Saturday, February 14, 2009

ĐỒNG CONGO và BAUXITE VIỆT NAM

Ðồng Congo và bauxite Việt Nam
Ngô Nhân Dụng
Friday, February 13, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=90834&z=7
Trên một chuyến xe buýt đi ra phi trường Quảng Châu tuần trước, tôi tới ngồi kế bên một thanh niên Phi Châu ăn mặc rất lịch sự. Sau khi chào hỏi nhau bằng tiếng Anh, người bạn đồng hành tự giới thiệu anh từ nước Congo sang Trung Quốc du học một ngành mới về tin học. Anh đang trên đường đi Thượng Hải gặp bạn bè cùng quê ở Congo, trong dịp các trường còn nghỉ Tết Nguyên Ðán. Anh ngưng nói chuyện với tôi nhiều lần để trả lời điện thoại di động. Có lúc anh nói điện thoại với cùng một người bằng hai thứ tiếng, tiếng phổ thông (quan thoại) của người Trung Hoa, và tiếng Pháp.

Khi hỏi thăm đến nước Congo của anh ra sao sau những cuộc chiến tranh gần đây, anh được dịp đả kích chính sách của chính phủ Mỹ, mà anh coi là thủ phạm gây ra những xung đột chết người đó.
Chỉ một lát sau, anh bắt đầu nói đến vai trò của Trung Quốc. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp cho kín đáo. Anh bạn Congo thổ lộ: Không biết người Trung Hoa họ sang Phi Châu làm gì mà đi đông thế? Anh nhấn mạnh: “Họ không chỉ tới các thành phố lớn đâu! Ở xứ tôi, họ đi tới từng làng một! Tới cả những làng trong miền rừng núi mà chính chúng tôi chẳng ai muốn tới nữa!” Anh vươn vai, quơ tay, thắc mắc hỏi: “Ðể làm gì? Ðể làm gì ở đó?”

Họ đi tìm quặng mỏ, chỉ có lý do đó thôi, anh sinh viên Congo này không biết hoặc không nhớ. Hai chính phủ Congo và Trung Quốc năm ngoái đã ký kết với nhau cho phép Trung Quốc khai thác những mỏ kim loại tới khoảng 10 triệu tấn đồng (copper) và 400 ngàn tấn cobalt, đổi lại Trung Quốc sẽ trao ngay cho chính phủ của Tổng Thống Joseph Kabila 3 tỷ đô la Mỹ, rồi sau 3 năm sẽ thêm hai đợt mỗi lần 3 tỷ nữa, trong đó sẽ xây dựng cho Congo gần 4 ngàn cây số đường sắt, hơn 3000 cây số xa lộ, 32 bệnh viện, 2 đại học, và hàng trăm phòng khám bệnh. Các kỹ sư Trung Quốc đang đi cùng các phụ tá người Congo đi khắp nước, mang theo máy GPS định vị trí bằng vệ tinh nhân tạo, và vẽ bản đồ. Trung Quốc cũng sẽ đi tìm và khai thác kim cương, uranium, măng gan, thép và tantalum, một thứ kim loại dùng trong những điện thoại di động và máy vi tính xách tay (laptop). Congo là một nước có diện tích lớn hơn vùng Tây Âu nhưng lợi tức theo đầu người chỉ có 714 đô la một năm; một nửa dân số 56 triệu người chưa có nước sạch để dùng hàng ngày. Tổng Thống Kabila cầm đầu một chế độ được gọi là “kleptocratic,” độc tài đạo tặc.

Tuy là một nước độc tài nhưng ở Congo vẫn có những người dám dưa ra tiếng nói độc lập. Thỏa ước giữa hai chính phủ Congo và Trung Quốc đã bị giới tranh đấu cho nhân quyền ở Congo phản đối, họ đòi phải đưa ra cho công luận phán xét trước khi thi hành. Luật sư Georges Kapiamba ở Katanga lên án bản thỏa hiệp sơ khởi này là “hoàn toàn tối ám” (totally opaque), cho phép Trung Quốc tận dụng tài nguyên xứ này không khác gì quyền khai thác của các công ty mỏ nước Bỉ khi còn cai trị Congo như một thuộc địa. Các công ty Trung Quốc sẽ được miễn đủ các thứ thuế và quan thuế, cho tới khi việc xây cất hoàn tất.

Với giá các kim loại có triển vọng sẽ còn lên vì nhu cầu gia tăng trên thế giới, các nhà kinh tế Congo đã tính ra Trung Quốc có thể được lợi tới 42 tỷ mỹ kim trong công việc khai thác này, mà vốn đầu tư khai mỏ của Trung Quốc chỉ là 2 tỷ đô la. Người Trung Quốc đã sang Congo đông đảo, đến nỗi có lúc chính quyền tỉnh Katanga giầu quặng mỏ đã trục xuất 600 người Tầu vì họ ở lậu không có phép cư trú. Một người Trung Quốc đã bị bắt ở phi trường khi thấy mang trong túi một miếng đá có quặng mỏ.

Tôi không có dịp nói với anh sinh viên người Congo về những dữ kiện và số liệu trên, nhưng anh có thể vào Google tự tìm lấy được. Tôi chợt nhớ đến anh sau khi đọc bài tường trình của Gia Ðịnh về việc khai thác quặng bô xít (bauxite) ở Việt Nam, đăng trên Nhật Báo Người Việt trong hai ngày trước đây.

Trung Quốc đang hợp tác với một số công ty quốc tế khai thác quặng mỏ bauxite ở vùng Ðắc Nông, cao nguyên miền Tây Trung phần Việt Nam. Tháng Sáu năm 2008 ông Nông Ðức Mạnh sang Bắc Kinh đã ký giấy chấp nhận cho công ty Chalco của Trung Quốc đứng cái vụ khai thác này.

Nhưng họ đã chú ý đến quặng bauxite ở nước ta từ lâu. Ngày 1 Tháng Tám năm 2005, Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) đã đăng một bản tin về tài nguyên bauxite ở Việt Nam. Bản tin cho biết vùng Tây Nguyên có 7.9 tỷ tấn quặng bauxite dự trữ. Cộng với 120 triệu tấn ở Cao Bằng, Lạng Sơn và các vùng khác thì nước Việt Nam có hơn 8 tỷ tấn bauxite có thể khai thác. Trong bản tin đó cũng so sánh hiện nay số quặng bauxite dự trữ cao nhất thế giới là ở Guinea, 8.6 tỷ tấn, rồi tới Úc Châu (7.4 tỷ) và Brazil (4.9 tỷ). Nếu Trung Quốc khai thác được bauxite ở Việt Nam, nước Việt Nam sẽ được ghi vào đứng hạng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua Guinea.

Như trình bày trong bài của Gia Ðịnh, các chuyên gia Việt Nam, trong đó có cả những người đang làm việc trong Tập Ðoàn Công Nghiệp Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) đã lên tiếng phản đối việc cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở cao nguyên Trung phần. Ngoài ra còn những lời phản đối của giới trí thức, văn nghệ, vì những tai hại của công trình khai mỏ này. Những tai họa sẽ giáng xuống trên môi trường sống, trên mặt xã hội và văn hóa, gây tai hại cho nông nghiệp, cho lâm sản, làm cạn nguồn nước, và làm đất đai nhiễm độc không những ở Tây Nguyên mà còn lan xuống tới cả vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Khí hậu miền Trung sẽ thay đổi; miền Tây nguyên sẽ thiếu nước, thiếu điện thì các nông trường cà phê, trà, cao su sẽ gặp khó khăn; lớp đất mầu sẽ bị nước cuốn trôi ra biển; hạn hán sẽ kéo dài hơn, và lụt lội sẽ thường xuyên và tàn bạo hơn. Còn rất nhiều tai họa khác nữa.

Trong số những người đã lên tiếng có Tiến Sĩ Nguyễn Thành Sơn, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Ðào Công Tiến và Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp. Như đã trình bày trong mục này trước đây, ông Giáp mới viết thư can ngăn Nguyễn Tấn Dũng không nên cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Vì chính ông Giáp đã đứng đầu việc nghiên cứu khả năng khai thác bauxite ở đây gần 30 năm trước, khi khối COMECON (hợp tác kinh tế giữa các nước cộng sản Ðông Âu và Nga) có kế hoạch đó. Sau cùng dự án của COMECON bị hủy bỏ, theo lời ông Giáp, vì các chuyên gia COMECON thấy những nguy hại cho môi trường sống quá lớn so với những lợi ích kinh tế.

Tại sao Trung Quốc có thể chấp nhận một dự án kinh doanh mà khối COMECON đã phải bỏ vì thấy không có lợi? Vì việc khai thác bauxite ở Tây nguyên hoàn toàn có tính cách sơ đẳng. Theo ông Nguyễn Thành Sơn, công ty khai thác chỉ đào quặng mỏ lên, biến chế thành chất alumina, rồi alumina được chuyên chở ra nước ngoài để tạo thành nhôm. Khúc đó mới là khúc sinh lợi, người nước ngoài sẽ hưởng.

Cách khai thác như vậy khiến cho chi phí chuyên chở là một khoản chi tiêu rất lớn, nhất là vào thập niên 1980 khi khối COMECON và Liên Xô còn yếu về hàng hải thương thuyền và không sẵn bến cảng trong vùng nước ấm. Cứ 4 tấn quặng bauxite thì tạo được 2 tấn alumina, từ đó làm ra một tấn nhôm. Cho nên việc chuyên chở alumina từ Việt Nam qua vùng Hắc Hải và biển Caspian bên Nga gây tốn phí; khiến hồi đó khối COMECON không muốn khai thác bauxite ở Việt Nam nữa.

Nhưng hiện nay Trung Quốc ở sát bên nước Việt Nam, và kỹ thuật vận tải của loài người đã tiến bộ, giảm được rất nhiều chi phí. Cùng lúc đó, Trung Quốc đang có chiến lược tấn công tất cả các nước Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh để tìm tất cả các loại quặng mỏ kim loại, dầu lửa, vàng và kim cương, vân vân mà họ có thể mua được. Năm 2007 nước Mỹ mua 22% số dầu lửa xuất cảng của châu Phi, còn Trung Quốc mua 28%. Trung Quốc ủng hộ các chế độ độc tài diệt chủng ở Sudan vì mua 60% số dầu lửa xứ này bán ra ngoài. Họ bảo vệ nhóm quân phiệt ở Myanmar vì đây là nơi họ được quyền khai thác gỗ quý, đá, lúa gạo và ngọc thạch.

Trung Quốc lại đang lo bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong nước họ, cho nên càng cần phải tìm thêm ở bên ngoài. Giáo sư Chen Qiyuan (Trần Khải Nguyên) thuộc Ðại học Trung Nam ở thành phố Tràng Sa đứng đầu một chương trình mang số 973 chỉ nghiên cứu việc đi tìm nguyên liệu khoáng sản. Ông cho biết các mỏ đồng của Trung Quốc chỉ còn hoạt động được 12 năm nữa thôi, nếu tiếp tục khai thác theo nhịp độ hiện nay. Mỏ kẽm còn được 18 năm và mỏ kền sẽ tồn tại được 40 năm rồi hết. Cho nên Trung Quốc phải nỗ lực đi tìm các nguồn cung cấp mới. Hiện nay họ sử dụng 30% số kẽm, 25% số chì và 25% số nhôm của cả thế giới.

Trung Quốc chú trọng đến việc xây dựng nhiều nhà máy thép và nhôm trong chiến lược phát triển của họ. Năm 2004 Trung Quốc sản xuất 6.7 triệu tấn nhôm, năm 2008 đã lên trên 13 triệu tấn, và còn lên nữa. Cho nên họ sẵn sàng trả bất cứ giá nào, mua chuộc, hối lộ bất cứ ai để đạt mục đích tăng sản xuất, giữ việc làm cho công nhân. Các công nghiệp tại Trung Quốc cũng ngày càng sử dụng nhiều nhôm hơn. Năm 2002 họ dùng 4.3 triệu tấn nhôm, năm 2005 dùng 6 triệu tấn, và dự trù đến năm 2010 sẽ dùng tới 8.8 triệu tấn.

Nhưng Bắc Kinh vẫn phải tìm tài nguyên ở nước ngoài vì họ cũng đang đóng cửa nhiều mỏ bauxite trong nước, khi chúng gây tai hại cho dân Trung Quốc. Tháng Hai năm ngoái, Trung Quốc ký một thỏa hiệp khai thác bauxite ở cao nguyên Boleven, tỉnh Champassack thuộc nước Lào, ba tháng trước khi bắt tay với các ông Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng để bước vào Tây nguyên Việt Nam. Trong bản tin chính thức VNN của chính quyền Việt Nam, khi loan tin ngày 17 tháng 12 năm 2008, cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở hai huyện Quảng Yên và Phúc Hòa, tỉnh Cao Bằng, đã tiết lộ rằng “Gần đây Trung Quốc đã đóng cửa một trăm mỏ bauxite vì những ảnh hưởng ô nhiễm tai hại môi trường nghiêm trọng.” Bài tường trình của Gia Ðịnh trong tuần qua trên Nhật báo Người Việt cũng cho biết mỏ bauxite ở Nhữ An, Trung Quốc đã đóng cửa sau một năm hoạt động, vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, sinh ra nhiều chứng bệnh lạ.

Nhưng Trung Quốc sẵn sàng khai thác bauxite ở Việt Nam, một nguồn tài nguyên mà họ đã chú ý tới từ lâu. Cũng như họ đã nhắm vào những mỏ đồng, mỏ cobalt, tantalum ở xứ Congo. Tại Congo, cũng như tại Việt Nam, đã nhiều nhà trí thức lên tiếng báo động về việc chính quyền bán rẻ tài nguyên quốc gia cho Trung Quốc. Luật Sư Kapiamba đã yêu cầu thành lập một ủy ban các luật gia độc lập người Congo để nghiên cứu và thẩm định giá trị của những hợp đồng ký kết giữa nhà độc tài Joseph Kabila và chính quyền Bắc Kinh. Không biết sau khi lên tiếng phản đối, các nhà trí thức Việt Nam có khả năng thành lập một ủy ban điều tra độc lập về vụ bán tài nguyên của dân tộc cho nước cộng sản láng giềng phương bắc hay không?

Năm ngoái khi Trung Quốc thành lập quận Tam Sa ở tỉnh Hải Nam để chính thức hóa chủ quyền của họ trên các quần đảo của nước ta ngoài biển Ðông, người Việt ở trong nước và ngoài nước đã gây một phong trào phản đối. Lúc đó không ai chú ý đến cuộc đột kích khác của Trung Quốc đem mấy trăm chuyên viên kỹ thuật âm thầm tiến vào Tây Nguyên khai thác mỏ bauxite! Nhà thơ Bùi Minh Quốc thống thiết báo động “diễn biến hòa bình” của cộng sản Trung Hoa nhằm chiếm trọn Hoàng Sa và Trường Sa; ông cũng quên không nhắc đến việc họ tiến chiếm những mỏ bauxite ở Ðắc Nông và Cao Bằng. Rõ ràng là các đồng chí Trung Quốc đã dùng mẹo “dương Ðông kích Tây!”

Khi một nước đặt dưới quyền cai trị của một đảng độc tài, chỉ cần nắm đầu được đảng đó là nắm vận mạng quốc gia của họ. Bao giờ chấm dứt chế độ độc tài thì mới bảo vệ được chủ quyền và tài nguyên của dân tộc. Người Congo cũng thông minh như người Việt Nam, cả hai đều biết như vậy! Vậy bao giờ chế độ độc tài mới chấm dứt? Có thể người Congo sẽ đi trước người Việt Nam!


No comments: