Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh
Mai Thái Lĩnh
Đăng ngày 15/02/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3537
Tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh: Những nguyên tắc căn bản của chế độ dân chủ
Mai Thái Lĩnh
Trong số những nhà yêu nước của Việt Nam sống vào đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh có lẽ là một trong những người đầu tiên tiếp cận với tư tưởng dân chủ của phương Tây và lĩnh hội chúng một cách nhiệt tình nhất.
Vào khoảng những năm 1902-1903, nhờ quan hệ với một số trí thức nho học đàn anh ham thích tư tưởng mới như các ông Đào Nguyên Phổ và Thân Trọng Huề ở kinh đô Huế, Phan Châu Trinh đã được đọc các “sách mới“(tân thư). Trong số sách mới, có hai tác phẩm quan trọng đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và hoạt động của ông sau này. Đó là hai cuốn Vạn pháp tinh lý và Dân ước, tức là bản dịch chữ Hán của hai cuốn De l’esprit des lois (Bàn về tinh thần của pháp luật, 1748) của Montesquieu và Contrat social (Bàn về khế ước xã hội, 1762) của J.J. Rousseau. Một số người đồng thời và phần lớn các nhà nghiên cứu về sau đều cho rằng tư tưởng chính trị của nhà chí sĩ họ Phan chỉ gói gọn trong hai tác phẩm này. Nhận định này không sai, nhưng có phần hời hợt.
Thật ra, quan niệm của Phan Châu Trinh đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi ông “thể nghiệm” con đường dân chủ qua việc phát động phong trào Duy Tân, qua việc chịu đựng những năm tháng tù đày ở nhà lao Côn Đảo cũng như ở nhà lao Santé (Pháp). Không những thế, trải qua 14 năm sống trên đất Pháp, có điều kiện quan sát trực tiếp hoạt động thực tế của một trong những nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, quan niệm về dân chủ của ông đã trở nên hoàn chỉnh và có hệ thống hơn. Không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh cho “dân quyền”, Phan Châu Trinh đã vạch ra được cơ cấu hoàn chỉnh của chế độ dân chủ với những nguyên tắc căn bản của nó.
Loạt bài viết này là một nỗ lực nhỏ nhoi trong việc góp phần tìm hiểu quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh. Nhưng để có thể hiểu đựợc ông một cách chính xác, thiết nghĩ trước hết cần phải gạt bỏ mọi thành kiến có sẵn, mọi cách nhìn được định hướng trước, để có thể nghiên cứu con người và tư tưởng chính trị của ông một cách khách quan và vô tư, đúng như bản chất của ông – trong hoàn cảnh và thời đại của ông.
Về nguồn gốc của quyền lực chính trị
Phan Châu Trinh có một quan niệm rất rõ ràng về vấn đề nguồn gốc của quyền lực chính trị. Trong Lá thư bảy điều (Thư thất điều) gửi cho Vua Khải Định (đề ngày 14.7.1922) Phan Châu Trinh định nghĩa nước (quốc gia) và triều đình (chính phủ) như sau:
“Còn theo các học thuyết Âu châu mà nói, sao gọi là nước? Là hiệp dân lại mà thành nước; sao gọi là triều đình? Là những người được uỷ quyền cho, phải thuận theo ý muốn của dân mà làm những việc lợi dân ích nước.
Ông vua hay ông Giám quốc [1] , chẳng qua là người thay mặt cho một nước, cũng như một người quản lý thay mặt cho một Công ty mà thôi.” (NQT, tr. 425; NVD, III, tr. 651-652) [2]
Quan niệm đó bắt nguồn từ một số nhà tư tưởng chính trị trong các thế kỷ 17-18, như John Locke, Montesquieu và nhất là J.J.Rousseau [3] . Theo quan niệm đó, quyền lực không phải bắt nguồn từ thần thánh, không phải do Trời hay Thượng Đế trao cho, mà bắt nguồn từ nhân dân. Chính phủ (Triều đình) có quyền lực là do nhân dân trao cho (uỷ quyền cho), do đó phải thuận theo ý muốn của dân mà phục vụ cho lợi ích chung.
Như vậy, quốc gia không phải là một tập hợp của các thần dân dưới quyền chăn dắt của một vị chủ tể có quyền sinh sát, mà là một hình thức hợp tác (une forme d’association) giữa những cá nhân với nhau (hiệp dân lại mà thành nước). Quyền lực tối cao là ý chí chung (volonté générale), do đó Vua hay Tổng thống cũng phải điều hành theo ý chí chung chứ không phải theo ý chí riêng (volonté particulière) của mình. Chữ “hiệp” mà Phan Châu Trinh dùng ở đây chính là chữ “associer” trong ngôn ngữ của Rousseau [4] .
Điểm lại lịch sử nước Pháp trong giai đoạn chuyển đổi từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ, ông viết:
“Cuối thế kỷ 18, cái oai chuyên chế của nền quân chủ Âu châu đã lên đến tột bực, thưởng phạt tuỳ ý, Trẫm tức quốc gia [5] , xem nhân dân như nô bộc, vãi tiền tài như đất bụi, cung thất huy hoàng, chơi bời xa xỉ, ăn mặc hoa mỹ, quỳ lạy tôn nghiêm (…). Thế mà hễ vật đã cực thời phản lại, đó là lẽ tất nhiên. Buổi ấy các danh sĩ nước Pháp, như Lư-Thoa, Mạnh-Đức-Tư-Cưu, Phúc-Lộc-Đặc-Nhĩ v.v. [6] kế tiếp nhau nổi lên phát huy cái nghĩa dân quyền, chẳng đầy vài mươi năm mà cái thế lực ảnh hưởng ra khắp toàn châu Âu. Dân tộc Pháp là tiên tiến nhất, huơ tay kêu lớn, ứng lại như vang, ngã rồi đứng dậy, càng tiến càng hăng, cho nên tấu được khúc khải hoàn, mà cái đầu của vua Lộ-Dịch thứ 16 [7] của nước Pháp đã bêu cao trên đoạn đầu đài vậy (…)
Từ thời ấy, chính thể nước Pháp đổi làm dân chủ, lập ra nghị viện dân cử, lập pháp, hành pháp, tư pháp, phân tách rõ ràng, mà nghị viện nắm hết chủ quyền của nước. Đến nay chính phủ chuyên chế không còn dấu vết, nhân loại trong nhiều nước được hưởng nhiều hạnh phúc, tự do là nhờ dân tộc Pháp chảy máu trước mà được vậy.” (NQT, tr. 441-442; NVD, tr. 669-670)
Trái với ý kiến của một số người cho rằng Phan Châu Trinh không hiểu rõ “phần công lao của nhân dân Pháp trong cuộc cách mạng” [8], qua đoạn văn trên, chúng ta thấy tác giả ý thức rất rõ: lịch sử được làm nên bởi quần chúng, dân chủ có được là do đấu tranh của dân, không phải trông chờ ai ban phát. Điều này còn được nhấn mạnh trong câu tiếp theo sau:
“Được như vậy chẳng phải sức người làm nên chăng? Thì đó cũng là luật thiên diễn không thể tránh được vậy.”
Như vậy, Phan Chu Trinh chẳng những tin vào sức người dân tự mình giành được dân chủ mà còn tin rằng điều đó phù hợp với một quy luật phát triển tất yếu của lịch sử, của tự nhiên mà ông gọi là luật thiên diễn. Ông viết tiếp:
“Ôi! Thế giới ngày nay dân trí tiến bộ mỗi ngày ngàn dặm, trước vài mươi năm nay, vua các nước lập hiến [9] đã đem mọi chánh sự lớn nhỏ của quốc gia, hai tay dâng trả lại cho quốc dân, không dám hỏi đến, duy ngày đêm mong ước được giữ cái hư danh ở trên thần dân, khỏi mất nối dòng để xấu hổ đến tôn miếu, thời đã coi là cái phước lớn tày trời rồi, nhưng đến nay quốc dân họ còn lấy làm khó chịu, còn lo trăm kế để bỏ đi, để đạt được đến cái chủ nghĩa bình dân chân chánh mới hả dạ.
Vậy thời từ nay cái ngày tàn quân chủ trong thế giới cũng không xa mấy, không cần phải khôn ngoan lắm mới biết vậy. Chẳng nói đâu xa, gần đây trong thời Âu chiến, bị quốc dân giết hoặc đuổi đi đã có 38 ông vua, trong đó có 3 ông Đại hoàng đế rồi.” (NQT, tr. 443; NVD, tr. 671).
Ba “ông Đại hoàng đế” mà Phan Châu Trinh nhắc tới chính là: Sa hoàng Nicolas II, hoàng đế Đức Guillaume II (tên Đức là Wilhelm II) và hoàng đế Áo-Hung Charles I [10]. Vào thời Phan Châu Trinh cư trú ở Pháp, gần cuối cuộc Chiến tranh Thế giới I, Cách mạng tháng Hai (tháng 3.1917) nổ ra lật đổ chế độ của Sa hoàng (Tzar) ở nước Nga, tiếp đó là cuộc cách mạng Tháng Mười (tháng 11.1917) của những người bolshevik, dẫn đến cái chết thảm khốc của cả gia đình Nicolas II. Tháng 11 năm 1918, Cách mạng nổ ra lật đổ Đế chế II của hoàng đế (Kaiser) Đức, Guillaume II phải chạy trốn sang Hà Lan. Tại Áo-Hung, hoàng đế (Kaiser) Áo Charles I thuộc dòng họ Habsburg cũng đồng thời làm Vua của Hungary với vương hiệu là Charles IV. Vào ngày 11.8.1918, sau khi quân đội Áo-Hung bị thất bại tại mặt trận, Charles tuyên bố không tham chính nhưng lại không chịu thoái vị. Rời Áo sang Thuỵ Sĩ vào tháng 3 năm 1919, tháng 4 năm đó ông bị Quốc hội Áo chính thức truất ngôi. Vào năm 1921, hai lần ông mưu toan trở lại ngôi vua ở Hungary nhưng thất bại. Bị trục xuất khỏi Hungary, ông sống lưu vong ở đảo Madeira trong điều kiện thiếu thốn và chết vì bệnh phổi vào tháng 4 năm 1922.
Niềm lạc quan mà Phan Châu Trinh bày tỏ qua câu: “Cái ngày tàn quân chủ trong thế giới cũng không xa mấy” quả là đúng với thực tế. Nhưng niềm hy vọng của ông về thắng lợi hoàn toàn của “chủ nghĩa bình dân chân chánh” thì cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực trên toàn thế giới. Bởi vì ông không thể hình dung được sự phản ứng khôn ngoan của những kẻ có tham vọng về quyền lực sau khi chế độ dân chủ đã trở thành lý tưởng chung của cả loài người. Trong thực tế, chế độ dân chủ tuy thắng lợi về mặt hình thức, nhưng suốt thế kỷ XX người ta vẫn thấy xuất hiện thêm nhiều hình thức dân chủ giả hiệu, nhiều chế độ quân chủ kiểu mới mà tiêu biểu là chế độ toàn trị phát xít của Hitler ở nước Đức và tinh vi hơn nữa là chế độ toàn trị cộng sản kiểu Nga của Lenin và Stalin.
Trong một số bài viết và bài nói chuyện, Phan Châu Trinh vẫn còn tin rằng nước Nga xô-viết là một nước “dân chủ”. Ví như câu nói sau đây:
“Ngày nay bên Đức, bên Pháp, bên Nga tuy chính thể của họ có khác nhau chút đỉnh nhưng cũng đều thực hành cái chủ nghĩa dân chủ cả.” (Đạo đức và luân lý Đông Tây - NQT, tr. 500; NVD, tr. 949)
“Ngày nay” là năm 1925. Nước Pháp và nước Đức lúc đó đang sống dưới chế độ dân chủ, nhưng nước Nga thì không thể nói là một nước dân chủ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thông cảm với Phan Châu Trinh về sự nhầm lẫn này, một sự nhầm lẫn rất thường thấy ở nhiều trí thức phương Tây thời đó, và càng thường thấy nhiều hơn nơi những trí thức Việt Nam yêu nước. Hơn nữa, chế độ xô-viết còn quá mới mẻ, bản chất phản dân chủ chưa bộc lộ rõ ràng. Đó là chưa kể đến cách nhìn của những người xã hội chủ nghĩa ở Pháp mà Phan Châu Trinh thường gần gũi, quen biết. Các đảng viên Đảng Xã Hội ở Pháp tuy không tán thành Quốc Tế III và Đảng Cộng Sản nhưng vẫn cộng tác với những người cộng sản Pháp và rất dè dặt khi phê bình họ, phần vì trước kia có cùng nguồn gốc, phần vì muốn duy trì liên minh cánh tả.
Về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận
Đối với Phan Châu Trinh, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận gắn liền với chế độ dân chủ cũng tựa như không khí và nước gắn liền với trái đất vậy. Từ khi quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh cho “dân quyền”, ông đã dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho tự do tư tưởng và tự do ngôn luận.
Là một trong những ngòi bút đầu tiên đấu tranh cho quyền dân chủ ở nước ta, Phan Châu Trinh cũng là người tù chính trị đầu tiên dưới thời thực dân Pháp bị đàn áp vì tự do tư tưởng. Cuối năm 1906, ông đã viết lá thư gửi Toàn quyền Beau (Đầu Pháp chính phủ thư) nhằm tố cáo bộ máy quan lại ở Việt Nam thời đó [11] . Bức thư được phổ biến trong cả nước bằng con đường chuyền tay và bản dịch tiếng Pháp được đăng trên Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ [12] số 7 (tháng 1 - tháng 6 năm 1907). Mặc dù nguyên cớ khiến ông bị bắt giam và kết án tử hình (giảm thành lưu đày biệt xứ chung thân, cấm cố) vào năm 1908 là phong trào chống sưu thuế ở Trung kỳ, nhưng bài viết nói trên cũng như hoạt động của phong trào Duy Tân mới là lý do chính.
Được trả tự do vào tháng 4 năm 1910 nhờ cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Liên minh Nhân quyền (Ligue des droits de l’homme), Phan Châu Trinh xin đi Pháp để có điều kiện tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân quyền. Ngay từ khi mới đặt chân đến đất Pháp, vào cuối tháng 5 – đầu tháng 6 năm 1911, ông đã gửi cho Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut 5 bản kiến nghị, cả 5 bản này đều được người bạn Pháp của ông là Jules Roux dịch ra tiếng Pháp để chuyển cho Sarraut. Trong các bản kiến nghị đó, ông đề nghị chính quyền Pháp cho phép người An Nam xuất bản báo chí bằng tiếng Việt, “lập các trụ sở diễn thuyết”, bãi bỏ các biện pháp cấm sách Trung Hoa, lập hội dịch sách Pháp và sách Trung Hoa sang chữ quốc ngữ và mở các phòng đọc sách “để tạo điều kiện cho những người muốn học hỏi”. Mặt khác, ông cũng yêu cầu trả lại cho dân các trường học đã bị đóng cửa trong chiến dịch đàn áp phong trào chống sưu thuế năm 1908 và cho phép người dân lập thêm các trường học khác. (Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, tr. 34-40).
Phan Châu Trinh rất coi trọng việc thực hiện các quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận. Trong bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Versailles năm 1919 (mà Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường là tác giả chính) [13] , điều thứ 3 là điều liên quan đến quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng.
Phan Châu Trinh đánh giá quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận là tiền đề để thực hiện các quyền tự do căn bản khác của người dân. Trong bài nói chuyện Đạo đức và luân lý Đông Tây (tháng 11 năm 1925), sau khi đã dẫn chứng các nhà văn, nhà tư tưởng ở Âu châu như J.J. Rousseau với Dân ước (Contrat social), La Fontaine với Ngụ ngôn (Fables), Montesquieu với Pháp ý (Esprit des lois), Pascal, Voltaire, v.v. như là những người “kiếm hết cách mở cái khoá chuyên chế để giúp đồng bào ra chỗ tự do”, ông bình luận tiếp:
“Tôi kể bấy nhiêu ông đó là chỉ tỏ ra rằng trong đời chuyên chế mà vẫn có người ra lo việc đời như thế, chí như đời bây giờ được tự do ngôn luận, được tự do xuất bản, được tự do diễn thuyết thì những người ra lo việc nước, việc đời bên họ biết là bao nhiêu.” (NQT, tr. 496; NVD, tr. 946)
Vào khoảng những năm 1922-1923, Phan Châu Trinh và một người Việt tên là Trần Lê Luật có ý định thành lập một “diễn đàn“ của người Việt tại Paris. Bản kế hoạch lập “Việt kiều diễn đàn” này phản ảnh rất rõ quan niệm của Phan Châu Trinh về tự do tư tưởng. Giới thiệu một trong những điểm “đặc sắc” của diễn đàn, bản kế hoạch viết:
“Diễn thuyết không bằng cách ‘định luận’, nghĩa là lời diễn thuyết dù phải dù chẳng (phải) không ai được cãi lại, nhưng dùng cách ‘nghịch luận’ để ai nấy được tự do biện luận cho xác lẽ phải chăng.” [14]
Điều này cho thấy Phan Châu Trinh có một quan niệm về đa nguyên tư tưởng rất phù hợp với phương pháp tư duy khoa học hiện đại. Mặt khác, những ai đã từng học ở các trường Đảng hoặc các trường đại học ở Việt Nam, hẳn phải thấy quan niệm nói trên hoàn toàn khác với quan niệm của người cộng sản. Đối với người cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin là chân lý có sẵn; học tập, thảo luận chẳng qua chỉ nhằm để “quán triệt”, “thấm nhuần”, “lĩnh hội” sâu sắc chân lý rút ra từ các sách “kinh điển” chứ không thể có chuyện “nghịch luận”, “tự do biện luận” để phản bác những gì Marx và Lenin nói. Dưới mắt của những người cộng sản, quan niệm “diễn thuyết” đó thực chất là một thứ quan niệm tiểu tư sản, phi vô sản. Nhưng đó lại là một quan niệm gần gũi với các “câu lạc bộ” trí thức theo kiểu Hội Fabian ở Anh hoặc các câu lạc bộ của phái cấp tiến hoặc phái xã hội chủ nghĩa ở Pháp. Nó giúp chúng ta hiểu được quan niệm của Phan Châu Trinh về đảng chính trị và chế độ đa đảng.
Về chế độ đa đảng
Phan Châu Trinh không chỉ tìm hiểu chế độ dân chủ qua sách vở (tân thư), ông còn tìm hiểu nó qua thực tế. Mười bốn năm ở Pháp (1911-1925) là cơ hội để ông quan sát tại chỗ thực tế hoạt động của hệ thống nghị viện (régime parlementaire) tại một trong những nước được coi là cái nôi của chế độ dân chủ trên thế giới.
Trong bài diễn thuyết tại Nhà hội Việt Nam (Sài Gòn) vào đêm 27.11.1925, với nhan đề “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”, Phan Châu Trinh đã miêu tả chế độ dân chủ ở Pháp mà ông đã tìm hiểu trong nhiều năm như sau:
“Đây tôi nói về cái chính thể bên Pháp. Ở trong nước có một hạ nghị viện [15] là viện quan hệ nhất. Số nghị viên thì trên dưới sáu trăm. Dân đúng 21 tuổi trở lên thì ra bầu cử. Dân 25 tuổi trở lên thì được ra ứng cử. Được cử rồi thì gọi là hạ nghị viên [16] . Cái số phận của nước Pháp cầm ở trong tay cái hội ấy; hội ấy thì chủ quyền để lập pháp luật. Thứ nữa có một nguyên lão nghị viện [17] . Cái viện ấy lại không phải dân cử. Các hội đồng ở các tỉnh, các hội nào mà nhà nước đã nhận có cái nhân cách, và những người làm việc nhà nước thì được ra ứng cử. Hội ấy thì để coi về việc tiền bạc.
Khi nào bắt đầu đặt Tổng thống [18], hay là thiếu mà đặt lại, thì hợp số người trong hai viện ấy lại mà bỏ thăm. Người ra ứng cử cũng là ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều thăm thì được làm Tổng thống [19]. Khi Tổng thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước mặt hai viện ấy rằng: ‘Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân cứ trục xuất ngay’. Trước thì có Mac Mahon, sau thì có Millerand bị cách chức, cũng vì phạm hiến pháp.” (NQT, tr. 470; NVD, tr. 983)
Có lẽ cũng nên nói qua về hai trường hợp được nêu trên đây: Mac-Mahon và Millerand.
Như chúng ta đã biết, khi Phan Châu Trinh đặt chân đến Pháp thì nền Đệ tam Cộng hoà (Troisième République) đã tồn tại được bốn thập niên. Trường hợp của Mac-Mahon xảy ra vào cuối thập niên 1870, lúc nền cộng hoà mới bắt đầu đi vào ổn định, mối quan hệ giữa hành pháp và lập pháp vẫn còn rất bấp bênh.
Vào cuối năm 1872, Adolphe Thiers, một trong những người tham gia thành lập nền Cộng hoà và là Tổng thống đầu tiên, công khai tuyên bố chuyển sang lập trường cộng hoà. Sự kiện một thủ lĩnh chính trị trước đây thuộc phái Orléans (một trong ba phái bảo hoàng) từ bỏ lập trường bảo hoàng để chuyển sang lập trường cộng hoà làm cho các phái bảo hoàng lo sợ, do đó họ tìm cách buộc Thiers phải từ chức vào tháng 5.1873. Với đa số trong quốc hội, cánh hữu đã chọn người chỉ huy quân đội là Thống chế Patrice de Mac-Mahon để thay thế cho Thiers. Ngày 20.11.1873, Quốc hội thông qua “Luật về nhiệm kỳ 7 năm” (loi du septennat), giao quyền lực Tổng thống cho Mac-Mahon trong vòng 7 năm.
Trong nhiệm kỳ của Mac-Mahon, các luật về hiến pháp được ban hành vào năm 1875; quốc hội tự giải tán để bầu cử lại. Trong cuộc bầu cử năm 1876, phái cộng hoà chiếm được đa số trong Hạ viện mới. Cuộc khủng hoảng đầu tiên xảy ra vào tháng 12 năm 1876, khi Hạ viện với đa số thuộc phái cộng hoà ép Mac-Mahon phải mời Jules Simon, một nhân vật cộng hoà có xu hướng ôn hoà đứng ra thành lập chính phủ. Thượng viện do phái bảo thủ chế ngự đã bất tín nhiệm Simon bởi vì ông này loại bỏ một số viên chức thuộc cánh hữu. Vào ngày 16.5.1877, Mac-Mahon gửi cho Simon một lá thư để bãi chức ông này. Sự kiện Simon từ chức càng đẩy nhanh cuộc khủng hoảng. Khi Mac-Mahon uỷ quyền cho Albert de Broglie, một chính trị gia thuộc phái bảo thủ, đứng ra thành lập chính phủ và đạt được sự đồng thuận của Thượng viện để giải tán Hạ viện vào ngày 25.6.1877, vấn đề được đặt ra là giữa Tổng thống và Quốc hội, ai là người kiểm soát được chính phủ. Cuộc bầu cử mới dẫn đến kết quả là phái cộng hoà chiếm đa số tại Hạ viện và chính phủ của De Broglie bị bất tín nhiệm. Chính phủ kế tiếp, đứng đầu là Rochebouët cũng sụp đổ. Ngày 13.12.1877, Mac-Mahon nhượng bộ bằng cách chấp nhận một chính phủ đứng đầu là Jules Dufaure, một nhân vật thuộc phái cộng hoà có xu hướng bảo thủ, với đa số thành viên thuộc phái cộng hoà. Vào ngày 5.1.1879, phái cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện, và Mac-Mahon phải từ chức vào ngày 28.1. Cuộc khủng hoảng hiến pháp này được gọi là cuộc khủng hoảng “ngày 16 tháng Năm” (le seize mai) đã dẫn đến kết quả có lợi cho quốc hội, và từ đó cho đến cuối thời kỳ Đệ tam Cộng hoà, chức vụ Tổng thống trở thành một vị trí danh dự nhiều hơn là có thực quyền.
Trường hợp của Tổng thống Alexandre Millerand (1920-1924) xảy ra đúng vào lúc Phan Châu Trinh đang sống ở Pháp.
Alexandre Millerand nguyên là một luật sư, được bầu vào Hạ viện (Viện Dân biểu) lần đầu vào năm 1885 với tư cách là một nhà xã hội chủ nghĩa. Ông sớm trở thành một trong những nhà lãnh đạo của cánh tả ở Pháp và là chủ biên của tờ La Petite République cho đến năm 1896. Tháng 6 năm 1899, ông tham gia vào chính phủ của Pierre Waldeck-Rousseau với tư cách là bộ trưởng thương mại. Đó là lần đầu tiên một người thuộc phe xã hội chủ nghĩa tham gia một chính phủ “tư sản”, mà trong chính phủ đó lại có mặt cả tướng Galliffet, người đã từng chỉ đạo cuộc đàn áp Công xã Paris vào năm 1871. Sự kiện này đã gây ra tranh cãi trong Quốc tế II và trong phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pháp. Millerand vẫn tiếp tục tham gia nhiều chính phủ khác và dần dần rời xa cánh tả để nghiêng dần sang cánh hữu. Tháng 1 năm 1920, sau khi Georges Clemenceau từ chức, Millerand đứng ra thành lập chính phủ và trở thành thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Tháng 9 năm 1920, Tổng thống Paul Deschanel từ chức vì lý do sức khoẻ; Millerand lúc đó là lãnh tụ của Khối Quốc gia (Bloc national) - một liên minh trung-hữu (centre-droit), được bầu làm Tổng thống thay cho Deschanel.
Trong nhiệm kỳ của mình, Millerand công khai bày tỏ ý muốn tăng cường quyền lực cho chức vụ Tổng thống bằng cách sửa đổi hiến pháp. Quan điểm này dẫn đến sự xung đột giữa ông với Liên minh Cánh tả (Cartel des Gauches), một liên minh giữa hai đảng Cấp tiến và Xã hội. Tháng 5 năm 1924, liên minh này thắng cử, chiếm được đa số tại quốc hội. Cánh tả tấn công Millerand, cho rằng ông đã vi phạm nguyên tắc trung lập của chức vụ tổng thống khi công khai ủng hộ cho phe bảo thủ trong cuộc vận động bầu cử. Kết quả là Millerand phải từ chức vì không thể thành lập được một chính phủ được quốc hội phê chuẩn.
Đối với Phan Châu Trinh, việc một người đứng đầu quốc gia như Tổng thống Pháp mà vẫn có thể bị Quốc hội ép phải từ chức, quả là một điều hi hữu; bởi vì dưới chế độ quân chủ truyền thống của phương Đông, không thể có chuyện vua bị đại diện của dân bãi chức.
Trở lại với “Thư thất điều”, ta thấy có đoạn nói rõ về vai trò của nguyên thủ quốc gia như sau:
“Ông vua hay ông Giám quốc, chẳng qua là người thay mặt cho một nước, cũng như một người quản lý (tổng lí) thay mặt cho một Công ty mà thôi.
Ai đã chịu cái trách nhiệm ấy, hay hưởng được cái quyền lợi, thời phải làm cho hết cái bổn phận mình đối với dân, đối với nước; nếu không thế, thời cũng bị phạt, bị tội như mọi người vậy.
Ấy, tự do, bình đẳng là nghĩa như thế mà các nước văn minh thì nay phải đặt ra quan Nội các Tổng trưởng [20] (tức là Tể tướng) để thay quyền vua hay Giám quốc để chịu lỗi với dân là thế.
Nếu có ông vua, hay ông Giám quốc nào chiếm của dân làm của riêng mình, thời dân buộc tội cũng chẳng khác gì tội ăn trộm ăn cuớp; nếu cậy quyền mạnh hành hà dân làm tôi mọi, thời buộc tội cũng như đứa bạn nghịch.
Cái lẽ ấy, đương thời nó sáng rỡ như ban ngày, ai ai cũng rõ.” (NQT, tr. 425-426; NVD, tr. 652)
Vua hay Tổng thống (Giám quốc) làm sai thì cũng bị xử lý bằng pháp luật một cách bình đẳng, nếu tham nhũng, hối lộ (chiếm của dân làm của riêng mình) thì cũng coi như kẻ trộm cắp hay kẻ cướp; nếu lạm dụng quyền hành áp bức dân, đàn áp dân thì chẳng khác gì “đứa bạn nghịch” (tức kẻ phản nghịch). Gọi là kẻ phản nghịch bởi vì kẻ đó chống lại dân, phản bội lại nhân dân. Không đứng trên lập trường dân chủ, quả thật người ta khó có thể hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của câu nói này.
Phan Châu Trinh giải thích:
“Theo luật hiến pháp các nước văn minh trong đời bây giờ, vua nào trái phép, dân có quyền cứ luật mà bắt tội.” (NQT, tr. 423; NVD, tr. 649)
Đối với các nước dân chủ phương Tây, pháp luật là bình đẳng đối với tất cả mọi người. Điều đó có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì có như thế mới ngăn ngừa được tình trạng “siêu-quyền lực” vượt lên trên luật pháp. Như chúng ta đều biết, dưới chế độ quân chủ phương Đông, luật pháp chỉ dành cho dân, còn vua quan thì xử theo lễ. Đó chính là nguyên nhân làm vô hiệu hoá sức mạnh của luật pháp, đẻ ra nạn lạm quyền và nạn tham nhũng.
Về mối quan hệ giữa chính phủ (hành pháp) và quốc hội (lập pháp), Phan Châu Trinh giải thích:
“Còn chính phủ thì cũng bởi trong hai viện ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho đảng nào chiếm số nhiều trong hai viện ấy thì được tổ chức Quốc vụ viện (tức là Chính phủ, toà Nội các). Theo Quốc vụ viện bây giờ chừng đâu cũng đến vài chục bộ, nhưng mà không phải ăn rồi ngồi không, vênh râu lên đó như mấy ông Thượng thư ta đâu. Ông nào cũng có trách nhiệm ông ấy cả. Nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân [21] , thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong hạ nghị viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả, một đảng hữu; nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu xem xét chỉ trích, cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm.” (NQT, tr. 470-471; NVD, tr. 984).
Nói hai đảng tả và hữu chỉ là một cách diễn đạt cho dễ hiểu. Trong thực tế, ở Pháp có rất nhiều đảng; khái niệm “tả” và “hữu” cũng tuỳ thời mà thay đổi. Do chỗ có nhiều đảng, cho nên các đảng ở Pháp thường tìm cách liên minh với nhau để tranh cử hoặc nắm chính quyền. Ví như liên minh giữa các đảng cánh hữu có tên là “Khối quốc gia” (Bloc national) đã thắng cử vào tháng 11 năm 1919, hoặc như “Liên minh cánh tả” (Cartel des Gauches) mà nòng cốt là Đảng Xã hội (SFIO) và Đảng Cấp tiến (Parti radical), đã chiếm được đa số ghế vào tháng 5 năm 1924.
Trái với quan niệm của một số người chỉ trích Phan Châu Trinh, cho rằng ông không am hiểu về chế độ dân chủ, lời phát biểu nói trên chứng tỏ ông hiểu rất rõ tác dụng của chế độ đa đảng.
Trong các tác phẩm của Rousseau và Montesquieu, chúng ta không thấy nêu ra những nguyên tắc của chế độ đa đảng, mà chỉ nêu ra những nguyên tắc của sự phân quyền (séparation des pouvoirs). Chế độ đa đảng là sự phát sinh trong thực tế để bổ sung cho cơ chế phân quyền. Nếu phân chia các quyền lực một cách rạch ròi, người ta sẽ thấy có sự khó khăn trong việc thực hành. Lấy ví dụ: nếu một người hoặc một nhóm chính trị nắm quyền hành pháp mà không có quyền lập pháp hỗ trợ thì sẽ sinh ra tình trạng bị quyền lập pháp trói chân, trói tay, gây trở ngại cho việc điều hành, quản lý các công việc hàng ngày của chính phủ. Ngược lại, nếu quyền lập pháp bị hành pháp qua mặt thì sinh ra tình trạng quốc hội chỉ là bù nhìn, không kiểm soát được các hoạt động của hành pháp, tình trạng quan liêu, tham nhũng dễ dàng nảy sinh. Trong thực tế, ở bất cứ nước nào, ai nắm được quyền hành pháp đều tìm cách nắm luôn quyền lập pháp và ngược lại; do đó tình trạng chuyên quyền luôn luôn có thể xảy ra, chế độ dân chủ có nguy cơ trở thành một thứ hình thức trang trí nhằm che đậy cho một chế độ độc tài. Sự ra đời của các đảng phái đã giúp giải quyết được tình trạng đó, cơ chế đa đảng giúp bổ sung cho cơ chế phân quyền. Ví như trong chế độ nghị viện (régime parlementaire), đảng nào nắm được đa số ở quốc hội có quyền lập chính phủ, và như vậy giữa hành pháp và lập pháp có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, đảng cầm quyền cũng không thể chuyên quyền, vì có đảng đối lập “xem xét, chỉ trích”, như Phan Châu Trinh đã nhận xét.
Đối với Phan Châu Trinh, chế độ đa đảng không chỉ có tác dụng tạo ra sự kiềm chế lẫn nhau, kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các quyền lực mà còn tạo ra những cái nhìn khác nhau, cạnh tranh lẫn nhau, như thế dân mới có cơ hội chọn lựa. Điều này được phản ảnh trong một lá thư trả lời cho một du học sinh tên Đông ở Pari, đề ngày 24 tháng 1 năm 1925 [22] . Qua lá thư này chúng ta được biết anh du học sinh tên Đông có ý “lo trước” rằng trong nước sinh ra nhiều đảng, mà nhiều đảng thì “làm hại cho nước", không thể đưa đến kết quả tốt được. [23]
Phan Châu Trinh giải đáp như sau:
“Còn anh lo trong nước sinh ra nhiều đảng phái mà hại, ấy là anh hiểu lầm; trong nước nhiều đảng thì cãi cọ nhau nhiều, cãi cọ nhiều thì sự lợi hại mới biết, dân mới có thể lựa đảng nào phải mà theo; anh xem các nước văn minh, nước nào mà không có bè đảng, chỉ có nước dã man, thì chỉ có một lệnh vua mà thôi.”
Ông định nghĩa đảng như sau:
“Đảng là những người có ý kiến chung, có lợi hại chung, hợp nhau lại để lo liệu làm cho đến một mục đích chung, trong để giữ cái lợi quyền đảng mình, ngoài để đối địch với đảng nào khác ý kiến mình.”
Theo nhận định của Phan Châu Trinh, vào lúc ấy, ở nước ta chưa có đảng chính trị đúng nghĩa:
“Nước ta không có đảng nào cả, chỉ có một lũ dựa theo Nhà nước bảo hộ để kiếm ăn, ghen ghét dua nịnh chẳng còn có giá trị, tư cách gì nữa; gớm thay một lũ hồ tinh, nương hơi dựa bóng tập tành đã quen!”
Cả các đảng do các nhà cách mạng Việt Nam lập ra ở Trung Hoa, ở Nhật cũng không được ông coi là đảng:
“Nói rộng ra còn có các ông cách mạng ở Tàu, ở Nhật, các ông ấy cũng tự xưng là đảng nhưng chỉ có chủ nghĩa báo thù mà thôi, có mấy anh thông minh can đảm thì đâm đầu vào lửa chết vô ích như lũ phù du, còn dân thì có lợi ích gì? Vả lại mỗi một lúc dậy giặc thì dân lại khốn nạn thêm, làm cho sung sướng mấy thằng tham tàn, phao cho kẻ này, trét cho người kia, làm cho thiên hạ tan cửa nát nhà, chết oan tù ức, các ông ấy có biết cho không? Nhưng các ông ấy phần nhiều là bạn tôi. Năm 1906 tôi đi Tàu đi Nhật, để bàn bạc với các ông ấy, các ông ấy không nghe đến bây giờ kết quả đã rành rành mà người ta không còn biết sao ? Nên đảng đó tôi không cho là đảng.” [24]
Như vậy, Phan Châu Trinh có một quan niệm về đảng chẳng những khác với quan niệm coi đảng như một tổ chức bạo động, vũ trang của những người đồng thời (như Phan Bội Châu) hay những người thuộc thế hệ sau (như Nguyễn Thái Học) mà còn khác hẳn với quan niệm về đảng kiểu mới có tính tổ chức và kỷ luật cao nhắm cướp chính quyền bằng bạo lực theo kiểu Lenin. Đảng trong quan niệm của Phan Châu Trinh lại rất giống quan niệm về đảng trong một nền dân chủ hiện đại, một đảng hoạt động chính trị cạnh tranh bình đẳng với các đảng khác trong một chế độ dân chủ đa nguyên. Đó mới chính là lý do sâu xa khiến cho Phan Châu Trinh bất đồng ý kiến với những người cộng sản (như Nguyễn Ái Quốc) và những người ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx (như Phan Văn Trường). Quan niệm của ông lại rất gần gũi với quan niệm của những người như Jean Jaurès, lãnh tụ của Đảng Xã hội Pháp (SFIO) trước chiến tranh, hoặc của Léon Blum, lãnh tụ của những người xã hội chủ nghĩa tiếp tục ở lại SFIO sau khi đa số đảng viên rời bỏ đảng cũ để thành lập Đảng cộng sản Pháp (SFIC). [25] Quan niệm đó cũng gần với quan niệm của những người thuộc Đảng Cấp tiến (Parti radical), mà một trong những tổ chức ngoại vi là Liên minh Nhân quyền, rất gắn bó với Phan Châu Trinh kể từ khi phát động cuộc vận động để giải thoát ông ra khỏi nhà tù Côn Đảo.
Về pháp luật dưới chế độ dân chủ
Pháp luật là một trong những vấn đề được Phan Châu Trinh quan tâm hàng đầu. Là tù nhân chính trị nổi tiếng nhất vào thời đó, ông thoát khỏi cái án tử hình chỉ trong gang tấc. Một trong những người bạn thân nhất của ông là Trần Quý Cáp đã bị xử chém tại Khánh Hoà. Nhiều đồng chí của ông trong phong trào Duy Tân vẫn còn bị giam sau khi ông được thả. Vì vậy trong số năm bản kiến nghị mà ông gửi cho Bộ trưởng thuộc địa Albert Sarraut vào giữa năm 1911, có đến hai bản đề cập đến luật pháp và toà án. Trong bản thứ nhất (đề ngày 31.5.1911), Phan Châu Trinh đề nghị “đưa hồ sơ các vụ án dân Trung Kỳ nổi loạn vào năm 1908 về để xem xét lại”. Ông nêu rõ một số trường hợp tiêu biểu như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh (liên can trong cùng vụ án với ông); Trần Quý Cáp (bị xử chém mà không tra xét), v.v. Bản thứ ba (đề ngày 4.6.1911) nói “về các điều luật và về việc thành lập toà án bổ sung”. Trong bản kiến nghị này, ông viết:
“Ở Đông Dương, cái tổn hại tồi tệ nhất là ở chỗ quyền hành chính và quyền tư pháp ở trong cùng một tay; vì vậy dù quan có làm hại dân, dân cũng không dám nói gì; nếu có ai dám chống lại thì tội vạ sẽ đến ngay: nhẹ thì phạt tiền hoặc khổ sai, nặng thì bị đi đày bị chém; đó là nguyên do sự ta thán của dân.”
Do đó, ông đề nghị:
“… cho cải tổ lại luật pháp, lập các toà án bổ sung và phân quyền: các quan chức ngạch hành chính lo việc cai trị, quan chức ngạch tư pháp coi xử việc pháp luật. Làm như vậy, những thiệt hại mà dân chúng phải gánh chịu sẽ ngày càng bớt đi.” (Lê Thị Kinh, tập 1, quyển 3, tr. 37-38).
Chúng ta nhớ đến ý kiến của Montesquieu khi bàn về quyền tư pháp:
“Sẽ không còn có tự do nếu quyền xét xử (puissance de juger) không được tách rời khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền xét xử gắn liền với quyền lập pháp (puissance législative), quyền lực đối với cuộc sống và tự do của các công dân sẽ trở thành tuỳ tiện. Nếu nó được gắn liền với quyền hành pháp (puissance exécutrice), thì quan toà sẽ có được sức mạnh của một kẻ áp bức.” [26]
Theo Phan Châu Trinh, luật pháp trong một nước dân chủ rõ ràng, minh bạch hơn so với một nước quân chủ. Trở về nước vào hạ tuần tháng 6 năm 1925, ông đã dành cho nhà báo E. Dejean de la Bâtie một cuộc phỏng vấn. [27] So sánh luật pháp của nước Pháp với luật pháp của Nam triều, ông nhận xét như sau:
“Luật pháp của Pháp cho tất cả mọi người, bởi vì với nó, người ta biết phải làm gì. Nó giống như một đường xe lửa, chỉ cần đi tránh ra ngoài đường ray thì sẽ khỏi bị tàu cán phải. Nhưng ở Trung Kỳ thì chính quyền Pháp nấp đằng sau một thứ chính quyền An Nam giả hiệu. Nó hành động không trách nhiệm. Tôi lấy lại ví dụ của tôi: thay vì một đường sắt, thì người ta đã cho chúng ta một chiếc ô tô, có thể không cần biết luật lệ đi đường, đuổi theo và cán chết chúng ta tuỳ thích.” (Lê Thị Kinh, tập 2, tr. 537)
Về sự tuỳ tiện của luật pháp triều Nguyễn, Phan Châu Trinh đã từng hiểu biết sâu sắc qua kinh nghiệm của chính bản thân ông và các bạn bè, đồng chí của ông. Ông đã từng viết trong “Bản điều trần gửi Hội Nhân quyền” vào năm 1911:
“Đừng nói gì đến thẩm vấn, xét xử! Các bản án được dựng lên một cách tuyệt mật từ nơi kín đáo nhất ở công đường dựa theo những chỉ thị cũng mật của các quan Công sứ.” (Lê Thị Kinh, tập 1, quyển 4, tr. 259)
Bản án được dựng lên một cách tuyệt mật, theo những chỉ thị cũng tuyệt mật của những kẻ đứng trên pháp luật. Nói gì đến công lý, đến luật pháp! Chính vì vậy, khi bàn về tính ưu việt của chế độ dân chủ so với chế độ quân chủ, ông đã xem yếu tố pháp luật là tiêu chuẩn chủ yếu.
Về bản chất của chế độ dân chủ
Theo Phan Châu Trinh, chế độ quân chủ và chế độ dân chủ khác nhau về căn bản, bởi chế độ quân chủ (hay quân trị) là nhân trị, trong khi chế độ dân chủ (hay dân trị) là pháp trị.
Chế độ quân chủ tuỳ thuộc vào con người, con người tốt hay xấu làm cho chế độ trở thành tốt hay xấu. Người cai trị tốt thì dân nhờ, người cai trị xấu thì dân đành phải cắn răng chịu đựng; pháp luật tuy có cũng trở thành vô dụng vì pháp luật là “do vua lập ra”, dân không có quyền can thiệp vào. Ông gọi cách cai trị đó là nhân trị:
“… quân trị tức là nhân trị. Quân trị chủ nghĩa, tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng mà pháp luật cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì không biết gì hết.” (NQT, tr. 462; NVD, tr. 976)
“(…) Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tuỳ theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.” (NQT, tr. 464; NVD, tr. 977)
Nói cách khác, chủ nghĩa quân trị dựa trên một thứ pháp luật tuỳ tiện, co giãn, cho phép người cầm nắm pháp luật có thể “vận dụng” trong một phạm vi khá rộng rãi; người nắm quyền lực lại không chịu sự kiểm soát của dân. Người dân vì thế trở thành một thứ nạn nhân rất khó tránh khỏi lưới của pháp luật; muốn tránh khỏi tội hoặc muốn yên thân chỉ còn có cách cầu cạnh, đút lót hoặc thông đồng, móc ngoặc với những kẻ có chức, có quyền.
Nhân trị khiến người dân lệ thuộc vào người cai trị, chỉ biết trông ngóng, mong chờ vào một đấng minh quân; nếu chẳng may gặp phải hôn quân thì chỉ biết cúi đầu cam chịu:
“Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông minh anh hùng, hiểu được cái sự quan hệ giữa dân với nước là thế nào, mà trừng trị lũ tham quan, lại nhũng, để cho dân được yên lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh, mà cái thì giờ của vua sống được bao nhiêu thì nước còn được thái bình bấy nhiêu. Còn đến mấy ông vua hôn ám thì ông sống với đàn bà con gái, với bọn hoạn quan, còn biết gì đến nước, trao chính quyền vào trong tay mấy đứa nịnh thần, người đã hư thì nước cũng đổ thôi.” (NQT, tr. 462-463; NVD, tr. 976)
Người đã hư thì nước cũng đổ theo, đó là nhược điểm muôn đời của thể chế nhân trị. Không phải người xưa không biết chuyện này, nhưng họ không thể khắc phục được, vì thiếu một nền luật pháp vượt ra khỏi sự khống chế của vua, thiếu một cơ chế điều hành vượt ra khỏi ý chí của cá nhân:
“Mấy nghìn năm nay,mấy ông vua giỏi, tướng giỏi hết sức mà tránh cho khỏi cái chữ quân trị là nhân trị, nhưng mà không được, vì là lập phép này phép kia cũng tự tay vua, đến khi đạp đổ đi cũng tự vua.” (NQT, tr. 463; NVD, tr. 977)
Ngược lại, chủ nghĩa dân trị tức là pháp trị:
“… dân trị tức là pháp trị (lấy phép mà trị người). Vì rằng quyền lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường gạch ấy mà đi tự do, muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn trở, chỉ trừ khi nào xâm lấn quyền lợi của người khác thì không được.” (NQT, tr. 472; NVD, tr. 985) [28]
Chủ nghĩa nhân trị là “lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị một nước”, vì thế nước ấy (quốc gia ấy) “không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tuỳ theo lòng của người chăn.” [29] Còn theo chủ nghĩa dân trị thì “tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy”. Do đó “dù không có người tài giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải bị đè đầu khốn nạn làm tôi mọi một nhà, một họ nào.” (NQT, tr. 472; NVD, tr. 985)
Nói cách khác, nhân trị lệ thuộc vào người lãnh đạo, đòi hỏi phải có lãnh tụ anh minh, sáng suốt; trong khi dân trị thì phát huy sức mạnh của cả dân tộc, cho nên không cần đến lãnh tụ anh minh, sáng suốt vẫn có thể phát triển vượt bậc.
Điều tai hại nhất là chế độ quân chủ (quân trị) khiến cho người dân có thói quen nô lệ, chỉ biết trao số phận mình cho kẻ bề trên, không có tinh thần tự cường, tự lập. Phan Châu Trinh bình luận:
“Xét lịch sử xưa nay, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự lợi ích chung của mình, thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân nào ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay là một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. (NQT, tr.472-473, NVD, tr. 986) [30]
So sánh chủ nghĩa quân trị và dân trị như thế, chúng ta mới thấy “chủ nghĩa dân trị hay hơn cái chủ nghĩa quân trị nhiều lắm.” (NQT, tr. 472-473; NVD, tr. 985)
Như vậy cái cốt lõi của một chế độ chính trị chính là vấn đề “ai làm chủ?”. Nếu một người hay một dòng họ làm chủ, ấy là chế độ quân chủ (quân trị). Nếu nhân dân là người làm chủ, thì ta có chế độ dân chủ (dân trị).
Độc giả ngày nay có thể đặt câu hỏi: thế thì chế độ độc đảng toàn trị được xếp vào loại nào, quân chủ hay dân chủ?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần ghi nhớ: khi dùng chữ “quân”, Phan Châu Trinh không chỉ nhằm nói đến một ông vua. Trong bài nói chuyện“Đạo đức và luân lý Đông Tây” (tháng 11 năm 1925), ông định nghĩa:“Vua là gì? Vua là người cầm quyền chính trong nước…” (NQT, tr. 487; NVD, tr. 938). Như vậy, ta có thể thay chữ “vua” bằng chữ “tổng thống”, “thủ tướng”, hay “lãnh tụ” (Führer), “quốc trưởng”, “chủ tịch nước”, “tổng bí thư”, “bộ chính trị”, v.v. tuỳ theo chế độ của từng nước và căn cứ vào thực chất của chế độ ấy.
Nếu quân chủ (quân trị) là chế độ mà một ông vua hay một dòng họ (hoàng gia) làm chủ, nếu dân chủ (dân trị) là chế độ mà toàn dân làm chủ, thì chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị) chính là chế độ trong đó một đảng làm chủ. Chế độ đó thực chất chỉ là một chế độ quân chủ kiểu mới, một chế độ quân chủ trá hình.
Như vậy, chế độ độc đảng toàn trị chỉ là một chế độ dân chủ giả hiệu, không phải là một chế độ dân chủ đích thực. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu như tất cả, hay hầu hết những gì Phan Châu Trinh nhận xét về chế độ quân chủ đều có thể áp dụng cho chế độ độc đảng toàn trị (đảng trị), tức là một chế độ trong đó một đảng làm chủ. Dù có thay một ông “vua cá nhân” bằng một ông “vua tập thể” thì những nét tương đồng vẫn có thể tìm thấy dễ dàng, nếu như mỗi chúng ta không bị những thứ chữ nghĩa “biện chứng” làm cho mờ mắt, hoặc bị những giáo điều của “tôn giáo mới” làm cho đầu óc khờ khạo, u mê.
Và cũng từ đó, chúng ta càng hiểu một cách sâu sắc tại sao hàng loạt các nhà nghiên cứu dựa trên quan điểm Marx - Lenin đã và đang luôn luôn tìm mọi cách để bưng bít, xuyên tạc quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, một trong những nhà dân chủ đầu tiên và có thể là nhà dân chủ lớn nhất của nước ta trong thế kỷ 20.
Đà Lạt 1.1.2007
Mai Thái Lĩnh
Tài liệu tham khảo chính:
• Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh - cuộc đời và tác phẩm. Nxb Văn học, 2006 (tái bản lần thứ tư, có bổ sung);
• TS. Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh. In lần thứ hai, Nxb Văn hoá Thông tin, 2006;
• Phan Châu Trinh, Toàn tập (I, II và III), Nxb Đà Nẵng, 2005;
• TS Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 – 1925. Nxb Văn Nghệ TP. HCM & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, TP.HCM, 2000;
• Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập 1, Nxb Đà Nẵng, 2001; tập 2, Nxb Đà Nẵng, 2003;
• Các tư liệu về lịch sử dựa trên các Đại bách khoa toàn thư: Britannica Encyclopedia 2005 (bản điện tử), Encarta Encyclopedia 2004 (bản điện tử), và Wikipedia, The Free Encyclopedia (Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở trên mạng Internet) bản tiếng Anh và bản tiếng Pháp.
• Montesquieu, Œuvres complètes. Editions du Seuil, Paris 1964.
• J. J. Rousseau, Du contrat social, bản điện tử của Athena,1994 -1998.
[1] Giám quốc tức là Tổng thống (Président de la République). Trong bản của NVD, chữ quản lý được thay bằng tổng lí.
[2] NQT: Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh - cuộc đời và tác phẩm; NVD: Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh; xem phần thư mục. Những trích dẫn trong bài này chủ yếu dựa vào bản của Nguyễn Q. Thắng , nhưng có tham khảo bản của Nguyễn Văn Dương để sửa chữa lỗi hoặc làm rõ nghĩa.
[3] Có thể Phan Châu Trinh chưa được đọc John Locke, nhưng chúng ta đều biết Montesquieu đã chịu nhiều ảnh hưởng của Locke qua Hai luận văn về chính quyền (Two Treatises of Government), nhất là bản luận văn thứ hai.
[4] Trong Khế ước xã hội, Rousseau gọi các thành viên của cộng đồng (association, communauté) là “associé”. Xem: J.J. Rousseau, Contrat social, I, 6.
[5] Ý nhắc lại câu nói của Vua Louis XIV của nước Pháp: “Nhà nước là ta” (“L’Etat c’est moi”). (NQT, tr. 426, hoặc NVD, tr. 652). Theo Nguyễn Văn Dương, nguyên tác chữ Hán viết lầm là Louis XV (Lộ dịch đệ thập ngũ). Xem: NVD, tr. 652, chú thích 3.
[6] J.J. Rousseau, Montesquieu, Voltaire.
[7] Vua Louis XVI (bị xử tử hình vào năm 1793). Bản của Lê Ấm ghi đúng chứ không lầm, chính Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương mới lầm (Xem NVD, tr. 669, chú thích 3). Vua Louis XIV (1638-1715) là người bị gán cho câu nói “Nhà nước là ta”, nhưng vua Louis XVI (1754-1793) mới là người bị Cách mạng Pháp xử tử; đấy là hai ông vua khác nhau chứ không phải cùng một người.
[8] Bình luận câu “Than ôi ! Nã Phá Luân hoàng đế là ông sứ giả trời sai xuống rắc cái hoa tự do…” của Phan Châu Trinh trong Đầu Pháp chính phủ thư, ông Đặng Thai Mai viết: “Ý nghĩ này cũng là một nhận định đã được lưu hành trong một thời gian ở ta. Quả là hồi đó các nhà nho tiến bộ nước ta chưa nhận rõ phần công lao của nhân dân Pháp trong cuộc cách mạng.” (TT, II, tr. 61, chú thích 1)
[9] tức “quân chủ lập hiến”
[10] Bản chữ Hán ghi là “Áo”, nhưng trong bản dịch tiếng Việt lại ghi là “hoàng đế nước Úc”, rồi ghi chú trong ngoặc dơn là “Autriche”. Như vậy bản chữ Hán chính xác hơn. Xem: NVD, tr.654, chú thích 1.
[11] Theo Toàn tập, lá thư này đề ngày 1.10.1906 (TT, II, tr. 51) trong khi bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) cho rằng lá thư được viết xong vào ngày 1.11.1906 (Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, tr. 112)
[12] Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (BEFEO).
[13]“Bản yêu sách 8 điểm gửi Hoà Hội Versailles là do hai cụ Phan (Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường) viết. Hai Cụ có hỏi mình có thêm ý kiến gì không? Không phải do mình viết đâu. Lúc đó mình viết sao nổi mặc dầu bản đó ký tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đó trở thành tên hoạt động của mình” Lời của Hồ Chí Minh dựa theo ký ức của thư ký riêng Vũ Kỳ, do Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh, cháu ngoại Phan Châu Trinh) ghi lại. (Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, tr. 740). Điều đáng ngạc nhiên là tại sao sự thực này không được chính thức công bố lúc Hồ Chí Minh còn sống?
[14] Thu Trang, sđd, tr. 234; Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, tr. 412.
[15] Chambre des députés (Viện Dân biểu), thường được dịch là Hạ viện.
[16] Député, thường được dịch là dân biểu hay hạ nghị sĩ.
[17] Sénat, thường được dịch là Thượng nghị viện hay Thượng viện.
[18] Trong bản NVD, chữ này là “Giám quốc” thay vì “Tổng thống”.
[19] Theo Hiến pháp của Đệ tam Cộng hoà, Tổng thống do Quốc hội bầu chứ không phải do dân cử trực tiếp.
[20] Dưới thời Đệ tam Cộng hoà, các luật về hiến pháp không chính thức quy định chức vụ của người đứng đầu Nội các, tức Chủ tịch Hội đồng (Président du Conseil) - tương đương với Thủ tướng (Premier ministre). Vì vậy, mãi cho đến năm 1934, Chủ tịch Hội đồng phải kiêm nhiệm một chức bộ trưởng để có văn phòng và nhân sự giúp việc.
[21] Bản của Nguyễn Q. Thắng ghi “Nếu cái gì mà làm bằng lòng dân…” (sót chữ “không”) làm cho câu văn sai nghĩa. Câu này được sửa theo bản của Nguyễn Văn Dương.
[22] Theo Nguyễn Q. Thắng, lá thư này được Ngô Đức Kế công bố lần đầu vào năm 1926 trong “Phan Tây Hồ di thảo”( NQT, tr. 170)
[23] Cái “tâm lý sợ đa đảng” này, kể cả ngày xưa lẫn ngày nay, rất thường có trong giới trí thức của Việt Nam. Đó cũng là một đề tài thú vị đang chờ đón các nhà nghiên cứu triết học và khoa học nhân văn ở nước ta.
[24] Trích theo: Phan Châu Trinh, Thư trả lời anh Đông, NVD, sđd, tr. 830-831.
[25] SFIO (Section française de l’Internationale ouvrière, Phân bộ Pháp của Quốc tế Công nhân) là tên chính thức của Đảng Xã hội vào thời đó. Từ năm 1969, đảng này chính thức đổi tên thành Đảng Xã hội Pháp (Parti socialiste francais, PSF). Cuối năm 1920, sau khi gia nhập Quốc tế III, những người cộng sản Pháp đặt tên đảng là SFIC (Section française de l'Internationale communiste, Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản). Từ 1945, đảng này chính thức đổi tên là Đảng cộng sản Pháp (Parti communiste francais, PCF).
[26] Montesquieu, De l’esprit des lois, XI, 6; sđd, tr. 586.
[27] Bài trả lời phỏng vấn này được đăng trên báo Indochine ngày 29.6.1925.
[28] Những đoạn trích sau đây trong bài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, theo TS Nguyễn Văn Dương, là do người biên tập thêm vào khi xuất bản chứ không có trong bản thảo. Tuy nhiên, xét theo nội dung và cách lập luận thì những câu thêm vào hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của Phan Châu Trinh và làm cho các khái niệm rõ nghĩa hơn, do đó tôi vẫn sử dụng trong bài này (Xem NVD, tr. 958, ghi chú 3 và tr. 986, ghi chú 1). Người biên tập bản văn này hẳn là người rất am hiểu tư tưởng của Phan Châu Trinh hoặc đã trực tiếp tham dự các buổi diễn thuyết tại Sài-gòn; có lẽ vì thế mà từ năm 1926 đến nay, mỗi lần xuất bản lại, người ta vẫn để nguyên, không cắt bớt.
[29] Trong bản của Nguyễn Văn Dương, chữ “đàn dê” được thay bằng chữ “đoàn chiên”, chữ “người chăn” được thay bằng chữ “người chăn chiên.” (NVD, sđd, tr. 985)
[30] Trong các đoạn vừa trích, cũng có sự khác nhau giữa bản của Nguyễn Q. Thắng và bản của Nguyễn Văn Dương, tuy không làm thay đổi nội dung của tư tưởng. Ở đây, tôi trích theo bản của Nguyễn Q. Thắng (dựa trên bản của Thế Nguyên in năm 1956). Theo Nguyễn Văn Dương, bản của Thế Nguyên lấy từ “Phan Tây Hồ di thảo” của Ngô Đức Kế xuất bản năm 1927 tại Hà Nội (NVD, tr. 959, chú thích 1). Trong khi đó, theo Nguyễn Q. Thắng, bản của Thế Nguyên xuất bản dựa trên “Gương chí sĩ” xuất bản tại Sài-gòn năm 1926, nghĩa là trước bản của Ngô Đức Kế (NQT, sđd, tr. 171).
No comments:
Post a Comment