Friday, February 20, 2009

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Chuyện thường ngày
Nguyễn Ðạt Thịnh
20/02/2009
http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=3218&Itemid=1

Trước 1945, “Chuyện thường ngày” là chuyện xe cán chó, chuyện hàng xóm xich mích đem nhau ra bót, chuyện đánh ghen, v.v…, những chuyện rất nhỏ nhưng cũng được đăng lên báo vì đó là những diễn biến lớn trong xã hội. Sau 1945, chuyện thường ngày là chuyện những người không khuất phục Việt Cộng bị chúng ám sát, chuyện xe lam bị giật mìn, thị xã bị pháo kích.
Và sau 1975 thì “chuyện thường ngày” là chuyện hối lộ, gian lận, phe phái, xuất cảng Ôi Sin, đàn áp, và bạo động.

Một trong những cái tin vặt của báo Hà Nội Mới phát hành ngày 12 tháng Hai vừa qua đăng việc thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vụ trốn thuế trị giá trên 11.000 tỷ đồng (70 triệu mỹ kim) tại 3 đơn vị trong ngành thuế.

Trong cuộc họp báo ngày 11.02, chính ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền công bố tin trốn thuế, và số tiền khá lớn này chỉ là một trong 7 bản công bố do Tổng cục Thuế, Cục Thuế thành phố Hà Nội, và Cục Thuế thành Hồ, thanh tra công tác cổ phần hóa tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 25 và Công ty Cổ phần Y dược phẩm VIMEDIMEX, việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án "tam giác vàng" tại quận 1, thành Hồ và thanh tra tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Chỉ xem xét thuế vụ của 5 công ty, ông Truyền đã tìm ra 70 triệu mỹ kim gian lận bằng cách trốn thuế, nếu tìm rộng hơn, chắc chắn ông sẽ còn phát giác nhiều hơn nữa; nhưng nếu tìm sâu hơn, ông sẽ gặp rắc rối. Tìm sâu hơn là tìm cách giải đáp câu hỏi “những quan chức nào che chở gian lận thuế?”
Nhưng ông Truyền không dám tìm sâu, ông không muốn mất chức và mang họa.

Một tin vặt khác cũng được đăng trên Hà Nội Mới trong số báo cùng ngày là tin rút ruột công trình xây trường tiểu học Trưng Nhị số 28 Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ðồ án hoạch định phải đóng 624 cọc móng giữ nền, dùng loại cọc sắt dài 2 thước rưỡi, đóng sâu 17 thước rưỡi, nhưng nhà thầu chỉ đóng 594 cọc, đóng sâu 8-9 thước và đóng bằng một loại cọc hợp kim, không đúng loại cọc sắt quy định trong đồ án, không đảm bảo độ chịu lún cho công trình.

Nhà thầu công trình xây trường tiểu học Trưng Nhị lại chính là UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư, công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản thi công, giám sát công trình là Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng.
Một phương thức tay trái thi công, tay phải kiểm nhận.

Vẫn trong tờ Hà Nội Mới ngày 02/12, còn có thêm một tin vặt khác: đòi nợ bằng mìn. Bài báo viết, “Năm hết Tết đến, đợi mãi không thấy 2 con nợ thanh toán nốt; Mỹ, cán bộ kho bạc Bắc Ninh, đi "nhờ" người giúp đỡ. Thắng - giáo viên nhạc một trường THCS sốt sắng ứng tiền ra mua 2kg thuốc nổ giao cho bạn tự nhồi thuốc làm mìn và bắt đầu "công cuộc" nổ mìn để đòi nợ... Trước đó, Mỹ đã nhờ người ốp mìn "dằn mặt" 2 gia đình này và đã được trả một phần tiền.
“Sự việc bắt đầu xảy ra vào đêm 30, rạng sáng 31/12/2008. Công an Bắc Ninh nhận được tin báo, tại ngôi nhà số 28, đường Hoàng Quốc Việt, khu 1, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh xảy ra vụ nổ lớn. Một tổ công tác đã xuống hiện trường điều tra và được biết, vụ nổ tuy xảy ra vào ban đêm nhưng không gây thiệt hại sinh mạng.
“Chuyện thường ngày” phản ánh cuộc sống thực tế tại Hà Nội dưới quyền cai trị của Việt Cộng, với chính sách nuôi dưỡng gian lận, trốn thuế, rút ruột công trình xây cất, và khuyến khích bạo lực.

Doanh nhân Pháp cũng trốn thuế, nhưng không công ty nào dám trốn đến 10 triệu mỹ kim tiền thuế như 5 công ty Hà Nội, Sài Gòn trốn 70 triệu mỹ kim.

Nhà thầu Mỹ cũng gian lận, nhưng không nhà thầu nào do chính phủ đứng ra kinh doanh như quận trưởng quận Hai Bà Trưng đứng ra thầu xây cất trường Trưng Nhị.
Và mìn có nổ tại Luân Ðôn nhưng không do viên chức kho bạc Anh quốc thuê người đi đòi nợ.

Mọi chuyện đều mập mờ; mập mờ đến mức đại sứ Việt Cộng Lê Công Phụng tự xưng là đại sứ Việt Nam, chỉ trích dân biểu Cao Quang Ánh là đã xỉ vả Việt Nam trong lúc ông Ánh chỉ khuyến cáo Hoa Kỳ quan tâm đến chế độ Việt Cộng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.
Rõ ràng ông Phụng tiếm danh, nhưng tiếm danh cũng chỉ là “chuyện thường ngày”.

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments: