Thursday, August 20, 2009

CÁCH MẠNG MÙA THU... AI MÙ? AI SÁNG?


Tuần kí số 17
"Cách mạng mùa thu"... Ai mù? Ai sáng? Ai loạng quạng? Ai gà mờ?

Nhạc sĩ Tô Hải
Aug 20, '09 4:52 AM
http://langdu126.multiply.com/journal/item/112/112
Kể từ tuần ký số 15, khi tớ xới lên cái khoảng khắc lịch sử bị bỏ quên từ cách đây 64 năm, cái thời mà tớ và những người cùng thời đã sống và hành động, kẻ như thằng sáng, kẻ như thằng mù, kẻ thì loạng quạng… bước theo con đường cách mạng mà cứ như… trò đùa, bốc nhằng vì những tiếng Đôc Lập Tự Do với mục đích:
1/ Nhắc nhở cho con em, lớp trẻ Việt Nam hãy tìm hiểu về giai đoạn lịch sử có thật ấy.
2/ Tìm hiểu xem vì mục đích gì mà “người ta” cố tình quên đi?
3/ Kêu gọi những ai còn sống mà hiểu biết gì nhớ lại những gì hơn tớ hãy cùng tớ công khai lên tiếng ủng hộ hay phản đối về sự nhàm lẫn của lão già lẩm cẩm này…

NÀO NGỜ -- Tới tấp các commment của mọi tầng lớp (có cả của các ông già chỉ thua tớ có 2 ngày tuổi (tớ 24/9/1927-ông bạn 26/9/1927) đều gửi về để xác định những điều tớ nói là đúng. Mừng hơn nữa là lớp sồn sồn dù những ngày ấy mới chỉ 5, 7 tuổi nhưng do có điều kiện được tự do học tập trong một thể chế khác cũng gửi về cho tớ rất nhiều tài liệu bằng các đường links.
Hơn thế nữa, họ còn uốn nắn và bổ sung cho tớ những điều tớ còn nhầm lẫn và đặc biệt lớp trẻ thì ai ai cũng gửi về những yêu cầu cần phải nói rõ thêm cho họ biết cái giai đoạn lịch sử bị bỏ quên này
Chỉ độc có một người với nickname Tonvinhhong là chê trách tớ là tại sao “khả năng thẩm thấu về lịch sử chưa đạt” vậy thì viết những cái đó làm gì? Nên tập trung vào những chuyện “thâm cung bí sử” ”ai ngủ với ai”, ăn chơi, trác táng của bọn lãnh tụ CS ra sao”, những điều tớ hoàn toàn không có khả năng vì chưa có phép…tàng hình!

Trên 80 comments về 1 bài viết! Đúng là 1 niềm động viên vô cùng đối với tớ. Và tớ bỏ ra cả tuần cố gắng đọc những tư liệu theo các đường links gửi về. Thú thật là phải cắn răng mà đọc để may ra có “thẩm thấu” được tí nào không. Kết quả là mắt bị mờ thêm sau một tuần cố gắng, nhưng lại “sáng” ra trong nhiều vấn đề nhờ có một số tư liệu cụ thể và sau khi đã chắt lọc, sau khi loại bỏ những gì mà tớ ngửi thấy có “mùi cơ hội”, thông cảm những con chữ có nước mắt và máu của con tim người viết, tớ tự nhận thấy:
TỚ ĐÚNG LÀ MỘT TÊN GÀ MỜ

Như tớ đã thú thật, trong
tuần kí số 16 là tớ chỉ viết về những gì tớ đã tham gia hoạt động thật sự cho những tổ chức có thật trong những ngày tháng nhốn nháo tù mù đó... Cho nên do không được hân hạnh có nhiều tư liệu như các friends, tớ chỉ mong muốn các nhà viết sử sẽ dựa vào những tư liệu có thật, không phán đoán, phê phán vô bằng cớ, không cắt gọt xuyên tạc... cùng tớ bạch hóa cái chặng đường từ 9/3/45 đến ngày ra mắt chính phủ Cách Mạng lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì cái chính phủ có cái cờ vàng, quẻ ly đỏ mà chính bản thân tớ và cả các ông “to” trong chình phủ đó từng phất cao,với câu ca “Này thanh niên ơi!” nó… biến đi đâu? Nhìn ra đường phố,hôm nay 19/8/2009 cũng như đã nhiều năm, chẳng có lệnh treo cờ, học sinh công chức, hôm nay 19 tháng 8 ai cần biết, cần hát cái bài “Mười chín tháng tám! Chớ quên là ngày khởi nghĩa”… của nhạc sỹ Xuân Oanh nữa rồi!

Thế đấy! Chỉ qua những tài liệu văn bản thu thập được chỉ trong có một tuần, so với lúc tớ viết
tuần kí số 16, thì tớ đã tự trả lời được rất nhiều câu hỏi, để có thể đủ khả năng kết luận vì sao? Tại ai? mà những thời khắc lịch sử đó bị đảo lộn, đánh tráo, bỏ quên… một cách cố tình như thế.
Cụ thể là:

1/ Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi, Thì ra 17/9 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo? Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng cờ đò chẳng có gì là quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to “Đả đảo Phát xít Nhật!” “Việt Nam muôn năm!” Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may mà tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe “Tỉu cái là ma tồng pào!” khi bị Việt Minh giải tán!

2/ Chính phủ Trần Trọng Kim không hề tuyên bố từ chức, vẫn tiếp tục làm việc cho đến tận 22/9, chẳng ai bị bắt, chẳng ai lên đoạn đầu đài, thậm chí sau này còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ lâm thời như phó thủ tướng Phan Kế Toại, bộ trưởng Phan Anh, bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Nguyễn Tường Tam.
Đặc biệt, nhờ đọc hồi kí của ông Trần Trọng Kim tớ mới té ngửa ra là ông có mời Việt Minh đến điều đình để hợp tác nhưng bị cự tuyệt và bị cho là” bù nhìn của Nhật” dù trước đó, tại Huế, tên đại tướng Nhật Yamayoto bại trận đã đầu hàng vô điều kiện, có đến gợi ý với ông là sẽ chuyển giao cho ông vũ khí và giúp đỡ quân đội Việt Nam bảo vệ nền độc lập của nước Việt Nam. Nhưng ông đã thẳng thừng từ chối với lí do không muốn người Việt đánh người Việt. Vì ông tin tưởng là quân đội Tưởng Giới Thạch, dù có vào Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra chăng nữa cũng chỉ nhằm tước vũ khí quân đội Nhật hoàng và nhân cơ hội kiếm chác vơ vét tiền vàng mà thôi, và người Việt luôn có truyền thống thương yêu, đoàn kết trước họa ngoại xâm, trước sau cũng sẽ độc lập. Cái niềm tin đến tội nghiệp này của ông không hiểu sau này, nằm yên nghỉ ở mảnh đất Đà Lạt thân yêu có lúc nào đó ông phải... cựa mình?

3/ Cái ngây thơ của ông thủ tướng 126 ngày sau này bị chính ông Phạm Khắc Hòe Ngự Tiền Khâm Sai của vua Bảo Đại đội cho cái nón to tướng là “chính phủ bù nhìn của Nhật” còn Phạm Quỳnh thì là “tay sai của cả Pháp lẫn Nhật và đã phải đền tội”(?!) Tội nghiệp hai vị Giáo Sư Phạm Khuê và nhạc sỹ Phạm Tuyên nếu đọc phải cái cuốn hồi ký quá ư vu khống và nịnh bợ này khi nó ra đời ngay khi hai ông còn sống và do nhà xuất bản Thuận Hóa in năm 1987 với lời bốc khen đến tận trời của nhà lý luận Mác Lê số 1 một thời Hồng Chương.

4/ Tuy nhiên dù có cố tình bêu xấu,hoặc vu cáo một ai đó, dù lợi dụng viết hồi ký để chạy tội cho minh, hoặc chối bỏ một tội lỗi, hoặc kể công với lịch sử những tớ vẫn tìm ra được những điều “hay” trong các chiêu xuyên tạc cố tình bóp méo lịch sử để đi đến những kết luận mà tớ vẫn cố tình “nhường cho các sử gia ”Nay sau một tuần tớ xin “kích cầu”, các vị ấy bằng mấy câu hỏi như sau:
a/ Chính phủ Trần Trọng Kim có hiện hữu hay không? và ai là người đứng mũi chịu sào trước quân đội chiếm đóng Nhật trước và sau khi bọn chúng đầu hàng vô điều kiện?
b/ Có phải khi thành lập chính phủ cách mạng lâm thời và mời được vua Bảo Đại ra Hà Nội làm “cố vấn tối cao” với lời tuyên bố “làm dân một nước độc lập còn hơn là làm vua môt nước nô lệ” được coi như sự chấm hết của chính phủ TTK?
c/ Với danh sách 1 đoàn đại biểu thay mặt nước Việt Nam DCCH đi dự hội nghị Đà Lạt lần đầu tiên với đại diện chính phủ Pháp: Nguyễn Tường Tam (trưởng đoàn), Võ Nguyên Giáp (phó trưởng đoàn) và các đòan viên: Trịnh Văn Bính, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Luyện, Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng và Nguyễn Mạnh Tường cùng 12 cố vấn là Tạ Quang Bửu, Kha Vạn Cân, Kiều Công Cung, Đinh Văn Hớn, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Niên, Phan Văn Phát, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Tường Thụy và Hồ Hữu Tường

Với mục tiêu đấu tranh phản bác âm mưu chia rẽ nước Việt Nam thành 4 kì tự trị trực thuộc liên hiệp Pháp. Và sau này, danh sách đi dự hội nghị Fontainebleau thì:
Đoàn trưởng (vẫn) Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng bộ ngoại giao,
Phó đoàn trưởng Phạm Văn Đồng, giáo sư
Ủy viên thuyết trình: Phan Anh, bộ trưởng bộ quốc phòng,
Phái viên:
+ Giáo sư Hoàng Minh Giám
+ Ông Đặng Quốc Thông, kĩ sư công chính
+ Ông Vũ Văn Hiền, luật khoa tiến sỹ, luật sư
+ Ông Dương Bạch Mai, viết báo
+ Ông Huỳnh Thiện Lộc, bộ trưởng bộ canh nông
+ Ông Nguyễn Văn Huyên, văn khoa tiến sỹ
+ Ông Trịnh Viết Bính, tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại Paris, giám đốc sở thế quan
+ Ông Tạ Quang Bửu, giáo sư
+ Ông Bửu Hội, khoa học gia
+ Ông Nguyễn Mạnh Hà - tốt nghiệp trường khoa học chính trị paris, luật khoa cử nhân
+ Cố vấn: Ông Phạm Khắc Hòe, tốt nghiệp trường cao đẳng pháp luật và hành chính
+ Ông Hoàng Văn Đức, kĩ sư canh nông
+ Ông Nguyễn Văn Tình, kĩ sư vô tuyến điện
+ Ông Nguyễn Đệ, tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại Paris
+ Ông Hồ Đắc Liên, kĩ sư mỏ
+ Ông Nguyễn Văn Luyện, bác sĩ
(#**)(Trích hồi kí của Phạm Khắc Hòe, “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Trg 214)
… tớ bỗng dưng nhớ lại cái thời họp mít tinh đi tiễn Phái đoàn chính phủ “Việt Nam Đôc Lập” đi Tây, cờ đỏ sao vàng bằng giấy trên tay, miệng hô khẩu hiệu mà lòng anh nào anh nấy đều hớn hở tin ở tương lai một cách ngây thơ đến tội nghiệp! Lý do đơn giản làì: Đọc bản danh sách phái đòan thấy tòan là những người “cả nước biết tên”. Đặc biệt, chẳng thấy ông nào là cộng sản cả trừ ông Võ Nguyên Giáp tại Đà Lạt và Phạm Văn Đồng ở Fontainebleau. Vậy thì, thất bại của 2 hội nghị này là do đâu? Do cái gì mà bây giờ nước ta không được cái “độc lập giả hiệu” như Maroc, Tunisie, Madagascar, trong khối liên hiệp Pháp? Hơn thế nữa, 1 điều cũng cần phải làm sáng tỏ, đó là: Đường đường một đấng trưởng đoàn thay mặt nước Việt Nam mà cuối cùng Nguyễn Tường Tam lại… cáo ốm ở lại để rồi lịch sử chính thống ghi chép là: ”Đào ngũ mang theo hơn 1 triệu đồng bạc Đông Dương??? Để rồi sau này lại tự mình tìm đến cái chết với câu nói đầy uất ức và bí ẩn như sau: “Đời tôi xin để cho lịch sử xét sử!…” Và còn nhiều nhân vật mà theo tớ nếu tiếp tục lãnh đạo nước Việt Nam những năm 45, 46 ấy thì biết đâu chẳng có vị sẽ có dịp được nói một câu giông giống như câu của… đức vua Thái Lan: “Nước tôi có vinh dự là một nước nhỏ, mà chẳng phải đánh một thằng đế quốc to nào nhưng vẫn có độc lập”. Khi nghe đại sứ Nguyễn Trung phát biểu: “Nước tôi có vinh dự là một nước nhỏ mà đánh thắng ba đế quốc to…”. Cuộc chia tay ý thức hệ” giữa các vị này với nhau phải chăng là sự bắt đầu của cái sự “đòan kết, đại đòan kết” đã đến hồi kết thúc bởi khẩu hiểu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” đẩy ba anh không vô sản ra rìa!?

Tóm lại, cái sự “gà mờ” lịch sử này của tớ cho đến hôm nay đã hơi “sáng” ra nhờ sự giúp đỡ của các bạn khắp năm châu chứ chẳng trông mong gì vào mấy… nhà viết sử ăn bổng lộc nhà nước! Tớ càng thương lớp trẻ hôm nay! Ở nước ngoài thì học sử nước… người. Còn trong nước thì chỉ được biết giai đoạn lịch sử này bằng mấy câu: “Dân tộc Việt Nam đã vùng lên, đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp lấy chính quyền…” Cứ như có phép lạ trên trời ban xuống cho vận nước Việt Nam, cứ như mọi sự trả giá cho sự loạng quạng, gà mờ, bị lừa, bị lạc của hàng hàng triệu con người như bọn tớ chẳng hề xảy ra trong lịch sử cận đại bao giờ?
_________________________________

(#*) Dù tớ chẳng khoái cái kiểu viết hồi ký để nịnh người này chửi bới người kia và tự đề cao mình một lần nữa, hoặc nịnh bợ tới mức cháu cháu - bác bác với một người chỉ hơn mình đung có 5 tuổi thì quả là… khó ngửi thật. Nhưng tớ vẫn cảm ơn về sự mẫn cán làm nghề thư ký của ông ta để tớ phản biện vài điều để cùng các friends tớ phản biện mà chảng cần gửi tới những cơ quan có trách nhiệm nào như quy định mới ký cả,./.

-------------------------------------


Tuần ký số 15(tháng 8 mùa thu lu bù thứ chuyện)
Tuần kí số 16 (cách mạng mùa thu bắt đầu từ bao giờ?)


No comments: