Saturday, August 29, 2009

BÀI NGỬA Ở BIỂN ĐÔNG và BÀI BẢN VỀ TƯ DUY (3)


Bài ngửa ở Biển Đông và bài bản về tư duy (3)
Lê Tuấn Huy
30/08/2009 1:45 sáng
http://www.talawas.org/?p=9637

7. Quyền lợi Trung Quốc và Việt Nam
Trong chiến lược bành trướng hiện đại, vừa “cứng” vừa “mềm” của Hoa lục, vùng đất duyên hải phương nam trở thành hướng khả thi nhất, không chỉ vì Việt Nam yếu kém thế lực, đơn độc, mà còn vì Hà Nội có niềm tin đồng chí vào Bắc Kinh; không chỉ vì đối với họ, Việt Nam là chủ thể đặc biệt của “Nam hải”, cả về vị trí lẫn phạm vi tranh chấp, mà còn vì cái lịch sử dang dở mà họ nay muốn hoàn thành trước thời cơ ngàn năm có một. Và, cùng với những nguyên do đó, như đã rõ, biển Đông là nơi đầu tiên mà Hoa lục muốn làm chủ trên con đường vươn ra đại dương.
Trong bối cảnh đại dương ngày càng đóng vai trò lớn về kinh tế, chính trị và quân sự, thì một khi nhìn nhận quyền lợi của Hoa Kỳ tại biển Đông
[1], ta cũng phải thấy và tôn trọng quyền lợi của Trung Hoa tại vùng biển phía nam của họ.
Về kinh tế, cũng như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, cơn khát dầu của Hoa lục đòi hỏi một đường tiếp liệu và giao thương thông suốt. Đồng thời, quyền lợi của họ đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển này cũng là điều cần xét đến.
Về chính trị và quân sự, khi vị thế còn chưa ngang ngửa với siêu cường hàng đầu, và cũng do khác biệt về thể chế so với số đông của thế giới, một cường quốc đang lên và quá nhiều tham vọng như họ cần đến những vùng đệm quanh các đường biên, kể cả hải biên, để có sự cách ly an toàn với những thế lực khác.
Hải biên Trung Quốc có hơn một phần ba chiều dài quay về nam
[2], kết hợp với hướng lục địa trải liên tục về tây và ứng với vùng tây nam chiếu từ trên bộ của họ, là tiểu lục địa Ấn Độ và Ấn Độ dương. Do vậy, với Hoa lục, “Nam hải” không đơn thuần nối vùng biển Đông Bắc Á và vùng biển Nam Á, mà chính là nơi kết nối đại dương với lục địa của những vùng đầy những tranh chấp và đối thủ mà họ muốn khuất phục.
Và như thế, chưa kể diện rộng của Ấn Độ dương, khi làm chủ, hay ít ra là hiện diện mạnh cùng lúc ở biển Andaman và biển Đông, Hoa lục sẽ tạo nên một gọng kìm, cương tỏa cả bán đảo Trung – Ấn, và trở thành một thế lực tại chỗ kiểm soát được cả hai ngõ trực tiếp vào Malacca,
Đấy là chưa kể trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Hoa còn có hẳn một dự phóng có thể thay đổi cả lịch sử hàng hải lẫn tương quan địa chính trị thế giới. Năm 2005, họ đưa đề nghị hợp tác với Thái Lan trong dự án đào kênh qua eo đất Kra, với chi phí 20 tỷ USD
[3]. Eo đất này là đoạn hẹp nhất (44 km) trên bán đảo Malay mà một bên là vịnh Thái Lan và bên kia là biển Andaman. Nó nằm trọn phần chủ quyền của Thái Lan trong khi những đoạn khác có thêm Myanmar hoặc Maylasia sở hữu (hình 2). Từ sau năm 1973, các cường quốc đã ngừng dự tính chung sức xây kênh đào này. Nay thì một mình Trung Hoa đề xuất, nếu thành công, với hải trình rút ngắn, an toàn và thuận tiện hơn rất nhiều, thì cái chốt đông – tây từ Malacca sẽ phải dịch chuyển về đây và, hợp cùng sự hiện diện tại biển Đông và Andaman, yết hầu mới coi như đã nằm gọn trong tay lòng bàn họ[4] (hình 3).

Hình 3: Các tuyến hàng hải ngang qua Đông Nam Á. Tuyến đầu qua eo Malacca, hai tuyến sau qua ngõ
Indonesia, số 4 là tuyến sau khi có kênh Kra (Nguồn: southchinasea.org; có chỉnh lý)
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/08/LTH3-400x282.jpg

Trong lúc sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á giảm đi từ sau chiến tranh lạnh, còn quyền lực mềm Trung Hoa thì lại gia tăng đáng kể tại vùng đất kéo dài từ Miến Điện sang Việt Nam, thì những trù tính liên hoàn đó cho thấy chiến lược đại dương toàn cầu của Hoa lục ngoài việc đã đi rất sớm, còn rất hoàn hảo và rất quyết tâm.
Do vị trí địa lý của mình và trong bối cảnh đó, sống hòa thuận và hòa bình với Trung Hoa luôn là nguyện vọng của nước Việt. Qua những gì đã trải nghiệm nhiều ngàn năm, ngày nay, ta ở vào tư thế sẵn sàng và thật lòng hòa hảo tối đa với Trung Quốc để duy trì sự bình yên (thậm chí, không nhọc lòng đến quyền lợi của Hoa Kỳ hay an ninh của Đông Nam Á). Và trên thực tế, chính quyền Việt Nam đã theo đuổi một chính sách hòa hảo như vậy.
Hơn nữa, theo cách nhìn ý thức hệ, sự hiện diện của Hoa Kỳ ở biển Đông cũng là một đe dọa đối với Việt Nam. Trong trường hợp đó, chính Trung Quốc lại là người có thể kiềm chế họ. Việt Nam được lợi khi đối trọng này cân bằng.
Với vị thế cường quốc đang lên, với quyền lợi khả dĩ trên biển Đông, và với cả vai trò “đối trọng ý thức hệ trên biển”, nếu Trung Hoa có nổi lên như một cường quốc đại dương, Việt Nam (và các nước khác) đương nhiên phải chấp nhận, tôn trọng và thích ứng với cục diện đó. Thế nhưng, hình thái của bất kỳ quan hệ nào cũng không bao giờ đến chỉ từ chủ ý của một phía. Và điều đó, tiếc thay, lại ứng với tất cả những biểu hiện trong tương quan Việt – Hoa.
Trong khi quan niệm hòa hảo của Hà Nội là tình anh em và sự bảo trợ cho nhau của những người láng giềng có chung ý thức hệ, thì hòa hảo theo kiểu Bắc Kinh là đối tác phương nam phải thuần phục, chịu mất đất, mất biển và chấp nhận vị thế sân sau, ao nhà của họ. Ngặt hơn nữa, cái sân sau, ao nhà này lại là bước đầu tiên không thể nào bỏ qua trong cái chiến lược đại dương có ý chí mang sức mạnh dồn nén của mấy ngàn năm bỏ quên biển. Không như Hoa Kỳ, không “có” Việt Nam mà vẫn không “mất” Đông Nam Á, Trung Quốc không chiếm hữu “Nam hải” thì không thể hoàn thành giấc mộng biển cả.
Cũng khác biệt như thế, việc bảo đảm quyền lợi của Hoa Kỳ được đặt trên cơ sở tôn trọng chủ quyền biển và hợp tác an ninh với các nước quanh biển Đông, đồng thời tôn trọng quyền tự do đi lại trên hải phận quốc tế đối với mọi chủ thể; thì quyền lợi của Trung Quốc lại xuất phát từ sự chiếm đoạt, ngang ngược và độc tôn hải hành. Việc thừa nhận và tôn trọng quyền lợi Trung Hoa trên biển Đông thực tế đã bị chính họ dịch chuyển, không còn là vấn đề về quyền lợi hợp pháp và hợp lý, mà là chuyện về tham vọng quá đỗi của họ.
Khi xét đến thế “đối trọng ý thức hệ trên biển” cũng vậy. Không phải tự Hà Nội muốn duy trì mãi sự cân bằng có lợi cho mình, trong tình hữu hảo với Bắc Kinh mà được. Cả ba đều có thể phá thế hiện nay, như đã đề cập.
Trong các trạng huống của cuộc đi dây mới, với giả định Hà Nội nghiêng về Washington, nếu tình hình không cho phép tiếp tục có khoảng tiệm tiến dai dẳng (xem như để mọi thứ của chiều hướng đó dần đi vào “bình thường”), thì nội tình của bộ máy quyền lực Việt Nam có thể biến động. Nhưng với chọn lựa Bắc Kinh làm chỗ dựa, biến động này chắc hẳn còn lớn hơn, vì từ bao đời nay, đề kháng và phản kháng trước họa xâm lăng và đồng hóa từ phương bắc vẫn là một đặc trưng của dân tộc Việt. Với tham vọng và quy chiếu của phương bắc, khi nghiêng hẳn về họ, đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận làm chư hầu và lãnh hải bị thôn tính.

8. Tự lực và đồng minh
Với những gì đã trình bày, có thể nhận thấy rằng lúc này, trong tương quan biển Đông, quan hệ đồng minh trở thành điều sống còn đối với Việt Nam.
Từ khi loài người định hình các hình thức cộng đồng, do có sự khác biệt về địa bàn, dân số, sự hưng thịnh…, và vì các lý do về chính trị, quân sự, kinh tế…, việc liên kết hay phân ly giữa các khối người trở thành một trong những đặc điểm tồn tại của họ. Khi đã có quốc gia-dân tộc, điều này càng rõ rệt. Trừ trường hợp có một thế giới hoàn toàn thanh bình và công bằng, hoặc trong trường hợp có sự đồng hóa, thì hậu thuẫn của cộng đồng này đối với cộng đồng khác không bao giờ là thừa hay có vai trò phá hoại. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, liên kết này càng có vai trò quan trọng hơn và thể hiện ở mọi mặt, ở hình thức đặc thù của từng lĩnh vực tương tác. Với tương tác chính trị và quân sự, hình thức đó là liên hệ đồng minh hoặc đồng chí.
Dù mức độ nào, trung lập là trạng thái tốt nhất đối với những vùng lãnh thổ chuyển tiếp khi quanh nó có sự xung đột về lợi ích. Tuy nhiên, không phải một quốc gia tự muốn trung lập là được, mà vị thế đó không những phải được tất cả các bên liên quan thừa nhận và tôn trọng, trên cơ sở cân bằng trong tương quan địa chính trị cũng như thế và lực của họ; mà còn không khiến xâm hại đến chủ quyền và lãnh thổ của nước trung lập. Trong lịch sử đương đại, chỉ có Thụy Sĩ đáp ứng được những tiêu chí tạo nên sự cân bằng như thế.
Ở vị trí liền kề, Campuchia từng trung lập (1960-1970) và hưởng lợi từ đó, nay Việt Nam có thể tương tự như thế không? Cho đến lúc này, trên lý thuyết, Hà Nội vẫn có thể chuyển hướng để định vị thế mới cho mình, thông qua vận động ngoại giao và dàn xếp chiến lược. Nhưng muốn thành công, việc này vừa đòi hỏi Việt Nam phải thực thi chính sách trung lập trên trường quốc tế và trong vấn đề ý thức hệ, vừa đòi hỏi các nước liên quan chấp nhận vùng đệm chiến lược này, cũng như không yêu sách gì về chính trị và lãnh thổ đối với nó. Ở cả hai vế chủ thể đó, trên thực tế, nhiều khả năng là bất khả.
Về lý trí, ít nhất có ba nguyên do trực tiếp khiến cho đến nay, dù ít nhiều nhận ra tình thế biển rất thúc bách nhưng Hà Nội vẫn hết sức dè dặt về liên hệ đồng minh. Một là vấn đề ý thức hệ, hai là tương quan “láng giềng gần” với phương bắc, và ba là mối lo Trung Quốc càng ra tay cứng rắn hơn một khi thế cờ tay ba ngã ngũ.
Nguyên do đầu, đã nói ở trên, khiến những người làm chiến lược bế tắc trong đường hướng bạn – thù, tảng lờ các tương quan lịch đại, né tránh những nhận thức cơ bản nhất về các mâu thuẫn khả dĩ giữa ta với đối phương và đối tác. Cùng với mối lo Bắc Kinh “làm càn”, ý thức hệ khiến Hà Nội chỉ dừng lại ở quan niệm đối tác chiến lược mà không phải là đồng minh chiến lược.
Vấn đề “láng giềng gần”, như cũng đã nói, Việt Nam không nề hà sự tôn trọng đối với Trung Hoa với tư cách một cường quốc, cũng như sẵn lòng hợp tác tích cực về kinh tế, văn hóa, và cả ngoại giao (chẳng hạn, giữ cùng quan điểm với họ trong các vấn đề quốc tế), thậm chí, chấp nhận “thông lệ” lịch sử, là các quốc gia “vĩ đại” thường có vùng ảnh hưởng quanh biên giới. Nhưng còn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích dân tộc, là cái mà bất kỳ ai cũng tuyệt đối không thể đánh đổi, dù phải bảo đảm cho nó bằng những chiến lược, sách lược “khó chịu” nhất. Và cũng đồng thời, trong tương quan chính trị, đặc biệt khi đó là những đường hướng mang yếu tố đối chọi, thì không phải mong muốn chính trị, mà thực tế chính trị mới là cái quyết định.
Ngoài Trung Quốc, trên hai năm trở lại đây, “đối tác chiến lược” của Việt Nam ngày một nhiều. Và ngoài Nga, các nước khác trong số này đều ít nhiều có yếu tố “cân bằng” lại với Trung Quốc. Không rõ trong toan tính của người những làm chiến lược Việt Nam, trong số đó, đâu là đối tác chiến lược ở tầm chiến lược, đâu là đối tác chiến lược ở tầm chiến thuật. Nhưng có một điều có thể biết, là những động thái mở rộng đối tác chiến lược mà không đem lại kết quả chiến lược, thì chỉ khiến cho Bắc Kinh nhận ra cái chiến lược “chiến lược một nửa” đó và càng tức giận hơn, chỉ khiến cho Bắc Kinh nhận ra vị thế lạc lõng của Việt Nam và càng muốn “ra tay” hơn. Hành xử hung hãn của họ thời gian qua đã rõ ràng thể hiện điều đó.
Có hai ý kiến được đưa ra để củng cố quan điểm cho rằng trong đối sách với Trung Quốc, Việt Nam không cần hoặc không nên có quan hệ đồng minh.
Đầu tiên là việc đề cập đến nội lực, xem đó gần như là cái duy nhất để chú trọng phát triển, nhằm đương đầu với tham vọng lãnh hải của phương bắc.
Phát triển nội lực để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, đủ sức đối mặt với mọi thách thức là một quan điểm hoàn toàn đúng, nhưng “mở rộng” thêm từ đây, rằng phải tự lực chứ không cần đến ngoại lực, không cần đến đồng minh, là hoàn toàn sai, vì:
Thứ nhất, như trên đã nói, liên hệ đồng minh, dù là đồng minh về văn hóa, thể chế, hay đồng minh về chính trị, quân sự, là một thực tế khách quan trong quan hệ giữa các quốc gia. Khi có tranh chấp hoặc xung đột, điều đó càng không thể tránh khỏi. Một đất nước vĩ đại như Nga, trải rộng từ tây sang đông mà vẫn muốn có những đồng minh nhỏ bé trong không gian Sô Viết cũ. Siêu cường như Mỹ mà vẫn không thể một mình đương đầu với thế lực khủng bố. Trung Quốc tưởng chừng tự mình “tả xung hữu đột”, nhưng trong tính toán chiến lược vẫn cần đến các “đàn em” phương nam.
Thứ hai, trong những yếu tố góp phần phát triển nội lực, có bối cảnh và thời gian. Trong tình thế hết sức yếu kém trước một Trung Hoa đang trở thành siêu cường và lăm le nuốt lấy biển Đông, nơi mà vì điều đó cũng đang trở thành điểm hút của nhiều thế lực vượt trội hơn hẳn Việt Nam, nếu nói chúng ta phải tự lực hay đợi đủ nội lực để đáp lại nguy cơ bành trướng, thì về mặt nhận thức, đó chẳng qua chỉ là sự lặp lại máy móc, phi lịch sử và phi thực tế một khái niệm xác thực. Về mặt chiến lược, nó lấy cái dài hạn thay cho cái cấp bách, nhầm lẫn giữa tương quan kinh tế-xă hội với tương quan chính trị-quân sự. Còn về chiến thuật, đó chẳng khác nào tự trói tay trước một đối thủ vũ trang hiện đại đầy mình.
Về lâu dài, xây dựng và phát triển nội lực là cực kỳ quan trọng, nhưng trước mắt, không có ngoại lực ta không thể thoát khỏi tình thế hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong ngắn hạn thì không chú trọng nội lực, còn trong dài hạn thì triệt tiêu ngoại lực hay liên hệ đồng minh.
Ý kiến thứ hai trưng dẫn cuộc chiến Gruzia – Nga (2008) như một minh chứng, rằng việc tạo liên minh với nơi khác trong khi liền kề với nước lớn đang uy hiếp mình là sai, vì nếu có chiến tranh xảy ra, nước nhỏ vẫn chịu thiệt và đồng minh cũng không can dự vào.
Thật ra, với những nhà làm chiến lược có lý trí, có lẽ không ai lại nghĩ rằng ở thời nay, tạo quan hệ đồng minh là để những nước này lập tức tham chiến, bất kể nguyên nhân, thời cuộc và chiến cuộc. Liên minh với các cường quốc càng không phải như vậy. Trong trường hợp có yếu tố Mỹ – Nga, lại càng hơn thế. Quyền lợi toàn cầu, trước nguy cơ của một cuộc đối đầu hay chiến tranh thế giới, luôn được đặt cao hơn quyền lợi và xung đột cục bộ của một quốc gia có vị thế nhỏ. Với liên minh phòng vệ, quan hệ đồng minh là để gia tăng vị thế và giảm thiểu nguy cơ hay thiệt hại cho các quốc gia của liên minh, chứ không phải là tăng nguy cơ cho nhiều nước và giảm cơ hội hòa hoãn. Nhưng dù sao, cùng với việc xử trí khéo léo về sách lược và chiến thuật, liên hệ đồng minh là điều kiện chiến lược không thể thiếu, vì đó không những là thế lực răn đe từ xa và hỗ trợ về quốc phòng, mà còn là lực lượng ngoại giao, chính trị và kinh tế trực tiếp hậu thuẫn cho quốc gia đồng minh, khi vô sự cũng như hữu sự.
Quay lại trường hợp Gruzia, có thể nước này đã có những bước đi không thích hợp, nhưng ngoài việc phải tính đến động cơ bảo toàn lãnh thổ của họ cũng như thái độ hậu thuẫn tuyệt đối của Nga cho việc ly khai, nên thấy rằng nếu không có liên hệ đồng minh với Mỹ và châu Âu, thì bằng sức mạnh siêu cường và những ảnh hưởng đối với không gian hậu Sô Viết, Nga thừa khả năng đánh chiếm toàn bộ Gruzia hoặc kéo dài cuộc chiến, chứ không chỉ tự giới hạn trong một tháng. Đó là chưa kể những trợ giúp to lớn về kinh tế, chính trị và quân sự sau chiến tranh mà Gruzia sẽ không nhận được nếu không có đồng minh.
Như vậy, có thể tóm lại rằng, tôn trọng vị thế và quyền lợi của nước lớn và láng giềng, hòa hảo và hòa hoãn với họ trên cơ sở bảo toàn chủ quyền lãnh thổ, phát triển nội lực trên tất cả các mặt, mở rộng đối tác chiến lược và xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược là những việc mà cả trước mắt và lâu dài, một quốc gia cần thực hiện đồng thời trong chiến lược tồn tại của mình, khi ở giữa các thế lực không cùng chiều về quyền lợi đang hiện diện đan chéo nhau.
Cụ thể, trong cục diện địa chính trị ngày nay, xét tất cả những gì đã nói, với tư cách siêu cường chính trị – quân sự, cả trên bộ lẫn trên biển, đủ sức và sẵn lòng đối trọng với những thách thức nhắm vào thế cân bằng chiến lược toàn cầu, thì Hoa Kỳ là đồng minh mà Việt Nam cần có. Họ không phải là đối tác duy nhất trong chiến lược kiềm chế và đối trọng với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng là đối tác khả dụng nhấtquyết định nhất.

9. Sự trở lại của Hoa Kỳ và Việt Nam
Sau vụ đụng độ Impeccable, về phía Hoa Kỳ, trên bề mặt chiến lược, tình hình diễn tiến rất nhanh.
Khi lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc trên biển Đông còn chưa kết thúc (31/07/2009), thì vào ngày 15/07/2009, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã mở phiên điều trần về Tranh chấp Biển và Tranh cãi Chủ quyền tại Đông Á (Maritime Disputes And Sovereignty Issues In East Asia). Có thể nói, chưa bao giờ quan điểm của lập pháp, hành pháp và giới nghiên cứu Hoa Kỳ về vấn đề này lại được trình bày một cách chính thức, tập trung và rõ ràng đến vậy, với những nhận định không nghiêng về Trung Quốc.
Sự kiện trên còn chưa kịp nguội thì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF) lần thứ 16, diễn ra ngày 23/07/2009, Ngoại trưởng H. Clinton đã ký vào Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia)
[5], đánh dấu sự trở lại của Hoa Kỳ ở vùng này.
Ngay trước đó, trong chuyến thăm năm ngày đến Ấn Độ (18/07 – 22/07/2009) của Ngoại trưởng Mỹ, hai bên đã có những thỏa thuận cả về quân sự lẫn dân sự ấn tượng, mà thực chất là định hình quan hệ đồng minh. Như vậy, quan hệ đối tác chiến lược của Hoa Kỳ quanh vành đai bán đảo Trung – Ấn và các cung đảo Đông Nam Á đã tạo thành một thế liên hoàn, tiếp nối với vành đai Đông Bắc Á.
Trong cục diện chính trị hải dương mới này, quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ có thể vẫn như trước nay được không? Về chủ quan, Hà Nội muốn điều đó, tức vẫn ở “cửa giữa”, nhưng thông qua cơ chế ASEAN để nhận thêm lợi ích từ Washington do Hoa Kỳ đã chuyển hướng chiến lược. Về khách quan, điều này bất khả.
Dù có sự gắn liền địa lý biển với Việt Nam, thì việc Hoa Kỳ có nhiều lợi ích ở biển Đông cũng không đồng nghĩa với việc những lợi ích này song trùng ở Việt Nam, nên việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở biển Đông không có nghĩa là bảo vệ lợi ích của Việt Nam.
Tương tự, dù Việt Nam có chân trong Hiệp hội Đông Nam Á, nếu Hoa Kỳ cam kết bảo vệ ASEAN cũng không có nghĩa là đương nhiên bảo vệ Việt Nam, không chỉ vì ASEAN là một khối không thuần nhất và khập khểnh, mà còn vì Việt Nam có chấp nhận sự bảo vệ ấy hay không. Một thực tế mà ta thấy hết sức rõ ràng, là bản thân ASEAN, với danh nghĩa “không can thiệp vào công việc nội bộ”, cũng khước từ sự bảo vệ, cho dù dưới hình thức yếu ớt nhất, cho thành viên của nó trước đe dọa về lãnh thổ. Và, ví như Myanmar, có vị thế địa lý quan trọng với cả Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, lẫn Thái Lan và Malaysia…, nhưng không vì là thành viên ASEAN mà mặc định có phần trong chiến lược thân hữu của Hoa Kỳ.
Tại cuộc điều trần vừa nói của Thượng viện Hoa Kỳ, thái độ của siêu cường này đối với tranh chấp tại biển Đông đã được minh định. Họ khẳng định sự mù mờ trong tuyên bố chủ quyền của Hoa lục và nhận định rằng Việt Nam là nước trực tiếp chịu nhiều thiệt thòi do yêu sách lãnh hải đó, nhưng cũng nói rằng họ trung lập giữa các tranh chấp. Song song đó, họ dứt khoát về quyền lợi của Hoa Kỳ, quyền tự do đi lại trên vùng biển quốc tế, phản đối việc dùng vũ lực và dọa nạt. Cùng với việc khuyến khích ASEAN thống nhất lập trường và hành động đa phương, họ cũng sẵn sàng hậu thuẫn cho đồng minh và đối tác, dù nói rằng sự hiện diện của họ chỉ để kiềm chế chứ không nên để xảy ra những tính toán sai lầm
[6].
Đường hướng đó kiên quyết nhưng cũng mềm dẻo, vừa bao quát đối tượng nhưng cũng cụ thể với các đối tác. Nó không mập mờ nhưng đủ lưng chừng để xử thế linh hoạt, tùy chủ thể và trạng huống. Nó chứa đựng khả năng để Washington định hình một liên minh cơ hữu và trọn vẹn, dù là dưới hình thức không hiệp ước, với các chủ thể có liên quan để chống lại sự cưỡng đoạt và bành trướng của Bắc Kinh trên biển; mà cũng dành sẵn cơ hội để họ đi dây trên khắp các thế trận, với mọi đối tượng, nhằm bảo đảm tự do hải hành và sự thống lĩnh truyền thống của họ trên đại dương.
Với tư cách thành viên ASEAN và đối tác tham gia vào Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của khối này, quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chỉ một bước là đã có thể rất gần nhưng cũng có thể rất xa. Nếu gần, Việt Nam sẽ có đầy đủ tư thế chung mà thân hữu của Hoa Kỳ có. Nếu xa, chỉ với một từ “đồng minh” làm tiêu chí, thì Việt Nam đã nằm ngoài quan hệ chiến lược của Hoa Kỳ với khối Đông Nam Á.
Hiện, dù có những đe dọa lãnh thổ, Việt Nam vẫn tỏ rõ có nhiều liên hệ đồng chí với Trung Hoa, trong khi các động thái đồng minh với Hoa Kỳ vẫn hết sức giới hạn. Nếu đó chỉ là màn kịch lớn mà Hà Nội và Washington cùng diễn để tránh kinh động đến Bắc Kinh khiến họ có thể có những hành xử đã rồi, thì quả là chiến thuật ở tầm cao. Nhưng nếu đúng là nhận thức chính trị vẫn được đặt cơ sở trên những khái niệm đạo đức – ý thức hệ, thì viễn cảnh u ám hơn là điều mà nhiều khả năng Việt Nam khó tránh khỏi.

10. Luật pháp quốc tế và pháp lý đặc thù
Như vậy, trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh hải, ngoài nội lực và một hệ thống chứng lý khả tín và khả thi, Việt Nam cần đến sự hậu thuẫn của đồng minh và ủng hộ của công luận. Thời gian vừa qua, đất nước không bị cô lập nhưng rõ ràng là cô độc. Nguyên nhân của điều này không chỉ vì hoạt động đối nội và đối ngoại về chủ quyền lãnh thổ hoàn toàn không xứng với tầm mức của vấn đề, mà còn vì có những chuẩn mực không tương ứng giữa ta với bên ngoài.
Rất rõ ràng, con đường bảo vệ chủ quyền không tốn kém xương máu và nhẹ nhàng nhất, căn cơ và triển vọng nhất, là con đường pháp lý. Chúng ta sẽ phải dựa vào luật pháp quốc tế để đấu tranh kiên quyết hơn trên mặt trận này. Mà đã là luật pháp quốc tế thì phải là những chuẩn mực phổ quát, không phải là những tiêu chí nội bộ và riêng biệt của một hay một nhóm quốc gia.
Vậy mà, đối với công chúng thế giới, Trung Quốc và Việt Nam là anh em hữu hảo, tương đồng nhau về hệ thống chính trị – pháp lý, xác tín chung và mạnh mẽ nhiều giá trị được cho là đặc thù. Do vậy, một khi ta nhất mực và đồng tâm với Trung Hoa, trong cách nhìn và cách quyết của những hành xử theo tiêu chí đó, thì e là trong cách nhìn và cách quyết của bên ngoài cũng sẽ như thế, rằng những người bạn có thể tự xử trí nội bộ với nhau được, theo đúng những giá trị có chung đó
[7]. Nói cách khác, trước công luận toàn cầu, một khi ta còn chưa hòa nhập thật sự và đầy đủ vào những giá trị pháp lý phổ quát, thì còn khó có thể yêu cầu từ đó sự hậu thuẫn thật sự và hiệu quả bằng luật pháp quốc tế.

11. Thay đổi tư duy

Tóm lại, trên bàn cờ đã đến hồi diễn tiến nhanh và phức tạp của biển Đông, thời cơ có đến nhưng lại trực tiếp chứa đựng nhiều bất trắc đối với Việt Nam. Con cờ tư duy không thể không biến hóa để thích ứng với nó. Thay đổi tư duy là điều kiện đầu tiên, từ đó mới có được những bước đi chiến lược và sách lược thích hợp.
Không chỉ là một tư duy địa chính trị mới, thực tế và cụ thể, thấy những vấn đề đơn thể nhưng cũng nhìn được những cái toàn thể; tư duy chiến lược nên tránh nếp nghĩ bị ảnh hưởng quá lâu bởi những lập luận có tính tuyên truyền, khi đặt mình vào trung tâm mà xem nhẹ những thành tố khác. Tư duy dân tộc cần được đặt ở vị trí thích đáng và hiệu quả hơn so với tư duy ý thức hệ, để tránh lặp lại những sai sót của quá khứ, khi ta thuần lòng với giá trị giai cấp còn người dốc lòng với cơ đồ đại tộc. Cũng thế, khi cuộc đấu tranh pháp lý sẽ cùng với đấu tranh chính trị – quân sự và đấu tranh ngoại giao trở thành ba mặt trận để bảo vệ chủ quyền, thì tư duy pháp lý phổ quát cũng là điều cần hướng đến, thay cho tư duy pháp luật “nội bộ”.
Sự thay đổi đó đã đến lúc phải quyết đoán, không chỉ vì sự lạc hậu và trì trệ bên trong về tư duy đã đến lúc không thể cứ kéo dài, mà còn vì áp lực bên ngoài không không tiếp tục cho phép. Trung Quốc thì đã rõ. Hoa Kỳ cũng cho thấy sự nhanh chóng và cả quyết trên mọi hành động chiến lược, sách lược, và với mọi đối tác. Ngay cả Ấn Độ, có đặc tính “thâm trầm” và giữ khoảng cách với Mỹ nhưng nay, trước đổi thay quyết liệt của cục diện, cũng đã không ngần ngại tăng cường thế lực và tham gia một cách kiên quyết vào các hoạt động an ninh tại vùng biển Andaman – Ấn Độ dương
[8]
Chần chừ, với Việt Nam lúc này, đồng nghĩa với việc tiếp tục đẩy mình vào cảnh thân cô thế cô, và đem lại lợi thế cho cả Trung Quốc lẫn các thành tố khác tại biển Đông.
Trước đây, vì chưa phá được thế cô lập, Hà Nội cần bắc chiếc cầu ASEAN để đến với Washington và các thủ đô phương Tây. Nay, vẫn áp dụng cách đó để tiếp cận đồng minh với Hoa Kỳ, nếu không phải vì tránh kích động Trung Hoa, thì e rằng sách lược không hợp thời này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Con đường vòng Malaysia (hay bất cứ đối tác nào khác) mà hiện nay Hà Nội đang đi chỉ làm mất thêm thời gian và nguồn lực ngoại giao, khiến lộ rõ ngõ hẹp chính trị và vị thế yếu ớt. Điều đó cũng đương nhiên tạo thêm ưu thế cho Trung Quốc, Malaysia và các đối tác khác, đồng thời cũng không hoàn toàn bảo đảm được rằng không khiến Bắc Kinh kích động. Đó là chưa kể họ có thừa khả năng để tạo áp lực hay “tăng cường hợp tác” với các đối tác nhỏ trong vùng, gây tác hại cho quan hệ với Việt Nam.
Với thế liên hoàn địa lý giữa Nam Á – Đông Nam Á – Đông Bắc Á, có nhiều cửa ngõ và hải trình chiến lược, cộng với sự hiện diện của nhiều thế lực kinh tế, chính trị, quân sự của châu lục và thế giới, cả đương thời lẫn đang lên, việc tái phân bố lực lượng trên biển sẽ được định hình, khởi đi từ biển Đông. Trong bối cảnh “biển-chính trị” này, với vị trí của mình, Việt Nam không thể muốn hay không muốn duy trì nó, mà phải đối ứng với nó, cũng như không thể thích hay không thích đối tác này hay đối tác khác, mà phải có những tương quan khả thi với từng đối tác.
Cục diện mới sẽ dừng lại ở mức độ hiện nay hay tiếp tục diễn biến theo những kịch bản khác nhau, là tùy thuộc vào những thành tố chính có liên quan. Còn các trạng huống giả định đối với Việt Nam có thành hiện thực hay không, tốt hay xấu, là tùy thuộc vào Việt Nam – vào tư duy Việt Nam.

© 2009 Lê Tuấn Huy
© 2009 talawas blog


-------------------------------------

[1] Xem tổng quan mới nhất về vấn đề này, do một người Việt viết: Pham Thuy Trang, Eastern Sea Disputes and United States Interests, http://csis.org/files/publication/issuesinsights_v09n13.pdf.
[2] Các con số về diện tích, chu vi, bờ biển của nước này không được thống nhất trong các tài liệu, do họ có nhiều tranh chấp về lãnh thổ. Hoa lục nói có bờ biển dài 18.000 km (xem: website chính thức của chính quyền Trung Quốc http://english.gov.cn/2006-02/08/content_182551.htm), trong khi một số nguồn khác ghi là 14.500 km (ví dụ, tại website của CIA https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ch.html). Vậy, xin người Việt lưu ý khi viết về con số này, vì 18.000 km có thể đã gồm cả đường bờ biển tạo nên từ Hoàng Sa và Trường Sa (?).
[3] Xem lịch sử của kênh đào dự phóng này tại website của Dự án http://www.thai-canal.org/hist%20E.htm.
[4] Theo trang Wikipidia, năm 2005, dự định của Trung Quốc đã được báo cáo cho Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi đó. Sau, tin này bị rò rỉ và xuất hiện trên tờ Washington Times. Xem: Thai Canal, http://en.wikipedia.org/wiki/Thai_Canal.
Theo một nhà báo người Ấn có tiếng làm việc cho phân xã Ấn Độ của Thông tấn xã Kuweit, dự án kênh Kra đang được Trung Quốc tài trợ xây dựng. Xem: Dipanjan Roy Chaudhury, China: Boosting Maritime Capabilities in the Indian Ocean (08/2007),
http://www.worldpress.org/Asia/2908.cfm.
[5] Liên hiệp châu Âu cũng ký vào lần này. Đây không phải là hiệp ước mới, mà là văn bản do năm nước sáng lập viên ASEAN đề xướng và ký kết vào ngày 14/02/1976. Hiện đã có mười nước ASEAN và mười bảy đối tác (có Trung Quốc) ký vào.
[6] Nguyên bản của các diễn giả có thể tải về từ trang của sự kiện này, trên website Thượng viện Hoa Kỳ http://foreign.senate.gov/hearings/2009/hrg090715p.html. Phát biểu đề dẫn của Thượng nghị sỉ Jim Webb có tại http://webb.senate.gov/newsroom/record.cfm?id=315847&.
[7] Trên thực tế, cách nhìn loại này đã được nâng lên tầm học thuật từ lâu. S. Huntington, trong luận thuyết về “sự xung đột giữa các nền văn minh” đã cho rằng tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam là xung đột nội bộ của cùng một nền văn minh. Theo ông, các tranh chấp tại Đông Á khó có thể dẫn đến hành động quân sự trực tiếp, ngoài một số địa bàn ngoại lệ như… biển Đông. Và chủ trương của học giả này, là để tránh bùng nổ, các nước lớn nên đứng ngoài xung đột trong nội bộ của nền văn minh khác. Xem: Samuel Huntington, Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2003, tr. 238, 336, 470.
[8] Ngày 05/08/2009, một tàu Bắc Hàn tự ý thả neo trong vùng biển Andaman đã bị tàu Ấn truy đuổi và khám xét triệt để. Hành động đó cho thấy Ấn Độ đang “trực chiến” tại địa bàn của mình để thực hiện Nghị quyết 1874 của Liên hiệp quốc nhằm ngăn ngừa nước này phát tán kỹ thuật hạt nhân, mà hiện đang bị nghi ngờ là cho Myanmar.
Còn trước đó, ngày 01/07/2009, tàu Kang Nam 1 của Bắc Hàn, sau mười bốn ngày “bất định” ngoài khơi Trung Quốc và biển Đông, đã phải quay đầu về bến do có sự giám sát chặt chẽ của tàu chiến Mỹ vì bị nghi ngờ vận chuyển vũ khí cấm sang Myanmar.



No comments: