Monday, February 9, 2009

HỘI NGHỊ BÀN TRÒN LỊCH SỬ Ở BA LAN

Hội nghị Bàn Tròn lịch sử ở Ba Lan
Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan
2009-02-09
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/poland-celebrates-the-20-anniversary-of-the-round-table-diccussion-that-changed-communist-regime-part-2sb%20-02092009152211.html
Đàm phán Bàn Tròn là đề tài cảm hứng dồi dào cho các tranh luật về chuyển đổi hòa bình từ chế độ cộng sản sang dân chủ.

"Hội nghị Bàn tròn" hay "Cuộc Cách Mạng Nhung"

20 năm trước, cả thế giới dồn mắt về Ba Lan và dùng các mỹ từ như "điều kỳ diệu" hay "cuộc cách mạng không ngờ" để nói về những chuyển đổi khác thường từ đàm phán Bàn Tròn và sau đó là bầu cử tự do đầu tiên tại Đông Âu.
Trong cuộc nói chuyện với RFA, tướng Jaruzelski không dấu, rằng chủ ý của lãnh đạo đảng cộng sản khi ngồi vào ghế Bàn Tròn là làm sao đẩy một phần trách nhiệm khủng hỏang kinh tế cho phe đối lập cùng gánh chịu.
Một trong những nhân vật chủ chốt tại đàm phán Bàn Tròn, ký giả kỳ cựu, ông Stefan Bratkowski nói với đài RFA rằng Bàn Tròn không thể thực hiện nếu phe cộng sản thiếu "thực dụng và khôn ngoan".

Thành viên dân chủ trong đàm phán Bàn Tròn, ký giả Stefan Bratkowski: Bàn Tròn chứng minh thỏa hiệp giữa tầng lớp lãnh đạo cộng sản và xã hội không phải là điều không thể. Nhờ có trải nghiệm Bàn Tròn, người ta đã mạnh dạn thay đổi thể chế bằng phương thức hòa bình tại các nước khối cộng sản để cuối cùng dẹp bỏ hoàn toàn Liên Bang Sô Viết.
Khi đó người ta mới ngỡ ngàng hiểu ra rằng có thể đạt được dân chủ mà không đổ máu. Quả thật diễn biến tại Rumunia phủ nhận điều này nhưng có lẽ thảm cảnh ở Rumunia là điều không thể tránh khỏi bởi tầng lớp lãnh đạo đã không thể hiện trí khôn.
Ba Lan may mắn vì tầng lớp lãnh đạo có đủ thực dụng và khôn ngoan đồng thời chính tầng lớp lãnh đạo cũng hãi sợ đụng độ với đối lập.

Bàn Tròn là một trải nghiệm quý giá

Vẫn ký giả Stefan Bratkowski, ông cho rằng Bàn Tròn không chỉ là trải nghiệm quý báu đối với người Ba Lan mà còn trọng đại đối với toàn Liên Bang Sô Viết trước kia và có thể thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới kể cả Phi Châu, chứng tỏ tính phổ dụng của đối thoại.

Thành viên dân chủ trong đàm phán Bàn Tròn, ký giả Stefan Bratkowski: Bàn Tròn quả thật là một trải nghiệm quý giá có thể vận dụng trong mọi thời điểm. Ví dụ như Cộng Hòa Nam Phi đã vận dụng kinh nghiệm này thành công kể cả khi tình trạng căng thẳng đôi bên còn tệ hơn hiện trạng Ba Lan trước khi có Bàn Tròn.
Người da trắng và da đen xung đột tới mức căm thù nhau thế nhưng vận dụng kinh nghiệm Ba Lan, người ta đã cùng nhau ngồi lại Bàn Tròn và kết quả là thống nhất quốc gia. Cộng Hòa Phi Châu hiện nay là một quốc gia hòa hợp giữa người da trắng và người da đen. Nhờ có Bàn Tròn mà mọi khủng hoảng đã bị dập tắt. Y hệt như tại Ba Lan.

Tuy vậy, kịch tính nhất và đáng chú ý nhất vẫn là các dấu hỏi liên quan tới quá trình chuyển đổi trong chính bộ máy cộng sản. Điều gì đã xui khiến phe cộng sản ngồi lại Bàn Tròn để từ đó gần như mất trắng quyền lực? Có bao nhiêu thiện chí từ phía cộng sản và bao nhiêu ép buộc của tình thế lên quyết định gần như "tự tử" của đảng cộng sản Ba Lan?

Đối thoại là chuyện không bao giờ có đối với cộng sản

Giáo sư sử học Andrzej Paczkowski phủ nhận phe cộng sản có thiện chí đối thoại, đảng cộng sản tại Ba Lan đã buộc phải đàm phán Bàn Tròn bởi không còn sự lựa chọn nào khác.

Giáo sư sử học Andrzej Paczkowski: Nghiên cứu lịch sử Bàn Tròn, người sử gia luôn ghi nhớ quá trình liên quan tới Bàn Tròn là một chuỗi các nền tảng chính trị không cân xứng. Bàn Tròn là cuộc đàm phán kết thúc bằng thỏa hiệp.
Ý tưởng chính trị độc đáo này xuất phát từ bao giờ ư? Có thể cho rằng xuất phát ngay từ cuộc biểu tình quy mô tháng 8 năm 1980 tại Gdansk. Có điều là xuốt 9 năm liền kể từ 1980, chỉ có 1 bên của cuộc xung đột coi chiến lược mặc cả dung hòa là nhất thiết và hiệu quả. Chiến lược này là dòng chính trong chính sách của phe Đoàn Kết – một chính sách mới mẻ trong công cuộc tranh đấu trong chính trường Ba Lan thời đó.
Thế nhưng đối phương của Công Đoàn Đoàn Kết chưa bao giờ coi đối thoại là phương cách giải tỏa cọ sát đôi bên. Phe cộng sản không coi đối thoại là phương cách giải tỏa khủng hoảng mà chỉ ngồi vào bàn đối thoại khi không còn lựa chọn nào khác.
Đối với đảng cộng sản, đối thoại chỉ là một trong những sách lược có thể vận dụng để đối phó trong những trường hợp cụ thể, chứ phe cộng sản không bao giờ đặt đối thoại vào chương trình hành động chính trị lâu dài của mình. Ít nhất là cho tới hết năm 1988.

Ngoài làn sóng phản kháng trong xã hội là ức ép thực tiễn nhất không thể phủ nhận, củng cố thêm bằng sức ép dư luận từ Mỹ và Tây Âu cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến Bàn Tròn, ngoài yếu tố Nhà Thờ, vẫn theo nhận xét của giáo sư Andrzej Paczkowski:

Giáo sư sử học Andrzej Paczkowski: Cũng cần nói thêm, Reagan, trong một phát biểu mạnh mẽ hồi năm cuối năm 1981, đáp lại diễn biến căng thẳng tại Ba Lan khi đó, đã đưa ra 3 yêu sách yêu cầu Đảng Cộng Sản Ba Lan
1 - hủy bỏ Thiết quân Luật, 2 - thả tự do cho tù nhân chính trị, và 3- đối thoại với Đoàn Kết và Nhà Thờ. Không lâu sau đó Hiệp định Atlanta cũng đã ghi lại 3 yêu sách đó. Các yêu sách này được thực hiện lần lượt vào năm 83 - hủy bỏ Thiết quân Luật , 86 – ân xá các tù nhân.
Mốc quan trọng trong diễn biến trong thái độ của chính quyền từ dè dặt tới màn cuối cùng là đối thoại phải kể tới chuyến thăm Ba Lan của Giáo Hoàng John Paul II. Có vẻ như là nó tạo ra động cơ mới cho nỗ lực đối thoại từ phía đảng cầm quyền.

No comments: