Saturday, September 12, 2009

ĐÀN ÁP CÀNG MẠNH CHỐNG ĐỐI CÀNG TĂNG


Ðàn áp càng mạnh, chống đối càng tăng
Nguyễn Ðạt Thịnh
Thứ Sáu, ngày 11 tháng 9 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090911_07.htm
Vụ bắt giữ các anh Lê Công Ðịnh, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và bắt họ lên truyền hình nhận tội, còn đang tạo rắc rối cho Việt Cộng vì phản ứng của đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak, thì một vụ khác, cũng không kém sôi nổi, đã lại bắt đầu.
Lần này Việt Cộng không bắt ai cả mà chỉ ra lệnh tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị sa thải một ký giả, anh Huy Ðức, làm việc cho tờ báo này dưới hình thức hợp đồng; ông Trần Công Khanh, tổng thư ký tòa soạn, nói quyết định hủy bỏ hợp đồng với anh Huy Ðức không phải là để thi hành lệnh của nhà nước. Việc ông Khanh “lạy ông tôi ở bụi này” không làm anh Huy Ðức khó chịu. Anh đồng ý “hủy bỏ hợp đồng” dù bài anh viết bị ông Khanh cho là đi ngược lại với “quan điểm chính thống” của nhà nước không hề đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị.
Bài báo đó là bài “bức tường Berlin ” anh viết và post trên blog Osin do chính anh chủ trương. Nguyên văn bài báo như sau:


Bức tường Berlin
Huy Đức
Tuần trước, một người Đông Đức, bà Angela Merkel, vừa lên tiếng trên cương vị Thủ tướng nước Đức thống nhất cám ơn Hungary cách đây 20 năm, tháng 8-1989, đã mở cửa biên giới của mình, để cho hơn 60 nghìn người Đông Đức thoát ra, dẫn tới sự kiện bức tường Berlin sụp đổ.
Tháng 6-2004, Hoàng- một đồng đội cũ của tôi ở trường sĩ quan, cựu đại úy quân đội nhân dân Việt Nam, con trai một vị tư lệnh chiến trường nổi tiếng thời đánh Mỹ và đánh Pol Pot- lái xe chở tôi chạy từ Đông sang Tây và cuối cùng đến trước bức tường Berlin. Hoàng nằm trong số những người Việt Nam đầu tiên leo qua phía Tây, thay vì đủ kiên nhẫn để đập đổ cái mà Hoàng, cho đến ngày nay, vẫn coi là “bức tường ô nhục”.
Berlin cũng như nước Đức, sau Thế chiến thứ II, bị “xẻ làm tư” theo thỏa ước Potsdam . Cho dù Liên Xô phản đối, các nước Anh, Pháp, Mỹ sau đó vẫn trả lại quyền tự chủ cho người Đức trên phần lãnh thổ mà mình tiếp quản. “Kế hoạch Marshall ” đã giúp Tây Đức phát triển rất nhanh dựa trên nền tảng tự do.
Năm 1948, Stalin ra lệnh phong tỏa, không cho vận chuyển lương thực thực phẩm từ Đông sang Tây. Nhưng vẫn không có người Tây Đức nào đi theo Stalin. Trong khi, trong suốt thập niên 50 đã có hơn 3,5 triệu người Đông Đức bỏ chạy sang Tây Đức. Ngày 1-8-1961, Tổng Bí thư Liên Xô, Krushchev, điện đàm với Ulbricht, Bí thư thứ nhất Đông Đức “đề nghị xây tường”. Ngày 12-8 năm đó, Ulbricht ký lệnh đóng cửa biên giới và “bức tường ô nhục” đã được người Đức cùng với “Hồng Quân Liên xô” nửa đêm “dựng lên lén lút”.
Bảo tàng Bức tường Berlin là một trong những bảo tàng vô cùng ấn tượng. Có thể tìm thấy ở đây những sự kiện bi thảm; nhưng, cũng có thể tìm thấy ở đây những câu chuyện hết sức li kỳ. Chỉ có với khát khao tự do con người mới có thể bất chấp sự hiểm nguy mà vượt thoát mãnh liệt đến vậy. Lượng người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin không dừng lại ở con số 1.374; mới đây, Bảo tàng vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân “vượt biên” mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm tự do.
Chỉ cần đến Bảo tàng Bức tường Berlin là có thể hiểu vì sao cả Đông Âu, tràn ngập xe tăng Liên Xô, thế mà vẫn đổ; có thể hiểu vì sao Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu lấy ngày “23 tháng Tám là ngày tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa Stalin và Phát xít”. Ngày 23-8-1939 , Stalin đã bắt tay với Hitler, ký Hiệp ước phân chia Châu Âu. Chỉ một tuần sau, ngày 1-9-1939, Hitler đánh chiếm một phần Ba Lan; ngày 17-9-1939, Liên Xô xâm lược phần còn lại. Người của Stalin, ngay sau đó đã giết hại hàng trăm nghìn người Ba Lan và đưa hơn một triệu người Ba Lan khác lưu đày viễn xứ.
Nếu như, chủ nghĩa Hitler chỉ kịp gây tội ác trong những năm tháng chiến tranh thì chủ nghĩa Stalin lại tiếp tục hủy hoại con người ngay cả khi không còn tiếng súng. Sự hy sinh của hơn 20 triệu người Liên Xô, sự anh dũng của các tướng lĩnh, của Hồng quân là vô cùng vĩ đại. Nhưng, sự hy sinh ấy của nhân dân đã bị những người như Stalin tước đoạt. Liên Xô, quốc gia đóng vài trò quyết định trong cuộc chiến chống Phát xít, thay vì được ghi nhớ như là “giải phóng quân” đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và đã áp đặt lên Đông Âu một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản.
Tại Đông Đức, sau 8 năm chiếm đóng, chính quyền do người Nga lập nên liên tục có những hoạt động thanh trừng nội bộ; khủng bố những người bất đồng; kiểm soát thanh niên; trong khi, thực phẩm thì khan hiếm và đắt đỏ. Sau khi Stalin chết, hơn 1 triệu người dân Đông Đức đã xuống đường biểu tình. Chính phủ Đông Đức rút chạy vào tổng hành dinh của Hồng quân Liên Xô. Chính họ đã cầu cứu và “ngoại bang” đã dùng xe tăng thẳng tay đàn áp cuộc chống đối đâu tiên của nhân dân ấy.
Tại Hungary , sau năm 1945, cuộc bầu cử dân chủ chỉ đem lại cho đảng cộng sản Hungary 17%. Nhưng ngay sau đó, “toàn quyền Liên xô”, tướng Kliment Voroshilov đã buộc một thành viên không đảng phái trao ghế Bộ trưởng Nội vụ cho László Rajk, người của đảng cộng sản Hungary. László Rajk đã lập ra cơ quan an ninh quốc gia sử dụng cách mà Hitler đã làm trong thập niên 30: vu cáo, bắt bớ, tra tấn… tiêu diệt dần đối lập. Ngày 23-10-1956 , người Hungary đứng dậy hô to “không cam chịu làm nô lệ nữa”. Nhưng, ngày 4-11-1956, xe tăng Liên Xô nghiến nát cuộc chính biến sau khi máy bay ném bom xuống Thủ đô Budapest: 2.500 người Hung bị giết; 200 nghìn người khác phải trốn khỏi quê hương.
Sự ngột ngạt về chính trị và bế tắc về kinh tế trở thành tình trạng phổ biến ở Đông Âu. Năm 1967, sau khi trở thành Bí thư thứ Nhất Tiệp Khắc, Alexander Dubcek tiến hành cải cách. Dubcek cho phát triển kinh tế tự chủ hơn; các tù nhân chính trị được tha và báo chí bắt đầu có tiếng nói. Không chủ trương đa đảng, Dubcek chỉ có ý định xây dựng “chủ nghĩa xã hội nhân bản hơn”. Tuy nhiên, những nỗ lực của Dubcek càng mang lại sự thịnh vượng cho nhân dân thì lại càng gây lo lắng cho Liên Xô. Cho dù không có “nổi dậy”, đêm 20-8-1968, xe tăng Liên Xô vẫn tiến vào Praha theo sau bởi hơn 165 nghìn quân của khối Warsava.
Tại bảo tàng Bức tường Berlin , có một đoạn video gần như được liên tục phát, đó là trích đoạn phát biểu ngày 12-6-1987 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan: “Mr. Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này”. Thật khó để xác định ai là người đóng vai trò chính để kết thúc chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, có thể bức tường Berlin đã không sụp đổ nếu như tháng 3-1989, Thủ tướng Hungary, Miklos Nemeth, khi có ý định “tháo gỡ hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới” không nhận được tín hiệu từ ông Gorbachev: “Vấn đề an ninh biên giới là việc của ông Nemeth”.
Không có một dân tộc nào không nuôi khát vọng tự do ngay cả dưới họng súng của xe tăng và đại bác. Câu trả lời của ông Gorbachev đơn giản chỉ là trả cho người Hungary quyền tự quyết. Cái quyền mà người dân Đông Âu lẽ ra phải được hưởng kể từ 1945.
Cũng trong tháng 6-2004, tôi có đi qua một vài nghĩa trang quân Đồng Minh chết sau sự kiện Normandy . Những tấm bia ở đây nói rõ là nghĩa trang được lập bởi dân chúng địa phương góp đất và tiền để tưởng nhớ những người lính Anh, Mỹ, New Zeland , Australia … Những “nghĩa trang dân lập” ấy vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay với hoa tươi quanh năm. Trong khi, năm 2007, Tổng thống Nga Putin bị các quốc gia lân bang đặt trước tình huống phải ký sắc lệnh lập 7 văn phòng đại diện tại Ba Lan, Hungary và các nước vùng Baltic để bảo vệ mộ của Hồng quân. Thật không phải khi đụng đến nơi tưởng niệm những người đã hy sinh. Nhưng, cái cách mà Putin cư xử với lân bang đã khiến họ nhớ lại thời Liên Xô và nhận thấy những tượng đài Hồng quân “không còn là một biểu tượng chống phát xít mà là biểu tượng của sự chiếm đóng”.
Bên cạnh những bao cát của Checkpoint Charlie, chốt gác giữa Đông và Tây Berlin , cũng luôn có hoa tươi. Có lẽ ngay chính người Mỹ, sau những chiến tranh Việt Nam , chiến tranh Iraq , cũng thèm khát hình ảnh của chính mình trên bờ biển Normandy hay ở cái Checkpoint Charlie ấy. Từng là một người lính ở Campuchia tôi hiểu, không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng. Nhưng, không chỉ những người đã nằm xuống, người lính thường kết thúc sứ mệnh sau khi buông súng, mà những việc có ảnh hưởng tới “các giá trị thiêng liêng” khi ấy mới thực sự bắt đầu. Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do.
Huy Đức

Bài báo thật là mạnh và tạo nhiều liên tưởng về Việt Nam qua những nối kết giữa chính sách cộng sản Việt Nam với những chính sách cộng sản Ðông Âu.
Thế hệ đấu tranh thứ nhì của Việt Nam đang ồ ạt và oai dũng đứng lên với những khuôn mặt trẻ trung nhưng vô cùng đởm lược, như Lê thị Công Nhân, Lê Công Ðịnh, Nguyễn Văn Ðài, Nguyễn Tiến Trung, và mới đây nhất: blogger Huy Ðức. Tôi chỉ liệt kê ngần đó người, nhưng họ rất đông, có người tôi biết, có người tôi chưa biết, và tôi nghĩ, chính Việt Cộng cũng chưa biết.
Huy Ðức là khuôn mặt mới nhất trong những đợt sóng vĩ đại của Biển Ðông tự do, hai chữ “mới nhất” không có nghĩa là Huy Ðức mới cầm bút đấu tranh, mà mới chỉ vì độc giả hải ngoại mới biết anh. Anh đã viết hàng trăm bài bình luận đưa lên blog Oisin, bài nào cũng sắc bén, nhưng bài “Bức Tường Berlin” của anh đã chạm nọc nhà nước Việt Cộng nặng nhất.
Chúng khoe khoang là chúng không coi khác biệt chính kiến là một cái tội để chúng bắt bớ giam cầm những chiến sĩ tự do, nhưng chúng đang trừng phạt Huy Ðức về tội đi ngược với quan điểm chính thống –quan điểm của chúng. Chúng có nói quanh, nói co thì rồi sự thật vẫn hoàn sự thật: chúng không chấp nhận cho ai nghĩ khác chúng.

Huy Ðức không chỉ nghĩ, mà còn lập luận hoàn toàn khác chúng; chúng trừng phạt anh vì những tư tưởng này.
Huy Ðức viết bài “Bức Tường Berlin” để kỷ niệm 20 năm ngày bức tường này bị dân chúng phá tan, chấm dứt cảnh chia đôi nước Ðức. Việc phá tường Berlin đánh dấu ngày suy xụp của chế độ cộng sản tại Ðông Ðức, chế độ đã ra lệnh cho binh sĩ gác bức tường ô nhục này bắn vào những người dân trèo tường để vượt thoát tìm tự do.
Huy Ðức ca tụng những người lính Ðức cưỡng lệnh chính phủ cộng sản Ðức; anh viết, "Lượng người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin không dừng lại ở con số 1.374; mới đây, bảo tàng vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân “vượt biên” mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm tự do."
Ca tụng người vượt biên dĩ nhiên Huy Ðức đã không đi đúng lề phải nhà nước Việt Cộng dành cho người cầm bút; anh còn bị buộc vào tội nặng hơn là đi ngược “luồng tư tưởng chính thống.”

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ kể khó, kể khổ của một thi sĩ cầm bút dưới thời Pháp thuộc.
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An Nam khổ như chó,
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Như đàn chó đói gậm trơ xương.


Nhà văn Việt Nam năm 2009, năm đất nước đã “hoàn toàn độc lập, tự do, hạnh phúc” mà vẫn phải gặm những cục xương tuyên truyền trống rỗng, tẻ nhạt, phải nhắm mắt trước mọi nhiễu nhương, tham ô, thì quả họ cũng không sướng hơn những nhà văn An Nam 100 năm trước cầm bút dưới cặp mắt cú vọ của sở an ninh Pháp.
Huy Ðức cũng nghĩ như vậy; anh viết câu kết của bài Bức-tường-Berlin: "Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do."

Huy Ðức không thể “chửi” Việt Cộng nặng hơn được nữa; chúng đã nhân danh tự do của người Việt Nam, nhân danh độc lập của nước Việt Nam để phát động cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, sắt máu đến mức núi sông Việt Nam ngập máu Việt Nam; chúng huyênh hoang gọi cuộc nội chiến là “chiến tranh giải phóng”; giờ này Huy Ðức bảo chúng đánh lận danh từ để cướp cả tự do của người Việt Nam, cướp cả nền độc lập của nước Việt Nam dưới ảnh hưởng nặng nề của Tầu.

Huy Ðức còn đi xa hơn nữa trong một bài báo ngắn: anh xúi giục lính Việt Cộng không bắn vào đồng bào Việt Nam tìm tự do trong những cuộc xuống đường hiện nay, và nhất là trong tương lai. Xúi dục bằng cách phong thánh cho những người lính Ðông Ðức thà quay súng tự bắn vào đầu mình chứ không nổ súng giết dân theo lệnh các lãnh tụ cộng sản Ðông Ðức.
Anh đã nhìn thấy một Thiên An Môn Việt Nam , và anh đang chuẩn bị tư tưởng cho binh sĩ Việt Cộng “không bắn đồng bào mưu cầu tự do.”

Tôi ngả nón kính phục thái độ can đảm của anh, nhưng tôi cũng vô cùng lo lắng cho anh: mất job chỉ là một trừng phạt nhỏ, anh còn có thể mất tự do, hay mất cả mạng sống nữa.

Nguyễn Ðạt Thịnh




No comments: