Saturday, August 29, 2009

DÂN NHẬT MỆT MỎI VÌ 54 NĂM CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG TỰ DO DÂN CHỦ


54 năm cầm quyền dân phát mệt
Ngô Nhân Dụng
Friday, August 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100432&z=7
Ngày Chủ Nhật, 30 Tháng Chín, dân Nhật Bản sẽ đi bầu Hạ Viện. Và đảng Tự Do Dân Chủ chắc sẽ thua, đảng Dân Chủ Nhật Bản có thể thắng lớn mặc dù mới ra đời được 11 năm nay. Ða số dân muốn bầu đảng Dân Chủ không nhất thiết vì họ tin chắc đảng đối lập sẽ thực hiện được tất cả các lời hứa hẹn, nhưng vì đảng Tự Do Dân Chủ đã nắm quyền quá lâu, cho thấy sinh lực hao mòn. Cũng giống như năm 2000 dân Mexico đã lật đổ đảng cầm quyền sau 70 năm từ khi độc lập, bầu cho một vị tổng thống dùng khẩu hiệu “liên minh thay đổi.” Ðây là một bài học cho nhưng dân tộc đã chịu sự cai trị của một đảng quá lâu ngày. Muốn thay đổi phải đòi cho dân được tự do bầu cử.

Dân chúng Nhật đã cảm thấy mệt mỏi với đảng Tự Do Dân Chủ sau khi họ cầm quyền từ năm 1955 đến nay, chỉ bị ngưng 11 tháng trong năm 1993 khi kinh tế trì trệ mà chính quyền thì lúng túng. Dân Nhật Bản cũng chán nản với nhưng vụ xì căng đan và tham nhũng trong giới cầm quyền, mặc dù nhưng vụ đó rất nhỏ so với Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng ở một nước người dân trọng liêm sỉ và nghĩa khí, bất cứ một vụ tham nhũng nhỏ nào cũng bị trừng phạt.

Cử tri Nhật Bản cũng mệt mỏi vì kinh tế trì trệ suốt 2 thập niên và hiện lâm vào tình trạng suy thoái nặng nề. Tỷ số thất nghiệp đã lên 5.7% trong Tháng Bẩy vừa qua, mức cao kỷ lục kể từ sau chiến tranh. Ðảng Dân Chủ tranh cử với khẩu hiệu “Thay đổi” mà trong lúc vận động nhiều khi họ không dùng chữ “kaeru” trong tiếng Nhật mà gọi là “chenji” phiên âm chữ “Change” trong tiếng Anh, khiến giới trẻ Nhật nhớ lại khẩu hiệu trong cuộc tranh cử năm ngoái ở Mỹ. Chương trình của đảng Dân Chủ nhắm vào giới trẻ, với những đề nghị xóa bỏ nhiều truyền thống lâu đời trong xã hội Nhật Bản. Họ cũng hứa sẽ cho người tiêu thụ có thêm tiền để kinh tế Nhật khỏi bị lệ thuộc quá nhiều trên hoạt động xuất cảng. Và lời hứa được dân chúng hoan nghênh nhất là giảm bớt guồng máy hành chánh, mà lực lượng công chức xưa nay vẫn là một trong ba cột trụ của đảng Tự Do Dân Chủ.

Ðể chứng tỏ họ muốn thay đổi các chủ trương truyền thống của đảng Tự Dân đang cầm quyền, ông Yukio Hatoyama, lãnh tụ đảng và là vị thủ tướng tương lai, hứa trước sẽ không đi viếng đền Yasukuni, nơi thờ hai triệu người Nhật đã bỏ mình vì nước. Các vị thủ tướng Nhật trước đây đều đi lễ đền này mặc dù chính phủ các nước chung quanh đã cực lực phản đối vì trong đó thờ cả nhưng lãnh tụ Nhật Bản thời đại chiến trước, bị coi là những tội phạm chiến tranh. Ðương kim Thủ Tướng Taro Aso cũng đã bỏ việc đi lễ đền này.

Ðảng Dân Chủ cũng sẽ xét lại mối bang giao với Mỹ, một cột trụ trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Một điểm nổi bật là quy chế các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, ngoài ra là việc Hải Quân Nhật giúp tiếp tế xăng cho hạm đội Mỹ ở Ấn Ðộ dương. Về chính sách quốc nội, đảng Dân Chủ hứa sẽ thay đổi luật để người phụ nữ Nhật Bản có thể giữ tên của mình sau khi kết hôn, mà không phải theo tên chồng. Nhiều phụ nữ trẻ muốn xây dựng một nghề nghiệp độc lập vẫn mong ước được “giải phóng” khỏi phong tục cổ truyền.

Về mặt xã hội, Ðảng Dân Chủ hứa sẽ trợ cấp mỗi trẻ em từ 15 tuổi trở xuống 26,000 Yen, khoảng 275 đô la một tháng để khuyến khích sinh con, đối phó với mối lo dân số đang giảm bớt. Hiện nay mỗi trẻ em ra đời đã được cấp 350,000 Yen. Dân số Nhật lên cao nhất, gần 128 triệu vào năm 2006, nay đã giảm xuống còn 115 triệu, và cứ theo đà này sẽ xuống 100 triệu trong 40 năm nữa.

Ðảng Dân Chủ cũng hứa sẽ bãi bỏ học phí trong các trường trung học công lập, bãi bỏ tiền trả khi dùng xa lộ (toll), ngưng không tăng thuế tiêu thụ 5% mà chính phủ cũ tính thi hành, trợ cấp thêm cho nông dân, trợ cấp dậy nghề cho người thất nghiệp, vân vân. Tất cả là một cách “giảm thuế” cho dân có thêm tiền tiêu thụ.

Ngoài ra, đảng Dân Chủ hứa sẽ không cho các xí nghiệp giữ lối thuê nhân viên làm bán thời gian quá nhiều. Chính sách nhân dụng này giúp các xí nghiệp Nhật cắt giảm chi phí khi kinh tế khó khăn nhưng phần lớn phụ nữ, thanh niên mới ra trường và người lớn tuổi phải hy sinh với công việc bấp bênh. Lương tối thiểu sẽ được tăng từ 739 Yen lên 800 Yen một giờ (gần 8 đô la rưỡi). Ðây là những chủ trương bị giới chủ nhân phản đối nhưng sẽ thu hút được nhiều cử tri.

Kể từ cuộc cải tổ bầu cử năm 1994, cử tri Nhật sẽ bầu trực tiếp trong 300 đơn vị bầu cử, còn 180 ghế đại biểu Hạ Viện sẽ được chọn trong danh sách các đảng chính trị theo tỷ lệ số phiếu mà mỗi đảng thu được.
Các cuộc nghiên cứu dư luận đều cho thấy đảng Dân Chủ sẽ chiếm được đa số trong Hạ Viện sắp tới. Nhật báo Asahi phỏng vấn hàng trăm ngàn cử tri đã tiên đoán đảng Dân Chủ sẽ chiếm được 321 trong số 480 ghế đại biểu ở Hạ Viện. Ðó là nơi sẽ quyết định các đạo luật, và nếu đủ 2 phần ba số phiếu thì đảng đa số có thể bác bỏ nhưng ý kiến thay đổi từ Thượng Viện.

Ðảng Tự Do Dân Chủ đã nắm chính quyền hơn nửa thế kỷ qua nhờ đã đưa nước Nhật ra khỏi thời hậu chiến bước vào một giai đoạn kinh tế phát triển nhanh và đều đặn trong ba thập niên. Chiến tranh lạnh cũng là một yếu tố giúp đảng Tự Do Dân Chủ ngồi vững vì chính sách ngoại giao của họ là liên kết chặt chẽ với Mỹ trước mối đe dọa của khối cộng sản mà hai nước láng giềng, Nga và Trung Quốc là những trung tâm bành trướng. Có ba thành phần giúp đảng Tự Do Dân Chủ bảo vệ được quyền hành, là các đại xí nghiệp, các ngân hàng và guồng máy công chức. Chính sách kinh tế của đảng là do các đại công ty và ngân hàng cùng các công chức ấn định; trong các cơ quan nhà nước giới công chức thâm niên đóng vai trò quan trọng hơn các chính trị gia khi soạn thảo chính sách quốc gia. Người công chức Nhật Bản thật sự là những người công bộc, thanh liêm, tận tụy, và họ là những cử tri trung thành của đảng Tự Do Dân Chủ. Nhiều cử tri Nhật Bản nghi ngờ đảng Dân Chủ sẽ khó thực hiện ý định giảm thiểu guồng máy công quyền, vì đây là một lực lượng bảo thủ có khả năng chống lại hoặc trì hoãn những đề nghị cải tổ.

Ðảng Tự Do Dân Chủ đã được dân tín nhiệm vì các chính sách kinh tế thành công. Chính sách đó đặt trọng tâm vào phục hồi công nghiệp và bành trướng ngành xuất cảng nên không chú trọng đến việc khuyến khích tiêu thụ. Sau khi bại trận, kinh tế Nhật đã phục hồi nhanh chóng nhưng guồng máy kinh tế nằm trong tay các ngân hàng, đại xí nghiệp và giới công chức quyết định trở nên cứng nhắc, khó thay đổi. Ðến cuối thập niên 1980 nền kinh tế Nhật đã vượt lên hàng thứ ba trên thế giới, nhưng lợi tức của các tập đoàn doanh nghiệp tăng lên nhanh hơn hẳn đồng lương của người dân. Chủ trương ưu đãi giới tư bản đưa tới tình trạng tiền lời của họ dư thừa, trong lúc tiền tiết kiệm của dân được trả với lãi suất nhỏ giọt. Vì chính sách tiền tệ nới lỏng, các doanh nghiệp đầu tư ra ngoại quốc, sau đó đã mất rất nhiều tiền. Ở trong nước, họ dùng tiền thặng dư đi mua chứng khoán và địa ốc, khi giá cả lên quá cao trái bong bóng nổ đưa tới cuộc khủng hoảng đầu thập niên 1990. Nhưng vì guồng máy điều khiển nền kinh tế quá cứng nhắc nên nhưng cuộc cải tổ tiến hành rất chậm chạp, khiến cho kinh tế Nhật Bản trì trệ từ đó tới nay.

Ðảng Dân Chủ tấn công chủ trương của đảng Tự Do Dân Chủ đương quyền trên chủ trương kinh tế căn bản. Họ đặt quyền lợi của dân trên quyền lợi các ngân hàng và xí nghiệp. Cho nên họ hứa hẹn sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế, chú trọng tới người tiêu thụ nhiều hơn là lợi nhuận của giới tư bản. Ðó là nguyên nhân họ đưa ra các chính sách giảm thuế cho dân và giảm bớt guồng máy hành chánh.

Tuy nhiên, chương trình của đảng Dân Chủ sẽ tiêu tốn mỗi năm 16,800 tỷ Yen, tương đương với 179 tỷ đô la Mỹ, khi được thực hiện đầy đủ trong ba năm nữa. Ðây là một nỗi khó khăn khiến nhiều người không tin chương trình này sẽ thực hiện được đầy đủ. Hiện nay chính phủ Nhật Bản đang chịu một gánh nợ với tỷ lệ cao nhất thế giới; trong năm tới tổng số nợ của chính phủ sẽ lớn gần gấp đôi tổng sản lượng nội địa. Số nợ của chính phủ Mỹ bằng 80% GDP trong năm 2008 và năm nay chắc chắn sẽ lên, có thể lên 90%. Những món nợ của chính phủ Nhật đều nợ người trong nước nên không lo ngại nhiều như các nước nợ người ngoại quốc, nhưng khả năng vay nợ nào cũng có giới hạn.

Một điều hứa hẹn của đảng Dân Chủ được cử tri hoan nghênh là chấm dứt nhưng lãng phí của các chính quyền trước. Ðảng Tự Do Dân Chủ đã nổi tiếng về nhưng công trình xây dựng hạ tầng cơ sở hoàn toàn phí phạm, nhưng lại có lợi cho các đại biểu của đảng trong mùa tranh cử, vì củng cố được sự ủng hộ của các công ty xây cất mỗi địa phương cũng như giới công nhân xây dựng. Từ nhiều thập niên qua, các đại biểu đảng Tự Do Dân Chủ gần như bảo vệ được ghế ngồi của mình nhờ giới tư bản ủng hộ. Với những dự án mua chuộc cử tri địa phương như vậy, nhiều ghế đại biểu truyền từ đời cha sang đời con nhờ guồng máy tranh cử thông thạo và vững chắc trong từng đơn vị. Nếu đảng Dân Chủ đắc thắng, đó sẽ là nhờ nhữ ng cuộc cách mạng trong từng đơn vị bầu cử!
Guồng máy đó cũng chính là một lý do khiến đảng Tự Do Dân Chủ đã hao mòn sinh lực và không đủ cương quyết trong việc cải tổ hệ thống kinh tế, tài chánh theo nhu cầu quốc gia khi gặp cơn khủng hoảng. Quyền hành sinh nhũng lạm, nắm quyền càng lâu thì càng dễ sinh bạc nhược và hư hỏng.

Chính vì vậy mà dân chúng Nhật tỏ ra họ nóng lòng muốn thay đổi, mặc dù nhiều người còn nghi ngờ khả năng thực hiện được tất cả những lời hứa hẹn của đảng Dân Chủ. Một ưu điểm của đảng này là họ đưa ra nhiều ứng cử viên trẻ và nhiều phụ nữ tranh cử hơn đảng Tự Do Dân Chủ, một đảng của các bô lão. Nhiều chính khách lão thành của đảng Tự Do Dân Chủ lo sẽ thất cử. Một hình ảnh tiêu biểu cho nhưng người này là ông Shoichi Nakagawa, nguyên bộ trưởng tài chánh. Tháng Hai vừa qua, tại London, trong cuộc họp báo sau khi họp Khối G-20 ông đã nói níu lưỡi vì đêm hôm trước uống nhiều rượu quá. Trong cuộc tranh cử này, ông đã lên tiếng hứa với các cử tri là sẽ ngưng uống rượu - chắc ông sẽ chỉ ngưng nếu đắc cử. Người Nhật muốn thoát khỏi một guồng máy chính trị quá già nua, tự mãn và sơ cứng. Chỉ trong một chế độ dân chủ tự do người dân mới có khả năng thay đổi đảng cầm quyền như vậy.



No comments: