Sunday, August 16, 2009

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI CỦA TRUNG QUỐC


Con đường đi tới của Trung Quốc
Triệu Tử Dương
Cao Nguyên trích dịch
(Từ Prisoner of the State. The Secret Journal of Zhao Zizang. Translated and edited byBao Pu, Renee Chiang, and Adi Ignatius. New York: Simon & Schuster. Chương 5, Phần 6)


21:28 ngày Thứ Sáu, 14/08/2009
http://bauxitevietnam.info/c/5824.html

Sau khi rời chức vụ và nhờ những đổi thay diễn ra trong nước cũng như ngoài nước, tôi bắt đầu có nhận thức mới về vấn đề cải tổ chính trị tại Trung Quốc.
Tôi từng tin rằng nhân dân phải làm chủ vấn đề của chính mình chứ không phải nền dân chủ nghị viện tại các quốc gia phát triển Phương Tây, rằng chỉ có hệ thống tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa với một quốc hội của dân thì mới hình thành được dạng dân chủ cấp tiến hơn và đáng thực hiện hơn.
Thật sự thì niềm tin đó không đúng. Hết thảy hệ thống dân chủ tại các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta đều thiển cận; đó không phải là hệ thống do dân làm chủ, đúng hơn đó là hệ thống do một vài người hoặc thậm chí chỉ do một người cai trị.

Trong những hệ thống chính trị tồn tại trên thế giới trong suốt thế kỷ XX, các nền quân chủ tuyệt đối và độc tài phát xít tại Đức và Ý đều bị tiêu vong. Cũng có nền độc tài quân phiệt nhưng chúng chỉ duy trì được thời gian ngắn hoặc mất dần sự ủng hộ. Mặc dù thường xuất hiện trong nhiều quốc gia rất kém phát triển – chẳng hạn chế độ quân phiệt tại các nước Nam Mỹ – hết thảy mọi chế độ này đã từng bước biến thành giai đoạn quá độ ngắn ngủi để dần chuyển sang nền chính trị nghị viện. Ở một vài thập niên trong suốt thế kỷ XX, cái gọi là “hệ thống dân chủ mới,” chuyên chính vô sản, đã từng cạnh tranh với hệ thống nghị viện Phương Tây. Nhưng tại hầu hết các quốc gia, hệ thống chuyên chính vô sản đó đã phải lùi dần ra khỏi giai đoạn lịch sử.

Thật vậy, hệ thống dân chủ nghị viện Phương Tây đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt nhất. Đây là hệ thống tốt nhất hiện nay. Nó có khả năng thể hiện tinh thần dân chủ và đáp ứng được các yêu cầu của một xã hội hiện đại. Đó là một hệ thống khá cứng cáp.

Dĩ nhiên hệ thống này không toàn hảo; nó vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Nhưng nói theo cách tương đối, đây là hệ thống thích hợp nhất cho nền văn minh đương đại, với khả năng thích nghi cao hơn khi công luận thay đổi và khả thi dân chủ nhất.

Trong vài thập niên vừa qua, nhiều quốc gia đang trỗi dậy với tốc độ phát triển cao đã minh chứng rõ ràng hơn xu hướng hội tụ về một hệ thống dân chủ nghị viện. Tôi đoan chắc rằng điều này không phải ngẫu nhiên. Tại sao lại không có một quốc gia phát triển muốn vận dụng bất kỳ hệ thống nào khác? Điều đó chứng tỏ rằng nếu một quốc gia muốn hiện đại hóa, muốn thực thi một nền kinh tế thị trường hiện đại, quốc gia đó buộc phải vận dụng dân chủ nghị viện làm hệ thống chính trị của nó.

Dĩ nhiên trong tương lai có thể trỗi dậy một hệ thống chính trị cấp tiến hơn hệ thống nghị viện, nhưng đó là vấn đề của tương lai. Hiện nay thì chẳng có hệ thống nào tốt hơn.
Trên cơ sở này, chúng ta có thể khẳng định rằng nếu muốn hiện đại hóa, một quốc gia không những phải thực thi nền kinh tế thị trường, mà còn phải thừa nhận dân chủ nghị viện làm hệ thống chính trị của nó. Bằng không, quốc gia đó sẽ không thể có được một nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiện đại, cũng chẳng thể nào trở thành một xã hội hiện đại thượng tôn pháp luật. Thay vào đó, nó sẽ sa vào tình thế của rất nhiều quốc gia đang phát triển, kể cả Trung Quốc, đó là thương mại hóa quyền lực, tham nhũng lan tràn, và phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng tăng.


Tuy nhiên, phải để ý rằng dân chủ nghị viện vận hành chủ yếu tại các quốc gia phát triển hoặc đang trỗi dậy. Một số quốc gia đang phát triển đã sớm áp dụng chính trị nghị viện nhưng không thể thực hiện được đầy đủ, vì vậy đã phát sinh nhiều vấn đề: chính phủ gặp khó khăn trong thực thi quyền lực, xã hội không đủ ổn định, thế rồi quân đội nhảy vào can thiệp viện cớ là để giải quyết những vấn nạn này. Điều đó còn chứng tỏ rằng mặc dù dân chủ nghị viện là hiện đại, là cao cấp, văn minh, và cứng cáp, nhưng chỉ quốc gia nào đã hội đủ những điều kiện nhất định thì mới có thể tiếp nhận và vận dụng nó một cách tốt đẹp.
Trước tình hình Trung Quốc hiện nay, chúng ta phải xác tín rằng mục tiêu cuối cùng của cải tổ chính trị chính là hiện thực hóa hệ thống chính trị cấp tiến này. Nếu không đi đến mục tiêu này, không bao giờ chúng ta có thể giải quyết được các vấn nạn của nền kinh tế thị trường của Trung Quốc, đó là nạn thị trường không lành mạnh, nạn hưởng lợi từ quyền lực, tham nhũng lan tràn, và làm rộng khoảng cách giàu nghèo. Để giải quyết những vấn nạn này, chúng ta phải tiến hành cải tổ chính trị bằng một lịch trình cụ thể, hướng đến mục tiêu dân chủ nghị viện.

Mặt khác, trước thực tế của Trung Quốc, chúng ta sẽ cần một giai đoạn quá độ khá dài. Kinh nghiệm của một số quốc gia Châu Á đáng để chúng ta xem xét. Đài Loan và Nam Hàn chẳng hạn đã từng bước chuyển đổi hệ thống cũ của họ sang hệ thống nghị viện, ta nên học hỏi các kinh nghiệm tích cực đó.
Để Trung Quốc chuyển đổi một cách trơn tru, chúng ta cần duy trì vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản trong thời gian ngắn, song song với việc thay đổi cách cầm quyền của Đảng. Đây là phương cách đúng đắn và sáng suốt.
Bởi vì, thứ nhất, chúng ta có thể duy trì xã hội ổn định trong khi hình thành một môi trường tốt để kinh tế, xã hội, và văn hóa phát triển. Thứ hai, các điều kiện kinh tế, xã hội, và văn hóa thay đổi sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển sang một hệ thống chính trị cứng cáp hơn, văn minh hơn, và dân chủ hơn. Nói cách khác, không nên tức khắc sao chép toàn bộ hệ thống chính trị mới. Tuy nhiên, chúng ta bắt buộc phải đạt đến mục tiêu này, tuyệt tốt không được đi ngược. Chúng ta không được hành động sai lầm, gây ảnh hưởng hoặc phá hoại quá trình chuyển đổi.
Thời gian chuyển đổi phải được xác định qua sự phát triển xã hội. Tầm quan trọng sống còn là lãnh đạo Đảng Cộng Sản phải có niềm tin không thể lay chuyển vào mục tiêu này. Tiếp đó là kỹ năng giải quyết khéo léo, từ từ, từng bước, theo thứ tự ưu tiên đúng đắn khi tình huống mới phát sinh.

Nếu đích đến là nền dân chủ nghị viện, Đảng cầm quyền phải đạt cho được hai đột phá. Đột phá thứ nhất là cho phép đa đảng và tự do báo chí. Đột phá này sẽ diễn ra từ từ, nhưng bắt buộc phải diễn ra.
Đột phá thứ hai là dân chủ hóa trong nội bộ Đảng, nghĩa là Đảng cần phải thực thi dân chủ và vận dụng phương tiện dân chủ để cải tổ chính mình.

Trong quá khứ, do chiến tranh và do trách nhiệm xây dựng nền cộng hòa, chúng ta đã phải dùng đến kỷ luật và nguyên tắc lãnh đạo tập trung. Nhưng không thể nào tiếp tục như vậy trong quá trình chuyển đổi từ Đảng cách mạng thành một Đảng chịu trách nhiệm quản lý đất nước, và không thể nào mà trong lúc Đảng lãnh đạo xã hội chuyển sang hệ thống chính trị nghị viện, bản thân Đảng lại không thực thi hệ thống dân chủ đúng nghĩa. Đảng phải cho phép nhiều ý kiến khác biệt trong nội bộ Đảng. Chủ tịch Mao từng tuyên bố rằng phe thiểu số cần phải được bảo vệ ngay bên trong Đảng. Phải cho phép nhiều ý kiến khác biệt, phải chấp nhận nhiều bè phái trong Đảng. Khi tranh luận, mọi phe phái trong Đảng đều phải tuân thủ các qui tắc chung.
Sẽ rất sai lầm nếu Đảng ta chẳng bao giờ thực hiện việc chuyển đổi từ chính quyền cho thời chiến thành một chính quyền phù hợp với xã hội dân chủ hơn. Đột phá này bắt buộc phải diễn ra. Dĩ nhiên sẽ cần quốc gia hóa hệ thống quân đội. Nhưng việc cải tổ hệ thống pháp luật và hình thành tòa án độc lập phải được ưu tiên cao hơn.

Chúng ta hy vọng rằng vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản cần được duy trì trong một thời gian để Đảng kịp chuẩn bị và lãnh đạo quá trình chuyển đổi. Sự cầm quyền của Đảng được bao lâu thì tùy thuộc vào kết quả mở cửa chính trị và tùy vào khả năng cạnh tranh giữa Đảng với các quyền lực chính trị khác. Nếu có sáng kiến và thực hiện tốt, Đảng Cộng sản có thể duy trì quyền lực trong thời gian dài. Tuy nhiên, không bao giờ duy trì vị trí cầm quyền bằng thủ đoạn sử dụng hiến pháp để độc chiếm. Thay vào đó, Đảng phải biết xây dựng để cạnh tranh vị trí cầm quyền. Tôi tin rằng đây chính là xu hướng toàn cầu mà chúng ta không thể nào phủ nhận.

Hành động sáng tạo sẽ có lợi cho Đảng, cho xã hội, và cho toàn dân tộc. Con đường nào khác cũng đều tai hại. Không thể bác bỏ được xu thế: điều gì có sức sống mãnh liệt nhất thì mới tồn tại được. Tôn Dật Tiên cũng từng nói, “Xu thế của toàn thế giới có sức mạnh mãnh liệt; ai theo thì thịnh, không theo thì vong”.

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


No comments: