Muốn "hoá rồng", phải khống chế những nhóm đặc quyền đặc lợi
Trần Sĩ Chương
10/02/2009 08:20 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/6055/index.aspx
(TuanVietNam) - Những nước đã thành công "hóa rồng" là những nước đã khống chế được những thế lực đặc quyền, đặc lợi để tập trung cho mục tiêu phát triển trong một môi trường xã hội mà đa số người dân chấp nhận là công bằng.
"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời"
"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", hình như ngay cả nước Mỹ cũng không thể là một ngoại lệ của vòng đời thịnh - suy.
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu ở Mỹ đã bắt đầu từ lâu, từ những yếu tố chính trị - xã hội ở Mỹ. Năm 2008 chỉ được lịch sử đánh dấu là năm Hoa Kỳ bắt đầu suy thoái đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị trí chính trị và kinh tế siêu cường của họ.
Sự chuyển dịch này sẽ có những hệ lụy không thể tránh được trong các quan hệ song phương và đa phương với Mỹ; và cả đến hệ thống tài chính, thương mại chi phối các mối quan hệ quốc tế trong sáu thập niên qua.
Việt Nam, dù là một nước nhỏ, chỉ mới thật sự hội nhập đáng kể vào chính trường và thị trường thế giới vài năm, nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những đổi thay có tính hệ thống toàn cầu trong những năm tới. Tình huống mới đòi hỏi những giả định mới, để có thể định vị rõ nét hơn, định hướng thực tế hơn và có sự chủ động cao hơn cho việc xác định mục tiêu và kế hoạch chiến lược phát triển.
Hoa Kỳ là một siêu cường quốc mà sức mạnh không chỉ từ tài nguyên thiên nhiên, dân số, địa lý, mà còn từ hệ thống văn hóa, chính trị, xã hội, và là một mô hình kinh tế tận dụng được nội lực của người dân và từ những giá trị tài nguyên thiên nhiên của họ.
Đã có thể lực tốt trời cho, lại có một hệ tư tưởng xã hội chính trị dựa trên cơ sở khoa học thuận lý, cho nên chỉ trong vòng hơn 100 năm từ ngày dựng quốc, với một bãi đất hoang và những thành phần di dân "trên răng dưới khố", Hoa Kỳ đã trở thành một "hiện tượng" siêu cường chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa của thế giới.
Và vì không thật sự có ý đồ bành trướng chiếm đất như các đế quốc truyền thống, nước Mỹ đã tương đối tránh được vết xe đổ của các đế quốc đi trước, không bị gãy gánh vì quá tham vọng, ôm đồm, trải lực quá xa và quá sâu. Sự can thiệp tốn kém của Mỹ ở Việt Nam và bây giờ là ở Iraq cũng không làm suy giảm đáng kể nội lực của họ. Oái oăm thay, kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ bây giờ lại chính là họ, là cái hệ thống chính trị xã hội vốn được xem là một mô hình mẫu mực, "lý tưởng".
Kẻ thù của Hoa Kỳ giờ đây là chính họ
"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", hình như ngay cả nước Mỹ cũng không thể là một ngoại lệ của vòng đời thịnh - suy. Ở điểm cực thịnh, nước Mỹ đã tự gieo những mầm mống cho sự suy thoái. Mô hình xã hội dân chủ và kinh tế thị trường (với một định hướng xã hội rất rõ nét) đã là tiền đề và cơ sở cho sự phát triển vượt bậc.
Nhưng rồi, vì dân chủ nên ai cũng có thể có tiếng nói và đòi quyền lợi, sinh ra ngày càng có nhiều nhóm đặc quyền đặc lợi, chỉ biết lợi riêng mà quên đi lợi chung; vì tin vào bàn tay vô hình màu nhiệm của kinh tế thị trường nên cứ tưởng là của cải, sự giàu có có thể được tự tạo vô giới hạn; vì cam kết phát triển với định hướng xã hội nhưng không cân đối được thu chi nên gánh nặng xã hội ngày càng cao vượt vòng kiểm soát.
Tầng lớp lãnh đạo chính trị lại bị chi phối bởi các nhóm đặc lợi đặc quyền nên tiếp tục ru ngủ dân với các liều thuốc phát triển ảo. Cha mẹ nhu nhược, quá chiều con, con cái thì làm ít nhưng đòi hưởng nhiều, thì dù có giàu đến đâu cũng phải có ngày trả giá. Đó là thực trạng của nước Mỹ ngày hôm nay. Đó là vấn đề chính trị - xã hội, chứ không phải là kinh tế hay tài chính.
Từ tám năm nay, gánh nặng nhập siêu, thâm hụt ngân sách đã chồng chất lên đến hàng ngàn tỉ USD. Chỉ trong năm 2008, thâm hụt ngân sách đã lên đến hơn 1,2 ngàn tỉ (8% của GDP. Năm 2009 có thể lên đến 10-12% GDP)! Nếu là một gia đình nghèo, tứ cố vô thân, thì đã không ai cho vay mượn và đã phải tự điều chỉnh cuộc sống.
Nhưng vì là một siêu cường độc tôn có khả năng chi phối chính trường và thị trường tài chính kinh tế thế giới nên Hoa Kỳ đã có thể vay mượn thoải mái. Hoa Kỳ đã trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Ngay cả những nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã trở thành chủ nợ của Mỹ!
Nhưng vì số nợ quá lớn nên vô hình trung Hoa Kỳ lại có cái thế của người chủ nợ: anh không cho vay tiếp thì tôi không có tiền để sống, để có thị trường cho anh, để có thể có ngày trả được nợ của anh, thì anh cũng sẽ chết theo tôi.
Kinh tế gia John Maynard Keynes đã có câu nói thâm thúy cách đây hơn 70 năm: "Nếu anh nợ ngân hàng 1 bảng Anh thì anh là con nợ, còn nếu anh nợ 1 triệu bảng thì anh là chủ nợ". (Vì ngân hàng sẽ không dám để anh chết. Ở Mỹ, Donald Trump là một hiện tượng điển hình nhất.
Làm ăn lớn, vay mượn cả hàng tỉ USD, nhưng đã nhiều lần phá sản và giá trị tài sản thường bị âm, nhưng ngân hàng vẫn phải tiếp tục nuôi con nợ và phải chi trả hàng triệu USD hàng tháng cho các chi phí cá nhân của ông này!).
Nhưng dù gì đi nữa, GDP của Mỹ vẫn chiếm khoảng 26% GDP thế giới. Đồng USD vẫn còn ở vị trí chi phối trên thương trường quốc tế. Nợ nhiều không trả nổi thì nước Mỹ vẫn có thể tiếp tục in tiền trả nợ, nhưng giá trị của đồng USD sẽ không còn có giá trị như trước. Vô hình trung các nước đang phát triển đã bị lợi dụng lao động giá rẻ phục vụ cho người tiêu thụ Mỹ, để rồi bị nợ và chỉ được trả với giá rẻ hơn.
Muốn "hoá rồng" phải khống chế những nhóm đặc quyền đặc lợi
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ổn định bền vững của một hệ thống chỉ có khi có sự cân bằng giữa các giá trị thật, dù là chính trị, xã hội hay kinh tế. Giá trị ảo chỉ có giá trị hữu dụng phục vụ một mục đích nhất thời.
Khi giá trị ảo không được kìm chế kịp thời, vượt quá xa giá trị thật thì hệ thống sẽ mất cân bằng, và sẽ chao đảo để tìm một sự cân bằng mới. Vì mức độ nghiêm trọng sâu và rộng của cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay, chưa ai lường được độ chao đảo đến mức nào, bao lâu và sự cân bằng mới sẽ nằm ở đâu.
Một nhà chính trị - xã hội học của Mỹ - Giáo sư Mancur Olsen ở Đại học Maryland - đã dẫn chứng là từ đế quốc La Mã hùng mạnh, và cũng là cái nôi của thể chế dân chủ, đến cả nước Mỹ ngày nay đều bị đối đầu với hiểm họa suy thoái, không phải từ ngoài, mà từ trong. Chính trị gia ở đâu cũng muốn được có quyền. Mà muốn có quyền thì phải thỏa mãn những đòi hỏi của những nhóm cử tri có thế lực của mình.
Những nhóm này với sự toa rập, bao che của thế lực chính trị nhanh chóng trở thành những nhóm đặc quyền, gom thu được những đặc lợi mà người dân thường không có được. Hiện tượng này sẽ gây ra những phí phạm về mặt sử dụng tài nguyên quốc gia, làm mất tính công bằng xã hội.
Đến một mức độ nào đó, dù đất nước giàu có đến đâu cũng không thể duy trì được nội lực tối thiểu cho sự phát triển. Khi đó, đa số người dân sẽ nhận thức được là họ đang bị bóc lột để phục vụ cho giai cấp thống trị, và sau lưng họ là những nhóm đặc quyền đặc lợi. Hệ thống chính trị sẽ mất dần tính chính thống; xã hội phân hóa, mất tính ổn định về mặt kinh tế cũng như chính trị - xã hội.
Những nước đã thành công "hóa rồng" là những nước đã khống chế được những thế lực đặc quyền, đặc lợi để tập trung cho mục tiêu phát triển trong một môi trường xã hội mà đa số người dân chấp nhận là công bằng. Ở châu Á, đó là những nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn những nước khác, như Philippines, Indonesia thì vì không thoát được cái gọng kìm của những nhóm đặc quyền đặc lợi cho nên không thể nào cất cánh.
No comments:
Post a Comment