Friday, September 4, 2009

GIỚI KINH TẾ HỌC đã tiếp tay GÂY SUY THOÁI TOÀN CẦU ?


Giới kinh tế học đã "tiếp tay" gây suy thoái toàn cầu?
04/09/2009 05:50 (GMT + 7)
http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/7895/index.aspx
Trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, một trong các vấn đề chúng ta cần đối mặt là vai trò của các nhà kinh tế học hàn lâm trong việc đưa ra các ý tưởng mà bây giờ nhìn lại thì thấy vừa sai vừa nguy hiểm.

Nguồn :
What Were They Thinking? The Role of Economists in the Financial Debacle
Fukuyama & Colby (American Interest Sept-Oct/2009)

Cho rằng các nhà kinh tế học xúi giục sự phát triển “vũ khí hủy diệt hàng loạt tài chính” phải đối mặt với trách nhiệm giải trình trước tòa án dư luận, giống như chính quyền Bush từng phải giải trình về vũ khí hủy diệt của Iraq, hai tác giả Francis Fukuyama & Seth Colby đã phân tích hậu quả của những “lời khuyên tồi” và các động cơ cá nhân của một số nhà kinh tế học phương Tây.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu phần đầu bài viết của hai tác giả trên đăng trong tạp chí American Interest số ra tháng 9-10/2009.


---------------------------------

Các nhà kinh tế học tự hào là các chuyên gia lý luận khoa học xã hội tinh vi nhất và giàu kinh nghiệm nhất. Nhưng trong trường hợp tự do hóa lĩnh vực tài chính, họ lại ủng hộ các chính sách mà trong nhiều trường hợp chính học thuyết của họ đưa ra nhiều lý do để phải thận trọng. Bằng cách này, các nhà kinh tế chuyên nghiệp đã góp phần gây ra sự suy thoái toàn cầu sâu, “cướp” đi 40 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm và sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng mạnh từ mức 42% GDP có thể lên tới 60-80%.
Như Keynes đã nhắc nhở từ cách đây rất lâu, quan điểm của các nhà kinh tế học hàn lâm có ảnh hưởng lớn hơn nhiều quan điểm của hầu như bất cứ nhóm giáo sư nào khác. Các nhà hoạch định chính sách áp dụng trực tiếp học thuyết của các chuyên gia kinh tế nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt của mình. Trong khi đó, những người không làm trong lĩnh vực kinh tế lại buộc phải hỏi ý kiến của các nhà kinh tế học về điều cần làm vì các học thuyết và phương pháp của họ có bản chất kỹ thuật cao.
Do vậy, họ thường ít kiểm tra lại kiến thức và cân nhắc những ý tưởng vượt quá nguyên tắc. Các tổng thống, nghị sĩ và quan chức chính phủ hiếm khi làm theo các mô hình thử nghiệm lý thuyết của những người đoạt giải Nobel kinh tế, họ cũng không đánh giá cao các phân tích dữ liệu phức tạp. Khi các chuyên gia đều nhất trí cho rằng điều gì đó là đúng – chẳng hạn như việc mở một tài khoản vốn của quốc gia sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển – thì hiếm khi những người không có chuyên môn kinh tế cảm thấy có khả năng phản bác lại họ.
Nhưng sự thật là việc toán học hóa của kinh tế học hàn lâm đương thời đang góp phần gây ra sự chính xác giả mạo cho một lĩnh vực đầy những điều đáng ngờ và những mô hình cũng như xu hướng tư tưởng quá đơn giản hóa.

Chúng ta nghĩ điều chúng ta biết
Cuộc cách mạng của Reagan-Thatcher những năm 1980 đã hợp thức hóa một sự chuyển đổi từ các chính sách kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm sang các chính sách thị trường tự do.
Lịch sử đã chứng minh điều này: Các nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả hơn nhiều và tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế kế hoạch hóa.
Đầu tiên là tình trạng lạm phát trong trì trệ, mà thế giới phát triển đã trải qua sau các cú sốc dầu mỏ những năm 1970, và đã bị trầm trọng hơn bởi sự điều tiết ngày càng tăng của nhà nước. Thứ hai, sự nổi lên của Đông Á đã chứng tỏ rằng các quốc gia chậm phát triển cũng có thể gia nhập thế giới phát triển bằng việc tôn trọng quyền sở hữu tư nhân và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu mở. Và thứ ba, sự sụp đổ của thế giới cộng sản và kết thúc chính quyền Reagan đã khẳng định lại sự phá sản của chính sách kế hoạch hóa tập trung của xã hội chủ nghĩa.
Trong khi một số người chỉ trích các chuyên gia kinh tế và quan chức chính quyền quá dựa vào các cơ chế thị trường, nhiều người lại bảo vệ các hành động của họ là phù hợp với diễn tiến lịch sử. Thực vậy, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bẻ lại những chỉ trích đối với cách xử lý của quỹ này trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á:
Nhân viên của IMF giờ đã tin tưởng hơn vào khả năng sử dụng các thị trường để bảo vệ lợi ích công. Điều gì đã tạo ra sự thay đổi này? Rất đơn giản: thực tế. Trong những năm 1980, kế hoạch hóa tập trung tỏ ra là một lựa chọn quan trọng như một cách tổ chức nền kinh tế. Nhưng sự tan rã của Liên Xô và sụp đổ bức tường Berlin, đối với nhiều người, đã cho thấy các thị trường bất kể có khiếm khuyết gì vẫn là một cách tổ chức nền kinh tế quốc gia bền vững hơn.
Mỹ và Anh cũng bắt đầu những thay đổi lớn về chính sách trong thời kỳ này. Thị trường lao động được tự do hóa trong khi các hiệp hội thương mại ngày càng mất đi vai trò trong việc ấn định tiền lương dưới sức ép của cạnh tranh quốc tế; thương mại toàn cầu gia tăng thông qua một số vòng đàm phán trong khuôn khổ GATT và sau này là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); quyền của những chủ sở hữu bất động sản được củng cố và thuế giảm; các ngành công nghiệp của nhà nước, như ngành thép ở Anh, đã được tư nhân hóa; và mức độ điều tiết giảm, bắt đầu từ ngành công nghiệp hàng không.
Chính sách thay đổi nói trên phản ánh một sự thay đổi lớn hơn trong cấu trúc cơ bản của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bắt đầu hội nhập ngày càng sâu hơn. Những thay đổi này đã mở ra cơ hội cho thời kỳ tăng trưởng dài 30 năm của kinh tế toàn cầu.
Trong số các đối tượng của tự do hóa có lĩnh vực tài chính. Tự do hóa tài chính bắt đầu được tiến hành dưới một chính quyền Dân chủ ở Mỹ năm 1980 với Luật Điều tiết và Kiểm soát tiền tệ và các thể chế ký gửi, có hiệu lực từ năm 1986. Đạo luật này đã dỡ bỏ mức trần lãi suất vốn có thể được thanh toán bằng ký gửi ngân hàng.
Hai năm sau đó, Quốc hội đã thông qua một văn bản luật lần đầu tiên cho phép các ngân hàng của Mỹ hoạt động vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Vụ Big Bang nổi tiếng ở Luân Đôn năm 1986 có liên quan đến các biện pháp hủy bỏ các nghĩa vụ được quy định trong các giao dịch chứng khoán và sự chuyển đổi đột ngột từ trao đổi miệng sang thương mại điện tử và dựa trên màn hình.
Mỗi thành phần của “các nền kinh tế thị trường tự do” nói trên đã trở thành mục tiêu bị chỉ trích, nhưng trong danh sách này, có vấn đề nhất là tự do hóa lĩnh vực tài chính. Một cơ quan lớn về nghiên cứu lý thuyết ủng hộ các tác dụng tối ưu hóa thịnh vượng của tự do thương mại, cũng như các bài học tai hại của chủ nghĩa bảo hộ trong thời Đại suy thoái. Tương tự, các ưu điểm của thị trường lao động được tự do hóa đã trở nên rõ rành rành khi tỷ lệ thất nghiệp giảm ở các nền kinh tế Anh – Mỹ trong những năm 1990 – 2000.
Nhưng, như Jagdish Bhagwati đã lập luận trong cuốn nổi tiếng của ông về chỉ trích tự do hóa nguồn vốn, có một “sự khác biệt giữa trao đổi hàng hóa và trao đổi tiền tệ”. Lĩnh vực tài chính vận hành khác với các lĩnh vực kinh tế khác.
Thực vậy, các thị trường vốn có thể cấp vốn một cách hiệu quả, nhưng khi gặp sự cố chúng lại nguy hiểm nhiều so với các thị trường lao động hay hàng hóa. Nếu ban quản lý một tập đoàn công nghiệp như General Motors mắc những lỗi chết người, nó sẽ gây hại cho các cổ đông GM, các công nhân và người tiêu dùng, và gây các tác động thứ cấp đến các khu vực mà tập đoàn này hoạt động.
Nếu một thể chế tài chính liên thông như Lehman Brothers hay Citigroup gặp trục trặc, thì hỏng hóc này sẽ gây ra những phí tổn hệ thống vô cùng lớn đối với toàn bộ nền kinh tế - điều mà các nhà kinh tế học gọi là những tác động tiêu cực bên ngoài. Khi Lehman Brothers sụp đổ, tiền mặt thiếu và tín dụng chậm thanh toán tăng mạnh tới mức chưa từng thấy trên khắp thế giới, gây ra một trận suy thoái toàn cầu.
Có nhiều lý do chính đáng để nghi ngờ rằng lĩnh vực tài chính vốn đã bấp bênh hơn các lĩnh vực kinh tế khác. Trong nền kinh tế thực, giá cả khó biến động và các quyết định đầu tư thường cần một quãng thời gian dài. Ngược lại, các tài sản tài chính lại có thể luân chuyển được và dễ thay thế. Các đặc tính này khiến thị trường tài chính càng dễ bị tổn thương khi kết hợp hành động với linh cảm – điều mà Keynes gọi là “các linh hồn thú vật” trong tác phẩm của ông năm 1963.
Các hành động có định hướng trên thị trường tài chính có thể trở thành “cỗ máy tự gia cố”. George Soros đã gọi ý tưởng này là “sự phản chiếu”, ý ông muốn nói đến một quá trình trong đó các biến động giá ảnh hưởng tới các nguyên tắc cơ bản, từ đó tác động trở lại giá.
Ví dụ, khi các tài sản trong một sổ quyết toán của một ngân hàng tăng giá, bảng cân đối tài sản tăng trưởng, tạo điều kiện để ngân hàng cho vay nhiều hơn. Người đi vay sẽ sử dụng số tiền này để mua những tài sản tương tự, làm gia tăng tài sản trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng đó và các ngân hàng khác, từ đó cho phép họ cho vay nhiều hơn nữa. Đây là một chu kỳ tự tồn tại. Sớm hay muộn, khi suy nghĩ thay đổi, mọi người cho rằng tài sản đã được định giá quá cao và bắt đầu “xả hàng”, và xu hướng ngược lại xảy ra. Kiểu hành động tự gia cố này hướng các thị trường đến sự bất cân bằng, hơn là tới chỗ cân bằng.
Hơn nữa, các nhà kinh tế học hàn lâm có vô số công cụ lý thuyết, mà họ phối hợp sử dụng, nhằm nói dối quanh rằng có thể cho phép lường trước mọi vấn đề của lĩnh vực tài chính. Ví dụ, học thuyết về môi giới giả định rằng động cơ của các tác nhân (như thương gia khi nhìn thấy các khoản tiền hoa hồng trong cả năm) có thể không trùng khớp với động cơ của tác nhân chính (tức là các cổ đông của các thể chế tài chính mà họ làm việc) vì tiền bồi thường cho họ ít hơn nhiều so với nguy cơ mà họ phải đương đầu.
Kinh tế thông tin, được phát triển bởi các nhà kinh tế học như Joseph Stiglitz, George Akerlof và Michael Spence, đã đặt nghi vấn về giả định nhấn mạnh các mô hình tân cổ điển chuẩn mực, theo đó các tác nhân tham gia thị trường được nhận những thông tin hoàn hảo. Kinh tế thông tin cảnh báo các hành động sai trái có thể nảy sinh trong một thế giới của kiểu tín dụng được chuyển ngay sang thị trường chứng khoán (mà người ta gọi là “originate-to-distribute”) và các kiểu tín dụng phái sinh phức tạp, mà ở đó sự bất cân xứng về thông tin là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Và cuối cùng, kinh tế học hành vi đã hoài nghi về các giả thiết thị trường hiệu quả, trong đó tài sản được niêm yết trên thị trường tài chính đại diện cho tất cả thông tin có thể được công bố. Các nhà kinh tế học như Robert Shiller và Richard Thaler đã phát hiện rằng giá dễ bay hơi trên các thị trường tài chính hơn là người ta nghĩ khi các biến động về giá chỉ phản ánh sự phát hiện thông tin mới. Ví dụ, hầu hết mọi người đều không thấy thông tin mới nào được tiết lộ đầu năm 2001, khi chỉ số Nasdaq sụt giảm từ 5.000 xuống còn 2.000 điểm, làm tổn thất 5.000 tỷ USD tài sản. Những bong bóng kinh tế và sự gàn dở, phản ánh các phản ứng tâm lý hơn là lý lẽ kinh tế, cũng cũ rích như chính các thị trường.
Có vô khối các công cụ lý thuyết để chứng minh rằng có những trường hợp giá hiện tại của các tài sản tài chính không phải lúc nào cũng phản ánh giá trị thực của chúng, và các thị trường tài chính không hẳn là con đường hiệu quả để cung cấp nguồn vốn khan hiếm cho những người có thể sử dụng chúng hiệu quả nhất. Nhưng hầu như không ai có thể làm điều này.

Các dấu hiệu cảnh báo đã bị bỏ qua
Thôi bàn đến chỉ số Nasdaq năm 2001, điều có thể đã đưa ra các dấu hiệu cảnh báo thậm chí rõ ràng hơn là kinh nghiệm của tự do hóa tài chính. Tự do hóa vốn là cách nhằm giảm sự cản trở đối với các dòng vốn xuyên biên giới, và khi công tác kiểm tra được giảm bớt dần trong những năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, thì các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh năm 1992 đã liên tiếp nổ ra với tốc độ ngày càng tăng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã sửa đổi Bộ luật Tự do hóa các dòng vốn, và buộc các nước thành viên thực hiện tự do hóa mọi dòng vốn vào năm 1989. Khi Mexico và Hàn Quốc muốn gia nhập câu lạc bộ hẹp này, họ đã tự do hóa lĩnh vực vốn của mình, và kết quả là cả hai nước này đã phải chịu một cuộc khủng hoảng tài chính – Mexico là cuộc khủng hoảng đồng Tequila năm 1994 và Hàn Quốc là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi nhiều nhân tố cùng góp phần vào các cuộc khủng hoảng này, tự do hóa lĩnh vực vốn đóng một vai trò quan trọng.
Bất chấp các dấu hiệu cảnh báo trên, các nhà kinh tế vẫn nhấn mạnh vào lợi nhuận của tự do hóa vốn. Stanley Fischer, khi đó là Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đã đưa ra một trường hợp lý thuyết về tự do hóa tài chính trong một bài phát biểu tại Hồng Công giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra năm 1997.
Ông cho rằng dòng luân chuyển vốn tự do tạo điều kiện phân phối hiệu quả tiền tiết kiệm toàn cầu, giúp các quốc gia đang phát triển tiếp cận nhiều hơn với đầu tư. Ông nói thêm, sự xuất hiện của các công ty tài chính nước ngoài với các kỹ thuật cho vay tinh vi hơn có thể gia tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng địa phương, từ đó nâng cao chuẩn mực và phân phối vốn vào các đầu tư sinh lời nhiều hơn.
Vấn đề là không có nghiên cứu toàn diện nào về các tác động của tự do hóa tài chính đối với tăng trưởng kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ cho nhận định trên. Khi bằng chứng thực nghiệm bắt đầu trở thành hiện thực cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nó lại không thể chứng tỏ bất cứ mối tương quan mạnh mẽ nào giữa tự do hóa và tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Các nghiên cứu thực nghiệm chứng tỏ rằng tự do hóa giúp giảm chi phí giao dịch tài chính và lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, các ưu điểm lớn này đã làm lu mờ nguy cơ của các cuộc khủng hoảng tài chính định kỳ. Không thể xác định liệu các đầu tư nước ngoài đổ vào các thị trường mới nổi những năm 1990 có tinh vi hơn các đầu tư địa phương hay không khi các nhà đầu tư địa phương hiểu rõ khách hàng của mình hơn. Trên thực tế, người nước ngoài chính là chủ thể của kiểu tâm lý trong các thị trường bong bóng, họ đổ tiền mua bất động sản thật ở Bangkok khi không có vấn đề gì, và rút tiền về sau những dấu hiệu khủng hoảng đầu tiên.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á có lẽ đã khiến các nhà kinh tế học phải đặt câu hỏi về lịch trình tự do hóa tài chính. Và đây chính là điều mà các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đã làm nhiều nhất. Chìm trong những lời khuyên vô giá trị về việc mở cửa nền kinh tế của mình cho các nguồn vốn nước ngoài đầu những năm 1990, hầu hết các nền kinh tế đã tự đóng sập cửa trước ngoại tệ và cân nhắc hướng đi của các dòng vốn bằng việc tích lũy USD nhằm bảo vệ mình khỏi sự bấp bênh của thị trường.
Điển hình là Trung Quốc, nước này dường như đã được minh oan khỏi những cáo buộc rằng họ chưa sẵn sàng tự do hóa lĩnh vực tài chính theo cách mà Mỹ đề nghị, và duy trì một tỷ giá hối đoái được ấn định ngày càng thấp, tới mức họ đã tích lũy gần 2.000 tỷ USD ngoại tệ trong thập kỷ sau khủng hoảng.
Các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách chủ chốt của Mỹ đã phản ứng rất khác nhau trước các sự kiện này. Khẩu hiệu mới sau năm 1997 là “sự tuần tự”, tức là tự do hóa vốn phải được tiếp tục tiến hành, song chỉ sau khi thành lập một hệ thống điều tiết tài chính. Theo quan điểm này, sai lầm lớn của Thái Lan không phải là thúc đẩy tự do hóa tài chính, mà là đã tiến hành việc này không kèm theo sự điều tiết tốt của các ngân hàng.
Tuy nhiên, không cần phải bàn về mục tiêu tối thượng của một thế giới toàn cầu hóa trong đó vốn có thể chảy tự do - thế giới mở ra các thị trường mới cho các ngân hàng như Goldman-Sachs, Lehman Brothers, Citigroup và các nhà cho vay lớn khác trong dây truyền cung cấp tài chính. Và không ai xác định rõ ràng điều gì tạo nên sự điều tiết thích đáng.
Bất chấp các lý thuyết của tin tức cần có sự đồng thuận mới sau khủng hoảng châu Á, rõ ràng là các nhà kinh tế học Mỹ trong chừng mực nào đó vẫn không xem vấn đề mày một cách nghiêm túc, bởi họ không áp thực tế này vào thực tế của mình. Các thị trường tài chính tiếp tục mở ra khiến lĩnh vực tài chính phình to ra nhanh hơn nhiều so với nền kinh tế thực.
Theo số liệu của OECD, từ năm 1990-2006, lĩnh vực tài chính đã tăng từ 23% GDP lên tới 31% tại Mỹ, và từ 22 lên 33% GDP tại Anh. Các lĩnh vực này đã tăng một phần vì các dạng thức tài chính mới được đưa vào thay thế các hình thức điều tiết vốn có. Vì vậy, ngành công nghiệp tài chính, hoạt động mà không bị chịu các hạn chế của nhà môi giới chứng khoán thông thường, đã tăng từ 40 tỷ USD lên tới gần 2.000 tỷ USD trong những năm 1994-2008. Thị trường tín dụng bảo lãnh tăng từ 180 tỷ USD lên 39 nghìn tỷ USD trong những năm 1997-2008.
Nếu các nhà kinh tế học Mỹ nghiêm túc làm theo lời khuyên mà chính họ đưa ra cho châu Á, họ có thể đã quan tâm đến sự xuất hiện của đám mây đen bao phủ lĩnh vực tài chính khổng lồ và hoàn toàn không bị kiểm soát này, và đã tìm đến các thể chế điều tiết nhằm bảo vệ chính mình và phần còn lại của thế giới khỏi cơn bão tài chính.
Nhưng thay vì thế, điều ngược lại đã xảy ra. Đạo luật Gramm-Leach-Bliley, được thông qua năm 1999, đã thay thế các quy định của Luật Glass-Steagall thời Đại Suy thoái, vốn cấm một công ty vừa là ngân hàng đầu tư vừa là ngân hàng thương mại.
Văn bản luật mới công khai cho phép các thỏa thuận hoán đổi chứng khoán không phải qua sự kiểm tra của Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán. Và Cục dự trữ liên bang Fed cho phép các ngân hàng tăng gấp ba tỷ lệ vay nợ, từ mức 10:1 lên mức 30:1.
Một số người tỉnh táo đã đặt câu hỏi về các âm mưu đằng sau sự hăng hái dỡ bỏ điều tiết này. Tháng 8/2005, ông Raghuram Rajan, khi đó là Giám đốc kinh tế của IMF, đã có bài phát biểu tại một hội thảo thường niên của các Thống đốc ngân hàng trung ương và các chuyên gia kinh tế cấp cao tại Jackson Hole, Wyoming, với chủ đề: “Liệu phát triển tài chính có làm cho thế giới nguy hiểm hơn?”.
Câu trả lời của ông là “có”, song thính giả của buổi hội thảo, trong đó có những người như Alan Greenspan và Lawrence Summers, đã không thấy cảm nhận ý nghĩa của những lời cảnh báo của ông Rajan. Chỉ sau khi xảy ra khủng hoảng, ông Greenspan mới thừa nhận hồi tháng 10/2008 rằng: “Tôi đã nhầm khi cho rằng các tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng và các thể chế tài chính khác tư lợi cho mình khi họ có khả năng nhất trong việc bảo vệ các cổ đông của mình và sự công bằng trong tổ chức”.
Quốc Thái (chuyển ngữ)


No comments: