Friday, September 4, 2009

CÁI DŨNG của KẺ SĨ "PHẠM ĐÌNH TRỌNG"


Cái dũng của kẻ sĩ
Nguyễn Ðạt Thịnh
03/09/2009
http://www.anhduong.info/index.php?option=com_content&task=view&id=4693&Itemid=1
Tôi nghĩ ông Phạm Ðình Trọng, hiện đang sống tại Sài Gòn, là một kẻ sĩ, một nhà văn, mà cũng là một dũng sĩ. Ông viết bài Tiếng Hà Nội, bài ông viết được BBC phổ biến ngày thứ Sáu 21 tháng Tám. Trong bài ông Trọng nhắc đến câu ca dao ca tụng người Hà Nội:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.


Nhắc đến cái thanh lịch của người Tràng An ngày trước, ông Trọng viết :
“Có một thời, dân gian vẫn gọi đất kinh kì Thăng Long, Đông Đô là Tràng An. Người Tràng An thanh lịch từ lời ăn tiếng nói đến cung cách quan hệ, giao tiếp, ứng xử xã hội.
“Thanh lịch cả từ việc làm ra những sản phẩm tinh xảo, sang trọng, có độ tin cậy cao, thanh lịch cả đến sự tinh tế trong thưởng lãm nghệ thuật, thưởng lãm ẩm thực.
“Kinh kì là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, nơi những hiền tài, những nguyên khí quốc gia được phát hiện từ mọi miền đất nước đưa về kinh kì làm việc trong bộ máy nhà nước, lo cho dân cho nước, làm rạng rỡ nòi giống Việt Nam.
“Quan chức nhà nước, những người cai trị đất nước bao giờ cũng là hình mẫu của xã hội.”


Ông Trọng ca tục Hà Nội thanh lịch ngày nào, để chất vấn Hà Nội dung tục ngày nay :
“Quan chức lịch lãm thì xã hội lịch lãm. Quan chức thô lỗ, dung tục thì xã hội thô lỗ, dung tục. Tinh hoa của đất nước dồn tụ về kinh đô tạo nên thanh lịch kinh kì. Vì thế thanh lịch là phẩm chất không thể thiếu của người kinh kì ngàn năm văn hiến".

Nét thô lỗ đầu tiên bị ông vạch ra là người Hà Nội nói ngọng. Ông quả quyết tệ trạng người Hà Nội nói ngọng tràn lan, và cho đó là một dấu chứng thông báo tình trạng thiếu vắng cốt nền văn hóa, con người văn hóa, về cấp độ lịch lãm, tinh tế của người Hà Nội hôm nay.
Phân tách trình độ văn hoá của các quan Việt Cộng, ông Trọng viết :
“Bộ máy nhà nước lành mạnh phải là nơi thu hút, hội tụ hiền tài đất nước và bộ máy nhà nước trung ương ở thủ đô chính là nơi hội tụ hiền tài lớn nhất.
“Nhưng một ông thứ trưởng họp báo lớn tiếng xỉ vả trí thức đã dám lên tiếng phản biện về dự án bô xít thì ông thứ trưởng đó dứt khóat không phải là hiền tài đất nước.”


Ví von về những tiêu chuẩn đói nghèo vật chất và đói nghèo văn hóa, ông viết :
“Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhà nước đã định ra một chuẩn nghèo làm căn cứ bình xét người thuộc diện nghèo để được hưởng trợ cấp xóa nghèo.
Trí thức là thành phần ưu tú của nhân dân, những người có tầm trí tuệ cao và nhân cách văn hóa lớn. Họ chỉ nói theo mệnh lệnh của lẽ phải, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Họ không thể nói những điều ngược với lợi ích nhân dân dù đó là mệnh lệnh của quyền lực. Xỉ vả trí thức, ông thứ trưởng ấy hòan tòan đủ chuẩn nghèo văn hóa!”


So sánh giữa cái nghèo vật chất và cái nghèo văn hoá, ông Trọng có ý định phát food stamps văn hoá cho ông thứ trưởng Việt Cộng chăng?
Ông đòi nhà nước Việt Cộng “đầu tư một khoản tiền lớn vào những công trình đánh dấu một mốc son thời gian, một bề dày lịch sử vẻ vang của một Thủ đô văn hiến.” Nhưng ông không nói trong những khoản “đầu tư lớn” về văn hoá đó có thứ fast food nào giúp nhét cấp tốc cái thanh lịch của nguời Trường An vào não những ông quan Việt Cộng không.
Ông than phiền vì thiếu văn hóa nên Việt Cộng không quan tâm đến văn hoá, không đầu tư vào văn hoá, mà “đầu tư hàng ngàn tỉ đồng làm những công trình hiện đại, hòanh tráng như đường hầm Kim Liên – Đại Cồ Việt để rồi chỉ một trận mưa ngay sau ngày khánh thành đã biến hầm giao thông hiện đại tầm cỡ thế giới trở thành bể ngầm chứa nước mưa thì liệu có đáng?
Ông Trọng quy trách thái độ các quan Việt Cộng gian lận, rút ruột công trình xây cất là sản phẩm của tình trạng thiếu văn hóa của người Hà Nội mới.
Ông còn trách việc Việt Cộng giả danh văn hoá đầu tư cả trăm tỉ đồng làm bộ phim về những nhân vật, những sự kiện lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Ông viết “bộ phim đang được thực hiện ồn ào, rần rộ, nhưng liệu có thóat được số phận của những bộ phim “cúng cụ”, bộ phim chỉ mang giá trị như một thứ lễ vật: bình hoa, đĩa trái cây, dâng lên bàn thờ trong ngày giỗ, ngày tết.
Phim làm xong, sau vài buổi chiếu chiêu đãi cho khách mời trong lễ kỉ niệm rồi lại xếp im lìm mãi mãi trong kho vì phim đưa ra rạp chiếu không có người xem!
Tất cả những bộ phim làm bằng chục tỉ, trăm tỉ từ ngân sách nhà nước để kỉ niệm những ngày lễ lớn từ trước đến nay đều như vậy cả, đều chìm nghỉm, không một tiếng vang, không một dấu ấn! Có chăng chỉ để lại dấu ấn về sự hao hụt đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân!

Ông Trọng than thở :
“Trong khi đó, nét hào hoa, thanh lịch của người kinh kì đã bị mai một, vơi cạn hầu như mất sạch, không còn dấu tích. Con người văn hóa, cốt nền văn hóa của cư dân Thủ đô ngàn tuổi đã xuống cấp tới mức thê thảm thì không được nhìn nhận để đầu tư nâng cấp!
“Một trong những nỗi đau lòng, nỗi tủi hổ về sự mất mát vẻ thanh lịch kinh kì, về sự xuống cấp cốt nền văn hóa người Hà Nội là tiếng nói Hà Nội lịch lãm, du dương và là chuẩn mực của tiếng Việt không còn nữa!”

Ông Trọng cho là sống ở Hà Nội hôm nay để phải nghe quá nhiều tiếng nói thô lỗ, tục tĩu và ngọng nghịu quả là khó sống. Không chỉ giận quan chức Hà Nội để Hà Nội mất giá kinh kỳ, mà nỗi giận của ông Trọng còn có “chiều dài” thời gian, ông kể lại một chuyện trong ký ức, “Cách đây hơn hai mươi năm, tôi đến Thư viện Quân đội ở số tám mươi ba phố Lý Nam Đế, Hà Nội dự phiên tòa của tòa án quân sự xét xử một sĩ quan là họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp những tấm ảnh phụ nữ khỏa thân.
“Mặc dù tôi rất muốn ngồi dự phiên tòa để chia sẻ với người bạn nghệ sĩ của tôi gặp nạn nhưng nghe ông thiếu tá chủ trì phiên tòa nói ngọng ''phải lói rằng chụp ảnh khỏa thân nà nối sống trụy nạc'' chối tai quá, thất vọng, mất lòng tin vào người cầm cân công lí quá, tôi phải bỏ về.
“Anh bạn tôi, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đại úy quân đội chỉ vì chụp ảnh khỏa thân đã bị ông quan tòa nói ngọng tuyên mức án bốn năm tù giam.
“Ông thiếu tá nói ngọng cứ tuần tự thăng tiến tới đại tá và ngôn ngữ ngọng nghịu cũng tuần tự phát triển lan rộng như cỏ mùa xuân!”


Ông Trọng nhận xét, “ngôn ngữ ngọng nghịu lan nhanh từ người lao động lam lũ mình trần ngòai bến cảng đến công chức áo sơ mi trắng, giày da trong phòng máy lạnh, lan từ chợ búa, hè phố đến giảng trường, công sở!
Ngôn ngữ hình thành không phải chỉ ở cơ cấu vật chất của cuống họng, không phải chỉ ở cơ chế vận động của cái lưỡi, của răng, môi.”


Người Hà Nội nói ngọng không còn là cá biệt, không chỉ có ở một vài người, không chỉ có ở tầng lớp bình dân.
Nói ngọng đã trở thành ngôn ngữ bình thường, quen tai của Hà Nội rồi! Học sinh, sinh viên nói ngọng!
Quan chức lên truyền hình cũng nói ngọng! Nói ngọng dẫn đến viết ngọng cả trong văn bản chính qui nhà nước.
Nói ngọng lúc đầu chỉ lẻ tẻ, thưa thớt, họa hằn đã được bỏ qua nên đến nay ngọng nghịu đã tràn lan, đã trở thành sự thách thức.

Khát vọng lớn nhất của kẻ sĩ, những hiền tài đất nước là khát vọng cống hiến, giúp ích cho đời, làm lợi cho dân cho nước, khát vọng cho chứ không phải khát vọng bổng lộc, hưởng thụ, khát vọng nhận.
Sự tham nhũng, vơ vét lộng hành, trắng trợn trong đội ngũ quan chức ở mọi cấp, mọi nơi thì đội ngũ quan chức ấy dứt khóat không phải là hiền tài đất nước!
Ông Trọng chỉ trích đến căn bản chính trị của chế độ là đánh cắp lá phiếu của cử tri Việt Nam. Ông viết, “một chế độ bầu cử dân chủ hình thức, người dân chỉ là chiếc máy bỏ phiếu dưới sự bấm nút và đôn đốc giám sát của cơ quan quyền lực, người dân hòan tòan bị gạt ra rìa trong việc đề cử, bầu chọn người tài.
Một cơ chế đề bạt, cất nhắc quan chức hòan tòan khép kín, trong tổ chức, theo ý muốn người có quyền dẫn đến việc chạy chức chạy quyền diễn ra như ngang nhiên ở khắp nơi thì bộ máy nhà nước ấy dứt khóat không thể thu hút được hiền tài thực sự.
Đó là nguyên cớ sâu xa dẫn đến sự dung tục, xuống cấp của con người công chức nhà nước và dẫn đến sự thảm hại của con người văn hóa Hà Nội hôm nay.
Đó là mảnh đất màu mỡ của cánh rừng ngôn ngữ Hà Nội dung tục và ngọng nghịu hôm nay.
"Chỉ quan tâm xây dựng văn hóa vật chất mà không chăm lo bồi đắp giá trị văn hóa phi vật chất là chúng ta đang xây dựng những lâu đài trên cát."


Các nhà khoa học từ nhiều nơi đến Hà Nội dự hội thảo khoa học vừa đến sân bay Nội Bài đã phải nghe một nhân viên sân bay xẵng giọng: Tôi không hỏi, ông đừng có lói, cứ theo tờ khai mà nàm!
Điều đó không còn là chuyện nhỏ nữa! Nói ngọng đã trở thành đặc trưng ngôn ngữ người dân sống trên mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến!

Trước khi nhận xét về bài viết của ông Trọng, tôi trang trọng khẳng định là tôi rất kính trọng ông, tôi tự lượng không can đảm được như ông trong việc ông mó dế ngựa. Ông nói tệ trạng người Trường An nói ngọng không phải là một chuyện nhỏ, tôi đồng ý. Nhưng tôi không nghĩ là những anh dã nhân từ hang Pắc Pó về Hà Nội sống đáng được gọi là người Truờng An. Trường An chỉ bị họ cưỡng chiếm từ năm 1954, như Nam Việt bị họ cưỡng chiếm năm 1975.
Tôi hình dung được nỗi khó chịu của ông khi ông nghe chính khách Việt Cộng lên TV nói ngọng, nhưng tôi không hiểu ông có chia được nỗi khó chịu của người Việt hải ngoại không, khi chúng tôi phải đọc văn chương Hà Nội trên báo chí hàng ngày.
Văn hóa bị phá sản từ hơn nửa thế kỷ là chuyện lớn, nhưng tôi đồng ý với thằng em rể Jim Webb: tạm gác chuyện bảo tồn văn hoá, chuyện đấu tranh dân chủ để lo cắt cái lưỡi bò trên Biển Ðông.
Tuy nhiên trước khi trở lại với Biển Ðông, tôi cầu nguyện ông thánh tổ văn hoá Việt Nam hiển linh che chở cho ông, một nhà văn già, yếu, nhưng vẫn can trường xỉ vả Vẹm đến nơi đến chốn.

Nguyễn Ðạt Thịnh


No comments: