Friday, September 18, 2009

CAP ANAMUR - CON TÀU HY VỌNG


Schiff der Hoffnung - Con Tàu Hy Vọng
Bernd Kastner
Lược dịch: Lý Thanh Trực
September 12, 2009
http://www.tamthucviet.com/articleview.aspx?artId=%C5%93N%1A^
Kỷ niệm 30 năm chuyến vớt người vượt biển đầu tiên của tầu CAP ANAMUR: ông Rupert Neudeck đến thăm 1 gia đình thuyền nhân năm xưa

Nụ cười rạng rỡ mang niềm hạnh phúc đã có được từ gần 3 thập niên của gia đình ông Nguyễn Văn Rị, đánh dấu sự hồi sinh từ cõi tuyệt vọng của biển cả mênh mông: khởi đầu cho 1 cuộc sống thứ hai .

Trong căn nhà tại Mönchengladbach, phòng khách với chiếc bàn dài đủ chỗ cho gia đình với tám người con, ông Rị lật từng trang Album gia đình. Tấm hình chụp từ trên cao chiếc ghe nhỏ bé giữa lòng đại dương, thuyền nhân nằm la liệt trên sàn ghe.

Cách đây đúng 30 năm, ngày 09.08.1979, con tàu lịch sử Cap Anamur rời cảng lần đầu tiên cho công tác nhân đạo: vớt người vuợt biển. Từ năm 1979 đến 1986 tầu Cap Anamur đã vớt được tổng cộng 10.375 thuyền nhân Việt Nam. 10.375 boat people đã được cứu sống từ những chiếc ghe mong manh trên Biển Đông và định cư tại Đức.

Chúng tôi đi tìm tự do
Nửa đêm vào một ngày tháng 6 năm 1981, vợ chồng ông Ri và bốn đứa con, lớn nhất mới bảy tuổi, xuống ghe trốn chạy chế độ độc tài cộng sản. Trước đó vào buổi chiều, bé Kim với 10 ngày tuổi đã được rửa tội để chuẩn bị cho chuyến đi tìm lẽ sống trong cõi chết. "Vâng, chúng tôi đi tìm tự do" , Thanh Long tâm sự. Ngày đó cậu bé mới được 4 tuổi.

Hơn 100 thuyền nhân trên chiếc ghe dài 12 thước với 200 lít nước. Sau 5 ngày, 6 đêm, nước cạn dần. Những chiếc tàu buôn vĩ đại lướt qua, phớt lờ chiếc ghe bé nhỏ chứa đầy người tị nạn, càng làm mọi người thêm tuyệt vọng. Sự nhẫn tâm của các thuyền buôn này đã làm chết thêm hàng chục ngàn thuyền nhân vào những năm đó (vì sóng gió, vì hải tặc, vì đói khát).
Bé Kim lả đi vì mẹ hết sữa. Ông Rị kể: "thêm một ngày nữa thì bé Kim khó qua khỏi. Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện".

Như từ trên trời đáp xuống, từ trong sương mù, một chiếc tàu vĩ đại bất ngờ hiện ra, thẳng hướng tới ghe. Một tiếng đồng hồ sau, chiếc ghe đã được cột vào tàu lớn. "Đừng sợ! Đừng sợ!", một thủy thủ từ trên cao hét xuống: "tất cả hãy ngồi im kẻo ghe bị lật!"

Vâng, đây là tàu Cap Anamur chứ không phải hải tặc. Gia đình ông Nguyễn Văn Rị đã được cứu sống nhờ nhà báo tiến sĩ Rupert Neudeck và vợ là bà Christel. Họ không thể im lặng nhìn thảm kịch hàng loạt người vượt biên chết đuối, chết vì hải tặc tại Biển Đông.

Ngày 24 tháng bảy 1979, cùng lúc các đài truyền hình cho chiếu hình ảnh tuyệt vọng của thuyền nhân VN, nhà báo đài ARD – đài truyền hình số một của Đức – ông Franz Alt đã kêu gọi quyên góp để cứu các thuyền nhân. Nhân dân Đức phản ứng một cách nhiệt thành. Trong vòng 3 ngày, số tiền quyên góp đã được trên 1 triệu Đức Mã.

Ông Rupert Neudeck với hiệp hội mới thành lập « Một Con Tàu cho Việt Nam» mướn ngay một tàu vận tải. Rời cảng Kobe, Nhật Bản, ông Neudeck với tàu Cap Anamur khởi sự sứ mạng nhân đạo: cứu người vượt biển. 3 năm liền con tàu này đi lại trên biển Đông để thi hành công tác nhân đạo của mình.

Giữa thập niên 80, hiệp hội với tên mới «Cap Anamur – Bác Sĩ Đức Cứu Cấp» mướn liên tiếp hai tàu hàng để tiếp tục sứ mạng. Cả ba chiếc tàu đều lấy tên Cap Anamur là tên một vùng Vịnh tại bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Không bao lâu, cái tên Cap Anamur trở thành đồng nghĩa với cứu trợ nhanh chóng, bất chấp các khó khăn chính trị, trở ngại hành chánh. Khi nhắc lại chuyện 30 năm về trước, ông Neudeck nói, thật như câu chuyện kinh thánh « Lưới (Cá) Người ». Đối với ông Neudeck, Cap Anamur là bằng chứng: một xã hội tự do có thể đạt được tất cả. Công dân có thể làm những điều chính phủ của mình không muốn. Lòng nhân đạo của công dân mình đã « ép » chính phủ không thể từ chối sự cứu trợ nhân đạo này. Ít ra cũng được vài năm. Ông Neudeck không chỉ cứu thuyền nhân từ Biển Đông, mà còn đấu tranh cho thuyền nhân được tị nạn tại Đức, tối thiểu tất cả các thuyền nhân đã được tàu Cap Anamur cứu vớt.

Tháng 7.1982 chính phủ Đức quyết định ngưng nhận người Việt tị nạn. Thành phần trí thức Đức - như nhà văn Heinrich Böll - phản đối dữ dội. Nhờ đó – mặc dù theo luật pháp quốc tế có nhiều vướng mắc - công tác vớt người vuợt biên và cho tị nạn tại Đức kéo dài đến năm 1986.

Liền sau đó, hiệp hội « Cap Anamur – Bác Sĩ Đức Cứu Cấp» tiếp tục nhiều sứ mạng tại nhiều quốc gia: xây dựng các trại tị nạn với trường học, trạm y tế,.. lo tiếp tế thực phẩm, nước uống, thuốc men… cho người trong trại.

Tháng 7. 2004, Cap Anamur vớt 37 thuyền nhân tại bờ biển Phi Châu. Những thuyền nhân này khai gian là người Sudan. Thật ra 31 thuyền nhân là người Ghana và 6 thuyền nhân là người Nigeria. Chủ tịch hiệp hội lúc đó là ông Elias Bierdel bị bắt tại Ý Đại Lợi với tội danh giúp người nhập cảnh Ý trái phép. Ông cựu chủ tịch Neudeck cũng không đồng ý với hành động này của ông Bierdel,

Hội nhập thành công
Đối với gia đình ông Rị, ông Rupert Neudeck và các thành viên hiệp hội Cap Anamur luôn luôn là những vị anh hùng. Sau khi được cứu sống từ Biển Đông, gia đình ông Ri được đưa vào trại tị nạn Palawan, Phi Luật Tân. Một năm sau đó được định cư tại Đức. Hoàn toàn tình cờ, họ đã đến định cư tại thành phố Mönchengladbach cho đến ngày hôm nay. Ông Ri học và hành nghề thợ máy tại một hãng liên tục 24 năm qua. Gia đình đã có thêm 4 người con sinh ra tại Đức. Ông Ri hoạt động hăng say trong giáo xứ và cộng đồng người Đức cũng như người Việt tị nạn. Năm 2005 ông được nhận huy chương Danh Dự Liên Bang Đức – Bundesverdienstkreuz (Bundesverdienstkreuz là huy chương cao quý, danh dự đặc biệt của nước Đức. Thường chỉ trao tặng cho những người con ưu tú nhất của nước Đức. Rất ít sắc dân thiểu số nào được danh dự này. Đây cũng là niềm hãnh diện chung của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản chúng ta. Chú thích của người dịch).

Hầu hết các con trong gia đình ông Ri đều tốt nghiệp đại học: nghệ thuật, kinh tế, điện toán. Thanh Long trở thành một kiến trúc sư. Cả gia đình đều đã nhập tịch Đức. Tất cả mọi người đều cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống. Tất cả mọi người - như một lời cám ơn - đã hội nhập thành công vào đất nước tiếp đón họ.

Ông Rị mở các cuốn Album gia đình cho quý khách coi các tấm hình năm xưa. Tiếng Đức của ông sau gần ba mươi năm vẫn chưa lưu loát, nhưng không sao. Ánh mắt ông rạng rỡ và các tấm hình gia đình nói lên tất cả, mỗi tấm hình là một bằng chứng hạnh phúc. Đây, tấm hình chụp Kim với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị tại Vatican, cô bé 10 ngày tuổi và được rửa tội vào ngày rời Việt Nam cách đây 28 năm.

(Lược dịch bài "Schiff der Hoffnung" của ông Bernd Kastner, Süddeutsche Zeitung, 07.08.2009).
Lý Thanh Trực



No comments: