Saturday, August 29, 2009

TED KENNEDY : MỘT BẬC THẦY LẬP PHÁP


Edward M. Kennedy: Một bậc thầy lập pháp cưỡi trên ngọn trào chính trị
Washington Post
Đinh Từ Thức dịch

28/08/2009 10:47 chiều
http://www.talawas.org/?p=9575
Lời người dịchNghị sĩ Edward Kennedy, một trong những chính khách nổi tiếng và thế lực nhất tại Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua, người từng đạt nhiều thành tích vẻ vang cũng như từng gây nhiều tai tiếng, đã qua đời ở tuổi 77 vào ngày thứ Ba 25 tháng 8, và an táng vào ngày thứ Bảy 29 tháng 8 tại nghĩa trang quân đội Arlington, cùng hai người anh bị ám sát là Tổng thống John Kennedy, và Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy.
Nhật báo Washington Post số ra ngày thứ Năm 27 tháng 8 đã có bài bình luận chính tóm lược những nét chủ yếu về cuộc đời của ông. Sau đây là bản dịch bài “Edward M. Kennedy: A legislative master who bucked political tides”.
---------------------------

Một bậc thầy lập pháp cưỡi trên ngọn trào chính trị
Ted Kennedy đã có lần nói rằng thành tích lập pháp của ông là cái mà ông muốn là người tranh cử chống lại. Tất nhiên có nhiều người đã thử, nhưng đều thua. Nhưng mà, họ đâu phải là Ted Kennedy. Ông Kennedy đã bỏ ra 46 năm tại Thượng viện giữ khá vững hướng đi, trong khi những người khác phải xoay chiều hay bỏ cuộc.

Ông vẫn theo đuổi mục tiêu cải cách của chính sách New Deal (thời Tổng thống Franklin Roosevelt) và chủ nghĩa phóng khoáng thời sau chiến tranh, ngay cả khi đã kém hấp dẫn và đối đầu với ngọn triều chính trị bảo thủ, nó vẫn còn nhiều để cung ứng cho đất nước. Ông Kennedy biết rằng ông là nhà lập pháp có thể giữ vững lập trường mà không phải lo về chuyện tái ứng cử. Quan trọng hơn là, ông đã thăng tiến những mục tiêu của mình với sự say mê và năng lực, và, bởi vì không những ông có thể cộng tác với các đồng nghiệp chính trị thuộc mọi cánh, mà chính ông còn thân thiết với rất nhiều người trong số đó, ông đã trở thành một thế lực quan trọng tại Thượng viện và trong nước. Chính vì uy thế của ông mà trong mùa Xuân và mùa Hè này nhiều người tin rằng dự án cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe lẽ ra đã tiến xa hơn nhiều tại Quốc hội nếu ông Kennedy đủ sức khỏe để đóng vai trò lãnh đạo như thường lệ.

Vào một buổi sáng mùa Đông trong mùa vận động bầu cử Tổng thống gần đây nhất, một đám đông hàng ngàn người quy tụ tại thao trường của một viện đại học ở Washington đến nỗi không còn chỗ chứa, để nghe vị nghị sĩ chúc phúc cho một tân đồng nghiệp mới được hơn một tuổi khi Ted Kennedy tới Washington. Đó chính là “Mãnh sư già của Thượng viện” như người ta vẫn thường gọi, đã có thể giúp rất nhiều cho cuộc vận động của Barack Obama cất cánh vào tháng Giêng là bằng chứng cả về hấp lực lâu dài của tên tuổi Kennedy lẫn sự nối kết giữa đảng của ông Kennedy và những mục tiêu của ông. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đứng về phía một số những người bị lạm dụng hay lãng quên nhiều nhất trong nước, như dân thiểu số, di dân, người nghèo hay những người thiếu sự săn sóc về y tế.

Khi ra ứng cử nghị sĩ lần đầu tiên từ bang Massachusetts, ông Kennedy còn chưa đủ tuổi để phụng sự, và thành tích của ông, trong đó có việc từng bị đuổi khỏi Đại học Harvard vì gian lận, không lấy gì làm hiển hách. Thomas Reeves, người viết tiểu sử John F. Kennedy viết rằng: “Giới trí thức Cambridge (nơi có trường Harvard) kinh ngạc về việc ứng cử của ông”. Nhiều người cảm thấy rằng gia đình Kennedy coi ông như người có quyền đợi đến phiên để nắm chức Tổng thống. Nhưng vào năm 1969, ông nghị lái xe rớt xuống sông tại một đầu cầu có tên là Chappaquiddick (ở đảo Martha’s Vineyard) thuộc Massachusetts, khiến một phụ nữ trẻ là cô Mary Jo Kopechne trong xe của ông nghị bị chết đuối. Việc ông nghị và những người có mặt với ông tại Chappaquiddick không thông báo về tai nạn nhiều giờ sau khi nó xẩy ra là hành động khiến nhiều người bị sốc có hậu quả lâu dài đối với mọi người can dự. Nó đã không chấm dứt tham vọng Tổng thống của ông Kennedy – ông đã thử và thất bại trước Jimmy Carter năm 1980 trong cố gắng để được đảng đề cử – nhưng cơ may để thành tựu đã sút giảm rất nhiều.

Dầu sao, ông Kennedy đã lựa chọn không để bị biến mất hay ổn định lâu dài như là một chính khách niên trưởng. Thành tích của ông đã chứng tỏ công việc của một nhà lập pháp tận tâm, chuyên cần, và đạt được sự kính trọng của những người bất đồng chính kiến với ông cũng như sự trung thành của những người làm việc cho ông và với ông. Ông chiến đấu kiên cường và bền bỉ trên nhiều lãnh vực rộng lớn khác nhau, gồm cả giáo dục (Luật không bỏ rơi trẻ em nào), môi sinh, quyền của giới đồng tính, cải tổ về việc cho sinh viên vay tiền và di dân. Thật vậy, ông đã đóng một vai trò quan trọng hầu như về mọi lãnh vực quan trọng của lập pháp.

Với hầu hết chúng ta, những ngày cuối cùng của đời ông là một bài học khác về sự cần thiết của một hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt. Ông đã quan niệm rằng hệ thống đó phải dành cho tất cả mọi người, và ông đã làm việc đến phút chót để biến điều đó thành sự thực. Đạt tới mục tiêu đó sẽ là cống hiến vĩ đại nhất mà các đồng viện của ông có thể làm cho ông.

Nguồn:
Washington Post 27/8/2009
Bản tiếng Việt © 2009 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

------------------------------------------

Hoa Kỳ cử hành tang lễ cố TNS Edward Kennedy (VOA)
Nước Mỹ vĩnh biệt cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy (RFI)
Công luận Hoa Kỳ tiếc thương cố thượng nghị sĩ Edward Kennedy (RFI)
Cuộc đời Edward Kennedy (BBC)
Công chúng đến viếng TNS Edward Kennedy (VOA)
[Video] Massachusetts Tiễn Biệt TNS Edward Kennedy
Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy qua đời (nguoivietboston)



No comments: