Monday, August 17, 2009

HOA KỲ TUYÊN BỐ TRỞ LẠI ĐÔNG NAM Á


Hoa Kỳ tuyên bố trở lại ĐNÁ
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 17/08/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4042

Sau bốn thập niên rút kui

Ngày 22/7/2009 Ngoại trưởng Hoa Kỳ (HK) bà Hillary Clinton đã đến Thái Lan tham dự một loạt hội nghị với các nước Đông Nam Á (ĐNÁ). Đầu tiên là hội nghị khối ASEAN và các đối tác như Đại Hàn, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi và Liên Âu. Sau đó là hội nghị của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) bao gồm các thành viên kể trên cùng 7 nước khác thuộc khu vực Á châu và Thái bình Dương. Trong cuộc họp báo khi vừa đến Bangkok bà Clinton tuyên bố với các nước ASEAN: “Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại”. Bà Clinton đã đại diện HK ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với các nước ASEAN.

Cách đây 4 thập niên, ngày 8/6/1969 tại đảo Guam, TT Nixon tuyên bố rút 25 ngàn quân Mỹ khỏi Nam VN và sẽ tuần tự rút hết theo một lịch trình sắp sẳn. Và từ 1970 HK lần lượt giảm quân ở Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Phi Luật Tân… để khởi đầu chính sách “phi-Mỹ hóa” trong học thuyết hoà bình Nixon. Đây là thông điệp đầu tiên của Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch rút lui khỏi ĐNÁ. Vậy HK đã đến đây trong bối cảnh như thế nào, và lý do họ ra đi? là nội dung bài viết này.

ĐNÁ là khu vực đang phát triển, dồi dào tài nguyên có trữ lượng dầu mỏ đáng kể và còn cung cấp cho thế giới một số lớn nguyên liệu quan trọng khác nữa. ĐNÁ còn là ổ khóa để mở rộng cánh cửa đi vào lục địa châu Á trù phú với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nơi đây kiểm soát tuyến đường hàng hải quốc tế nối liền Đông Bắc Á với Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ, Trung Cận Đông, Châu Âu và Châu Phi. Trong những năm đầu của thập niên 1940, Nhật đã tấn công vào chế độ thực dân của Châu Âu, đưa ra khẩu hiệu “Châu Á của người Á châu”. Họ thành lập khối “Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á”, giải phóng các thuộc địa, đẩy ảnh hưởng Tây phương ra khỏi khu vực này.

Trước đó, năm 1919 Quốc tế CS đã chú ý đến phong trào giải phóng thuộc địa ở phương Đông. Lenin tin tưởng các dân tộc thuộc địa được QTCS ủng hộ sẽ đánh bại bọn đế quốc thực dân, góp phần với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân tại các nước tư bản sẽ đưa chủ nghĩa CS đến thắng lợi hoàn toàn. Lãnh tụ cách mạng VN là ông Hồ Chí Minh đã gia nhập Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) và thành lập Đảng CS Đông Dương năm 1930. Vì lẽ đó TT Roosevelt (Mỹ) mong muốn sau khi Thế Chiến II chấm dứt, các dân tộc ĐNÁ phải được độc lập và không còn bị đô hộ bởi các cường quốc thực dân nữa. Ông đề cao vai trò các nước ĐNÁ đã cùng Đồng minh chống lại sự xâm lăng của Nhật và có ý muốn thực hiện một “Châu Á của người Á châu” được xây dựng trên tinh thần quốc gia của mỗi dân tộc.

Sau khi Nhật bại trận, HK đã áp lực các đồng minh Tây Âu trao trả độc lập cho các thuộc địa trong vùng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS. Rất tiếc, tại VN cuối năm 1946 ông HCM đã phát động Toàn quốc kháng chiến. Ông không muốn thương lượng hoà bình với Pháp để tranh thủ nền độc lập cho đất nước. Ông chỉ muốn VN trở thành tên lính xung kích của Phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân đế quốc. Đầu năm 1950, sau chiến thắng ở Hoa Lục, Mao Trạch Đông đã tích cực ủng hộ ông HCM và lực lượng Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp. Do đó, Đông Dương đã diễn ra cuộc đọ sức đầu tiên giữa QTCS và Thế giới Tự do và kết thúc bằng HĐ Genève 1954: hai miền Nam Bắc VN trở thành tiền đồn của Thế Giới Tự Do (TGTD) và QTCS ở ĐNÁ Riêng Miên, Lào là hai vương quốc trung lập.

Đối với HK, giải pháp Genève về Đông Dương là một thảm hoạ. Nơi đây chủ nghĩa CS đã hoàn thành một bước tiến quan trọng, có thể dẫn đến mất cả Đông Nam Á” [1]. Tháng 9/1954 HK triệu tập hội nghị Manila thành lập khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) gồm 8 quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hồi Quốc, Thái Lan và Phi Luật Tân. Miền Nam VN, Lào và Cam Bốt được đặt dưới sự bảo hộ của tổ chức quốc tế này. HK tin tưởng SEATO sẽ là lá chắn ngăn chận sự bành trướng của TC, bảo vệ hoà bình và an ninh ở ĐNÁ. Ngoại trưởng Dulles đã nói rõ: “Mục tiêu của Mỹ đối Đông Nam Á và Đông Dương không phải để tham chiến mà là để tránh sự tham chiến”.

Sau HĐ Genève 1954, thế giới bước vào giai đoạn hoà hoãn, LX chủ trương “chung sống hoà bình” với Mỹ. Nhưng ông HCM núp dưới chiêu bài giải phóng dân tộc, phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam VN bằng hình thức khuynh đảo và xâm nhập lén lút tạo ra cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, giữa HK ủng hộ VNCH và CSBV yểm trợ con bài của họ là MTGPMN. Cả LX và TC đều tận tình chi viện cho CSBV với hai chủ đích khác nhau. LX ra sức tranh thủ Hà Nội, không những để ngăn chặn ảnh hưởng của TC mà còn nhằm vào các quyền lợi kinh tế, chính trị khác nữa, đồng thời lợi dụng cuộc chiến VN để thí nghiệm chiến lược bành trướng CNCS trong thời bình. Còn TC coi cuộc chiến VN là nơi tranh chấp bá quyền của hai siêu cường. Họ ủng hộ chiến tranh chống Mỹ ở MNVN là nhằm giương lá cờ bảo vệ độc lập dân tộc của các nước thế giới thứ ba. Dựa vào ưu thế của 25 triệu Hoa Kiều nắm quyền kiểm soát nền kinh tế của hầu hết các quốc gia ĐNÁ, Bắc Kinh còn lợi dụng vị trí một quốc gia láng giềng có liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời với các quốc gia trong vùng để tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc khác tại đây. Vì lẽ đó, từ sau TC II, ĐNÁ là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc xung đột quốc tế.

Cuối tháng 10/1966 do đề nghị của tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos, lãnh tụ các nước Đồng minh có quân tham chiến ở Nam VN như TT Park Chung Hee của Đại Hàn, TT Kittikachorn của Thái Lan, TT Harold Holt của Úc, TT Keith Holyoak của Tân Tây Lan và TT Johnson của HK đã gặp gở giới lãnh đạo VNCH tại hội nghị Manila. Họ đưa ra sáng kiến hoà bình, chấm dứt chiến tranh bằng đề nghị quân ngoại nhập cùng rút khỏi Nam VN để nhân dân ở đây thực hiện việc hoà giải dân tộc. Hội nghị còn đề xướng kế hoạch phát triển vùng Á Châu/Thái Bình Dương với việc thành lập Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB). Hội nghị đưa ra hai Tuyên ngôn quan trọng về tự do, hoà bình và tiến bộ ở VN và toàn khu vực Á Châu/Thái Bình Dương với 4 mục tiêu chung: Chống xâm lược; Chiến thắng nạn nghèo đói, bệnh tật và thất học; Xây dựng khu vực an ninh và tiến bộ; Thực hiện việc hoà họp và hoà bình giữa các dân tộc trong vùng. [2]

Hưởng ứng lời kêu gọi trên và sự ra đời của Ngân hàng Phát triển Á Châu mở ra triển vọng hợp tác mới, năm nước Nam Dương, Mã Lai, Singapore, Thái Lan và Phi Luật Tân thành lập “Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á” (ASEAN) vào tháng 6/1967 với mục đích hợp tác về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và xã hội giữa các nước trong khu vực. Giải pháp Trung lập hóa toàn cỏi Đông Dương cũng được các nước ASEAN đề ra sau khi HK rút khỏi Đông Dương.

HK can dự vào cuộc chiến VN là nhằm áp lực Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán giải quyết chiến tranh bằng con đường hoà bình. HK và Bắc Việt cùng hai bên miền Nam VN là VNCH và MTGP đã tham gia cuộc đàm phán ở Paris từ tháng Giêng 1969. Đến tháng Bảy 1969 HK bắt đầu rút quân khỏi Nam VN, TT Nixon đề ra kế hoạch hoà bình mà người ta thường ta thường gọi là học thuyết Nixon hay “phi-Mỹ hóa”. Theo Nixon, sau khi HK rút khỏi Nam VN, nơi đây sẽ diễn ra cuộc tranh chấp mới, không phải giữa TGTD và QTCS mà là giữa LX với TC. Do những sự kiện trên, ĐNÁ có lẽ là nơi trách nghiệm quan trọng về các nguyên tắc sống hoà bình và sự cần thiết của việc thương thuyết hợp tác thay cho chính sách đối đầu. Điều này đòi hỏi các cường quốc phải cùng nhau giải quyết các cuộc tranh chấp, cố gắng hạn chế sự dính líu về quân sự chính trị, biến ĐNÁ thành khu vực hoà bình, trung lập mà tất cả đều có cơ hội đồng đều tham gia vào thị trường quan trọng này.
Các quốc gia trong vùng cũng luôn bày tỏ lòng mong muốn hoà bình hợp tác và sẳn sàng góp phần giải quyết các vấn đề nội bộ của khu vực. Đầu năm 1971, năm nước ASEAN cùng các quốc gia Á Châu Thái bình Dương như Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn và Nhật Bản hợp hội nghị và ủy quyền cho Nhật, Mã Lai và Nam Dương nghiên cứu giải pháp chấm dứt chiến tranh VN, ngăn chặn không cho cuộc chiến lan rộng qua các nước khác và tìm những phương thức thích hợp để các cường quốc giảm bớt sự xung đột ở khu vực xung yếu này. Kết quả vào tháng 11/1971, năm nước ASEAN ra tuyên bố: “cùng nhau hành động để biến vùng này thành một khu vực hoà bình, tự do và trung lập” (Zone Of Peace, Freedom And Neutrality - (ZOPFAN)

Để thực kế hoạch “phi Mỹ-hóa ở Á Châu, HK chủ trương trung lập hóa toàn vùng ĐNÁ. Giải pháp này được sự tán đồng của LX và TC, vì nó làm giảm bớt hiểm hoạ chiến tranh giữa các cường quốc. Học thuyết Nixon áp dụng vào Châu Á, chủ trương ‘Châu Á của người Á châu” trong đó Nhật sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp đỡ các nước ĐNÁ xây dựng thành một khu vực hoà bình, tự do, trung lập và phồn vinh. Từ lâu Nhật có khuynh hướng trung lập và chỉ thành lập một lực lượng quốc phòng vừa đủ để phòng vệ mà thôi. Nhật đã đạt được một số mục tiêu mà trước đây họ đã phải chịu nhiều hi sinh trong TC II. Ngày nay nhờ sức mạnh kinh tế họ đã làm tròn nghĩa vụ bồi thường chiến tranh cho các nước trong vùng và đã xây dựng lại khu vực “Thịnh vượng chung ĐNÁ” nhưng không có tính chất rầm rộ như trước đây.

Đối với các nước trong khu vực, từ nay họ có trọng trách dàn xếp và giải quyết lấy những vụ tranh chấp trong vùng bằng con đường thương thảo hoà bình và thường xuyên tham khảo ý kiến lẫn nhau. Họ sẽ chuyển những lời phản kháng về sự can thiệp của ngoại bang cho LHQ hoặc một cơ quan thẩm quyền nào đó do các cường quốc lập ra. Các chương trình viện trợ của HK sẽ được chuyển qua Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Á Châu với những kế hoạch điều hợp do chính các nước trong tổ chức địa phương này soạn thảo. Trong trường họp bị bên ngoài tấn công hoặc những xung đột khu vực không được giải quyết ổn thoả, lôi kéo một nước thứ ba can dự vào, HK sẽ dùng sức mạnh để bảo vệ, chống lại những vụ can thiệp hay hăm doạ của những cường quốc bên ngoài. HK trù liệu sẽ dùng hải lực chớ không phải bộ binh để đối phó với những nơi được xác định là có ngoại xâm. Các căn cứ cố định tại các vùng đông dân cư ở ĐNÁ sẽ không còn binh sĩ HK trú đóng, thay vào đó là hệ thống căn cứ được tập trung vào những hòn đảo ở giữa Thái bình Dương, chủ yếu trông cậy vào lực lượng di động của Đệ thất hạm đội.

Vận dụng vào VN, học thuyết Nixon thể hiện dưới danh nghĩa “VN hóa chiến tranh”. Nhưng “Việt hóa chiến tranh” lại là điểm chủ chốt của học thuyết Nixon, nó chứng minh thiện chí và quyết tâm kiến tạo hoà bình của HK. Hai mục tiêu chính của Mỹ trong việc thực hiện “VN hóa chiến tranh” là trao dần trách nhiệm cho chính phủ VNCH để HK chấm dứt nhiệm vụ kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp chính trị công bằng. Một giải pháp không những phù hợp với lợi ích lớn nhất của dân tộc VN và các cường quốc liên hệ mà còn là mẫu mực để giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế trong giai đoạn hoà bình hữu nghị và hợp tác giữa các nước.

Đầu năm 1972, TT Nixon đi TC và LX tìm sự kết hợp giữa ba cực lớn của thời đại để thực hiện việc chung sống hoà bình, hạn chế cuộc chạy đua vũ trang và làm giảm bớt hiểm hoạ chiến tranh nguyên tử. Nixon cho rằng từ khi Thế chiến II chấm dứt đến nay, các cuộc xung đột tranh giành giữa các cường quốc tiếp diễn không ngừng. Với chính sách “phi-Mỹ hóa” chủ trương không can thiệp vào nội bộ các nước khác, HK đã đi tiên phong đem lại cho thế giới một hoà ước thực sự do chính HK chủ động có LX và TC tán đồng.
Theo quan điểm của TC thì tình trạng bất ổn định tại một vài khu vực trên thế giới phát xuất từ tham vọng bá quyền của hai siêu cường. Ngày nay với sự rút lui của HK, sự đe doạ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ không còn nữa thì “nghĩa vụ quốc tế” của khối CS yểm trợ các cuộc chiến tranh giải phóng, cũng không còn cần thiết. Nhờ đó hiểm hoạ của cuộc tranh chấp bá quyền sẽ giảm đi để nhường chỗ cho giai đoạn hoà bình hợp tác hai bên cùng có lợi. Để chấm dứt sự đối đầu mở ra thời kỳ mới hợp tác trong hoà bình, các cường quốc cần mở cuộc đối thoại cùng nhau giải quyết các tranh chấp khu vực. Trong tình tình thế giới có hai hệ thống xã hội chính trị đối lập, điều cần thiết để tránh chiến tranh, giữ gìn hoà bình đòi hỏi các cường quốc phải tôn trọng nguyên tắc bất can thiệp, rút lui khỏi các địa bàn tranh chấp, thừa nhận quyền tự quyết của các dân tộc để họ theo đuổi chính sách trung lập phi liên kết.

Nhờ can thiệp vào VN, khi HĐ Paris 1973 ra đời, HK đã ngăn chặn chủ nghĩa CS tràn xuống ĐNÁ. Vòng đai bao vây TC kéo dài từ Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông lúc đó còn thuộc Anh Quốc, kéo dài xuống năm nước ASEAN -nay trở thành khu vực hoà bình, tự do, trung lập và phồn vinh. Không những thế, HK còn bắt tay với TC, cả hai cam kết “đều không mưu cầu bá quyền và đều phản đối bất cứ nước nào hay tập đoàn nào cố gắng thiết lập bá quyền đó ở khu vực châu Á” [3]. Trong tình thế đó, HK rút lui khỏi VN và ĐNÁ vào giữa thập niên 1970.

Giữa tháng 5/1975 hai tuần sau khi Hà Nội chiến thắng ở VN, bộ trưởng Ngoại giao 5 nước ASEAN trong phiên họp thường niên tại Luala Lumpur đã bày tỏ ý muốn thiết lập bang giao thân hữu với từng nước ở Đông Dương. Họ mong muốn giành được hậu thuẫn của VN để củng cố ĐNÁ trở thành khu vực hoà bình tự do và trung lập thực sự. Vùng đất chiến lược này lại được Nhật dự trù một ngân khoản 1600 triệu đô la giúp 8 nước trong vùng gồm 5 nước ASEAN và ba nước Đông Dương xây dựng khu vực Thịnh vượng chung ĐNÁ. Để thực hiện kế hoạch này, tháng 8/1977 TT Takeo Fukeda đến Kuala Lumpur tham dự hội nghị thượng đỉnh tụ các nước khối ASEAN, tại đây ông kêu gọi sự hợp tác hữu nghị giữa các nước trong vùng kể cả Miến Điện và ba nước CS ở Đông Dương. Thủ tướng Nhật hứa sẽ kinh viện thêm 5 tỷ đôla cho kế hoạch phát triển ĐNÁ thành khu vực phồn vinh [4]. Trước đó, vào ngày 20/6/1976, HK đóng cửa các căn cứ quân sự ở Thái Lan kết thúc sự có mặt của Mỹ ở đây sau 12 năm can dự. SEATO chấm dứt nhiệm vụ và giải tán ngày 30/6/1977.

Ôn cố tri tân

Phần trên đã trình bày Hoa Kỳ đã đến ĐNÁ trong bối cảnh nào và lý do gì họ rút lui? Vào thập niên 1950 và 1960 HK lo ngại sự bành trướng của Trung Cộng (TC) sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục (1949). Tham vọng của Mao là muốn hình thành khối CS Đông Á để cân bằng với khối CS Đông Âu, hầu tranh giành vị thế lãnh đạo “cách mạng thế giới’ với Stalin. Lúc bấy giờ ở Đông Á có hai lãnh tụ CS nhiệt thành được LX đào tạo là Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh, ông Hồ còn được Quốc tế CS chỉ định làm Vụ trưởng Đông Á Vụ, giữ việc liên lạc giữa Mạc Tư Khoa và các tổ chức của Đệ Tam Quốc tế tại Đông Á và Đông Nam Châu Á [5]. Mao đã ủng hộ họ Kim phát động cuộc chiến tranh chống Mỹ -giải phóng Triều Tiên và chi viện ông Hồ đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Đông Dương. Để tái lập hoà bình cho vùng Đông Á, các cường quốc đã gặp nhau tại hội nghị Genève 1954, đồng thoả thuận đưa Triều Tiên trở lại nguyên trạng cũ, bị chia hai lấy vĩ tuyến 38 làm phân ranh. Còn ở Đông Dương: Việt Nam bị chia đôi, Lào và Miên trở thành hai nước trung lập.

Năm 1960, ông HCM lại phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam để tăng cường phe Xã hội chủ nghĩa. Đây là sự thách thức HK, từ 1953 khi tướng Eisenhower đảm nhận trọng trách lãnh đạo HK, ông tuyên bố không thể để cho Đông Dương rơi vào tay CS vì “chúng ta có ở đó một loạt quân bài Domino, nếu vắng đi một quân thì chắc chắn các quân bài kia sẽ rụng theo ngay” [6]. Ông còn xác nhận: “Mỹ cầm đầu Thế giới tự do để chống cộng sản một cách toàn diện, Mỹ cũng phải cầm đầu Thế giới tự do tiến hành cuộc chiến đấu bằng cân não con người, cuộc chiến ý thức hệ để chống chủ nghĩa cộng sản”.

Nhờ can thiệp vào VN, từ đầu thập niên 1970 HK đã xây dựng xong vòng đai bao vây TC. Ở Đông Bắc Á là Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản và Hồng Kông lúc bấy giờ còn thuộc Anh Quốc. Vòng xuống phía Nam là khối ASEAN bao gồm 5 nước Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Singapore và Thái Lan, họ đã ra tuyên bố đây là khu vực hoà bình, tự do và trung lập. Bên ngoài vòng đai này là Hạm đội 7 Thái Bình Dương. HK đã khôn khéo, chuyển hướng chiến lược từ ngăn chặn sự bành trướng của TC, bảo vệ ĐNÁ trở thành khu vực phồn vinh, mà còn ủng hộ TC đảm nhận vai trò lãnh đạo liên minh chống bá quyền LX ở châu Á. Từ đó HK chấm dứt dần sự can dự ở VN và đến cuối tháng Tư 1975, TT Ford tuyên bố vai trò của Mỹ tại VN kể như đã chấm dứt “một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ đã coi là xong rồi” [7].

HK rút khỏi địa bàn xung đột ở VN, mở ra giai đoạn hoà hoãn nhằm bình thường hóa mối quan hệ Đông Tây, trong bối cảnh thuận lợi đó, nhân dân hai miền Nam Bắc sẽ dồn nổ lực vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện việc hoà hợp và hoà giải dân tộc, thi hành chính sách không liên kết nhằm thêm bạn bớt thù trong giai đoạn đất nước hoàn toàn độc lập tự do. Sai lầm của ông HCM đã tạo ra hai cuộc chiến tàn khốc. Đây là bài học đắt giá cho những người học trò kế nghiệp ông…Nhưng rất tiếc, họ chưa thức tỉnh, vẫn tự hào “là một nước nhỏ đầu tiên trên thế giới đánh thắng chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội Đảng lần thứ IV (12/1976) Lê Duẩn vạch ra chủ trương của đảng CSVN trong giai đoạn mới là “tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ” [8]. Không những đứng hẳn về phía LX, CSVN còn đưa ra chiêu bài “tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương” để đặt cả Cam Bốt và Lào vào quĩ đạo LX.

Trước nguy cơ chiến tranh mới giữa TC và LX, tháng 8/1978 lãnh tụ 5 nước ASEAN đồng loạt mời TT Phạm Văn Đồng đi thăm các nước trong vùng để mưu tìm giải pháp hoà bình cho khu vực. Qua các thông cáo chung với lãnh tụ các nước ASEAN, Phạm Văn Đồng long trọng xác định sẽ hợp tác với các nước trong khu vực để biến ĐNÁ thành khu vực “hoà bình, tự do, trung lập, phồn vinh và ổn định”. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, Hà Nội đã bội ước, khước từ sự hợp tác khu vực khi Lê Duẩn đi LX cùng Brezhnev ký “Hiệp ước hữu nghị hợp tác Xô Việt” ngày 3//11/1978. Ngay sau đó, Đặng Tiểu Bình đến thăm Thái Lan, ông kêu gọi Thái và các nước ASEAN cùng với Trung Quốc chống chủ nghĩa bá quyền toàn cầu và bá quyền khu vực”. Ông coi hiệp ước mà CSVN ký với LX ngày 3/11/1978 là một hiệp ước quân sự để Liên Xô bành trướng ảnh hưởng ở phương Đông.

Dựa vào LX, cuối năm 1978, CSVN đưa quân sang Cam Bốt lấy cớ giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chũng Pol Pot để xóa bỏ Nhà nước Campuchia Dân chủ và dựng lên nước Cộng Hoà Nhân dân Campuchia do số cán bộ Khmer Đỏ thân Hà Nội lãnh đạo. Từ Bắc kinh, hệ thống truyền thông không ngớt lên án “tiểu bá” VN liên kết với “đại bá” LX thực hiện mưu đồ bá quyền ở ĐNÁ. Tháng Giêng 1979, Đặng Tiểu Bình đến Hoa Thạnh Đốn thiết lập bang giao chính thức với Mỹ, ông hô hào “Trung Quốc, Tây Âu và Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phải thống nhất trong một liên minh chống bá quyền”. Ông tuyên bố “Bắc kinh sẽ dạy cho Việt Nam một bài học”. Trên đường về nước, ghé Đông Kinh, Đặng nói với cựu TT Nhật Kakuei Tanaka là sẽ “trừng phạt VN nặng nề” [9].

Tình hình càng thêm nghiêm trọng khi LX đưa quân xâm lược Afghanistan -một nước trung lập trái độn giữa LX và TC (12/1979). Bắc Kinh tuyên bố không gia hạn “Hiệp ước hữu nghị, đồng minh tương trợ” với LX khi hiệp ước này hết hiệu lực trong năm 1980. Trong khi đó sự hợp tác quân sự giữa TC và HK ngày càng phát triển, chính quyền Carter bán cho TC một số vật dụng kỹ thuật có công dụng dân sự lẫn quân sự. HK cũng không còn phản đối việc các nước NATO bán vũ khí cho TC. Bắc Kinh còn hô hào loại bỏ chủ nghĩa bá quyền ra khỏi lãnh thổ Đông Âu, ủng hộ kế hoạch vũ trang hoả tiển nguyên tử của Tây Âu, tự nhận là thành viên thứ 16 –thành viên không chính thức của NATO ở phương Đông.

Đối với các nước ASEAN, sự hiện diện của bộ đội CSVN ở Miên tạo ra tình trạng bất ổn định ở ĐNÁ, ảnh hưởng nặng nề đến sự phồn vinh và phát triển của khu vực. Họ đề ra các biện pháp cứng rắn để chống lại VN, gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường sự hợp tác quân sự với nhau. ASEAN còn đề nghị triệu tập một hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia đặt dưới sự bảo trợ của LHQ. Các đề nghị của ASEAN được Đại hội đồng LHQ thông qua với một đa số phiếu ngày càng lớn từ 97 năm 1980 lên đến 124 phiếu năm 1989.

Đối với Nhật, một trong ba thế lực lớn của thế giới tư bản, họ chủ trương dùng ưu thế kinh tế hậu thuẫn ĐNÁ trở thành một thị trường kinh tế phát triển, nhằm giúp họ có tiếng nói mạnh với Tây Âu và Hoa Kỳ. Nhật đã tài trợ nhiều tỷ đôla cho mục tiêu này, nhưng sự phồn vinh phát triển không thể thực hiện được trong môi trường bất ổn định. Hành động của CSVN rõ ràng thách thức quyền lợi chiến lược của Đông Kinh khiến NT Nhật Masayoshi Ito lên tiếng cảnh cáo khi tham dự hội nghị ASEAN cuối tháng 7/1980; “Nhật sẽ không ngồi yên” nếu Hà Nội tiếp tục gây khó khăn ở Cam Bốt. Đầu tháng 7/1984, NT Shintaro Abé tuyên bố trước hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN “Nhật sẵn sàng đài thọ phí tổn cho đạo quân LHQ bảo vệ an ninh và hoà bình cho Campuchia, trong khi chờ đợi tổ chức cuộc tổng tuyển cử thực sự tự do để người dân Campuchia thực hiện quyền tự quyết của họ”. Nhật còn hứa sẽ viện trợ cho ba nước Đông Dương một ngân khoản tương đương với số tiền viện trợ mà họ dành cho các nước ASEAN. Chỉ riêng số viện trợ của Nhật giúp Nam Dương và Thái Lan cũng gấp 4 lần số tiền 14 tỷ yen mà Nhật còn giữ lại chưa viện trợ cho VN vì Hà Nội xâm lăng Cam Bốt. Sự can dự của Hà Nội vào Miên còn buộc Nhật phải tăng cường vũ trang khi mà sức mạnh kinh tế không giúp họ bảo vệ được quyền lợi đất nước. Cục phòng vệ Nhật đã có kế hoạch đảm nhận tuyến phòng thủ dài 1000 dặm để chia xẻ trách nhiệm với HK bảo vệ đường hành lang chiến lược nối liền Đông Bắc Á với Âu Châu, Trung Đông và Nam Bán Cầu xuyên qua các nước ĐNÁ. Chính Hà Nội đã đưa Nhật vào con đường tái võ trang.

Đối với Úc, một quốc gia thuộc khu vực Á Châu/Thái Bình Dương mà hướng phát triển tùy thuộc vào sự ổn định và phồn vinh của các nước trong vùng. Vì tầm quan trọng của khu vực, Úc đã góp phần tích cực giải quyết vấn đề Cam Bốt. Úc tin tưởng sự hợp tác thân thiện giữa Đông Dương và ASEAN về một giải pháp hoà bình cho Cam Bốt đặt trên cơ sở “một nước Campuchia trung lập, không liên kết, không còn quân đội nước ngoài chiếm đóng, với một chính phủ do chính nhân dân lựa chọn” sẽ làm giảm thiểu sự can thiệp của các cường lực bên ngoài vào khu vực ĐNÁ” [10].

Đối với các nước trong khối Thị trường chung Âu châu (EEC) họ đã viện trợ khá nhiều cho Hà Nội sau 1975…Nhưng vì biến cố Campuchia khiến họ chấm dứt sự giúp đỡ, chuyển những khoản viện trợ vào việc cứu tế nhân đạo người tị nạn Đông Dương. Tương tự Nhật, trọng tâm của EEC là phát triển kinh tế và dồn nổ lực đầu tư vào những thị trường đang phát triển như TQ và ĐNÁ. Họ đã ký kết nhiều hiệp ước hợp tác thương mại, kinh tế và phát triển với ASEAN, song vấn đề bất ổn định trong khu vực là cản trở lớn đối với họ. Họ đồng ý “hoà bình và ổn định là điều cần thiết và mối quan hệ thân hữu và hợp tác giữa các nước trong vùng là không thể thiếu được” để phát triển ĐNÁ. Họ đòi hỏi phải chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của bên ngoài dưới mọi hình thức vào công việc nội bộ các nước ĐNÁ.

Còn phần HK, sau khi rút khỏi VN lui về thế thủ, thì LX mở rộng ảnh hưởng khắp nơi. Sau ba nước Đông Dương đến lượt Mozambique lọt vào tay CS năm 1975, Angola năm 1976, Ethiopia năm 1977, Nam Yemen 1978, Nicaragua và Afghanistan năm 1979. Tình hình tại nhiều khu vực trở nên căng thẳng vì sự can thiệp trực tiếp của LX hoặc các nước đàn em của LX. Mạc tư Khoa đã bị sa lầy vì những cuộc chiến phi nghĩa này. Ngoài sự dính líu trực tiếp vào Afghanistan, hàng năm LX còn phải chi viện 3,5 tỷ đôla cho CSVN, 4,9 tỷ cho Cuba, 1 tỷ cho Nicaragua và 3 tỷ cho Angola, Mozambique và Ethiopia [11]. Để cứu vãn tình trạng kinh tế suy sụp, Gorbachev đề ra kế hoạch cải tổ Glassnot và Perestroika. LX sẳn sàng hoà giải với TC, chấp nhận điều kiện của Đặng Tiểu Bình áp lực CSVN rút quân ra khỏi Cam Bốt.


Từ sau 1975, HK đã đứng ngoài cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba, họ chỉ chú trọng vào việc cứu trợ những người tỵ nạn Đông Dương và vận động các nước cho họ định cư. HK từ chối viện trợ cho Khmer Đỏ là lực lượng kháng chiến duy nhất chống lại sự xâm lược của CSVN và khi chính phủ Liên hiệp kháng chiến Campuchia được thành lập, HK cũng không viện trợ quân sự cho lực lượng của cựu hoàng Sihanouk và lực lượng Khmer Tự do của Son Sann. Song Hà Nội lại muốn HK đóng vai trò tích cực hơn trong việc vãn hồi hoà bình cho Cam Bốt, NT Nguyễn Cơ Thạch đã nói thẳng “HK đã có thể gây chiến tranh ở vùng này thì họ cũng có thể đem lại hoà bình ở đây”.

Chính sự mời gọi của Hà Nội mà đúng 10 năm sau khi HK rời bỏ Đông Dương, chính quyền Reagan mới chính thức quan tâm đến tình hình tại đây. Bộ trưởng QP Weinberger tuyên bố trước Hội đồng Thế giới sự vụ Bắc California ngày 4/6/1985: “Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tham chiến trở lại, trừ phi với một ý định quyết thắng” vì “chính sách và các sự cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á hiện và sẽ được đặt trên một sự lượng định sáng suốt về các quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ -các quyền lợi mà Hoa Kỳ cương quyết bảo vệ”. Đây là lời lẽ cứng rắn nhất cảnh cáo Hà Nội nhớ rằng ĐNÁ là nơi tập trung những quyền lợi kinh tế và chiến lược của HK. Chỉ trừ Bắc Triều Tiên và ba nước Đông Dương, còn tất cả các nước trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương đều là đồng minh hoặc thân hữu của HK và họ có mối giao thương mậu dịch lớn nhất nơi đây so với các khu vực khác trên thế giới. Việc HK loan báo “đã trở lại Đông Nam Á” hồi tháng trước, một lần nữa nhắc nhỡ giới lãnh đạo CSVN ý thức được vấn đề trọng đại này.

Ngoài ra, LX còn đặt hàng trăm hoả tiễn liên lục địa SS20 ở Đông Âu để uy hiếp các đồng minh của HK trong khối NATO. Không những hoà bình thế giới, nền độc lập tự do của các dân tộc bị đe doạ mà chính uy tín và sức mạnh của HK cũng bị xem thường. Giáo chủ Khomeini sau khi lật đổ chế độ thân Mỹ ở Iran, đã ra lịnh chiếm đóng Toà Đại sứ HK ở Terhan và bắt tất cả nhân viên sứ quán làm con tin trong 444 ngày. Hành động trên khiến nhân dân Mỹ ý thức được rằng uy tín và sự sống còn của Mỹ chỉ được bảo đảm khi họ có đủ sức mạnh và hiện diện khắp nơi trên thế giới.

Cuối năm 1991, LX sụp đổ, khối CS Đông Âu tan rả, chiến tranh lạnh chấm dứt. Trong Đại hội Đảng CS Trung Quốc lần thứ XIV (10/1992) Đặng Tiểu Bình phát động một chiến dịch rộng lớn nhằm đẩy mạnh việc cải tổ kinh tế dưới hình thức tư bản chủ nghĩa. Trước đó, Đặng chỉ trích mạnh mẽ những thành phần bảo thủ ủng hộ cuộc đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn (6/1989). Theo Đặng, phe bảo thủ là mối nguy hiểm lớn đối với việc xây dựng nền kinh tế thị trường và thực thi dân chủ. Hành động đàn áp ở Thiên An Môn từng bị HK và thế giới tư bản lên án, đe doạ cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận đối với TQ. Đặng Tiều Bình khôn khéo kêu gọi HK hãy để TQ tái lập ổn định để tiếp tục con đường đổi mới; nếu nội chiến xảy ra, HK và thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đó Đặng từng bước đáp ứng những đòi hỏi của thế giới, để TQ có thể nhận sự giúp đỡ của bên ngoài để hiện đại hóa đất nước.

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, TC đã trở thành cường quốc kinh tế, trong khi HK vướng bận vào cuộc chiến ở Iraq và Aghanistan. Sau khi LX sụp đổ, CSVN quay về thần phục TC càng khiến Bắc Kinh mặc sức tung hoành ở Biển Đông. TC luôn dựa vào công hàm của TT Phạm Văn Đồng gởi TT Chu Ân Lai hồi năm 1958, thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của TC, trong đó nước này coi Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ. Trong buổi điều trần ngày 15/7/2009 về “Các xung đột trên biển và tranh chấp chủ quyền tại châu Á”. TNS Jim Webb trưởng ban đối ngoại Thượng viện đã tuyên bố; “Chúng ta sẽ nghiên cứu các tranh chấp lãnh thổ trên biển tại châu Á và các vấn đề chủ quyền tác động tới khu vực và các lợi ích của Mỹ như thế nào?

Theo TNS Jim Webb, “Vấn đề lớn nhất đối với HK là sự gia tăng sức mạnh của TQ, không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới. Việc hiện đại hóa quân đội của TQ đã trực tiếp hỗ trợ cho nổ lực này. Điều đáng ngại nhất là việc TQ đòi chủ quyền vùng biển phía Nam và Đông của họ gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có sự tranh chấp giữa TQ với VN và một số nước ASEAN.TQ còn đòi chủ quyền đảo Senkaku do Nhật kiểm soát từ sau TC II. Các cuộc xung đột này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước thứ ba trong khu vực và cần phải làm rõ rằng Mỹ là nước duy nhất vừa có tầm cỡ vừa có sức mạnh để đối đầu với sự bất cân bằng về sức mạnh do TQ tạo ra. Về điểm này chúng ta phải duy trì một sự cân bằng địa lý chiến lược trong khu vực, đảm bảo sự công bằng cho tất cả các quốc gia châu Á và bảo vệ tiếng nói của bất cứ quốc gia nào muốn có một giải pháp hoà bình cho các cuộc xung đột này”.

TNS Webb dẫn chứng “việc TQ bắt giữ một số ngư dân VN gần đảo Hoàng Sa và những đe doạ công khai của họ đối với các công ty dầu khí của Mỹ đang hoạt động tại biển Đông, cho thấy nguy cơ ngày càng gia tăng đối với ngành đánh cá và giao thương trên biển, cũng như hạn chế triển vọng khai thác nguồn tài nguyên biền. Các hành động này nếu không được giải quyết, có thể đe doạ sự phồn vinh của khu vực. Các cuộc xung đột trên cũng tác động đáng kể đến Mỹ, khi chúng gây nguy hiểm cho hoà bình và an ninh khu vực. Và chỉ có Mỹ là cường quốc duy nhất trên thế giới có khả năng đáp trả các đe doạ của TQ mà thôi”.

Trong cuộc điều trần trên, Phụ tá Thứ trưởng QP Robert Scher cho biết các hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng này vẫn diễn tiến đều đặn và phù họp với luật quốc tế. HK sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch ở biển Nam Trung Quốc, vì quyền lợi Mỹ trong khu vực và gìn giữ an ninh và ổn định phía tây Thái Bình Dương. Richard Cronin Giám đốc chương trình ĐNÁ tại viện Nghiên cứu Stimson Center tuyên bố trong buổi điều trần: “Chánh phủ Obama nên bày tỏ sự ủng hộ các nước ĐNA hiện đang bị TQ hù doạ và phài quyết tâm khẳng định quyền hạn chúng ta về việc giữ lưu thông hàng hải được tự do, bất kể khiêu khích từ TQ”. Còn phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách ĐNÁ Scott Marciel nói rằng: “việc TQ hù doạ các hảng dầu của Mỹ và quốc tế phải ngưng họp tác khai thác dầu với VN ở biển Đông, đòi hỏi HK vì quyền lợi của mình không để cho TQ thao túng ở biển Đông”. Scott Marciel tiết lộ “TQ muốn thương lượng riêng với từng nước trong khối ASEAN”, nhưng theo ông “ASEAN nên thương lượng với tư cách chung một khối”.

Sau cuộc điều trần của Thượng Viện Mỹ, ngày 22/7/2009 bà Hillary Clinton Ngoại trưởng HK đến Thái Lan và chuyển đến các nước ĐNÁ: “Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là HK đã trở lại”. Phát biểu trên được ASEAN hoan nghênh nhiệt liệt. Điều này khiến người ta nhớ lại lời nhận định của cựu NT Kissinger hồi năm 1985: “từ nay các dân tộc tự do khắp nơi trên thế giới có thể vững tin khi hướng về nước Mỹ để tìm một sự bảo đảm an ninh và tiến bộ. Điều người ta lo sợ không phải vì Mỹ đã can dự vào công việc thế giới mà vì Mỹ rút khỏi sự can dự ấy”. [11]. Cuộc điều trần của TNS Webb -một cựu chiến binh trong cuộc chiến VN, về biển Đông và ĐNÁ nhắc người ta nhớ lại học thuyết Nixon hồi đầu thập niên 1970. Nguy cơ ngày trước là tham vọng bá quyền của LX, còn nguy cơ hiện nay là mưu đồ bành trướng của TC. Vì thế bà Clinton đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với các nuớc ASEAN. Trong trường hợp các nước này bị bên ngoài tấn công hoặc những xung đột khu vực không được giải quyết ổn thoả, lôi kéo một nước thứ ba can dự vào, HK sẽ dùng sức mạnh để bảo vệ, chống lại sự can thiệp hay hăm doạ của những cường quốc bên ngoài. HK trù liệu sẽ dùng hải lực với hệ thống căn cứ được tập trung vào những hòn đảo ở giữa Thái bình Dương, chủ yếu trông cậy vào lực lượng di động của Đệ thất hạm đội.

Trước khi đến Thái Lan, bà Clinton đã đến Ấn Độ ký kết hiệp ước quân sự và năng lượng Mỹ - Ấn. Hai năm trước, TT George W. Bush đã ký một thoả ước trao đổi kỹ thuật năng lượng nguyên tử với Ấn. Điều này phải chăng HK lập lại việc họ đã làm ngày trước, hợp tác quân sự giữa HK và TC? HK đã giúp Bắc Kinh thực hiện “Bốn hiện đại hóa” để họ phát triển đất nước theo đường lối dân chủ và hiếu hoà, không còn đe doạ Á Châu một lần nữa. Là siêu cường số một thế giới, HK đã từng nuôi dưỡng TC để kềm chế LX, nay họ giúp Ấn Độ -một nước vốn có truyền thống dân chủ lâu đời, để đất nước một tỷ dân này phát triển, mới đủ sức cân đối sức mạnh về kinh tế lẫn quân sự với TC. Tất cả chỉ vì hoà bình thế giới, vì lợi ích phồn vinh và phát triển của tất cả các nước.

Cuối cùng, các quốc gia đều đặt quyền lợi của dân tộc mình lên trên hết, không hiểu CSVN rồi đây sẽ chọn con đường nào? Hợp tác toàn diện với TC, tất phải thừa nhận Biển Đông và hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền TQ. Còn hợp tác với ASEAN thì nhóm nước này được sự yểm trợ của HK, họ sẽ thương thảo với Bắc Kinh một giải pháp công bằng và thoả đáng về phần đất, phần Biển Đông của từng nước trong Biển Đông.

Lê Quế Lâm

--------------------------
[1] The New York Times, The Pentagon Papers. Bantam Books, NY, 1971, p. 15.
[2] Lyndom B. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presindency. Redwood Press Ltd, London, 1972, pp. 248-249.
[3] Henry Steele Commager, Documents of American History, Vol II: Since 1898. Prentice Hall, Inc, New Jersey, 1973, p. 706.
[4] The Year Book 1978. Grolier Incorporated, USA, 1978, pp. 103 + 272.
[5] Hoàng Văn Chí, Từ Thực dân đến Cộng sản. Nxb Chân trời mới, Sàigòn, 1964, tr.76/77.
[6] The New York Times, The Pentagon Papers. Bantam Books, NY, p. 9
[7] Nguyễn Tiến Hưng & J.L.Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập. C & K Promotions, Los Angeles, 1987, tr. 573.
[8] Lê Duẩn, Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của chúng ta. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 112.
[9] Grant Evans & Kelvin Rowley, Red Brotherhood At War: Indochina Since The Fall of Saigon. Pluto Press, Australia, 1984, p. 129
[10] ACFOA News, Indochina: The Poverty of Politics. Canberra, April 1984, p. 28
[11] Bài viết của Henry Kissinger đăng trên báo Toronto Star, Nguyễn Nhật Tân lược dịch với tựa đề “Đánh giá sự thất thủ của Sài Gòn”, báo Chuông Sàigòn, Úc châu, 16/8/1985.

© Thông Luận 2009



No comments: