Tuesday, February 3, 2009

SỰ THẬT KHÁC SAU VỤ CHÌM ĐÒ QUẢNG HẢI

Một sự thật khác sau vụ chìm đò ở Quảng Hải
Cập nhật 17:45 ngày 30-01-2009
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=39&sub=127&article=140026
NDĐT - Vụ tai nạn sông nước lớn nhất năm 2008 đã xảy ra trên sông Gianh, tỉnh Quảng Bình lúc 7 giờ 30 phút ngày 25-1, tức ngày 30 Tết. Có 36 người thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trong khi 42 người cùng đi không thể chiến thắng số phận.
Đã có người chết để cây cầu “dần xây” qua địa phương này được đẩy nhanh tiến độ. Liệu trong tương lai, “kịch bản” trên có bị lặp lại?

Ba ngày sau, tại nơi xảy ra tại nạn, một số thân nhân và người dân địa phương vẫn đang miệt mài tìm kiếm thi thể nạn nhân cuối cùng của vụ đắm đò gây hậu quả lớn nhất trong lịch sử của tỉnh Quảng Bình.
Trong khi đó, ở phía bên kia sông, thân nhân của 41 nạn nhân tử nạn đã cạn khô nước mắt.

Sống vội, chết cũng vội

Người dân xã Quảng Hải sống trên cù lao giữa sông Gianh. Cách trở về địa lý là một trong nhiều nguyên nhân khiến địa phương này có tên trong danh sách xã nghèo của huyện Quảng Trạch.
Riêng trong xã, đến cuối năm 2008 vẫn còn trên 50% tổng số hộ thuộc diện hộ nghèo.
Để cải thiện cuộc sống, nhiều người trong xã phải sống tha hương, hoặc sang Lào, hoặc vào thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người trong số này vừa trở về nhà cách ngày xảy ra tai nạn ít hôm, chưa kịp nói với người thân nhưng bây giờ đã âm dương xa cách.
Anh Lê Xuân Thắm, 34 tuổi là một trong những trường hợp như vậy. Sau gần 1 năm bươn chải trên đất khách, trước Tết 2 hôm, anh về nhà đưa cho vợ, chị Cao Thị Oanh một ít tiền để sắm Tết. Sáng ngày 30, chị cầm tiền đi chợ, vĩnh viễn không trở về, để lại chồng và 3 đứa con nhỏ. Trong đó có 1 cháu vừa sinh hơn 2 tháng mấy hôm nay phải sống nhờ sữa của những người hàng xóm.
Không phải bôn tẩu như anh Thắm, anh Cao Xuân Tạo vẫn bám đất quê để làm ruộng. Ngày 29 Tết, gia đình anh nhận được 4 suất hỗ trợ hộ nghèo đón Tết, mỗi suất 200 nghìn đồng. Có tiền, sáng 30 Tết, vợ anh Tạo đưa cả hai đứa con qua chợ Điền ở xã Quảng Thanh để mua áo mới. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của cả 3 mẹ con.
Trong số các nạn nhân, có lẽ, oái oăm nhất là trường hợp chị Phạm Thị Hường. Khi đò chìm, chị đã nhanh tay kéo đứa nhỏ ngồi cạnh, bơi vào bờ. Đến nơi, nhìn lại chị suýt ngất. Người được cứu không phải là đứa con đứt ruột đẻ ra. Không kịp nghỉ, chị lại lao ra sông... Một lúc sau, người dân đã vớt được thằng cu Cháy con chị khi nó đã mềm oặt. Cháu bị chết ngạt vì không kịp cứu.
UBND xã Quảng Hải đã hoàn thành bản danh sách nạn nhân. Theo đó vụ tai nạn đã làm 42 người chết, trong đó có 2 người đang mang thai. Toàn xã có 1 hộ chết 3 người, 5 hộ chết 2 người. Thôn có số người chết nhiều nhất là thôn Vân Trung, 28 người, Vân Nam 11 người và Vân Bắc 3 người.
Chuyến đò định mệnh chìm vào đúng ngày 30 Tết. Theo phong tục “người chết không được để trong nhà quá 2 năm” ở địa phương, ngay sau khi tìm thấy thi thể, thân nhân các nạn nhân tử nạn phải lập tức tổ chức lễ an táng. Vì vậy, có nhiều người còn không kịp nhìn mặt người thân lần cuối.

“Điều ước” mong được tha thứ


Sống ở thôn quê, phần lớn những người dân ở xã Quảng Hải đều có quan hệ huyết thống với nhau. Bởi thế, những ngày này, đến đâu cũng gặp cảnh người dân mang tang trắng.
Chứng kiến cảnh đau thương, ông Cao Minh Tá - người dân địa phương thở dài: “Giáp Tết mấy năm trước, UBND xã thường cử công an viên xuống bến đò để điều tiết, mỗi chuyến chỉ cho qua khoảng mươi, mười lăm người. Năm ni họ không triển khai, thế nên chủ đò mới dám chở hơn 70 người trên chiếc đò chỉ được phép chở 12 người qua sông. Chở nặng rứa, không sinh chuyện mới lạ”.
Nghe ông Tá nói, bà Cao Thị Bưởi, người nhà ông Tá vội trần tình: “Lỗi một phần cũng ở dân mình. Sáng nớ bà con ùa lên đò, thằng Quý - chủ đò đã chắp tay lạy, khuyên bà con đi chuyến sau nhưng họ không nghe. Khi hắn đẩy đò ra khỏi bờ rồi, bà con vẫn còn lội xuống nước để nhảy lên”.
Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, chủ đò - ông Quý đã bị khởi tố vì chở quá tải. Bao nhiêu oan khiên, căm giận có lúc đã được trút xuống đầu người chủ đò khi đâu đó trên mặt báo có tin, ngoài hơn 70 người, tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên đò còn chở thêm… một con bò. Thậm chí, có báo nói rằng: “Vợ của chủ đò cũng đã bỏ mạng trong vụ tai nạn.”
“Nói rứa thì oan cho nhà em quá”- bà Cao Thị Lý, vợ ông Cao Xuân Quý, chủ đò thảng thốt khi tôi đề cập đến chi tiết này.
Bà Lý nói: “Mỗi ngày chợ Điền chỉ họp đúng một buổi, đến khoảng 10 giờ sáng thì tan. Chuyến đò bị nạn là chuyến thứ 4, khi nớ trời cũng đã trưa, bà con sợ không kịp chợ nên mới nhảy ào lên đò. Đò nhà em nhỏ, trên đã có 70 người thì lấy mô ra chỗ để chở bò? Ngoài 42 người chết, vẫn còn 36 người còn sống, không tin anh cứ hỏi thăm”.
Dứt lời, bà Lý thở dài: “Từ ngày chìm đò tới chừ, chưa đêm mô em ngủ được, dù chủ một chút. Hễ chợp mắt là em lại có cảm giác như mấy chục bàn tay níu cổ chân. Hôm đò chìm, em cũng rớt xuống nước. Đang loay hoay, tình cờ em lượm được một tấm ván, và được cứu”.
Nghỉ một lát, bà nói tiếp: “Mỗi chuyến đò qua sông, vợ chồng em chỉ thu của dân 500 đồng/người/ lượt, trẻ em dưới 10 tuổi không lấy tiền. Từ khi chuyện xảy ra, người trong xã đến nhà dọa đập nát nhà em. Sợ quá, mấy ngày ni cả 3 mẹ con em phải đóng cửa để trốn”.
Dù đến nhà vào ngày đầu năm, nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn lên bàn thờ của gia đình người chủ đò. 42 người chết trong một chuyến sang sông, nỗi ám ảnh quá lớn để bà quên lo chuyện hương khói trong ba ngày Tết. Cả gian thờ lạnh lẽo, những quả chuối mốc xanh, những chân hương không còn màu đỏ sẫm, tất cả đã “tố cáo” nỗi khiếp hãi của gia đình người chủ đò!
Thấy bà căng thẳng, tôi hỏi: “Lúc này nếu có một điều ước, chị sẽ ước cái gì? - “Em sẽ ước dân làng tha thứ cho anh Quý nhà em. Họ không tha, tới đây mẹ con em chắc cũng phải dời nhà đi chỗ khác” - vừa nói bà Lý vừa đưa tay gạt nước mắt.
Ngày mồng 2 Tết, bà Lý được cơ quan công an cho mang chăn, áo ấm vào cho chồng đang ở trong trại giam. Vào, nhưng bà chưa gặp được chồng. Lúc trở về, bà lẩn thẩn trên đường như người bị mất hồn. Trong vụ tai nạn, hai người bà con của chủ đò cũng bị tử nạn.

Vợ và hai người con của chủ đò đang mong được bà con xã Quảng Hải chia sẻ nỗi đau tinh thần quá lớn.
http://www.nhandan.com.vn/nhandan/Vietnamese/doisong/ctinchung/300109/Image/i59_174111.jpg

Còn bao nhiêu Quảng Hải 1, 2?

Đặt câu hỏi tại sao năm nay xã không tổ chức lực lượng điều tiết người dân xuống đò như những năm trước với hai lãnh đạo xã Quảng Hải, tôi nhận được 2 câu trả lời khác nhau.
Ông Trần Mạnh Hộ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hải cho rằng: “Chúng tôi chỉ tổ chức lực lượng để điều tiết vào những dịp đặc biệt. Những ngày giáp Tết tình hình không có chi nên chúng tôi không tổ chức”.
Trong khi đó, ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã lại nói rằng: “Năm nay chúng tôi vẫn tổ chức lực lượng công an xã. Tuy nhiên, sau 3 chuyến đò, anh em mất cảnh giác, bỏ về. Đến chuyến đò thứ 4 thì xảy ra tai nạn”.
Lúc nói chuyện với bí thư đảng ủy xã, tôi đã đề cập đến hai nhánh Quảng Hải 1, Quảng Hải 2 của chiếc cầu “dần xây” có tổng đầu tư ban đầu 82 tỷ đồng (nay đã “đội giá” lên 170 tỷ đồng) đang được bắc qua sông Gianh, nối xã Quảng Hải với xã Quảng Thành.
Nghe xong ông Hộ lắc đầu: “Họ khởi công từ năm 2004, theo kế hoạch đến năm 2007 đã hoàn thành, nhưng tới chừ chiếc cầu chỉ mới xong một khúc. Tháng 11-2008, chủ đầu tư đã hứa, trước Tết Nguyên đán sẽ nối nhịp cầu để bà con đi bộ nhưng đến nay lời hứa vẫn chưa được thực hiện”.
Và đáng nói, trong khi chờ đợi lời hứa trên được thực hiện, ngày 30 Tết, 42 người dân của xã Quảng Hải đã không chờ thêm được nữa.

Sau vụ tai nạn thảm khốc, tôi tin tiến độ xây dựng chiếc cầu nói trên sẽ được đẩy nhanh. Nhưng với những chuyến đò ngang, nhiều chiếc cầu đang thi công khác vẫn nằm rải rác thì sao? Không lẽ cứ để đó, đợi lúc xảy ra chuyện mới được tính tiếp?

Dương Quang Tiến

No comments: