Wednesday, August 19, 2009
NGHỊ SĨ JIM WEBB ĐẾN VIỆT NAM
TNS Webb tới Việt Nam
Trần Khải
Đăng ngày 19/08/2009 lúc 16:48:45 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4046
Khi bạn đọc những dòng chữ này, Thượng nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ Jim Webb đang có mặt tại Việt Nam, dự kiến sẽ họp bàn về nhiều vấn đề, trong đó có thể tin là sẽ bàn về khả năng hợp tác quân sự hai nước Mỹ-Việt để ổn định Biển Đông.
Dường như định mệnh của TNS Webb đã liên tục gắn liền với Việt Nam, từ thời thanh niên trong quân ngũ đã tham chiến ở chiến trường Việt Nam, và khi tranh cử chức thượng nghị sĩ đã nhờ nhiều nhân vật trong cộng đồng Việt Nam tại Virginia giúp đỡ. Và định mệnh nữa: phu nhân Hồng Lê Webb là một người Mỹ gốc Việt, đích thân bà đã góp sức vận động tìm phiếu cử tri gốc Việt tại Virginia năm 2008 để giúp chồng thắng cử chức thượng nghị sĩ.
Không chỉ là góp máu cho cuộc chiến tại Việt Nam nhiều thập niên trước để giữ gìn trận tuyến tự do, TNS Jim Webb bây giờ còn góp cả con tim cho một biểu tượng văn hóa Việt.
Bạn hãy nhớ tới cốt truyện những cuốn phim action nhiều thập niên trước: khi cả làng tới chỗ căng thẳng, có vẻ như bế tắc trước sức ép cường quyền, thì đột nhiên một hiệp sĩ Zorro phóng ngựa tới, và khán giả cả rạp vỗ tay...
Tuần vừa qua TNS Webb đã xuất hiện gần gần như thế. Ông đã bay vào Miến Điện, họp với các tướng lãnh cầm quyền Miến Điện, và cứu người công dân Mỹ có tên là John Yettaw về Mỹ. Ông Yettaw đã bị tòa án Miến Điện tuyên án tù 7 năm vì đến nhà của lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, người đang bị quản thúc nhiều thập niên.
Khi rời Miến Điện, TNS Webb đề nghị với chính phủ Mỹ hãy gỡ cấm vận Miến Điện, vì nói rằng biện pháp này chỉ làm khổ dân Miến Điện mà không làm sứt mẻ gì tới chế độ quân phiệt. Thực tế, TNS Webb chỉ nói điều cả thế giới đều biết: các cuộc cấm vận ở Miến Điện, Bắc Hàn, Cuba, Iran... chỉ làm dân các nước này khổ hơn, và làm các chính phủ bạo ngược này vững vàng hơn. Chuyện cũng y hệt với nhà nước Hà Nội trước kia. Nhưng nhìn ngược lại, nếu không cấm vận, nếu vẫn tăng tốc giao thương, thì lại bị xem là khen thưởng cho các chế độ bạo ngược.
Tuy nhiên, hôm Thứ Ba 18-8-2009, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng việc Miến Điện trả tự do cho ông John Yettaw không làm cho Mỹ nới lỏng các biện pháp chế tài. Chỉ còn một điều mà hiệp sĩ Webb không làm nổi: nhà nước Miến Điện chưa chịu trả tự do cho bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo 64 tuổi của phong trào dân chủ Miến Điện, người bị quản thúc gần 2 thập niên.
Trên nguyên tắc, TNS Jim Webb sẽ nói chuyện rôm rả khi tới thăm Lào, Cam Bốt và Việt Nam, vì ông Webb được mô tả là biết nói tiếng Việt, một ngôn ngữ nhiều nhà lãnh đạo Lào và Cam Bốt đều thông thạo.
Nói chuyện ở Cam Bốt thì dễ rồi, vì dù sao thì chế độ Nam Vang cũng đã là đa đảng dân chủ (trên nguyên tắc, và thực tế một phần). Thêm nữa, chuyện ở Cam Bốt vẫn dễ hơn: TNS Webb hứa hẹn khi về Mỹ sẽ vận động mở cửa đón hàng may dệt và nhiều thứ khác của dân Cam Bốt.
Nhưng nói tới Lào thí thật khó, vì dân Mỹ gốc Lào đã xin TNS Webb vận động từ lâu để buộc nhà nước Vạn Tượng trả tự do cho các nhà hoạt động dân chủ bị bắt trong cuộc xuống đường đòi dân chủ ở Vạn Tượng năm 1999, và đặc biệt đòi thả 3 công dân Mỹ gốc Lào đang bị giam từ tháng 8-2007 mà không bị đưa ra tòa.. Các bản tin qúôc tế không cho biết Lào có chịu thả hay không. Có thể đoán là hiệp sĩ Webb không thuyết phục nổi nhà nước Vạn Tượng đâu.
Một nhiệm vụ mà người Mỹ gốc Lào ở Virginia còn mong đợi TNS Webb giúp là, theo bản văn của Bounthanh Rathigna, chủ tịch United League for Democracy, Inc. (ULDL) tại Virginia, viết trên mạng fra.controlarms.org rằng:
“Chúng tôi, cộng đồng người Lào tại Virginia, muốn Thượng Nghị Sĩ Jim Webb giúp mang nhân quyền và một xã hội cởi mở tới Lào, và để đòi hỏi trả tự do cho các sinh viên lãnh đạo Phong Trào Dân Chủ Tháng Mười 1999 (Lao Student Leaders for Democracy of the October 1999 Movement for Democracy) vẫn còn bị nhà nước Vạn Tượng giam giữ...”
Vậy đó. Hoàn toàn bặt tăm... Thế giới không còn nghe tin gì về các sinh viên lãnh đạọ phong trào dân chủ Lào 1999 nữa. Y hệt như chuyện anh Lê Trí Tuệ bị mất tích, và được suy đoán là công an CSVN đã sang tận Nam Vang bắt cóc mấy năm trước. Cũng y hệt như trường hợp công an CSVN thập niên 1990s đã sang tận Bulgaria bắt cóc dịch giả Phạm Văn Viêm để đưa về VN giam giữ, và bặt tăm luôn tới giờ.
Thế mới biết, hiệp sĩ Webb không thể nào bằng Zorro, hay Batman, hay Superman, hay Spiderman được. Vậy thì TNS Jim Webb có thể làm gì tại Việt Nam?
Hối thúc sự cởi mở hơn, đốc thúc Hà Nội tiến về đa nguyên đa đảng? Hay là ca ngợi cách làm việc của Đại Sứ Michael Michalak của Mỹ tại VN và gật gù rằng cần phải sử dụng biện pháp gửi sinh viên VN du học để diễn biến hòa bình hai mươi năm sau?
TNS Webb sẽ nói gì về trường hợp nhân quyền, tôn giáo tại VN? Chúng ta biết chắc chắn rằng TNS Webb cũng được cử tri gốc Việt tại Virginia nhờ vả một số chuyện, bởi vì thắng cử tại Virginia của TNS Webb tháng 11 năm 2008 một phần lớn cũng nhờ cộng đồng Việt.
Mặt khác, TNS Webb sẽ giúp gì cho VN trong mặt trận Biển Đông, nơi đang âm ỉ sôi sục và là nơi lãnh hải VN bị Trung Quốc lấn ép liên tục?
Cần nhớ rằng, Thượng Nghị Sĩ Webb, một cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, đã hối thúc việc thắt chặt quan hệ Mỹ-Việt Nam. Đặc biệt, hồi tháng 7, TNS Jim Webb đã chủ tọa một cuộc điều trần về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Tại cuộc điều trần này, ông Webb nói Hoa Kỳ nên đối đầu với tình trạng bất cân xứng quyền lực rõ rệt do Trung Quốc đặt ra trong cuộc tranh chấp vùng lãnh hải này.
Hôm Thứ Ba, báo Tuổi Trẻ đã đăng bài viết bày tỏ lập trường cứng rắn đối với tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Bài viết nhan đề “Trung Quốc yêu sách 80% diện tích biển Đông: Không chấp nhận đường "lưỡi bò”” của tác giả Quốc Pháp, trong đó khẳng định:
“...Xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu sách đường đứt đoạn chín khúc của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được...
...Liệu hình ảnh mà nhân dân Trung Quốc đã dày công xây dựng về một đất nước Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, hữu nghị và hợp tác có còn được nguyên vẹn trong con mắt của nhân dân các nước láng giềng sau khi Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách đối với 80% diện tích của biển Đông? Liệu việc làm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự đánh giá của các nước ASEAN đối với những chính sách và việc làm phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) trước đó của Trung Quốc?”
TNS Jim Webb sẽ nói gì, làm gì tại Việt Nam? Ông có thể mang công dân Mỹ John Yettaw rời nhà tù Miến Điện để về Mỹ, có thể hứa hẹn sẽ vận động kết thân thương mại với Thái Lan, Lào và Cam Bốt, nhưng có thể làm gì để cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Virginia hài lòng. Và quan tâm lớn nhất: sẽ có hứa hẹn gì về Biển Đông từ TNS Webb, người đang có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách quân sự Mỹ?
Làm hiệp sĩ không phải là việc dễ làm. Và phim ảnh không hẳn đã như chuyện ngoài đời. Nhưng có thể tin được rằng Thượng Nghị Sĩ Jim Webb lúc nào cũng hết lòng với Việt Nam, nơi ông đã nhiều năm miệt mài tác chiến để ngăn làn sóng cộng sản.
Trần Khải
TNS J. Webb tại Việt Nam: Hoa Kỳ có thể làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực
Đức Tâm
Bài đăng ngày 19/08/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 19/08/2009 14:20 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/116/article_4628.asp
Hôm qua, trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, thượng nghị sĩ Jim Web, chủ tịch tiểu ban Đông Á, thuộc Ủy ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ đã từ Cam Bốt sang Việt Nam. Ông đã họp báo tại Hà Nội sáng nay.
Theo AP, trong cuộc gặp với giới báo chí hôm nay tại Hà Nội, thượng nghị sĩ J. Webb cho biết là ông muốn làm cho lãnh đạo Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á hiểu được rằng khu vực này có tầm quan trọng sống còn đối với Hoa Kỳ và Mỹ có thể làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Còn theo AFP, cũng trong cuộc họp báo hôm nay, ông Webb đã chỉ trích Trung Quốc không đóng vai trò lãnh đạo trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị tại Miến Điện. Ông cho biết sau khi từ Miến Điện trở về Bangkok, ông có nhận định là chính phủ Trung Quốc lẽ ra cần tiến lên phía trước, chứng tỏ vai trò lãnh đạo trong việc giúp giải quyết tình hình tại Miến Điện. Thế nhưng, Trung Quốc đã không làm việc này.
Cuối tuần qua, thượng nghị sĩ Webb công du Miến Điện. Tại đây, ông đã hội đàm với tướng Than Shwe, lãnh đạo số một của chế độ quân sư và đã gặp bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phe đối lập, người vừa bị giới tướng lãnh kết án 18 tháng quản thúc tại gia. Ông cũng đã thuyết phục được chính quyền Miến Điện trả tự do cho một công dân Hoa Kỳ.
Khi được hỏi là ông có yêu cầu phía Việt Nam trả tự do cho tù chính trị nào không, ông J. Webb nói rằng những cuộc thảo luận về thay đổi chính trị ở Việt Nam đang diễn ra, nhưng ông không nêu vấn đề này trong chuyến viếng thăm.
Tháng bảy vừa qua, một nhóm nghị sĩ Hoa Kỳ đã kêu gọi Hà Nội, nhân lễ Quốc khánh 2/9, hãy trả tự do cho hơn 100 tù chính trị đấu tranh bất bạo động.
Sau Hà Nội, thượng nghị sĩ Webb còn tới thăm Đà Nẵng và Sài Gòn, gặp gỡ quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp. Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du Đông Nam Á của ông Webb.
Thượng nghị sĩ tiểu bang Virginia có vợ người Việt và ông nói được tiếng Việt. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông Webb tham gia lực lượng thủy quân lục chiến. Ông đã từng giữ chức trợ lý bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Hải quân tại Lầu Năm Góc.
TNS Webb: Biển Đông không đơn giản chỉ là đối trọng hải quân
19/08/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-08-19-voa16.cfm
Thượng nghị sĩ Jim Webb của Mỹ đã kết thúc chuyến thăm kéo dài hai tuần đến năm nước Đông Nam Á bằng một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Tư. Tại đây, ông một lần nữa nhấn mạnh tới vị thế của khu vực và vai trò của Hoa Kỳ trong việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc tại đây. Giới quan sát từng nhận định rằng chuyến công du của vị Thượng nghị sĩ với vai trò Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ 'rất đáng chú ý' trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á cũng như củng cố tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Mời quý vị theo dõi bài tường thuật của Nguyễn Trung, phóng viên Ban Việt Ngữ, Đài VOA.
Phát biểu mở đầu cuộc họp báo kéo dài khoảng 30 phút, Thượng nghị sĩ Jim Webb đánh giá rằng hiện giờ là 'thời điểm tốt đẹp để phát triển quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam' cho dù hai nước đã có một 'quá khứ sóng gió'.
Nghị sĩ thuộc phe Dân chủ cũng cho rằng mỗi nước có lịch sử khác nhau, và chuyến công du của ông nhằm lắng nghe, trao đổi với các nhà lãnh đạo để chuyển thông điệp rằng 'Mỹ muốn gia tăng quan hệ'.
Ông nói: 'Chuyến thăm của tôi nhằm mục đích khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với nước Mỹ và cũng như bảo đảm, khẳng định với các nhà lãnh đạo và nhân dân khu vực này về tầm quan trọng của họ đối với nước Mỹ'.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, nói với Ban Việt ngữ Đài VOA rằng chuyến đi của ông Webb tới Việt Nam 'rất đáng chú ý' trong thời điểm hiện nay khi mối quan hệ giữa Hà Nội - Washington đang được cải thiện và nhất là ông Webb đang nắm giữ vị trí quan trọng là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ.
Ông Thayer nhận định: 'Mới đây ông Webb cũng chủ tọa phiên điều trần về tình hình ở Biển Đông ở Washington. Thế nên, tôi nghĩ rằng tất cả đều đổ dồn lắng nghe xem ông ấy sẽ phát biểu những gì khi tới thăm Việt Nam'.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, vị Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Virginia cũng dành một phần thời gian để nói về sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trên bình diện rộng, bao gồm cả vấn đề tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông và vai trò của Hoa Kỳ.
Ông Webb cho rằng tình hình ở Biển Đông 'không đơn giản chỉ là vấn đề hải quân nước này đối trọng với nước khác', mà là 'sự cần thiết của Hoa Kỳ trong việc cân bằng sức mạnh của các nước trong khu vực'.
Vị Thượng nghị sĩ nói: 'Tôi đã nêu vấn đề này trong nhiều cuộc gặp và trong cả chuyến đi này. Điểm quan trọng nhất là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng với các cường quốc đang trỗi dậy. Tôi tin rằng điều đó có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, lẫn ngoại giao đối với các nước như Hoa Kỳ cũng như các nước có liên quan như Việt Nam. Washington sẵn sàng trở thành một sức mạnh cân bằng với Trung Quốc ở khu vực'.
Hồi tháng Bảy, tại phiên điều trần đầu tiên về 'Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Đông Á' ở Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng từng nói rằng Bắc Kinh 'không chỉ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị mà còn tìm cách mở rộng cả lãnh thổ, và 'tiến trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đang trực tiếp hỗ trợ mục tiêu đó'.
Tại Hà Nội hôm thứ Tư, ông Web một lần nữa cho rằng Hoa Kỳ cần phải có hành động cụ thể hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực Đông Nam Á, nhưng 'không phải bằng quân sự mà bằng các biện pháp ngoại giao và vị thế của Hoa Kỳ'.
Nhà phân tích chính trị Carl Thayer nhận định rằng trong năm nước mà ông Webb công du tới, Việt Nam rõ ràng quan tâm tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông nhất.
Chuyên gia về Việt Nam nói: 'Hà Nội luôn mong muốn Hoa Kỳ làm điều gì đó với Trung Quốc – những hành động mà Việt Nam muốn làm nhưng chỉ có Hoa kỳ mới có đủ khả năng. Việt Nam sẽ luôn tìm cách củng cố quan điểm là Hoa Kỳ nên can dự một cách chiến lược về vấn đề này, nên giáp mặt với Trung Quốc' .
Hiện chưa có thông báo về nội dung của các cuộc thảo luận giữa ông Webb và giới chức Việt Nam, nhưng ông Carl Thayer nhận định rằng ngoài vấn đề Biển Đông, vị Thượng nghị sĩ cũng 'xem xét tới các lợi ích thương mại của Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng như vấn đề tôn giáo'.
Ông Thayer nói: 'Trước tình hình căng thẳng liên quan tới các cuộc phản đối của các tín đồ Công giáo ở miền Trung Việt Nam, tôi nghĩ ông Webb cũng muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra ở đó. Rồi chuyện bắt giữ luật sư Lê Công Định và những người bất đồng chính kiến thúc đẩy dân chủ thời gian qua. Nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ tìm các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ và xem quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là gì'.
Liên quan tới vấn đề tù nhân ở Việt Nam, Thượng nghị sĩ Jim Webb cho các phóng viên biết rằng trong chuyến đi lần này tới Việt Nam, ông 'không thảo luận về chuyện thúc giục Việt Nam phóng thích tù nhân', và cho biết rằng "cuộc thảo luận với Việt Nam về vấn đề chính trị đã, đang và sẽ tiếp diễn."
Trong chuyến công du năm nước Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, ông Webb đã tới cũng tới Thái Lan, Lào, Campuchia, và đặc biệt là Miến Điện nơi ông đã thuyết phục được chính quyền quân nhân nước này thả công dân Mỹ John Yettaw, người bị tuyên án bảy năm tù giam vì đã bơi qua hồ để vào nhà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.
Ông Webb cũng là thành viên quốc hội Mỹ đầu tiên hội kiến với Tướng Than Shwe của Miến Điện cũng như đã được phép gặp bà Aung San Suu Kyi.
Ông Webb đã được gặp lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và đã thuyết phục được Miến Điện thả công dân Mỹ John Yettaw.
http://www.voanews.com/vietnamese/images/office_jim_webb_us_webb_burma_suu_kyi_210_15Aug09.jpg
Chuyên gia phân tích chính trị Carl Thayer cho rằng những gì Thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Virginia đạt được ở Miến Điện sẽ 'đối trọng lại quan điểm của phía Việt Nam về việc không ủng hộ chuyện phóng thích bà Aung San Suu Kyi vì Hà Nội rõ ràng không muốn bị hiệu ứng ngược trong vấn đề Miến Điện'.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment