Thursday, August 20, 2009

THỦ ĐOẠN ĐE DOẠ CỦA BẮC KINH


"Cái thế lưỡng nan là: các quốc gia tự do càng xích gần tới Trung Quốc bao nhiêu thì khả năng bị va chạm với lợi ích của Đảng Cộng sản càng lớn bấy nhiêu" (Andreew Shearer). Tuy vậy, con đường toàn cầu hóa không phải là điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thè "lưỡi rắn" đến đâu tùy ý. Như một nghịch lý, chính nó cũng là một cơ hội để các dân tộc kịp thời thức tỉnh trước nọc độc nguy hiểm của cái lưỡi mềm dẻo của loài rắn và không sớm thì muộn, hóa giải nó bằng những liệu pháp kinh tế và chính trị hiệu nghiệm. Chỉ cần cái lưng thật thẳng của người cầm chịch như vị Thủ tướng Australia trong việc đón tiếp bà Rebiya Kadeer (và đương nhiên cái cần hơn là ông TT không có quan hệ "4 tốt" và "16 chữ vàng" với bọn rắn), là quốc gia mình, dân tộc mình có thể đứng vững. Bởi vậy, các quốc gia trong khu vực cần hợp sức chống lại nỗ lực của Bắc Kinh vặt từng quốc gia một và bẻ cong các luật lệ đã được chấp nhận theo các mục đích riêng của Trung Quốc.
Bauxite Việt Nam

Nghịch lý Trung Quốc
Thủ đoạn đe dọa của Bắc Kinh là lời cảnh báo cho mọi quốc gia trên thế giới.

Andreew Shearer
The Wall Street Journal, ngày 18/8/2009

HD Mạng Bauxite Việt Nam dịch.
Thứ Năm, 20/08/2009
http://bauxitevietnam.info/c/6144.html

Ngày hôm qua ở Australia có hai động thái cho thấy cái nghịch lý trong mối quan hệ với Trung Quốc:
- Ngoại trưởng Australia Stephen Smith xác nhận rằng chuyến viếng thăm đã được dự trù của Thứ trưởng He Yafei đã bị Chính phủ Trung Quốc hủy bỏ vì Canberra quyết định cấp visa cho nhà lãnh đạo Úy Ngô Nhĩ đang lưu vong Rebiya Kadeer.
- Cũng trong ngày hôm qua, thông báo về thương vụ khí hóa lỏng trị giá 50 tỷ đô la Australia (41 tỉ đô la Mỹ) đã tái khẳng định tầm quan trọng của Trung Quốc về mặt kinh tế đối với Australia và nhu cầu vô độ của Trung Quốc đối với tài nguyên và năng lượng của Australia.

Cái thế lưỡng nan là: các quốc gia tự do càng xích gần tới Trung Quốc bao nhiêu thì khả năng bị va chạm với lợi ích của Đảng Cộng sản càng lớn bấy nhiêu. Các đối tác của Australia ờ châu Á và những nơi khác cần lưu ý đến bài học mà Canberra đang phải chịu này.

Bề ngoài Bắc Kinh chẳng vui gì với cái mà họ cho là những cú đấm có tính toán của Australia vào lợi ích Trung Quốc. Trước tiên Canberra mạnh dạn tiết lộ kế hoạch phòng thủ, nghi ngờ ý định nằm đằng sau việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng hải quân và thừa nhận Australia sẽ tăng cường sức mạnh hàng hải của riêng mình. Sau đó, vào tháng Sáu, kế hoạch của Công ty quốc doanh Chinalco nhằm đạt được số vốn chủ yếu trong Công ty Rio Tinto bị sụp đổ – cho dù kế hoạch này cuối cùng bị ngăn lại không phải do Chính phủ Australia, mà là do các cổ đông hợp pháp của Rio Tinto không an tâm. Và cuối cùng là quyết định vào tháng Bảy của Canberra cấp visa cho bà Kadeer. Các nhà ngoại giao Trung Quốc vụng về đã làm cho bà trở nên có chính nghĩa ngời ngời ở Australia bằng cách cố gắng một cách vô vọng dựa vào các nhà tổ chức để ngăn không cho bà xuất hiện tại một cuộc liên hoan phim quốc tế Melbourne và tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia.

Nhưng lý do căn bản hơn khiến Bắc Kinh giận dữ có lẽ ở chỗ khác. Trung Quốc dựa vào Australia về nhập khẩu quặng sắt, việc thương thuyết giá quặng lại ngày càng gay gắt. Các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc thấy việc đảm bảo có nguyên liệu giá rẻ là sinh khí đối với việc duy trì tăng trưởng và do đó đối với cả tính chính đáng chính trị và sự sống còn của chính họ. Điều này khiến cho khoáng sản và năng lượng có tầm quan trọng chiến lược sinh tử. Họ nhất quyết khai thác sức mạnh của người mua để tránh phải trả theo giá thị trường hiện hành. Và rõ ràng họ không đi xa hơn chuyện chỉ đe dọa một tí. Các quốc gia châu Á nhỏ hơn như Singapore và các cường quốc châu Âu lớn hơn như Pháp đã phải trả giá vì sự phẫn nộ của Trung Quốc rồi.
Việc Trung Quốc bắt nạt cũng đang có tác động hiển nhiên ở Australia. Giá cổ phiếu của Rio Tinto giảm 3% khi Công ty bị cáo buộc trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc là đã phạm tội gián điệp thương mại. Nhiều người trong giới kinh doanh Australia lo lắng, một số trường hợp hủy bỏ kế hoạch đi Trung Quốc sau khi Stern Hu, một viên chức quản trị của Rio Tinto, bị bắt. Phe ủng hộ Trung Quốc trên phương tiện truyền thông và trong cộng đồng kinh doanh đang thúc giục một thỏa ước về quyền được ưu tiên mua trước. Hôm thứ hai, Fortescue Metals Group, một Công ty khai khoáng chính khác của Australia, đồng ý bán quặng sắt với giá thấp hơn của Rio Tinto để đánh đổi việc Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng giá rẻ trị giá 6 tỉ đô la Mỹ. Hội Sắt Thép Trung Quốc vốn hùng hổ, tuyên bố ngay rằng nó sẽ sử dụng giá thỏa thuận với Fortescue làm đòn bẩy để thương thảo với ba nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới.
Hôm qua, Petro China, một công ty quốc doanh khác, đồng ý mua khoảng 50 tỉ đô la Australia (41 tỷ đô la Mỹ) khí hóa lỏng của một đề án Australia.

Thật cám dỗ đối với Australia và các quốc gia châu Á khác để hạ thấp tính nghiêm trọng của các hành động ngoại giao Trung Quốc, để cho rằng các hành động đó không có liên hệ gì và phải xử lý như những vụ rắc rối song phương đơn thuần. Nếu những quan ngại của Bắc Kinh có thể giải quyết lặng lẽ đằng sau những cánh cửa đóng kín, thì không nghi ngờ gì nữa, điều này được trình bày như một bằng chứng cho thấy Thủ tướng Rudd vốn nổi tiếng thông hiểu Trung Quốc ra sao. Điều này cũng trao cho Trung Quốc một chiến thắng chính trị ở trong nước.

Xét về dài hạn, một sự rút lui như thế khó lòng phục vụ cho lợi ích tối thượng của Australia và khu vực. Tính chăm chăm hám lợi của Trung Quốc, sự giận dữ của họ trong những cuộc hội đàm thẳng thắn về những kế hoạch quân sự của Trung Quốc và những nỗ lực của họ để dập tắt chuyện tự do ngôn luận thậm chí bên ngoài biên giới Trung Quốc, tất cả đều có liên quan đến nhau. Tất cả đều cho thấy phần nào sức mạnh đang trỗi dậy và sự sẵn sàng của Trung Quốc triển khai sức mạnh này ở nơi nào Bắc Kinh cảm thấy lợi ích của mình bị đe dọa – bất chấp các chuẩn mực quốc tế hay lợi ích của các nước khác. Nhưng tất cả còn là sản phẩm của các thiết chế nội địa Trung Quốc. Tính bí mật, sự khống chế của nhà nước và chuyện lạm dụng sức mạnh một cách vô cớ, không kể đó là lĩnh vực thương mại, quân sự hay ngoại giao, làm nổi bật không phải sức mạnh Trung Quốc, mà là sự mỏng manh của hệ thống chính trị và bệnh hoang tưởng của giới lãnh đạo.

Australia cần phải giữ vững lập trường của mình khi đứng trước các thủ đoạn đe dọa của Bắc Kinh. Và các quốc gia trong khu vực cần hợp sức chống lại nỗ lực của Bắc Kinh vặt từng quốc gia một và bẻ cong các luật lệ đã được chấp nhận theo các mục đích riêng của Trung Quốc. Châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, đã phát triển mạnh trong suốt nửa thế kỷ, nhờ một trật tự kinh tế và chiến lược khu vực có tính chất mở và minh bạch. Không có lý do gì mà Trung Quốc không thể tiếp tục phát triển trong cái khuôn khổ đã thành công lớn như thế.

Đẩy mạnh sự trung thành trong khu vực với các luật lệ đã xác lập – không kể hành xử thương mại, luật pháp, ngoại giao hay chuyện lưu thông trên biển – là con đường tốt nhất đối với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á để bảo vệ lợi ích và sự tự chủ của mình trong một kỷ nguyên được xác lập bởi sự trỗi dậy đồng thời của Trung Quốc và Ấn Độ thành hai siêu cường. Các quốc gia dân chủ hàng đầu có nền kinh tế thị trường ở châu Á – Nhật Bản, Ấn Độ và cả một Indonesia đang vươn lên mạnh mẽ – có quyền lợi thậm chí lớn hơn trong việc cùng nhau giúp đỡ các thị trường mở, và bảo vệ các giá trị chung, bao gồm cả quyền con người và quyền tự do ngôn luận. Việc kêu gọi Trung Quốc chơi đúng luật sẽ đáng tin cậy hơn nếu các nền kinh tế phát triển tránh các tiêu chuẩn kép bằng cách chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ, cả dưới hình thức truyền thống lẫn hình thức “mềm”, hợp thời trang hơn.
Các nền dân chủ ở châu Á cũng nên cùng với Hoa Kỳ và Australia thảo luận cách thức có thể tác động đến ứng xử của Trung Quốc. Bộ Trưởng Thương mại Hoa Kỳ đã đi tiên phong khi ông nêu vụ ông Hu với nhà cầm quyền Trung Quốc – không phải vì thiện ý đối với Australia, mà là vì chính quyền Obama nhận ra ý nghĩa vụ án ông Hu đối với các chính phủ và công ty đang làm ăn với Trung Quốc, không kể họ có quốc tịch nào.

Chừng nào Bắc Kinh chưa xử sự với công dân của nó và cũng như với các nước khác một cách minh bạch, trọng thị và đúng luật, thì chừng ấy các nước khác có rất ít sự lựa chọn nào khác, ngoài việc cùng nhau bảo vệ cả các giá trị lẫn những lợi ích của họ.

Shearer là Giám đốc nghiên cứu và là senior research fellow của Viện Lowy về chính sách quốc tế, Australia.

Nguồn:
The China Paradox
Beijing’s intimidation tactics are a warning to countries everywhere.

By
ANDREW SHEARER
AUGUST 18, 2009, 9:15 P.M. ET
http://online.wsj.com/article/SB10001424052970204683204574357303300725932.html

No comments: