Sunday, February 1, 2009

VIỆT NAM SAU CHÂU ÂU 100 NĂM ÁNH SÁNG ?

Việt Nam sau Châu Âu 100 năm ánh sáng?
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2009-02-01
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reading-blogs-viet-experts-in-education-on-vietnam-current-educational-system-tgiao-02012009102039.html
Tuần lễ đầu năm mới, hãy cùng nhau nói về chủ đề giáo dục và âm nhạc tại Việt Nam hiện nay.

Trong blog của tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn mà chương trình của chúng tôi đã nhiều lần trích dẫn, người trí thức nặng lòng với đất nước không chỉ nói về khoa học và giáo dục. Ông nói về nhiều đề tài khác nữa.

Chính sách quản lý âm nhạc

Trong một bài viết đăng ngày 11 tháng Giêng, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn bàn qua về âm nhạc và chính sách quản lý âm nhạc của Việt Nam hiện nay. Ông thú nhận ngay, rằng “phải thú nhận một điều là mấy bản nhạc hip hop rất thịnh hành ngày nay không thể lọt tai” ông, đồng thời đề cập đến hiện tượng nhà nước thì tiếp tục cấm, trong khi quần chúng thì vẫn tiếp tục hát những ca khúc của các tác giả trước 1975.

“Trước 1975, âm nhạc ở trong tình hình “trăm hoa đua nở.” Bên cạnh những sáng tác “tào lao,” cũng có rất nhiều những hạt ngọc lấp lánh. Những sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, v.v… nằm trong những “viên ngọc” đó.
Ấy thế mà một thời gian dài sau 1975 những ca khúc trữ tình đó không được phép lưu hành! Trên giấy tờ là như thế, nhưng trong quần chúng thì người dân vẫn ca những ca khúc này. Thật ra, những ngày mới sau giải phóng, tôi còn thấy bộ đội từ Bắc vào mê nhạc … Chế Linh như điếu đổ. Tôi thấy chẳng có gì sai, vì nghệ thuật là xuyên biên giới và phi chính trị mà. Ngày nay, thử vào những quán karaoke sẽ thấy “sức sống” của những ca khúc bị cấm như thế nào.”

Trong bài viết hồi đầu năm ngoái, và cũng đã được đề cập trên các chương trình của Đài chúng tôi, tờ Thanh Niên viết rằng có khoảng trên 10 ngàn bài hát được sáng tác trước 1975 trở ngược về thời điểm 1945, nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ mới có khoảng 1 ngàn bài được cấp giấy phép biểu diễn. Nói nôm na, cứ 10 được sáng tác thì hết 9 bài bị cấm.

Một hoạ sĩ hiện vẫn còn đang sinh sống tại Việt Nam, là ông Trịnh Cung, đã từng nói với chúng tôi, rằng người Sài Gòn “hát cho nhau nghe” đủ loại nhạc, nhưng giấy phép thì vẫn phải có … “chủ trương.”
“Bây giờ thì đã nghe được nhiều. Các phòng trà, các tụ điểm hát cho nhau nghe, người ta nghe và hát đủ loại nhạc của Sài Gòn cũ. Tuy nhiên, trên thị trường thì chưa được cho phép. Muốn cho phép thì phải đợi một chủ trương. Mà điều này thì gây khó khăn cho những nhà sản xuất băng đĩa nhạc.”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn nhận định trên bài viết của ông, rằng trong khi thông cảm với chính sách cấm một số ca khúc do tình hình giai đoạn hiện nay, ông không hiểu tại sao các tình khúc cũng bị cấm luôn.
“Thật ra, tôi cũng thông cảm với chính sách này, vì chắc chắn trong giai đoạn hiện nay, chính quyền không muốn những ca khúc tuyên truyền thời trước 75 (kiểu như “lòng súng nhân đạo”) lưu hành trong dân chúng. Mà, nếu những ca khúc tuyên truyền thời trước 1975 lưu hành thì chắc chắn quân đội sẽ phản đối. Có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng còn những bài tình ca thì sao? Cần gì phải cấm đoán và phải xin phép?
Tôi không biết nước nào trên thế giới (ngoại trừ Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam) mà Nhà Nước quản lí đến từng ca khúc! Cách quản lí văn hóa của Việt Nam là cách làm của những thế kỉ đã qua. Mượn cách nói như GS Nguyễn Đăng Hưng, rằng “cách quản lí văn hóa ở nước ta và châu Âu cách nhau đến cả trăm năm ánh sáng.”

Lãnh vực giáo dục, đào tạo

“Cách quản lí văn hóa ở nước ta và châu Âu cách nhau đến cả trăm năm ánh sáng!” Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một Việt kiều tại Bỉ, là sáng lập viên, điều phối viên chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ Châu Âu giữa Đại Học Liege của Bỉ với một số đại học kỹ thuật tại Việt Nam, trong đó có Đại Học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh.

Chương trình của giáo sư Hưng kéo dài 15 năm, rất thành công, và đã đào tạo được hàng trăm thạc sĩ và hàng chục tiến sĩ trong ngành kỹ thuật cho Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên blog của ông gần đây, giáo sư Hưng cho biết ông vừa dành một cuộc trả lời phỏng vấn cho số báo xuân Kỷ Sửu của một tờ báo tại Sài Gòn.

Ông cũng cho đăng nguyên văn nội dung trả lời phỏng vấn với lời nhắc: “Bài phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề thời sự khá tế nhị. Tôi không chắc nguyên văn sẽ được in tuy tôi đã cố gắng, theo thói quen, rất nhẹ nhàng trong cách phát biểu.”

GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng. Photo courtesy of VietNamNet.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reading-blogs-viet-experts-in-education-on-vietnam-current-educational-system-tgiao-02012009102039.html/nguyendanghung200.jpg

Bài trả lời phỏng vấn của giáo sư Hưng có đoạn:
“Tôi đã luôn luôn ý thức đến tính bấp bênh và phức tạp của việc mình thực hiện tại Việt Nam, đến tính giới hạn của nó trước những đòi hỏi cấp bách và to lớn của một quốc gia hơn 80 triệu dân đã quá lâu ngày bị khép kín và chệch hướng. Biết trước như thế nhưng vẫn lao vào công việc như là một bức bách của số phận, của hoàn cảnh, của tình thế. Chờ đợi không được nữa vì tuổi già đã vụt đến rồi. Phải có hành động cụ thể để bức xúc nguôi ngoai.
Tôi có cảm giác như dù phải yêu người tình không được trọn vẹn nhưng không thối lui được, không chối từ được. Và dĩ nhiên sau những thành quả ban đầu, mối tương quan thân thiết với đám học trò đã đem lại cho tôi vô vàn niềm vui, những bài học xã hội, những tấm tình ấm áp. Những phần thưởng này đối với tôi quý giá hơn bao nhiêu lần những bằng khen, những huân chương từ hai phía!”

Giáo sư Hưng cũng nói đến “những hạt sạn, những đố kỵ, dèm pha từ những phía không ngờ được, những người phe “bạn!”” Có kẻ vu khống ông với cơ quan chức năng, ngay cả với công an an ninh!

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói với phóng viên rằng, ông “hằng mong đợi đợt đổi mới lần thứ hai nhưng có cảm tưởng việc này ngày càng lùi xa ra!” Sau đó tình trạng tham nhũng không những không giảm thiểu mà ngày càng trầm trọng, tác hại đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế … những phương tiện cần thiết để chống tham nhũng như báo chí, lại bị vô hiệu hóa một cách nhức nhối xót xa.

Và ông băn khoăn cả vấn đề quốc phòng của Việt Nam, khi viết rằng điều khiến ông lo lắng nhất “là thế đứng chiến lược; tuy đã là thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng vị thế an ninh quốc phòng Việt Nam, tương quan lực lượng vẫn còn quá chênh vênh trước những thế lực bành trướng tại biển Đông.”

Trở lại với lãnh vực giáo dục và đào tạo mà giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã giúp Việt Nam trong thời gian qua. Viết về thời điểm rút lui sau 15 năm làm việc, ông nói rằng ông “đã chấm dứt đúng lúc và trao lại những gì cần thiết cho các cơ quan chúc năng đôi bên. Sớm hơn thì hơi uổng, trễ hơn thì không tiện! Âu cũng là một quyết đinh khá sáng suốt!”

Ông nói thêm, một điều rất ngắn nhưng có thể khái quát được thực trạng đào tạo tại Việt Nam, là “thành lập tổ chức một cơ sở quốc tế giảng dạy tại Việt Nam sao khó thế. Còn chấm dứt thì vèo, chỉ một bức thư là xong!”

Vừa rồi là những nhận định về mặt âm nhạc, giáo dục và xã hội Việt Nam, được ghi nhận bởi 2 nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng, là tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn và giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.

Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ
vietweb@rfa.org.

No comments: