Bauxite: thế trận xôi đậu
Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 13/02/2009 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3529
Ngày 04/02/2009, trong một cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước”. Nhà nước là con đẻ của đảng. Đảng là một tổ chức của tư nhân. Đảng và nhà nước không do người dân tự do bầu ra. Đảng và nhà nước hoàn toàn không đại diện cho người dân. Đảng và nhà nước hiển nhiên là một chế độ phi chính thống. Vì vậy cái mà Nguyễn Tấn Dũng lớn tiếng gọi là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” chỉ là một nhóm chữ trống rỗng. Nó triệt để vô nghĩa về măt pháp lý. Trên căn bản trống rỗng và vô nghĩa kia, CSVN vẫn liều lĩnh biến chương trình khai thác bauxite tại Việt Nam thành hành động cụ thể. Quặng bauxite được dùng để chế biến nhôm. Trung bình 4 tấn quặng bauxite sản xuất được một tấn nhôm và thải ra 3 tấn đất bùn đỏ, một loại chất thải hóa học cực kỳ độc hại đối với môi sinh. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu những suy nghĩ của cá nhân và đoàn thể cùng với những tin tức từ thực tiễn đời sống của các nơi trên thế giới đối với công việc khai thác bauxite.
Chối bỏ bauxite trong suy nghĩ
1. COMECON (CMEA: Council Of Mutual Economic Assistance) là Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế của 11 quốc gia trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa. Hội đồng này do Liên Xô thành lập năm 1949, giải tán năm 1991. Thập niên 1980 mặc đầu Liên Xô rất cần quặng bauxite để nhanh chóng công nghiệp hóa quốc phòng, thế nhưng đại diện 11 quốc gia trong COMECON vẫn bảo cho CSVN biết là việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam chẳng những giết chết Tây Nguyên mà còn làm cho toàn vùng Nam Trung Bộ thường xuyên đối đầu với hạn hán hoặc lũ lụt. Hồi bấy giờ Hà Nội nghe theo lời khuyên của COMECON.
2. Ngày 05/01/2009 tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng, nói rõ ý kiến chống lại việc CSVN mở cửa cho Trung Quốc vào Việt Nam khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Đầu thập niên 1980 tướng Giáp là đại diện của CSVN tai COMECON. Vì vậy ông Giáp là người có đầy đủ hiểu biết để nói về bauxite Tây Nguyên. Đặc biệt thư của tướng Giáp còn nhấn mạnh: Trong tháng 12/2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đến Tây Nguyên để bắt tay vào việc khai thác bauxite. Mỗi công trường bauxite sẽ có tới hàng ngàn công nhân.
3. Ngày 22/10/2008 tỉnh Đắc Nông Tây Nguyên có tổ chức một cuộc hội thảo về bauxite Tây Nguyên. Tại cuộc hội thảo này, TS Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc công ty Năng Lượng Sông Hồng, thuộc Tập Đoàn Công- Nghiệp- Than- và- Khoáng- Sản- Việt- Nam cho biết: Nhôm không là kim loại quý, chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam. TS Sơn nhấn mạnh: công cuộc khai thác bauxite Tây Nguyên chỉ nhằm phục vụ “Các đại gia luyện nhôm nước ngoài vốn không muốn tốn nhièu chi phí cho việc khai thác”
4. Vẫn từ cuộc hội thảo Đắc Nông, ông Nguyên Ngọc cụu đại tá bộ đội CSVN, cựu tổng biên tập báo Văn Nghệ, phát biểu ý kiến: “Chúng ta đã hành động ở Tây Nguyên rất thản nhiên…Thậm chí, có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây Nguyên như là trên một vùng đất không người”. Nguyên Ngọc không ngần ngại nhắc tới biến cố 30/04/1975 đi kèm với những chỉ trích nghiêm khắc: “Theo tôi, chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Và sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ , không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua. Những bài học lớn, sâu và cay đắng 30 năm ấy còn để lại, sờ sờ ra đấy, rất có thể lại dạy ta lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước”.
Căn cứ vào nhiều góc nhìn khác nhau, quyết định được Nguyễn Tấn Dũng long trọng gọi là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” bị chống đối từ rất nhiều phía. Do giới hạn của một bài tiểu luận, bài này chỉ có thể trích dẫn bốn ý kiến chống đối điển hình.
Chối bỏ bauxite trong thực tiễn đời sống
Phản ứng của một số quốc gia trước những hậu quả tệ hại đối với môi sinh do bauxite gây ra.
1. Ấn Độ là nước có trữ lượng bauxite đứng thứ sáu của thế giới. Chính phủ Ấn Độ cấp giấy phép cho 13 công ty đa quốc gia khai thác bauxite tại tiểu bang Orissa. Công việc khai thác này đã gây tác hại cho 60.000 cư dân trong vùng. Đồng thời hủy diệt hoàn toàn 1000 ha đất canh tác. Năm 2004 dân chúng Ấn Độ nổi dậy thành một phong trào lớn chống đối những công ty khai thác bauxite trên lãnh thổ Ấn Độ. (Theo báo Tuổi Trẻ)
2. Báo Chinanews của Trung Quốc loan tin: từ 2004-2008 cho đến nay, ví lý do bảo vệ môi sinh, Trung Quốc đã đóng cửa 100 mỏ bauxite thuộc tỉnh Hà Nam. Đặc biệt trong 100 mỏ kia có một mỏ chỉ hoạt động hơn một năm là phải đóng cửa, vì mỏ này đã làm ô nhiểm môi sinh trầm trọng hơn hẳn mức dự đoán.
Nhìn chung lại, ý kiến của khoa học gia cũng như ý kiến của các bậc thức giả cộng với thực trạng tệ hại của công việc khai thác bauxite tại Ấn Độ và nhất là tại Trung Quốc đã đưa dẫn công luận đi đến kết luận rằng: Sự việc Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên chắc chắn sẽ tạo ra những nguy hại cực kỳ nghiêm trọng. Những nguy hại kia to lớn gấp nghìn lần mớ quyền lợi kinh tế được thổi phồng bởi chế độ Hà Nội. Khai thác bauxite bị chối bỏ trong suy nghĩ cũng như trong thực tiễn đời sống. Tại sao Nguyễn Tấn Dũng vẫn lớn tiếng khẳng định: “Việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước”? Câu hỏi tại sao vừa rồi kéo theo một số câu hỏi tại sao khác:
- Thứ nhất: Tại sao Trung Quốc vào Việt Nam khai thác bauxite trong khi Bắc Kinh lại đóng cửa 100 mỏ bauxite trên lãnh thổ của Trung Quốc?
- Thứ hai: những công ty ngoại quốc khi vào Việt Nam kinh doanh như: Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Pháp đều phải thuê mướn công nhân Việt Nam. Tại sao Trung Quốc lại được quyền sử dụng công nhân Trung Quốc?
- Thứ ba: ngày 04/02/2009, tại Hà Nội, Nguyễn Tấn Dũng long trọng cam kết trước báo chí rằng song song với sự việc Trung Quốc vào Tây Nguyên, “an ninh quốc gia vẫn được bảo đảm”. Tại sao không có những bảo đảm tương tự khi Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản vào Việt Nam kinh doanh? Tại sao các vấn đề: “Bauxite, Trung Quốc và an ninh quốc gia” lại có liên hệ chặt chẽ với nhau? Phải chăng: “Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn kỹ những gì CS làm”?. Phải chăng CS nói bảo đảm an ninh có nghĩa là CS thả nổi cho Trung Quốc được tự do tác yêu, tác quái tại Tây Nguyên?
Tất cả những câu hỏi tại sao nêu trên, xin được trả lời như sau:
Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc là lịch sử xâm lăng và chống xâm lăng. Có ba hình thức xâm lăng.
1. Xâm lăng thô thiển: Tàu kéo quân vào Việt Nam. Chiếm đóng Việt Nam. Đồng thời dùng “Hệ thống hành chánh thái thú” để trực tiếp cai trị Việt Nam. Đó là thời kỳ Bắc thuộc một, Bắc thuộc hai, Bắc thuộc ba. Đó là 1000 năm Tàu thuộc.
2. Xâm lăng tinh vi: người Tàu nuôi và dạy CSVN thành một chế độ vừa triệt để độc tài đối với quần chúng Việt Nam, vừa triệt để tuân hành mọi loại mệnh lệnh của Trung Quốc. Thay vì trực tiếp cai trị Việt Nam bằng chế độ thái thú thời 1000 năm Tàu thuộc, từ 1954 cho đến nay ngừơi Tàu gián tiếp cai trị Việt Nam thông qua chế độ bù nhìn CSVN.
3. Xâm lăng xóa tên hay còn gọi là Xâm lăng theo chiến thuật xôi đậu:
Khu vực Thái-Mèo gồm các tỉnh Lào Cay, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu. Thái-Mèo bắc giáp Trung Quốc, tây và nam giáp Ai Lao, đông nam giáp vùng Mường, Hòa Bình, đông giáp núi Phan Xi Păng. Ngày 29/04/1955 bằng sắc lệnh số 230/SL, Hồ Chí Minh thành lập khu tự trị Thái Mèo. Năm 1962 Khu tự trị Thái Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc. Ngày 27/12/1975 qui chế tự trị bị bãi bỏ nhưng tinh thần tự trị vẫn còn nguyên. Có thể nói được rằng khu Thái Mèo là vùng trái độn dọc biên giới Việt Hoa. Nơi đây, thời bình, người Việt và người Hoa chung sống an vui. Thế nhưng, vào lúc Trung Quốc thực hiện âm mưu xâm lăng Việt Nam thì khu Thái Mèo tự trị là quả mìn gài sẳn trên lãnh thổ Việt Nam. Hẳn nhiên chương trình thôn tính Việt Nam đòi hỏi Trung Quốc phải tạo ra càng nhiều khu tự trị càng tốt. Có hai loại khu tự trị cần tìm hiểu:
- Một là những khu tự trị tay sai của Trung Quốc: để thực hiện gian mưu này, Trung Quốc kích động, nuôi dưỡng và phát triển một số đối tượng đứng lên đòi hỏi quyền thành lập khu tự trị. Những đối tượng kia có thể là: đồng bào thượng Tây Nguyên, tổ chức Fulro Tây Nguyên, dân tộc Chàm Ninh Thuận, An Giang, Tây Ninh, dân tộc Khmer Krom Trà Vinh,Bạc Liêu, và một số tỉnh thành Miền Tây, Nam Phần Việt Nam…
- Hai là những khu tự trị mà đa phần cư dân là người Hoa hay người Việt gốc Hoa: Ngoài Bắc có các tỉnh ranh giới Việt Hoa. Trong Nam có: Chợ Lớn, Rạch Giá, Bạc Liêu và rất nhiều địa phương miền Tây Nam phần Việt Nam. Nhằm tăng nhanh số lượng khu tự trị loại này, Trung Quốc với sự tiếp tay của chế độ Hà Nội đang nổ lực gầy dựng những khu tự trị người Hoa dưới chiêu bài khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên. Mỗi một mỏ bauxite với nhiều chục ngàn công-nhân-Trung-Quốc sẽ là một khu tự trị của người Hoa…
Trong tương lai, ngoài bauxite Trung Quốc có thể lấy nhiều chiêu bài khác nhau để tạo ra nhiều khu tự trị loại một và loại hai trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Nếu đất nước Việt Nam là một đĩa xôi trắng thì mỗi khu tự trị vừa diễn tả là một hạt đậu đen. Chừng nào đậu đen đè bêp xôi trắng về mặt số lượng và/hoặc về mặt thế lực chính trị chừng đó đậu đen sẽ nắm quốc hội, sẽ chiếm giử guồng máy quyền lực chính trị của Việt Nam. Xin đừng quên rằng: Trung Quốc khởi sự đánh phá Việt Nam Cộng Hòa bằng cách nhào nặn ra Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ngày nay mỗi hạt đậu đen là một Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam năm xưa.
Không cần một tiếng súng, chỉ cần: Lãnh thổ Việt Nam tràn ngập đậu đen. Quốc hội Việt Nam bị đậu đen nắm giữ. Với hai yếu tố này về mặt quyền lực chính trị cũng như về mặt cấu trúc hành chánh Việt Nam đương nhiên biến thành một đơn vị hành chánh của quốc gia Trung Quốc. Quốc gia Việt Nam vĩnh viễn bị xóa tên trên bang giao quốc tế cũng như trên bản đồ thế giới. Đó là ý nghĩa sau cùng của nhóm chữ “Xâm lăng theo chiến thuật xôi đậu”.
Vấn đề không là bauxite hay không bauxite. Vấn đề chính là bauxite chỉ là tấm màn thưa được CSVN dùng để che đậy kịch bản chế độ Hà Nội mở cửa cho người Tàu tiến vào lãnh thổ Việt Nam. Trên tay mỗi tên Tàu là một túi đậu đen. Sau lưng mỗi tên Tàu là một kẻ hầu cận mang nhãn hiệu cờ đỏ sao vàng.
Đỗ Thái Nhiên
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment