Sunday, February 8, 2009

PHIM "GRAN TỔIN" của CLINT EASTWOOD

'Gran Torino' của Clint Eastwood
Steven Young – Giang chuyển ngữ
08-02-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6001
Tôi xem phim mới nhất của Clint Eastwood – Gran Torino – trong buổi chiếu khai mạc trước khi rời Saint Paul đi Thái Lan. Ở Thái Lan cũng có một nhóm dân thiểu số khá lớn người Hmong và bề ngoài Gran Torino là bộ phim về người Hmong. Tôi có biết người Hmong, đã từng viếng thăm một làng người Hmong ở Thái Lan năm 1963 và giúp họ tìm nơi nương náu ở Hoa Kỳ với tư cách tỵ nạn.

Câu chuyện được dựng thành phim của Eastwood có thể xảy ra ở Saint Paul, Brooklyn Park hay là Minneapolis cũng được. Nhiều diễn viên người Mỹ gốc Hmong được tuyển chọn ở Saint Paul và người cố vấn văn hóa Hmong cho cuốn phim làm việc cho đại học Concordia ở Saint Paul. Trên nhiều phương diện đây là một cuốn phim về chúng tôi, những người ở Minnesota và có lẽ mọi người đều thấy như vậy.

Ở ngoài mặt, câu chuyện của đạo diễn Eastwood là một câu chuyện buồn nhưng có tính cứu chuộc về một nếp sống cổ hủ nhưng tốt bụng của người da trắng, được Eastwood thể hiện qua nhân vật Walt Kowalski (không có quan hệ gì đến gia đình chủ hệ thống cửa hàng Kowalski ở Minnesota), và cái phong cách không thể tiếp tục duy trì được nữa của nếp sống này khi đối diện với một nước Mỹ mới, với những thành phố mà giờ đây có những vùng dân cư bên trong không còn là những người đến từ châu Âu.
Câu chuyện có phần nào phấn khởi, bởi vì khi chấp nhận thực tế là sự hiện diện của những người láng giềng người Hmong, Walt đã biến từ một người bẳn tính, bị mọi người xa lánh, người bảo vệ cho những sở thích của dân da trắng, trở thành một người bạn tốt, che chở những di dân Hmong khi ông ta đối diện với một thực tế mới trong cái thế giới nghèo dưới mức trung lưu của mình.

Nhưng ở dưới bề mặt này, tôi nhìn thấy câu chuyện này dưới một cấp độ khác – mạnh mẽ hơn nhiều. Gran Torino là một cuốn phim về chiến tranh Việt Nam, một phê phán về những gì nước Mỹ đã mang đến cho Việt Nam và những gì Việt Nam mang đến cho nước Mỹ, được thể hiện qua những biểu tượng và ẩn dụ. Tôi nghĩ rằng cách dẫn dắt câu chuyện được thực hiện một cách sáng chói, mặc dù những ý tưởng của phim rất tinh tế và gián tiếp.

Walt đã không được trình bày như là một cựu chiến binh của cuộc chiến Việt Nam, mặc dù ông ta cũng có thể là một người như thế. Tôi đã từng phục vụ với những người như Walt ở Việt Nam, những thanh niên Mỹ da trắng, những người đã chiến đấu và tử trận bởi vì đó là điều người Mỹ phải làm khi được kêu gọi tham gia cuộc chiến, và họ không thích “gooks” (chữ dùng có tính nhục mạ đối phương trong cuộc chiến Cao Ly) hay la “slopes” (chữ dùng để nhục mạ trong cuộc chiến Việt Nam) hay bất kỳ một biến thể của những chữ này. Nhân vật Walt, đôi khi hơi cường điệu bởi Eastwood, không phải là loại người không tiêu biểu của đàn ông Mỹ, một người lính cô đơn chỉ có thể hiểu được bởi những người lính cô đơn.

Trong phim Gran Torino, nhân vật Walt đã được khéo léo cho thủ vai của người cựu chiến binh của cuộc chiến Cao Ly. Như vậy ông ta là giao điểm của một nhân vật thuộc thế hệ vĩ đại của Thế Chiến Thứ Hai và cựu chiến binh của cuộc chiến Việt Nam, những người đã chiến đấu cho cái gọi là một cuộc chiến “tồi tệ”. Walt là cựu binh của cuộc chiến tranh lạnh – cuộc chiến đấu trong ánh hoàng hôn như là Jack Kennedy đã từng gọi – Nhưng ông ta không phải là một chiến sĩ như những chiến sĩ khác, và nhất là không phải đám lính “hậu cần mẹ đ..”. Walt đã từng giết người khi giao tranh, có thể 16 người, có thể hơn. Và do thành tích giết kẻ thù này để bảo vệ trạm gác trong một đêm ở Cao Ly ông đã được tưởng thưởng huân chương ngôi sao bạc. Huân chương này chỉ dành cho những người thực sự chiến đấu, với thần chết lúc nào cũng lởn vởn chung quanh.

Nhưng cũng như đa số các cựu chiến binh của cuộc chiến Việt Nam, Walt chưa bao giờ kể lại cho con cháu ông nghe về cuộc chiến ấy hoặc là những gì ông đã làm. Những người con trai – được trình bày như là một hạng người mới sinh sau cuộc thế chiến thứ Hai, khá giả, ở ngoại ô và đến lượt mình cũng có những đứa con láo xược – không hiểu được ông già vừa nghiêm khắc vừa dễ nổi giận. Có một sự đổ vỡ giữa những thế hệ trong phim Gran Torino; giống như trên thực tế có một sự đổ vỡ như vậy giữa thế hệ vĩ đại và những đứa con phản chiến chống lại cuộc chiến Việt Nam.

Những đứa con của Walt là những bọn trẻ thành đạt có địa vị. Họ vượt qua ông và tạo ra một thế giới với những giá trị khác cho bản thân họ và những đứa con hư hỏng của họ. Walt thì xa vắng, hay phê phán, ông thất vọng ở những đứa con của mình, và ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra chung quanh, tại sao các con ông không cảm thấy mối liên hệ với ông hay với tinh thần xả thân vì sứ mệnh và nhiệm vụ. Ông cũng không thể nói với người con trưởng qua điện thoại rằng theo hồ sơ bệnh án thì ông không còn sống được bao lâu nữa. Walt gác máy khi không thấy một chút ân cần nào ở phía bên kia đường dây. Quả là đáng buồn và những kiểu động năng tâm lý như vậy giữa cha con người Mỹ cũng vô cùng phố biến.

Rồi một gia đình người Hmong dọn vào căn nhà điêu tàn bên cạnh nhà Walt. Căn nhà và sân cỏ của Walt lúc nào cũng sạch sẽ như mới, ngăn nắp và được gìn giữ cẩn thận. Tinh thần yêu lao động của thế hệ cũ được thể hiện trước mắt mọi người qua cách ông bảo quản nhà cửa. Ông là người hay sửa sang – ông có vô số những dụng cụ được xắp xếp gọn ghẽ trong nhà để xe. Nhưng, nếu nhìn trên quan điểm của ông về sự tự hào trong lao động và sự tinh xảo thì hàng xóm của ông đang xuống dốc. Khi thấy họ dọn nhà đến ông gọi họ là đám chuột đầm lầy những người chủ trước là những người Mỹ trắng nghèo, chết dần chết mòn và dọn đi. Quá khứ không còn mở lời cho tương lai. Bạo lực, không phải là sự tôn trọng lẫn nhau và tính công dân, là kẻ quyết định những dịch vụ xã hội.

Walt và thế hệ của ông được giáo dục để sẵn sàng thi hành nhiệm vụ, để “hoàn thành công việc” như là thế chiến thứ hai, chiến tranh Cao Ly và chiến tranh lạnh. Đó là những đức tính mà tôi ngưỡng mộ cha tôi, một trong những thiếu úy của thế chiến thứ hai, sau đó trở thành một nhân viên phục vụ trong các chương trình New Frontier của tổng thống JFK

Ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã không hoàn tất công việc mà đáng lẽ phải được hoàn tất. Sau năm 1968, chúng ta chọn giải pháp của “đám trẻ hậu chiến” trong cuộc sống và áp dụng nó cho những nỗ lực của chúng ta ở Việt Nam: hễ khi nào công việc trở nên nặng nề hoặc rối rắm, thì hãy quẳng nó sang một bên và tìm một việc khác dễ chịu hơn.

Và như thế, giống như Hoa Kỳ cố thực hiện ở Việt Nam – và sau này ở Iraq – Walt cố gắng tìm cách cải thiện hoàn cảnh cho những người Hmong láng giềng. Ông muốn ngăn bạo lực không để ảnh hưởng đến họ. Ông hướng dẫn Thao, con trai người láng giềng, cách sửa chữa đồ đạc theo cách làm của thời xưa. Ông nện cho tên du đãng hung dữ một trận, tên này thường khủng bố Thao, người tuy không có sự nhiệt thành và ý hướng rõ rệt nhưng muốn tránh một cuộc đời băng đảng.

Tôi nhận ra ẩn dụ của Eastwood về bọn du đãng – được đóng rất hay, và rất giống đám du đãng Hmong ở Saint Paul – là đám đảng viên Cộng Sản trong tấn tuồng đạo đức về nước Mỹ này. Giống như những đảng viên Cộng Sản Việt Nam, đám du đãng được mô tả trong Gran Torino là một lũ tham quyền, tàn nhẫn và có vũ khí.

Đám côn đồ dĩ nhiên là trả đũa lại những người mà Walt cố gắng để bảo vệ và làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn – tôi có lẽ không nên tiết lộ tình tiết của phim, để cho nó làm bạn xúc động khi bạn đi xem phim. Cuộc chiến đấu của Walt để bảo vệ "người lành" trở thành tệ hại, ông đành phải leo thang hành động để dứt điểm " bọn ác"

Cuộc chiến đấu của ông là sự hy sinh cho những người mà ông bỗng dưng quý mến và muốn săn sóc dù họ không phải là người thân thuộc của ông

Điều này làm tôi nhớ lại Thượng Nghị Sĩ William Fulbright của tiểu bang Arkansas – người không phải là bạn của dân da màu, như dân của các tiểu bang miền Nam thường gọi – cố ngăn cản Lyndon Johnson đừng giúp miền Nam Việt Nam.

Fulbright đặt tay lên đầu gối của Johnson bóp mạnh, khi hai người chỉ có một mình trong văn phòng White House, và nói: “Nhưng Lyn, họ không phải là người đồng chủng với chúng ta”.

Gran Torino làm chúng ta suy nghĩ: ai là người đồng chủng với chúng ta? Cain và Abel; John Donne tra vấn về chuông gọi hồn ai. Là người Mỹ, là những người thiện tâm, chúng ta sẽ mang lại công lý cho ai?

© DCVOnline

------------------------------------------------------------

Nguồn:
(1)
"Gran Torino" by Clint Eastwood. Twin Cities Daily Planet, by Steve Young, 5 February 2009. Stephen B. Young, Global Executive Director of the Caux Round Table, is a lawyer and writer. He has served as Dean of the Hamline University School of Law and as an Assistant Dean at Harvard Law School.



Xem thêm :

Người Hmong trong phim Clint Eastwood
03 Tháng 2 2009 - Cập nhật 03h58 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2009/02/090203_torino_eastwood.shtml


No comments: