Friday, August 28, 2009
NHIỀU TIẾNG NÓI ỦNG HỘ DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM
Nhiều tiếng nói ủng hộ cho cuộc vận động dân chủ VN
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009-08-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Strong-support-for-youth-movement-for-democracy-leader-08272009125542.html
Những ngày gần đây, truyền thông trong nước liên tục khai thác các đoạn video “nhận tội-xin khoan hồng” của Nguyễn Tiến Trung và những người cùng với anh đấu tranh kêu gọi dân chủ cho Việt Nam.
"Nhận tội và xin khoan hồng”
Mặc dù vậy, giới bảo vệ nhân quyền, ủng hộ dân chủ, và cả những người quen biết với Trung vẫn kiên quyết ủng hộ anh và không ngừng kêu gọi Hà Nội trả tự do cho thủ lĩnh của Tập hợp Thanh niên Dân chủ.
Trong khi báo chí nội địa đăng tải lời nhận tội của Nguyễn Tiến Trung đang bị tạm giam chờ ngày xét xử về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, thì giới cổ võ dân chủ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế vẫn liên tục khẳng định sự tin tưởng và ủng hộ của họ đối với gương mặt trẻ dấn thân tranh đấu, đòi hỏi dân chủ thực thụ cho người dân Việt Nam.
Tại Pháp, nơi người du sinh tên Trung tốt nghiệp văn bằng thạc sĩ ngành công nghệ thông tin trước khi quyết định về nước, Tổ chức Ký giả Không biên giới RSF trong các ngày 7 và 27/7 đã lần lượt ra 2 thông cáo báo chí phản đối việc Hà Nội bắt giam Nguyễn Tiến Trung, tố cáo Việt Nam đàn áp dân chủ, vi phạm nhân quyền khi trấn áp những tiếng nói mạnh dạn cổ võ dân chủ như Trung.
Ông Ambroise Pierre thuộc RSF khẳng định:
“Chính quyền Việt Nam không nên đàn áp quyền tự do bày tỏ ý kiến và quyền tự do chính trị của công dân. Trước thời điểm Quốc Khánh 2/9 của Việt Nam, cũng là dịp chính quyền đặc xá cho phạm nhân, chúng tôi kêu gọi Hà Nội trả tự do cho Tiến Trung lập tức và vô điều kiện bởi vì anh ta không làm gì sai trái cả. Anh ta chỉ nói hoặc viết lên quan điểm cá nhân mà thôi.”
Còn việc Tiến Trung nhận tội theo như các đoạn phim của truyền hình trong nước đăng tải, tổ chức RSF tin rằng hành động này hoàn toàn không phải vì chủ ý, vì nhận thức của cá nhân Trung, mà vì áp lực của chính quyền buộc anh phải làm như thế như một thủ tục không thể thiếu đối với các bị can.
“Ở Việt Nam các bạn biết mà, người ta có thể bị ép buộc phải nhận tội trong quá trình bị bắt giam, bị điều tra. Chúng tôi không ngạc nhiên và không coi đó là điều đáng quan tâm. Điều quan trọng chúng tôi quan tâm là người thanh niên này phải được trả tự do, nếu không, sẽ là một điều hết sức bất công. Chẳng có ly do gì để chúng ta xem các hành động cổ võ dân chủ cho Việt Nam là tội. Tiến Trung chỉ thực hành quyền tự do bày tỏ tư tưởng và quyền tự do tham gia các hoạt động chính trị của một công dân mà thôi”
Ngoài các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các giáo sư, sinh viên tại Viện quốc gia về khoa học ứng dụng của Pháp, nơi Tiến Trung theo học trong thời gian ở Pháp, cũng bày tỏ sự hoài nghi trước những đoạn băng ghi hình Tiến Trung nhận tội.
Những người biết rõ Trung đều cho rằng những lời nhận tội ấy là kết quả từ một áp lực chứ không phải từ ý thức của một người thanh niên khát khao dân chủ cho đất nước của mình đến nỗi dẫu biết rủi ro, anh vẫn quyết định trở về sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài.
Quyền tự do ngôn luận
Giaó sư Philippe Echard, giảng dạy bộ môn Truyền thông và Văn hóa của Viện quốc gia về khoa học ứng dụng INSA, và cũng là giáo sư của Trung trong 2 năm đầu học tập tại trường INSA, nói rằng những bằng chứng hình ảnh về sự nhận tội của Trung trên truyền thông Việt Nam không mang tính chứng thực như nhà cầm quyền hy vọng, mà ngược lại, càng làm cho người xem hiểu rõ những áp lực mà chính quyền đang tạo ra đối với những người đấu tranh dân chủ đang bị đàn áp như Trung. Giáo sư Echard tự hào nói về người sinh viên của mình đến từ Việt Nam:
“Trung là một sinh viên rất giỏi, sáng dạ, và chăm chỉ. Với thành tích học tập tốt của mình, cuối năm nhất cậu đã được chính phủ Pháp hỗ trợ tài chính phục vụ cho việc học. Cậu là một thanh niên rất yêu nước và khát khao dân chủ trên đất nước của mình.”
Cô Séverine Denis, một nữ sinh viên của trường INSA, quen biết Trung đã 6 năm, phát biểu cảm nghĩ của Trung khi nghe tin Trung bị bắt:
“Những gì Trung làm chỉ là viết lên những bài viết nói về thực trạng nền giáo dục và quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam mà chính quyền lại bắt giam anh ta thì thật là không công bằng. Tôi nghĩ chính quyền Việt Nam e ngại vì Trung là một người trẻ hiểu biết, thông minh, được nhiều người biết đến, nhiều người ủng hộ, có tầm ảnh hưởng nhất định đối với giới trẻ, và cũng là một thành viên thiết yếu của đảng Dân chủ Việt Nam.”
Cô nhấn mạnh:
“Tại Pháp, người dân chúng tôi đựơc quyền tự do phát biểu bất cứ điều gì mình nghĩ, được quyền đối lập với nhà nước. Gỉa sử một công dân tại Pháp làm đúng như những gì mà Trung đã làm, anh ấy không bao giờ bị bắt cả. Chắc chắn là như vậy.”
Các sinh viên trường INSA cũng cho biết một số giáo sư và sinh viên của trường đã tổ chức diễu hành tại Paris, quận Trocadero, gần khu vực tháp Effel, quy tụ nhiều người tham gia để bày tỏ sự ủng hộ đối với Nguyễn Tiến Trung, đồng thời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Trung.
Họ còn cho biết sắp tới sẽ tổ chức thêm một cuộc diễu hành nữa, và tin chắc sẽ có rất đông người tham dự. Hiện họ đang gửi email, phát tờ rơi, kêu gọi bạn bè và những người quan tâm dân chủ, nhân quyền cùng tham gia vào cuộc vận động cho Tiến Trung.
Thầy cô của trường INSA cũng đã vận động ông Christian Guyonvar’h, Phó chủ tịch Hội đồng khu vực vùng Bretagne của Pháp viết thỉnh nguyện thư đến đại sứ quán Việt Nam ở Paris và Bộ trưởng Ngoại vụ Pháp để bày tỏ sự ủng hộ đối với Nguyễn Tiến Trung.
Gây hại cho an ninh quốc gia?
Trong khi giới cổ võ dân chủ cho rằng những việc nhà dân chủ trẻ Tiến Trung làm chỉ là thực hành quyền cơ bản của công dân, quyền tự do bày tỏ ý kiến và quyền tự do chính trị, thì Hà Nội cáo buộc đó là những hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước, gây hại cho an ninh quốc gia, vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự.
Về việc này, Tổ chức Phóng viên không biên giới khẳng định:
“Quan điểm của chúng tôi là quyền tự do ngôn luận không nên bị cản trở bằng bất cứ hình thức hay lý do gì. Nó phải đựơc bảo vệ và tôn trọng trừ phi đó là những lời kêu gọi bạo động, diệt chủng, hay khủng bố. Chỉ trích chính quyền không là một hành động của tội ác, mà ở nhiều nơi trên thế giới, đó là hành động tạo điều kiện cho sự minh bạch, sự phát triển.
Dù Việt Nam định nghĩa quyền tự do ngôn luận như thế nào đi nữa, việc bỏ tù một người chỉ vì họ chỉ trích chính quyền, bất đồng ý kiến với chính quyền rõ ràng là vi phạm nhân quyền cơ bản của con người mà Trung là một trong những nạn nhân tại Việt Nam.
Các cuộc đối thoại nhân quyền giữa quốc tế với Việt Nam thường không đơn giản, nhưng mặc dù Hà Nội không chia sẻ quan điểm chung của cộng đồng quốc tế về nhân quyền, về quyền tự do ngôn luận của công dân, thì họ cũng nên biết rằng những gì Trung làm không gây phương hại đến sự phát triển của đất nước mà chỉ nhằm cổ võ quyền tự do dân chủ cho người dân.”
Đầu năm 2006, khi bức thư nhan đề “Thư ngỏ của một sinh viên bình thường trong một đất nước không bình thường” gửi Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Việt Nam đề nghị những cải tiến thiết thực được phổ biến rộng rãi trên mạng, cái tên của du sinh Nguyễn Tiến Trung đã trở nên quen thuộc với đông đảo bạn trẻ trong và ngoài nước.
Vài tháng sau, Tiến Trung thành lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ, tổ chức chính trị độc lập đầu tiên của thế hệ thanh niên hậu 75, và liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động nhằm kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền, mở rộng dân chủ.
Nổi bật trong số các hoạt động ấy là những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp giữa người bạn trẻ Việt Nam tên Trung với giới lãnh đạo cao cấp của nhiều nước ở Châu Âu và Châu Mỹ, trong đó có cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush và thủ tướng Canada Stephen Harper.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment