Friday, February 13, 2009

GIẢI PHÁP NÀO CHO KINH TẾ VIỆT NAM

Kinh tế Việt Nam: Giải pháp nào?
Nguyễn Huy Đức

Đăng ngày 13/02/2009 lúc 00:05:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3531
Nếu năm 2008 vừa qua là thời điểm chứa đựng nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam, thì năm 2009 trước mắt sẽ còn hứa hẹn nhiều thử thách hơn nữa. Đây là lời kết luận của rất nhiều chuyên gia kinh tế và của đa số các ngân hàng có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Bản phúc trình của Hương Cảng Thượng Hải Ngân Hàng Công Ty (HSBC) vừa cho biết GDP Việt Nam trong năm 2009 sẽ rơi xuống tỉ lệ 5.4%. Deutsche Bank còn tỏ ra bi quan hơn với tỉ lệ 4.1%. Nếu so sánh với dự đoán của chính phủ Việt Nam (6.5% cho năm 2009) thì có thể khẳng định rằng tình hình đã trở nên rất bi quan.
Đây cũng là viễn tượng chung của các quốc gia Châu Á: Trong những ngày đầu năm 2009, Trung Quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba và Hương Cảng đã lần lược đưa ra những con số chứng minh cho sự suy thoái của khu vực.

Duyệt lại thực trạng

Giải thích dễ dãi nhất thường được đưa ra là sự trì trệ kinh tế tại các quốc gia Tây Âu. Với khủng hoảng tài chánh, mức tiêu thụ Tây Âu (nhất là Hoa Kỳ) đã đột ngột giảm sút và gây nhiều tác động đến khả năng xuất cảng của các quốc gia Á Châu, vẫn thường đặt trọng tâm vào xuất cảng để phát triển. Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm tín dụng sẽ khiến cho các công ty Á Châu khó có thể tài trợ cho những dịch vụ liên quan đến các dự án xuất khẩu.
Tuy nhiên lời giải thích này không hoàn toàn đúng. Đầu tiên, cần nhìn nhận rằng mức xuất khẩu không chỉ suy giảm giữa Á Châu – Tây Âu. Ngay trong mối liên hệ thương mại khu vực, tốc độ sinh hoạt kinh tế đã giảm mạnh: Theo thống kê của Bắc Kinh thì số lượng xuất cảng ra các quốc gia Á Châu (nhất là ASEAN) đã tuột dốc vào cuối năm 2008 (-28% so với tháng 12.2007). Tình trạng suy nhược của khả năng xuất cảng Phi Luật Tân trong vòng đai Châu Á vào đầu năm 2009 cũng vừa được công bố. Sự kiện này chứng minh một điều: Mối liên thuộc giữa các nền kinh tế Á Châu đã trở nên đậm nét. Ngày hôm nay, một máy truyền hình bán đi từ Trung Quốc chắn chắn được ráp bằng những phụ tùng đến từ Đài Loan, Phi Luật Tân hoặc Việt Nam. Mặt khác, một máy tính điện tử xuất cảng từ Nam Dương là kết quả của vận chuyển, sản xuất trang thiết bị và tài trợ của Mã Lai, Thái Lan và Tân Gia Ba (Xin mở ngoặc ở đây và nhắc lại rằng hiện tượng vừa được mô tả trên sẽ giúp chúng ta có một nhận định rõ ràng hơn về bài toán Trung Quốc đối với Việt Nam).
Ngoài ra, giá trị của các hàng hoá xuất cảng trong khu vực cũng chứng tỏ rằng phần lớn các sản phẩm xuất cảng đều lệ thuộc vào những mẫu hàng nhập khẩu. Nói một cách chính xác hơn, phần đông các quốc gia Á Châu đều nhập vào những bộ phận của một sản phẩm để rồi gia công ráp máy và xuất khẩu. Nhận định này cho phép chúng ta khẳng định rằng, trong tương lai, số lượng nhập cảng của các quốc gia Á Châu cũng sẽ giảm nhanh cùng với tình trạng suy giảm của xuất cảng (Bắc Kinh đã cho biết giá trị nhập cảng Trung Quốc đã giảm đến 43% vào tháng 01.2009). Hệ luỵ của nhận định này là chính sách tiền tệ và ngoại hối mà một vài quốc gia có ý định thưc thi để san bằng những khó khăn mà nền kinh tế xuất cảng của họ đang gặp phải.

Tiêu thụ nội địa

Cuối cùng, và đây là một dữ kiện quan trọng nhất, lý do chính của suy giảm xuất khẩu Á Châu là sự thiếu vắng nhu cầu tiêu thụ nội địa để thay thế sự sút giảm của mức tiêu thụ Tây phương. Trong nhất thời, có thể quan niệm rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ và tín dụng gần đây của một số quốc gia Á Châu đã phần nào bóp nghẹt nhu cầu tiêu thụ nội địa: Việt Nam là một bằng chứng cụ thể. Thật vậy, để khống chế tốc độ lạm phát trong năm 2008, Hà Nội đã áp dụng các chính sách trói buộc tín dụng và hạ giảm cung tiền. Thái độ này đã kìm hãm khả năng tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, vượt qua nhận định mang tính cách nhất thời trên, cần nhìn nhận rằng nền tiêu thụ nội địa chưa bao giờ được quan tâm đúng mức tại các quốc gia Á Châu. Có nhiều kết luận đã khẳng định rằng trọng lượng của tiêu thụ nội địa trong GDP của Á Châu đã giảm từ 58% xuống còn 47% trong vòng 25 năm qua.
Đây là lỗi lầm lớn của các chính sách kinh tế khu vực. Thật vậy, sau khủng hoảng tài chính 1997, các quốc gia Á Châu đã tái gầy dựng hệ thống tài chánh bằng cách tăng cường lượng dự trữ ngoại tệ qua chính sách “duy xuất khẩu”. Mức lương đã được kiểm soát chặt chẽ và tiêu thụ nội địa đã bị khoanh tròn. Trong điều kiện này, người Á Châu chỉ biết tiết kiệm để có đủ khả năng đối phó với những rủi ro trong tương lai (Thất nghiệp, đau bệnh, tai nạn). Nhưng, khác với vài cảm nhận hời hợt, người Á Châu không cần kiệm và không có xu hướng dành dụm cao hơn người Tây Âu ! Thật vậy, tỉ lệ tiết kiệm của người Châu Á là một trong những tỉ lệ ổn định nhất trong 10 năm qua.

Kích cầu là giải pháp ?

Đây là một dấu hiệu lạc quan, nó chứng tỏ rằng tái gầy dựng một nền tiêu thụ nội địa là một công trình khả thi. Việc này làm được nhưng không dễ dàng vì thái độ tiêu thụ là một thói quen. Như mọi thói quen, nó cần thời gian để được du nhập vào xã hội. Chính vì vậy, phải rất thận trọng khi nói đến chính sánh kích cầu hay nâng đỡ tiêu thụ. Khi cuộc khủng hoảng tín dụng đã bộc phát, các quốc gia Tây Âu đã nhanh chóng đề xướng những giải pháp kích cầu qua một số chính sách tiền tệ và tài khoá. Trung Quốc cũng đã nối bước và công bố chương trình kích thích kinh tế với trị giá 4000 tỉ Nhân dân tệ. Ngay sau đó chính phủ Hà Nội đã cho biết sẽ huy động từ 1 đến 6 tỉ Mỹ kim để điều chỉnh nền kinh tế qua cơn suy thoái toàn cầu.

Một chính sách kinh tế kích cầu có là giải pháp cho Việt Nam ?

Như những suy luận gần đây, người viết quan niệm rằng, trong điều kiện hiện nay, khó có thể tin tưởng vào nguyên tắc kích cầu để lèo lái nền kinh tế Việt Nam qua cơn bão tố. Thật vậy, về bản chất, cơ cấu kinh tế Việt Nam vẫn còn rất yếu kém để có tham vọng thi hành có hiệu quả một chính sách tương tự: Các bộ phận của guồng máy kinh tế chưa hoạt động nhịp nhàng để tiếp thu và chuyển giao những hệ luỵ của một chính sách kích cầu vào xã hội ; hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa đủ khả năng để hưởng ứng chính sách kích thích trên. Thêm vào đó, khi nói đến kích cầu, cần ưu tư đến những sản phẩm mà nền kinh tế quốc gia có thể cung cấp để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Ở đây, phải nhìn nhận rằng, nền kỹ nghệ Việt Nam chưa có thể đáp ứng những nhu cầu này. Trong điều kiện trên, kích cầu sẽ đem lại hậu quả gia tăng nhập khẩu và trầm trọng hoá tình trạng bội chi của cán cân thương mại. Hệ luỵ của hiện tượng này sẽ là sự bùng nổ của tệ nạn lạm phát và tư thế mất thăng bằng vĩ mô.

Có thể lấy quá khứ kinh tế Pháp làm chứng minh cho lập luận trên: Vào năm 1975 và năm 1981, chính phủ Pháp đã quyết định đưa ra chương trình phục hồi kinh tế bằng kích cầu (Plan Chirac và Plan Mauroy). Cả hai chương trình đều thất bại (Thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, lạm phát tăng vọt…) và bắt buộc chính quyền phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng ngay sau đó. Một trong những lý do chính của sự thất bại này là các “tế bào” của nền kỹ nghệ Pháp chưa đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nguồn tiêu thụ nội địa vừa được kích thích.

Chính sách tài khoá

Song song đó, chính sách kích thích bằng tài khoá cũng sẽ khó mang lại những kết quả mong đợi cho Việt Nam. Người viết đặt nhiều nghi vấn về giải pháp này: Đầu tiên, áp dụng chính sách tài khoá là chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước. Với nguồn dự trữ ngoại tệ khiêm tốn và tình trạng thâm hụt thương mại (chiếm 20% GDP Việt Nam), tầm hoạt động của Hà Nội sẽ rất eo hẹp. Chính vì vậy, muốn chính sách kích thích bằng tài khoá mang lại kết quả mong đợi (với một tỉ lệ rủi ro tương đối nhỏ), chính quyền Việt Nam phải kiểm soát rất kỹ những nguồn chi tiêu ngân sách. Nếu không chính sách tài khoá sẽ mất hết hiệu lực của nó.
Tuy nhiên với một guồng máy hành chánh kềnh càng và với một hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khổng lồ, Việt Nam khó có thể bảo đảm rằng công quỹ sẽ được sử dụng hữu ích. Hiện trạng của khu vực đầu tư công cộng Việt Nam là một thí dụ điển hình: Có quá nhiều dự án đầu tư vô hiệu quả mang đậm mầu sắc “phô trương thanh thế” với tính cách “bắt chước” nhưng không đem lại hữu ích nào cho nền kinh tế quốc dân (Nhà máy lọc dầu Dung Quất; đường xe lửa cao tốc Bắc Nam…). Ngược lại, cũng có rất nhiều dư án hạ tầng cơ sở cần được khai triển hay bảo trì nhưng vẫn còn trong dạng… hồ sơ (hệ thống cầu cống đô thị, nâng cao điều kiện đời sống nông thôn…). Cuối cùng, với nạn “nội xâm” tham nhũng, không lấy gì bảo đảm rằng số tài trợ trên sẽ không rơi vào túi riêng của một số chức trách hoặc thất lạc vào tay của giới tư bản đỏ.

Cải tổ cơ cấu

Có một khuyết điểm rất lớn của đa số tông đồ ! Họ hăm hở áp dụng thánh kinh mà quên đi những điều kiện căn bản luôn được sư tổ nhắc nhở. Chính sách kích cầu theo kiểu mẫu Keynesian là một trường hợp điển hình. Nó được đem ra áp dụng một cách máy móc bởi những chuyên gia đã lãng trí quên đi lời dặn dò của Keynes: Chính sách ích cầu chỉ có hiệu lực lâu dài trong một xã hội tự do, đa nguyên và đa dạng.
Chính vì vậy, điều mà Việt Nam cần có là một công trình cải tổ cơ cấu quyết liệt hầu tạo nền tảng cho việc áp dụng hiệu quả một chính sách kinh tế. Gầy dựng một nền tiêu thụ nội địa cũng đòi hỏi thời gian và một số chương trình cải tổ sâu đậm tại Việt Nam: Tập trung ngân quỹ quốc gia vào những dự án đầu tư có mục đích phát huy doanh nghiệp tư nhân, thiết lập hệ thống thuế dễ dãi đối với ngành dịch vụ, gầy dựng một hệ thống an sinh xã hội ; phá vỡ mọi thành trì bảo đảm độc quyền cho DNNN ; kiểm tra và phát huy cạnh tranh trong khu vực tài chánh để tạo điều kiện cho người tiêu thụ có thể vay mượn.
Tất cả những cải tổ này đều khả thi, vấn đề là chính phủ Việt Nam có muốn hay không vì hệ luỵ của những cải tổ này là sự thay đổi sâu đậm trong cơ cấu hành chính, nếu không nói là chính trị.
Vì đã không xúc tiến những chương trình cải tổ trên sớm hơn, Chính phủ Việt Nam hiện có rất ít giải pháp để chống đỡ suy thoái. Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc nên làm có lẽ là áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để cải tổ cơ cấu thay vì tìm cách bắc chước người khác. Chắc chắn một chính sách như trên sẽ đem lại nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Tuy nhiên, có thể xoa dịu những hậu quả xã hội của chính sách thắt lưng buộc bụng này bằng cách tăng cường hợp tác giữa nhà nước và các tổ chức thuộc xã hội dân sự (các hội liên đới, thiện nguyên …). Một lần nữa, giải pháp này đòi hỏi chính quyền Việt Nam cải thiện thái độ đối với các tổ chức tổ chức phi chính phủ trong những công tác xã hội. Chấp nhận hay không còn nằm trong vòng tay của Việt Nam.

Một lời cuối, nó liên quan đến những đề nghị giảm giá hay phá giá đồng bạc hầu đối phó với tình hình suy thoái. Người viết không chia sẻ ý kiến này và, ngược lại, cho rằng không nên sử dụng đồng bạc Việt Nam như một khí cụ phục vụ ngoại thương.
Dầu sao đi nữa, lý do khiến xuất khẩu giảm nặng chẳng liên quan gì đến giá cả của sản phẩm Việt Nam. Lý do chính vẫn là mức tiêu thụ Tây Âu không còn được duy trì. Vì vậy giảm già đồng bạc cũng sẽ không cải thiện nhiều hơn mức độ cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, nhập khẩu vào đất nước cũng thùy thuộc nhiều vào tăng trưởng của xuất cảng. Với tình hình suy nhược của xuất khẩu, nhập cảng cũng sẽ giảm mạnh và phần nào cân bằng hoá tình trạng thâm hụt cán cân thương mại mà không cần phải phá giá đồng bạc.
Ngoài ra, giảm giá đồng bạc cũng chứa đựng nhiều rủi ro khó có thể kiểm soát. Hiện nay, hơn 25% vốn vay mượn của doanh nghiệp Việt Nam là bằng ngoại tệ. Giảm giá đồng bạc là tăng chi phí lãi suất và giảm thiểu khả năng trả nợ của các đối tác Việt Nam. Chính vì vậy, giảm giá chỉ có thể gây khó khăn thêm cho khu vực ngân hàng, hiện đang gặp nhiều khó khăn vì tình trạng tín dụng và nợ xấu, nợ khó đòi.
Thêm vào đó, không nên quên rằng nền kinh tế Việt Nam chưa chiếm được lòng tin của giới doanh nhân. Khi đồng bạc bị mất giá và gây tổn thương cho mãi lực của họ, rủi ro lớn nhất là những đối tác này sẽ bán đồng bạc Việt Nam để mua vàng hay ngoại tệ. Lúc đó, chính quyền sẽ mất tầm kiểm soát trong việc định giá và đồng bạc sẽ đi vào vòng xoáy mất giá.
Cuối cùng với việc giảm giá đồng bạc, cơn sốt lạm phát cũng có cơ hội tái phát gây khó khăn hơn cho đời sống người dân. Đừng quên rằng mối lo ngại lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là hiện tượng “lạm-suy” (vừa lạm phát vừa suy thoái). Chúng ta đang đương đầu với suy thoái, đừng để lạm phát trổi dậy.

Nguyễn Huy Đức
(Paris)
© Thông Luận 2009


No comments: