Sunday, February 15, 2009

LAO ĐỘNG VIỆT NAM TẠI MALAYSIA KÊU CỨU

Nghệ An: Lao động Việt Nam tại Malaysia kêu cứu
ĐẮC LAM
12-02-2009 23:28:03 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=242619

Nhiều lao động Việt Nam đang vất vưởng, đói rách vì bị ăn chặn tiền, bị bỏ rơi. Trong khi đó, trung tâm môi giới tỏ ra thiếu trách nhiệm.
Người dân nghèo tỉnh Nghệ An đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đang trong tình trạng đói khát, đi xin ăn ngoài phố... phải điện thoại về quê cầu cứu. Trong khi đó, nhiều người lao động do bị bán cho môi giới và bị ăn chặn tiền thuế đành phải trở về nước trong hoàn cảnh túng quẫn, nợ vay ngân hàng chưa trả hết.

Cơ cực xứ người

Ngày 10-2, anh Nguyễn Đình Việt (ở xóm 2, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhận được điện thoại kêu cứu của vợ - chị Nguyễn Thị Tuấn đi xuất khẩu lao động ở Malaysia: “Chúng em đang trong tình trạng đói khát, phải đi ăn xin, muốn về nhà cũng không được”.
Anh Việt bỏ việc đồng áng, nhờ người đưa vào Trung tâm xuất khẩu lao động - Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông 497 (TP Vinh) - trung tâm ký hợp đồng đưa chị Tuấn đi xuất khẩu. Anh yêu cầu sớm có cách đưa vợ anh về nước nhưng được trả lời: “Lãnh đạo trung tâm đi vắng, nhân viên văn phòng không thể giải quyết”.
Anh Việt quệt nước mắt nói: “Hai vợ chồng cưới nhau sau 17 năm mới có con đầu lòng. Con vừa dứt sữa mẹ chúng tôi vay ngân hàng 25 triệu đồng để vợ đi xuất khẩu lao động. Nay nợ chưa thể trả hết, vợ thì đói ở đất khách quê người, tôi không biết làm sao đây”. Anh Việt đứng tần ngần trước cổng trung tâm cả ngày rồi đành gạt nước mắt trở về trong sự bất an.
Tháng 5-2007, chị Tuấn cùng chị Vũ Thị Long, Trần Thị Nữ, Hoàng Thị Hiền, Hoàng Thị Lài, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Năm (đều quê Nghệ An) ký hợp đồng đi làm việc tại Công ty Teo & Lee Garment Manufacturing (Malaysia) với thời gian làm việc ba năm (có thể gia hạn thêm).
Theo hợp đồng, mỗi người lao động phải nộp cho Trung tâm 497 số tiền 25 triệu đồng trước khi đi, thời gian làm việc ở Malaysia là 8 giờ/ngày, sáu ngày/tuần với tiền lương cơ bản 23 RM/ngày (khoảng 96.000 đồng/ngày).
Sang Malaysia làm việc được hơn hai tháng tại công ty đã được ký kết trong hợp đồng, bảy người trên bị bán cho một công ty môi giới lao động ở Malaysia. Ngày 9-1, sau khi bị môi giới ở Malaysia tiếp tục bán tới bốn công ty và bị môi giới ăn chặn tiền thuế, chị Nữ, chị Lài, chị Hiền buộc phải về nước. Chị Tuấn, chị Năm, chị Hoa, chị Long cùng nhiều lao động người Việt khác phải đi xin ăn, đào sắn và rau ăn cầm hơi ở Malaysia.
Chiều 10-2, qua điện thoại, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc được với chị Tuấn và chị Long. Chị Long vừa khóc vừa nói: “Đã 23 ngày nay tám người Việt Nam chúng tôi chỉ có 130 RM (khoảng 600 ngàn đồng) để ăn”. Không được phía môi giới cấp đủ giấy tờ, không có việc làm, chúng tôi đang phải đi xin, hái rau, lên núi đào mót củ sắn (củ mì) của dân bản địa để ăn cầm hơi. Hơn tám người ngủ trong căn phòng rệp đầy tường, không có chiếu, phải trải bìa các-tông giữa nhà”.
Chị Nguyễn Thị Ngợi (quê Bắc Giang) cho biết thêm: “Chúng tôi quá đói khát, muốn về nước càng sớm càng tốt. Ở đây có người còn suýt bị xâm hại vào ban đêm”.

Hợp đồng đi làm việc tại Malaysia của chị Trần Thị Nữ với Trung tâm xuất khẩu lao động - Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông 497
http://www.phapluattp.vn/img/12-02-2009/5-box.jpg

Bị ăn chặn tiền và bị bỏ rơi

PV gặp những người vừa buộc phải về nước, chị Hoàng Thị Hiền phản ánh: “Chúng tôi bị rệp cắn đỏ người, thiếu nước, thiếu cái ăn. Chúng tôi phải đi hái rau muống, hái đu đủ của dân để ăn sống qua ngày mới về được đây”. Chị Hoàng Thị Lài nói: “Tất cả bảy người chúng tôi đều đóng thuế thu nhập, thuế đất cho công ty môi giới ở Malaysia trong năm 2007 và 2008 mỗi năm 1.600 RM. Nhưng do công ty môi giới ăn chặn hết tiền không nộp cho cơ quan chức năng nên chúng tôi không được cung cấp đầy đủ giấy tờ và thẻ để ra đường, đành phải về nước”.
Theo các chị Long, Ngợi, Tuấn, công ty môi giới ở Malaysia đã cầm hai tháng lương của các chị để mua vé máy bay về nước. Nhưng những ngày qua dù đã liên tục điện thoại cho công ty môi giới ở Malaysia nhưng họ không bắt máy hoặc không liên lạc được. Theo các chị, số người lao động Việt Nam ở Malaysia do bị môi giới bán cho nhiều công ty và ăn chặn tiền nên không được cấp đầy đủ giấy tờ và bị thất nghiệp đang sống vất vưởng rất đông.
Sáng 11-2, chúng tôi trở lại Văn phòng trung tâm 497 được nhân viên văn phòng - chị Lê Bích Nga cho biết: “Chúng tôi đã gọi điện thoại sang phía môi giới ở Malaysia để yêu cầu đưa người lao động về nước nhưng chưa liên lạc được. Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, giám đốc trung tâm là ông Bùi Vĩnh Huệ nói: “Do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nên người lao động phải về nước. Còn việc người nhà đến trung tâm kêu là chuyện bình thường”.
------------------------------
Hãy đưa chúng tôi về quê

Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động-Tiền công tiền lương - Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, cho biết: “Với nhiều sai phạm, chúng tôi đã thu hồi giấy phép hoạt động của Trung tâm xuất khẩu lao động - Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông 497. Đồng thời, chúng tôi sẽ sớm có giải pháp để giúp người lao động ở Malaysia sớm trở về nước”.

Những ngày qua, PV Pháp Luật TP.HCM lại nhận được tin nhắn từ Malaysia với nội dung: “Bọn em tha thiết cầu xin giúp để về sớm”.

Chiều qua (12-2), liên lạc qua điện thoại, những lao động này cho biết một người của Công ty 497 (không nói tên) đã gọi điện thoại qua trấn an và nói sẽ liên hệ với đối tác Malaysia để giải quyết. Tuy nhiên đã hai ngày trôi qua vẫn không có động tĩnh gì!


No comments: