Wednesday, February 18, 2009

ĐỒNG RÚP MẤT GIÁ - DÂN NGA PHẪN NỘ

Chuyện nước Nga: Đồng Rúp càng mất giá, dân chúng càng phẫn nộ
Nguồn : Challenges

Đăng ngày 17/02/2009 lúc 16:17:56 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3544
LTS: Lạm phát có nguy cơ bùng nổ tại Nga. Nguyên do chính vẫn là hiện tượng chính quyền từng bước giảm giá đồng Rúp ; các ngân hàng thương mại tức khắc dùng khoản tiền mượn từ nhà nước và mua vào ngoại tệ (và bán ra đồng Rúp) để trả những món nợ nước ngoài. Trong một xã hội Đô-La hoá như xã hội Nga, người giàu đã bắt chước các ngân hàng. Hệ lụy của hành động thi nhau bán tống bán tháo này đã đưa đồng bạc quốc gia vào vòng xoáy mất giá với tệ nạn lạm phát ngày càng rõ nét.
Tệ hơn nữa, sai lầm kinh tế trên đã nối tiếp sai lầm ngoại giao (cuộc chiến Gruzia) và đã xẩy ra ngay khi Nga đang chìm ngập trong suy thoái.
Tệ đoan “lạm-suy” đang hiện hình với sự bất mãn, bất bình và bất tuân đang nẩy nở trong quần chúng.
Bài dịch từ báo tuần báo Challenges (Pháp), số báo in của tuần lễ từ 12.02 đến ngày 18.02.2009


Có lẽ đây là bài học để một chính quyền có trách nhiệm lấy làm gương. Liệu Việt Nam có rút tỉa được bài học nào từ Nga, mẫu mực bi đát của Hà Nội ?

Như hàng trăm ngàn thường dân Nga, phải khó khăn lắm Maria Litvinova mới đủ sống với đồng lương hàng tháng. Vào tháng 10, Maria đã mất một trong hai việc làm: Nghề quét dọn ở chi nhánh của một ngân hàng tại Mạc Tư Khoa, khi ngân hàng này phải đóng cửa vì khủng hoảng. Việc làm thứ hai của Maria – phụ giúp hành chánh – chỉ có thể trang trải những chi phí cố định. Với việc đồng Rúp bị phá giá, mãi lực của Maria đã suy sụp hẳn.
Maria cũng muốn mua Đô-La lắm, nhưng bà không có đủ khả năng như nhiều người Nga đã làm để phòng hờ bất trắc. Từ tháng 10 đến tháng 12 vừa qua, đã có nhiều dãy xếp hàng dài vô tận trước các trụ sở bán ngoại tệ. Nội trong vài tuần, người Nga đã mua vào 31 tỉ Đô-La. Để có con số so sánh: Từ năm 2006 đến 2007, số lượng Đô-La được mua vào chỉ là 26 tỉ ! Theo Ngân Hàng Trung Ương Nga, từ năm 1996 đến nay, nhu cầu ngoại tệ chưa bao giờ tăng đến như vậy.

Hiện nay, dân chúng không còn giữ đồng Rúp sau khi đã ‘‘mua lấy mua để’’ Đô-La vào cuối năm 2008. Ví tiền đã rỗng không và lo âu đã lên cao. Việc phá giá mãnh liệt vào vào năm 1998 đã trở thành một ‘‘hội chứng’’ vẫn tiềm tàng trong trí nhớ người dân. Vì vậy đã có nhiều cuộc biểu tình hoặc bạo động vào đầu tháng 02.2009. Theo nhận định của Elena Charipova, một phân tích gia của quỹ Renaissance Capital, người dân đã mất hết tin tưởng ở giới chức trách tài chánh Nga. Chính phủ đã từng bước giảm giá đồng bạc với hy vọng tránh được hiện tượng hốt hoảng. Tuy nhiên dân chúng đã đua nhau rút tiền khỏi ngân hàng vì tin chắc rằng tình huống sẽ xấu đi nhiều. Thủ Tướng Poutine chẳng thuyết phục được ai cho dù đã nhiều lần cam kết vẫn lưu trữ vốn tiết kiệm của cá nhân ông bằng đồng bạc quốc gia. Mối ngờ vực của thường dân đối với giới thượng lưu còn dai dẳng: Họ nghi rằng người giàu có đã đổi hết tài sản ra ngoại tệ mạnh (Đô-La hay Euro) rồi.

Dự trữ tiêu tan

Một cách nghịch lý, áp lực trên đồng Rúp đã xuất phát từ các ngân hàng Nga. Các ngân hàng này đã dùng số vốn tín dụng mà Ngân Hàng Trung Ương đã phân phát để mua vào ngoại tệ hầu trả những món nợ bằng ngoại tệ. Từ tháng 08.2008 đến tháng 02.2009, lượng dự trữ ngoại tệ đã giảm đi 33% (từ 598 tỉ Đô-La xuống đến 397 tỉ). Riêng trong quý cuối của năm 2008, 70 tỉ Đô-La ‘‘đã bỏ nước ra đi’’. Cuối tháng Giêng 2009, các chính giới tài chánh đã phải thay đổi biển pháp và ổn định đồng Rúp trong biên độ 10%. Giới hữu trách đã tuyên bố sẽ bảo vệ bằng mọi giá để đồng bạc không vượt quá ngưỡng cửa 41 Rúp/0.55 Đô-La hay 0.45 Euro. Ngay ở ‘‘tuyến phòng thủ cuối cùng’’ này, đồng Rúp cũng đã giảm đến 40% so với tỉ giá vào tháng 07.2008.

Ngăn chặn đầu cơ

Mặc dù hiện tượng sụp đổ của đồng Rúp rồi cũng không xẩy ra nhưng, trong vòng hai tuần lễ, giá trị của nó đã lai vãng cận kề với mức trần vừa được quy định. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong đoản kỳ, không nên lo lắng quá đáng. Thật vậy, sự tuột dốc đã được khoanh tròn và đầu cơ đã bị ngăn chặn. Với tâm trạng cam chịu, kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Trust, Evgueni Nardorchine tiên đoán rằng ‘‘Ngân Hàng Trung Ương đã cho biết tỉ lệ hối đoái quy định này sẽ được duy trì trong vài tháng, có lẽ tối thiểu là trong là hai tháng’’. Mặc dù thời hạn tiên đoán hơi ngắn ngủi nhưng nó cũng là một thời gian ‘‘đình chiến’’ mà mọi người mong chờ. Thật ra, tương lai Nga rất bấp bênh. Giá cả của dầu thô và hơi đốt sẽ tiến hoá ra sao? Hai nguyên liệu này đem lại phần lớn ngoại tệ và chiếm 43% nguồn thu nhập của đất nước. Nga sẽ phản ứng như thế nào khi phải trực diện với cuộc khủng hoảng đang đổ ập vào đất nước? Phải làm gì để kháng cự tệ nạn sa thải hàng loạt, nền tiêu thụ suy nhược và mức sản xuất kỹ nghệ đang xẹp xuống như «bánh bao chiều» ? Tổng sản lượng nội điạ (GDP) đang cuốn theo chiều gió (-0.7% tháng 12.2008 và -4% tháng Giêng 2009) và lạm phát, theo dự đoán của chính phủ, có thể tăng đến 15% trong năm 2009.

Nước Nga vừa có thêm 400 000 người bị sa thải so với bốn tháng trước đây. Những công nhân còn có việc làm phải chấp nhận giảm 1/3 đồng lương, có khi 1/2. Nguy ngập hơn, vài hệ thống siêu thị vừa công bố sẽ tăng giá thực phẩm từ 20 đến 45%. Ngần ấy dữ kiện cũng đã đủ để ‘‘nuôi dưỡng’’ những đoàn biểu tình tại Mạc Tư Khoa, Vladivostok hay Saint-Petersburg. Chúng cũng đủ để đào sâu thêm khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo.

Challenges, số ra ngày 12/02/2009

Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ



No comments: