Thursday, August 20, 2009

NHÀ CẦM QUYỀN CSVN LUẬN TỘI 5 NGƯỜI ĐẤU TRANH ĐÒI DÂN CHỦ


TTXVN
Sớm đưa vụ án xâm phạm an ninh quốc gia ra xét xử
19/08/2009 19:34:00
http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/www.vietnamplus.vn/Som-dua-vu-an-xam-pham-an-ninh-quoc-gia-ra-xet-xu/3101063.epi
Cơ quan An ninh điều tra đang phối hợp với Viện Kiểm sát và tòa án để khẩn trương đưa ra xét xử một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.
Tính đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt, triệu tập và mời làm việc 27 đối tượng, trong đó khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng gồm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim về hành vi chống Nhà nước.

Ngày 17/5/2009, Tổng cục An ninh đã xác định chủ blog "Trần Đông Chấn" cùng một loạt các blog có nội dung chống Nhà nước chính là Trần Huỳnh Duy Thức - Tổng Giám đốc Công ty Một kết nối (OCI). Ngày 24/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp Thức khi Thức đang sử dụng đường truyền internet để liên lạc với đối tượng phản động bên ngoài.
Căn cứ tài liệu thu được và lời khai của Trần Huỳnh Duy Thức, ngày 4/6, cơ quan An ninh điều tra bắt khẩn cấp Lê Thăng Long, Tổng Giám đốc Công ty Innotech; ngày 13/6 bắt Lê Công Định, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lê Công Định; ngày 7/7 bắt Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim; và ngày 16/7 bắt, trục xuất Võ Kevin Huân - đối tượng được Nguyễn Sỹ Bình, kẻ cầm đầu tổ chức phản động người Việt lưu vong có tên gọi “Đảng nhân dân hành động” ở Mỹ cử về Việt Nam nắm tình hình.

Kết quả bắt, khám xét Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, đã thu được 169 bài viết trên thư điện tử, blog, textchat gồm 1.189 trang tài liệu. Thức đã khai nhận hành vi chống Nhà nước thông qua việc trực tiếp viết 53 bài gồm 14 bài công kích sự điều hành, chính sách kinh tế của Chính phủ; 21 bài xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng; 10 bài chia rẽ nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Kết quả điều tra, các bản cung và bản tự khai của Trần Huỳnh Duy Thức cho thấy, Thức chủ mưu thành lập "Nhóm nghiên cứu Chấn" từ cuối năm 2005 nhằm thay đổi chế độ, là người khơi nguồn công kích xuyên tạc các chính sách của Chính phủ và trực tiếp công kích quyết liệt Thủ tướng Chính phủ bằng các blog “Trần Đông Chấn,” “Change We Need” và “Psonkhanh.”

Trong khi đó, Lê Công Định đã khai nhận rằng được sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, Định tham gia tổ chức phản động lưu vong có tên gọi "Đảng dân chủ Việt Nam" đầu năm 2008, tham gia "Ban thường vụ" từ tháng 5/2009, và được Nguyễn Sỹ Bình bổ nhiệm làm Tổng thư ký từ tháng 6/2009 nhưng chưa công bố thì bị bắt. Tháng 3/2009, tại Phuket (Thái Lan), Lê Công Định cùng Nguyễn Sỹ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức đã thống nhất về thời điểm thay đổi thể chế chính trị 2010-2011 mà nhóm này gọi là "lúc phất cờ."
Lê Công Định đã viết, sưu tầm, trao đổi qua thư điện tử 60 đầu tài liệu gồm 413 trang, trong đó, trực tiếp viết 33 bài tuyên truyền công kích chế độ; sưu tầm, tàng trữ 27 bài chỉ trích, phê phán đường lối chính sách tôn giáo, giáo dục, hoạt động tư pháp của Đảng, Nhà nước, đòi thay đổi Hiến pháp mà các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong gửi cho Định, trong đó có cuốn "Từ độc tài đến dân chủ" do tổ chức phản động lưu vong "Việt Tân" dịch, phân tích các cuộc đấu tranh bất bạo động lật đổ các thể chế chính trị diễn ra tại châu Á, châu Âu. Ngoài ra, Định còn tàng trữ hàng chục cuốn sách của các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị có nội dung chống đối, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công an cũng thu của Định bộ tài liệu "Tân Hiến pháp" gồm 112 trang.
Lê Công Định biết rõ Việt Tân là tổ chức khủng bố nhưng vẫn tham gia hoạt động; có quan hệ với các đối tượng phản động chống đối như Vũ Thư Hiên, Trịnh Hội, Nguyễn Quốc Quân, Phương An, Châu (chồng Phương An)... Định khai đã 17 lần tiếp xúc với một số đối tác nước ngoài và được hứa hẹn cổ vũ, ủng hộ. Lê Công Định là người nêu vấn đề bauxite Tây Nguyên là tử huyệt của chế độ cộng sản, từ đó Trần Huỳnh Duy Thức viết bài “Bauxite Tây Nguyên: Huyệt mộ triều đại Cộng sản tự đào chôn mình” trên blog “Change We Neeed.”

Đối với Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, thạc sỹ công nghệ thông tin, công an đã thu được 96 trang tài liệu liên quan đến tổ chức “Đảng dân chủ Việt Nam” và “Tập hợp thanh niên dân chủ” trong máy vi tính.
Năm 2002, Nguyễn Tiến Trung sang Pháp du học, đã tiếp xúc với các đối tượng phản động như Nguyễn Gia Kiểng - cầm đầu tổ chức phản động “Tập hợp dân chủ đa nguyên,” Bùi Tín, Vũ Thư Hiên..., bị những người này lôi kéo, hỗ trợ lập ra tổ chức phản động mang tên “Tập hợp thanh niên dân chủ” do chính Trung cầm đầu; tổ chức này có danh xưng từ ngày 8/5/2006 tại Pháp, với mục đích mà chúng công khai tuyên bố là tập hợp lực lượng trong giới trẻ, phối hợp với lực lượng chống đối trong và ngoài nước chống Nhà nước, đòi thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Nhóm này đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn kế hoạch chống Nhà nước Việt Nam.
Nguyễn Tiến Trung được Nguyễn Sỹ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi đưa sang Mỹ tiếp xúc với lực lượng phản động, trong đó có những đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân,” “Tuổi trẻ Việt Nam lên đường,” “Liên minh Việt Nam tự do,” “Ủy ban bảo vệ quyền người lao động Việt Nam.” Tháng 12/2006, Nguyễn Tiến Trung xin gia nhập tổ chức phản động lưu vong có tên gọi “Đảng dân chủ Việt Nam” do Nguyễn Sỹ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi cầm đầu với bí danh Nguyễn Trọng Nghĩa. Đầu tháng 6/2007, Nguyễn Tiến Trung được Nguyễn Sỹ Bình cử vào vị trí Ủy viên trung ương đảng, Phó ban đối ngoại, Trưởng ban công tác thanh niên; năm 2009 được Bình cử vào Ban thường vụ trung ương, được phân công làm Phó tổng thư ký phụ trách thanh niên của “Đảng dân chủ Việt Nam,” có nhiệm vụ công khai hóa tổ chức, phát triển lực lượng.
Nguyễn Tiến Trung đã soạn thảo, tán phát 60 bài gồm 192 trang có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta, tuyền truyền kích động chống Nhà nước, ca ngợi các đối tượng chống đối.

Trần Anh Kim, sinh năm 1949, từng có tiền án 24 tháng tù giam về tội “Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế.” Năm 2006, Kim xin tham gia tổ chức “Đảng dân chủ Việt Nam” của Hoàng Minh Chính và được bổ nhiệm làm ủy viên trung ương của tổ chức này. Ngày 31/5/2009, Kim còn được Nguyễn Sỹ Bình bổ nhiệm làm "Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam." Cùng với Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Nam Hải trong Ban đại diện tổ chức có tên gọi "Khối 8406,” Kim chủ trương tập trung móc nối, lôi kéo những người khiếu kiện cực đoan để làm lực lượng nòng cốt đấu tranh nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trần Anh Kim đã viết 60 tài liệu nội dung phỉ báng Đảng, Nhà nước, xuyên tác tình hình đất nước, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên, đa đảng, kêu gọi tập hợp lực lượng chống Nhà nước.
Trần Anh Kim còn thu thập, cung cấp thông tin bịa đặt cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sử dụng nhằm mục đích chống Nhà nước. Kim thừa nhận đã hàng trăm lần trả lời phóng viên các đài, báo nước ngoài như RFA, BBC, đài Chân trời mới... với nội dung cố ý xuyên tạc tình hình chính trị Việt Nam. Kim mở 2 tài khoản ngân hàng, nhận gần 60 triệu đồng và 3.000 USD của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước để mua phương tiện hoạt động (điện thoại di động, máy vi tính...) và hỗ trợ cho một số đối tượng khiếu kiện cực đoan quá khích nhằm chống Đảng, Nhà nước.

Lê Thăng Long, sinh năm 1967, tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức từ cuối năm 2005 , trực tiếp viết 12 bài xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính phủ, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị. Long còn cấu kết với các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài thành lập tổ chức phản động với tên gọi “Phong trào chấn hưng nước Việt” gồm 10 “câu lạc bộ” để phát triển lực lượng.

Quá trình điều tra xác định rằng các đối tượng – gồm những trí thức, doanh nghiệp trẻ - đã hành động một cách có tổ chức nhằm chống phá và lật đổ Nhà nước Việt Nam, có sự liên kết với các tổ chức phản động lưu vong và được các thế lực thù địch chống Việt Nam khích lệ, hỗ trợ. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia. Đến nay, về cơ bản các đối tượng đã nhận tội, xin được pháp luật khoan hồng. Việc cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng biện pháp tố tụng đối với các đối tượng nêu trên được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng và dư luận xã hội./.
(TTXVN/Vietnam+)


No comments: