Sunday, February 8, 2009

VIỆT NAM VÀ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ THẾ GIỚI

Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng trầm trọng hiện nay?
Vũ Quang Việt
Cập nhật : 08/02/2009 13:48
http://www.diendan.org/viet-nam/viet-nam-va-khung-hoang-kinh-te-the-gioi/
Vấn đề khủng hoảng ở Mỹ hiện nay nằm trong cái gọi là khủng hoảng bảng kết toán tài sản. Rất khó nghe nhưng đơn giản là như thế này. Khi anh mượn 100 triệu mua nhà, giá trị nhà là tài sản của anh, nhưng trừ nợ thì vốn tự có của anh là không. Bây giờ giá nhà giảm chỉ còn 50 triệu. Vốn tự có của anh là trừ 50 triệu. Nếu là nhà doanh nghiệp, sẽ không có ngân hàng nào cho anh vay để tiếp tục sản xuất. Và bản thân anh, anh cũng không dám đầu tư thêm mà phải làm sao giảm mức nợ xuống.

Khủng hoảng ở Nhật kéo dài hơn 10 năm vào thập niên 90 là do trước đó giá nhà đất và chứng khoán lên quá cao, phần lớn do doanh nghiệp nắm qua vay nợ, nên khi tài sản xuống giá, giá trị tự có của họ là âm, do đó lãi suất giảm xuống zero cũng không doanh nghiệp nào muốn đầu tư. Chính phủ Nhật chi tiêu rất nhiều cũng chỉ để kinh tế khỏi suy thoái mạnh hơn. Khi doanh nghiệp đưa hệ số nợ xuống, kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Và hiện nay lại phải đối phó với khủng hoảng do Mỹ gây ra này.

Vấn đề của Mỹ thì khác, nợ do dân chúng mượn để mua nhà quá lớn. Tham dự vào việc này cũng là từ ngân hàng, các công ty đầu tư tài chính. Họ không chỉ cho vay mà còn nắm nhiều các khoản nợ phái sinh, hầu làm tăng khả năng mua nhà của dân chúng. Do đó mà ngân hàng nợ quá nhiều. Khi tài sản tài chính giảm, giá trị tự có của ngân hàng và công ty đầu tư tài chính âm, không còn khả năng cho doanh nghiệp mượn tiền sản xuất. Khủng hoảng của Mỹ như vậy không xuất phát từ sản xuất.

Như vậy có sự khác biệt:

1) Ở Nhật doanh nghiệp không muốn đầu tư, không cần tín dụng. Còn ở Mỹ thì doanh nghiệp mất khả năng sản xuất vì thiếu tín dụng. (Sản xuất công nghiệp của Mỹ giảm 6.5% vào tháng 11, 2008 và 3,9% vào tháng 12, 2008).

2) Ở Nhật hộ gia đình chi có thấp đi nhưng không giảm (giá tài sản xuống ảnh hưởng chủ yếu tới doanh nghiệp vì người dân Nhật nắm ít cổ phiếu còn doanh nghiệp dựa vào vốn từ ngân hàng chứ không từ cổ phiếu ). Còn ở Mỹ, giá tài sản xuống ảnh hưởng trầm trọng đến sức tiêu của dân. Chi tiêu của dân giảm trong 2 quí cuối năm 2008 là 3,8% và 3,5%. Đầu tư giảm 19,1% và 1,7%. Nếu kể cả hàng không bán được là 1,5% GDP thì GDP của Mỹ giảm 5.1% quí 4 vừa qua.

Kích cầu của Mỹ như vậy phải nhằm tăng sức mua của dân và phải tạo tín dụng cho doanh nghiệp. Trong hơn 10 năm kích cầu của Nhật tổng cộng là 6 ngàn tỷ US, tức là khoảng 600 tỷ một năm. Ở Mỹ chỉ dự định 800-900 tỷ là con số có lẽ chưa đủ độ, nhưng khó cao hơn vì tình hình như hiện nay xã hội khó lòng chấp nhận con số cao hơn. Vấn đề hiện nay là ngân hàng Mỹ phải bảo vệ mình, vì vốn tự có âm hoặc rất nhỏ, nên giảm cho vay. Nhà nước Mỹ cho đến hiện nay chỉ lo cứu ngân hàng, nhưng vẫn chưa chuyển đổi được tình hình. Nếu không thành công chắc họ phải đi thẳng tới doanh nghiệp, điều khó thực hiện, trừ trường hợp quốc hữu hóa ngân hàng. Khả năng giải quyết khủng hoảng nhanh chóng là điều không tưởng.

Ở Việt Nam thì khác hẳn. Việt Nam phải đối phó với hai vấn đề. Tàn dư của lạm phát chủ yếu là do mình tự tạo ra. Bây giờ lại phải đối phó với vấn đề thứ hai là mất khả năng xuất khẩu do nhu cầu sản xuất trên thế giới giảm, do đó sản xuất đình đốn, vì không bán được hàng. Đây là mấu chốt phải giải quyết: làm sao bán được hàng để tiếp tục sản xuất. Dân nghèo, không thể có sức mua để hút hàng hóa không xuất khẩu được này, dù là kích bất cứ kiểu gì. Do đó phải có biện pháp làm sao để hàng Việt Nam xuất khẩu được, tức là phải làm sao giá cả có sức cạnh tranh hơn trước.

Những tháng qua cho thấy công nghiệp Việt Nam tháng 1 năm 2009 đã giảm so với tháng trước là 8,6% và so với tháng cùng kỳ năm ngoái là 4,4%. Còn xuất khẩu giảm 24%. Điều này xảy ra vì ảnh hưởng dây chuyền của khủng hoảng, tới châu Á. Cũng nên nhận thức là tình hình kinh tế thế giới và khu vực xấu hơn rất nhiều so với nhiều đánh giá trước đây. Trung Quốc tăng GDP năm 2007 là 13%, thì quí 4 gần như không tăng. Tính theo tốc độ năm thì GDP Nhật quí 4 giảm 10%, Singapore giảm 17%, Nam Hàn giảm 21%. Còn Đài Loan thì sản xuất công nghiệp giảm 32%. Như thế, thực tế là các nền kinh tế châu Á liên hệ chặt chẽ với nhau với mục đích sản xuất hàng công nghiệp để xuất sang Mỹ, Nhật và châu Âu. Khi các nền kinh tế này giảm chi tiêu, các nền kinh tế châu Á này bị giảm mạnh hơn nhiều so kinh tế Mỹ và châu Âu vì họ chủ yếu là dịch vụ, còn châu Á chủ yếu là công xưởng phục vụ sản xuất hang hóa cho các nước phát triển.

Kinh tế Việt Nam do bị lệ thuộc quá sức vào thị trường nước ngoài, phản ánh qua tỷ lệ xuất khẩu của VN quá lớn so với GDP (gần 70%,) nên chừng nào mà kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ chưa giải quyết được thì chừng đó kinh tế VN không thể trở lại tình trạng phát triển bình thường. Vấn đề của chính sách hiện nay là giảm thiểu mức đi xuống, thực hiện các biện pháp nhằm giữ công ăn việc làm ở mức có thể. Các dự án đầu tư nhằm đáp ứng thị trường thế giới trong giai đoạn sắp tới là điều nên xét lại. Trong tình hình hiện nay rất có thể GDP Việt Nam chỉ tăng 3-4% trong năm 2009 hoặc tệ hơn nếu tình hình kinh tế Mỹ không chuyển biến. Như vậy việc hoạch định chính sách đòi hỏi sửa soạn cách biện pháp đối phó với tình hình xấu nhất. Và tình hình này có thể kéo dài.

Vũ Quang Việt

No comments: