học sinh trong nước, những thành tích “siêu đẳng” khiến các bậc phụ huynh phải… lạnh người.
Cái khác nhau giữa “dấu nặng” và “dấu huyền” ấy là cái khác nhau giữa hai nền giáo dục trước và sau năm 1975 ở trong nước.
Cái nền văn hóa giáo dục không-có-chữ-hạnh ấy rồi sẽ đi đâu, vể đâu? Dường như không mấy ai thắc mắc về chuyện ấy. Dường như không ai cảm thấy mình có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi ấy. Người ta mãi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi thiết thực hơn, chẳng hạn “Làm cách nào để nhét tiền đầy túi?” Thử bước vào một tiệm sách lớn ở trong nước, một trong những đầu sách bán chạy nhất là những sách thuộc dạng “Làm thế nào để trở thành nhà kinh doanh giỏi?” Cả nước đua nhau kiếm tiền, đua nhau làm giàu. Khi đã mải mê làm giàu, người ta không còn màng đến chuyện gì khác nữa. Chuyện nếp sống văn minh văn hóa “nâng cấp” (1) hay “xuống cấp” (1) không có ăn nhậu gì tới họ. Làm như đất nước này là đất nước của ai vậy, chứ không phải “cái nhà là nhà của ta, công khó ông cha lập ra…”
Trở lại chuyện “học” và “hành”, có hai câu hỏi không thể không đặt ra. Thứ nhất, các em học sinh đã “học” được những gì ở trong trường trong lớp? Nói cách khác, người ta đã dạy các em những gì, để rồi sau đó khuyến khích các em hãy mang ra mà… “hành”? Thứ hai, ngoài việc đánh tráo một cái “dấu nặng”, liệu người ta còn đánh tráo những gì khác nữa trong các tài liệu giảng dạy cho học sinh? Tôi thực tình không muốn đẩy câu chuyện đi xa hơn nữa.
Chỉ xin quý thầy cô ở trong nước (và cả ở ngoài nước) một điều: trong kho tàng tục ngữ, ca dao của người Việt không thiếu những câu về “hành”, chẳng hạn “Học đi đôi với hành”, hoặc “Lý thuyết phải đi đôi với thực hành”…, thầy cô cứ việc tùy nghi mang ra mà giảng dạy cho các em, riêng câu tục ngữ “Có học phải có hạnh” vừa thể hiện nét đẹp rất “riêng”, vừa phản ánh bản sắc văn hóa của dân tộc mà chúng ta vẫn tự hào, xin vui lòng cứ để yên đấy, không cần phải bôi xóa cái dấu nặng dưới chữ “a”, và thay đổi “…có hạnh” thành ra “có hành”.
Thật may một điều, ở quanh đây chúng ta vẫn còn có những trường Việt ngữ. Không chỉ dạy học sinh phép tắc lễ nghĩa của người Việt, những trường mà tôi được biết, trong các buổi lễ mãn khóa, ngoài các phần thưởng dành cho học sinh giỏi, luôn luôn có phần thưởng đặc biệt về hạnh kiểm. Một học sinh nhận được bằng khen “xuất sắc” phải vừa học lực giỏi, vừa hạnh kiểm tốt. Qua việc khen thưởng ấy, các thầy cô muốn các em ghi nhớ: “Có Học phải có Hạnh”.
Hãy trả lại “dấu nặng” cho câu tục ngữ ấy. Hơn thế nữa, hãy trả lại môn học “Đức Dục” cho các trường học của người Việt.
lê hữu
--------------------------
(1) Từ ngữ phổ biến ở trong nước
(2) Lục Vân Tiên, truyện thơ Nguyễn Đình Chiểu
bài đã đăng của Lê Hữu:
Hãy trả lại dấu nặng cho câu tục ngữ ấy - 08.09.2009
Những “kẻ lạ mặt” trong ngôn ngữ - 25.08.2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment