Friday, February 20, 2009

NÔNG DÂN KHỔ VÌ NHÀ NƯỚC ĐOÁN MÒ

Xuất khẩu gạo: Nông dân khổ vì “đoán mò”
MAI MINH
18/02/2009 09:41 (GMT+7)
http://www.vneconomy.vn/20090218093255382P0C10/xuat-khau-gao-nong-dan-kho-vi-doan-mo.htm
2008 là năm có nhiều bi kịch đến với người nông dân, điển hình là việc giá gạo tăng ảo và ngưng xuất khẩu mặt hàng này.

Nhìn lại và rút ra những bài học từ câu chuyện này để chống thua thiệt cho người nông dân trong xuất khẩu gạo, GS. Võ Tòng Xuân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông thủy sản Việt Phi (VAADCO-VN) nói:
- Từ đầu năm cho tới tháng 4/2008, cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng - có nguồn gốc sâu xa là Mỹ áp dụng chính sách năng lượng mới - khiến giá gạo từ từ tăng lên.
Nhưng tăng đột biến nhất khi mà Tổng thống Philippines đề nghị mua gạo của Việt Nam với giá 700 USD/tấn để có gạo ngay.
Việc này khiến ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện đầu cơ, tiếp đến là ngừng ký hợp đồng xuất khẩu. Do đó, Thái Lan trở thành nước xuất khẩu duy nhất, giá gạo từ đó tăng tới 1.100 - 1.200 USD/tấn.
Trong nước, vì Nhà nước lệnh ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trong khi giá gạo thế giới tăng cao, nên các công ty lương thực lo ngại, hệ thống lưu thông bình thường bị xáo động, xảy ra đầu cơ tích trữ, thành ra thiếu gạo trên thị trường. Giá gạo bị đẩy lên 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Bà con nông dân rất hoang mang, họ chưa thấy khi nào gạo lại lên ngôi như thế nên hò nhau trồng lúa.
Nhưng cùng lúc đó, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng dốc sức trồng như mình nên khối lượng thu hoạch rất lớn, nhu cầu nhập cảng giảm mạnh. Và bi kịch đã xảy ra: lúa được mùa nhưng bà con lại phải... khóc ròng!
Vào thời kỳ trước giải phóng, năm 1966, tại miền Nam cũng đã xảy ra tình trạng giá lương thực đột nhiên tăng vọt vì nạn đầu cơ, chính quyền khi đó đã lập ngay danh sách những kẻ đầu cơ, những nơi tích trữ gạo và... xử bắn một thương lái để làm gương! Thị trường lương thực bình ổn nhanh chóng!
Nếu chỉ có những chính sách chung chung thì không đủ sức răn đe và nếu Chính phủ không "ra tay" mạnh mẽ thì khó mà trấn áp được nạn đầu cơ!
Tôi nghĩ là lương thực cho 85 triệu dân không sợ thiếu, cái chính là chúng ta không nắm chắc được lượng gạo đã có mà chỉ "đoán mò" nên điều hành xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng, sau cùng là làm cho nông dân thua thiệt!

Theo ông, Chính phủ nên có những giải pháp nào để người nông dân không bị thua thiệt như năm 2008?
- Điều quan trọng là phải tính toán lượng gạo hiện nay chúng ta đã có trong nước - đây là cái yếu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi không có một hệ thống thống kê tốt để nắm được trong từng thời điểm, ở từng địa phương, từng doanh nghiệp còn bao nhiêu gạo.
Lẽ ra, việc làm này rất dễ trong thời đại tin học và hệ thống thông tin ở các tỉnh.
Nếu có được một "hệ thống thông tin lương thực" chúng ta có thể tính được tổng lượng gạo Việt Nam đang có ở bất cứ thời điểm nào để xác định ta có thể xuất khẩu được bao nhiêu sau khi trừ lượng dự trữ và an toàn lương thực.
Nếu ta cứ "đoán mò" rồi ra lệnh "cấm xuất khẩu" thì chỉ gây thiệt hại cho bà con nông dân và dẫn đến việc thị trường gạo rối loạn là điều khó tránh!
Theo tôi, cần cải tiến hệ thống an ninh lương thực quốc gia trên cả 3 phương diện: phương thức hoạt động, cơ chế thị trường và nhân sự phục vụ. Trong đó, chú ý đến việc ban hành chiến lược về nông nghiệp đúng thực chất.

Còn định hướng dài hơi hơn cho tương lai của gạo Việt Nam, nên chọn con đường nào để người nông dân có thể giầu được nhờ cây lúa?
- Thời gian qua, Việt Nam có khuynh hướng chú trọng chất lượng cao nên hy sinh sản lượng. Lúa ngon cơm năng suất vừa thấp, vừa không kháng rầy.
Về chất lượng, gạo Việt Nam cũng không thể và không nên cạnh tranh với Thái Lan do nước này chuyên sản xuất gạo ngon, năng suất chỉ 2-3 tấn/ha. Chúng ta chỉ cạnh tranh được với họ nhờ năng suất cao, 7-8 tấn/ha, và ngắn ngày (trong vòng 90-100 ngày).
Năng suất này và thời gian ngắn này họ không chạy theo được, từ đó chúng ta có sản lượng lớn để xuất khẩu và thu bù lại.
Mặt bằng giá gạo xuất khẩu nay đã thay đổi-tăng cao hơn trước, Nhà nước nên nâng giá lúa ở mức cao này. Khi được đẩy mạnh xuất khẩu gạo, người nông dân sẽ được giàu lên nhờ cây lúa là chuyện tất nhiên thôi!

Dự báo nông sản: Chỉ mới chuẩn bị đi vào bài bản

Thứ Ba, 17/2/2009, 22:44 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/cohoigiaothuong/15398/
(TBKTSG Online) - Bắt đầu từ năm nay, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao nhiệm vụ thực hiện công tác dự báo các ngành hàng nông sản.
Hẳn độc giả xem truyền hình trực tiếp phiên trả lời các câu hỏi của cử tri và của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc họp vào đầu tháng 11 năm ngoái, sẽ không quên ông bộ trưởng thừa nhận yếu kém của ngành nông nghiệp trong công tác dự báo.

Cũ người nhưng mới ta

Chính vì yếu kém trong khâu dự báo của ngành nông nghiệp mới có chuyện đầu năm ngoái thì bảo lúa gạo dư thừa, tới tháng 4 thì sốt gạo xảy ra khi người dân rồng rắn xếp hàng mua gạo ở các siêu thị, sau đó vài tháng thì Chính phủ vội vã ra quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo, cùng với giá gạo thế giới giảm nhanh khiến lúa hàng hóa trong dân ứ đọng không tiêu thụ được.
Nông dân trồng lúa năm ngoái bị thiệt hại đã đành mà hàng loạt ngành hàng nông sản khác như cà phê, tiêu, điều cũng trong tình trạng tương tự mà lỗi một phần thuộc về khâu dự báo của ngành nông nghiệp quá yếu, hay có thể nói là gần như chưa có công tác dự báo bài bản.
Trong khi Việt Nam lại là quốc gia nông nghiệp khi các mặt hàng nông lâm thủy sản chiếm giữ 20% GDP của nền kinh tế, chiếm tới 25% tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu và nuôi sống tới hơn 70% dân số.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (gọi tắt là Ipsard), cho biết công tác dự báo tổng quan ngành nông nghiệp và các ngành hàng nông sản riêng biệt được Mỹ, Úc và các nước phát triển khác thực hiện định kỳ hàng năm và các nước nay thường công bố vào tháng 3 hàng năm.
Tuy nói đơn giản là công bố dự báo ngành nông nghiệp nhưng thực ra là họ giới thiệu tình hình sản xuất, phân phối, tiêu dùng nông sản trên thế giới, thị trường nội địa trong năm trước và đưa ra đánh giá triển vọng, dự báo cho năm sau. Tất nhiên, giới đầu tư, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhập khẩu hay người bán lẻ không chỉ trong nước mà thế giới đều quan tâm tới các dự báo này, xem nó là cơ sở để ra quyết định kinh doanh.
“Với họ thì dự báo là việc làm bình thường, như Mỹ là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Úc là Viện Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Úc nhưng Việt Nam thì lại quá mới mẻ”, ông Sơn nói tại buổi giới thiệu hội thảo triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam diễn ra chiều 17-2 tại TPHCM.
Khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay, những thách thức đến từ việc hội nhập của ngành nông nghiệp vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với biến đổi khí hậu và nhiều khó khăn khác, càng đặt ra nhu cầu cho công tác dự báo mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Ipsard.

Manh nha từ 2 năm trước

Thực ra thì Ipsard hai năm trước đã manh nha thực hiện công tác dự báo cho ngành hàng nông sản đầu tiên của
ngành nông nghiệp là cà phê khi công bố hồ sơ chuỗi ngành hàng của mặt hàng này trong liên tiếp 2 năm 2007-2008. Tuy nhiên, giới kinh doanh cà phê trong nước lẫn quốc tế đều xem hồ sơ ngành hàng này của Ipsard giống như thống kê, tổng kết, có điều tra thực tế hơn là công tác dự báo.
Trước đó nữa, Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có địa chỉ trang chủ
www.agro.gov.vn thuộc Ipsard hàng tuần, tháng, quý, năm đã công bố thông tin điều tra thống kê và dự báo, phân tích triển vọng ngành hàng cho một số mặt hàng chủ lực, cung cấp doanh nghiệp có thu phí
Bà Phạm Hoàng Ngân, Phó giám đốc Trung tâm cho biết trong ba năm qua, trung tâm của bà đã nhận được hỗ trợ nhiều từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), vốn là cơ quan dự báo nông nghiệp uy tín nhất thế giới hiện nay, giúp đỡ về chuyên môn.
Trong khi các cơ quan chức năng trong nước, nếu có chỉ là manh nha, hoặc gần như chưa có gì trong khâu dự báo thì từ năm 2004, định kỳ 1 hay 2 năm một lần (tùy theo mặt hàng), Công ty IBC - một doanh nghiệp của Singapore lại phối hợp với các tổ chức quốc tế, mời các nhà sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, cà phê trong nước và quốc tế tham gia hội thảo triển vọng ngành hàng ngay tại TPHCM.
Lúc thì cà phê, khi thì gạo nhưng các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia phải đóng phí hàng trăm đô la Mỹ chứ không hề ít, nhưng đổi lại, họ sẽ nhận được thông tin tổng quan toàn cầu về lúa gạo, cà phê, cũng như những dự báo của các chuyên gia quốc tế. Không biết thông tin trong các hội thảo ngành hàng mà IBC tổ chức tại Việt Nam chính xác tới mức nào nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì xếp hàng đăng ký dự hội thảo.

Dự báo đi vào bài bản

Hội thảo triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam (Outlook Agro 2009) do Ipsard phối hợp hàng loạt tổ chức trong nước và quốc tế dự kiến diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-2 tại TPHCM, theo lời ông Sơn, như một minh chứng cho nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế biết rằng Việt Nam bắt đầu làm công tác dự báo.
“Trung Quốc phải mất 12 năm mới hoàn thiện công tác dự báo như bây giờ, ta không thể chờ lâu theo kiểu của họ”, ông Sơn nói và cho biết, ngoài dự báo chung của cả ngành nông nghiệp, 3 ngành hàng nông sản chính được mang ra mổ xẻ, phân tích và dự báo lần này là cà phê, lúa gạo và chăn nuôi, tất nhiên có cả ngành hàng sữa trong chăn nuôi.
Danh sách hơn chục chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế có liên quan tới nông nghiệp như Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), Viện lúa quốc tế IRRI, Tổ chức cà phê Thế giới (ICO), Ngân hàng Thế giới, ngành nông nghiệp Úc… cùng hàng chục chuyên gia kinh tế, nông nghiệp, nhà quản lý trong nước tham gia.
Chính ông Sơn công nhận công tác dự báo còn khá mới mẻ nhưng vẫn phải làm, do vậy cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế có liên quan.
Giáo sư Peter Timmer, chuyên gia giảng dạy tại đại học Stanford của Mỹ, người có nhiều năm làm công tác dự báo nông sản tại các sàn giao dịch nông sản của Mỹ, cho biết 2 cơ quan nổi tiếng trên thế giới về dự báo nông nghiệp hiện nay là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Viện Kinh tế của Bộ Nông nghiệp Úc.
“USDA mà đưa ra dự báo giá bắp tăng trong thời gian tới, giới đầu cơ, kinh doanh nông sản ở Mỹ đổ xô đi mua bắp, chứng tỏ uy tín và giá trị của dự báo mà cơ quan này đưa ra tác động thế nào tới từng ngành hàng”, giáo sư Timmer cho hay. Do vậy ông khuyên Việt Nam nên tham khảo các thông số, tư liệu dự báo nông nghiệp toàn cầu mà USDA đưa ra.
Ngoài ra ông cũng không quên nhắc nhở chú ý tới dự báo nông nghiệp của Trung Quốc vì mọi động thái của ngành nông nghiệp nước này đều tác động tới thị trường nông sản thế giới. Trung Quốc mà nói thừa gạo thì thị trường gạo thế giới sẽ khác nếu họ bảo họ phải nhập khẩu gạo cho tiêu dùng trong nước.
Lời khuyên mà ông Timmer đưa ra là thị trường thế giới đầy biến động hiện nay đều có thể tác động xấu tới hàng triệu nông dân Việt Nam, kéo theo sau là các nhà kinh doanh nông sản trong nước và những ai liên quan tới nông sản phải chấp nhận sự biến động đó. Tuy nhiên, “nếu khâu dự báo làm tốt, không chỉ giúp ích cho người sản xuất, người bán mà còn là người mua trên thị trường thế giới”.

HỒNG VĂN


No comments: