Tuesday, February 17, 2009

BÀI HỌC CHO VIỆT NAM HÔM NAY

Bài học cho Việt Nam hôm nay
Nguyễn Hồng Phong
Viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
17 Tháng 2 2009 - Cập nhật 10h20 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/02/090217_hongphong_opinion.shtml
Sau chiến thắng 30/4/1975, những người Cộng sản Hà Nội (CSHN) ngất ngây như trong mơ. Khúc khải hoàn "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" được cất lên mọi lúc mọi nơi khắp các hang cùng ngõ hẻm. Chàng David đã hạ gục 2 gã Goliad khổng lồ Pháp và Mỹ.
Nhưng, sự thiếu hụt tri thức cùng với lòng kiêu hãnh quá độ với tư duy "chuyên chính vô sản" và "bạo lực cách mạng" khiến Việt Nam từng bước tiến đến bế tắc trong ngoại giao, kiệt quệ về kinh tế và chiến tranh dường như không thể tránh khỏi.

Khó xử

Từ chối liên kết với Trung Hoa chống lại Liên Xô của CSHN đã khiến Trung Hoa căm hận, từ đó trong con mắt Trung Hoa, Việt Nam trở thành "thằng đàn em phản bội".
Quỹ đạo Hệ thống xã hội chủ nghĩa Xô-Viết có thêm một hành tinh mới: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính sách của CSHN ngày càng đẩy quan hệ Việt – Trung đến căng thẳng đến cao độ, chính sách đối với người Hoa bị Trung Hoa phản kháng dữ dội. Bài học hàng ngàn năm khiến CSHN hiểu rằng đề phòng "Người anh" không bao giờ là thừa.
Ánh hào quang chiến thắng cùng với "cuốn kinh" Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tài "kinh bang tế thế" của các lãnh đạo "đỉnh cao trí tuệ loài người" chỉ biết có chiến tranh khiến nền kinh tế Việt Nam vốn tan hoang sau chiến tranh lại càng tụt dốc thảm hại.
"Thằng đàn em phản bội" làm Trung Hoa căm hận tăng cường bảo hộ cho Chính phủ Pol Pốt, một chính phủ "điên cuồng " xây dựng chủ nghĩa cộng sản thể hiện sự thù hận với CSHN rõ rệt nhất.
Dưói sự bảo hộ của quan thầy, tập đoàn Pol Pốt ngày càng ngông cuồng đã biến cả đất nước Cam Pu Chia thành một trại tập trung khổng lồ, thế nhưng cuộc chiến đã làm chế độ Pol Pốt nhanh chóng dẫn đến sụp đổ.
Bẽ mặt vì chính quyền chư hầu bị Việt Nam đập tan và dựng lên một chính phủ thân Việt làm chính phủ của Đặng bị xúc phạm nặng nề, cần phải "dạy cho Việt Nam một bài học" để rửa nhục.
Mặc dù vậy Trung Hoa cũng nhắm tới một số mục tiêu khác khi phát động chiến tranh như: Thăm dò sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô, thử nghiệm phương án phòng thủ tấn công lưỡng đầu thọ địch.
Ngày 17/2/1979 "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới", 80 ngàn quân Trung Quốc tràn biên giới bắt đầu "dạy một bài học" đắt giá nhất trong lịch sử.
Ngày 05/03/1979 dưới áp lực của Liên Xô và cộng đồng quốc tế, Bắc kinh tuyên bố rút quân.
Cuộc chiến đã gây thiệt hại nặng nề cho cả 2 nước. Các nhà quan sát phương Tây nhận định về mặt chiến thuật Trung Hoa thất bại và chịu tổn thất nặng nề về số người chết và thương vong.
Cuộc chiến cũng gây thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế cho Việt Nam sau này, nhất là Hiệp ước biên giới Việt Trung ngày 30/12/1999.

Bài học hôm nay

+-Cuộc nội chiến giữa các quốc gia cộng sản chứng tỏ tinh thần quốc tế vô sản chỉ là ảo tưởng.
Chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm nhưng hậu quả của nó vẫn nhức nhối cho đến ngày hôm nay.
Vậy chúng ta có thể rút ra bài học nào dành cho Việt Nam hôm nay?
- Có thể nói cuộc chiến biên giới Việt Trung 1979 là một hậu quả tai hại của đường lối chính trị, kinh tế, ngoại giao của CSHN khi mà các nước đã từng ủng hộ Việt Nam mất dần thiện cảm, Mỹ và các nước Asean ngầm ủng hộ Trung Quốc, 54 sư đoàn của Liên Xô ở biên giới Xô - Trung án binh bất động.
- Trung Hoa mãi mãi là mối nguy hại đối với Việt Nam bé nhỏ. Sự trỗi dậy của Trung Hoa trong thời gian gần đây với chủ nghĩa dân tộc quá khích, đặc biệt là sự đầu tư khổng lồ hiện đại hoá quân đội là mối đe doạ với Việt Nam và các nước trong vùng.
Căn cứ hải quân hùng mạnh của Trung Hoa tại Đảo Hải Nam được trang bị tầu ngầm nguyên tử, hàng không mẫu hạm không hề che giấu tham vọng bá chủ biển Đông, một vùng biển giầu tài nguyên, huyết mạch giao thông với thế giới.
Chúng ta cần phải làm gì trước khi quá muộn?
- Tăng cường khả năng quân sự, hiện đại hoá quân đội đủ sức bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải tổ quốc khi bị xâm lăng.
- Liên kết với các quốc gia dân chủ văn minh, các nước Asean cùng nhau hợp tác bảo vệ quyền lợi chung tạo thành thế phòng thủ với Trung Hoa.
- Đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, đảng phái, từng bước thoát dần sự ảnh hưởng toàn diện của Trung Hoa, đặc biệt là về chính trị.
- Giáo dục lớp trẻ sự thật lịch sử, cần công bố sự thật Trung Hoa lấn biển, cướp đất, cướp đảo, bắn chết ngư dân Việt Nam... Sự bưng bít thông tin và những hình ảnh lãnh đạo Việt Nam tươi tắn ôm hôn lãnh đạo Trung Quốc tôn vinh 16 chữ vàng nhan nhản trên báo chí, truyền hình... chỉ làm cho nhân dân lầm tưởng, mất cảnh giác.
- Đoàn kết tâm hồn, trí tuệ, sức lực và tinh thần yêu nước thiết tha của mỗi người Việt để tạo thành sức mạnh tổng hợp chống lại mọi kẻ thù, tôn trọng và lắng nghe nhân dân đặc biệt là các bậc cao niên trí thức để có những quyết định sáng suốt của " Hội nghị Diên Hồng".

Nhìn từ bên ngoài Trung Hoa giống như người khổng lồ nhưng nhìn từ bên trong nó là một cỗ máy cồng kềnh bất hợp lý kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Vì vậy cái chúng ta cần hiện nay là phải tìm con đường dân chủ hoá đất nước để tinh hoa dân tộc toả sáng, nguyên khí quốc gia được phục hồi và thịnh vượng, dân tộc sẽ xuất hiện những thế hệ người Việt tài năng tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc chống lại kẻ thù.

Đây là ý kiến riêng của tác giả, một người đang sống ở Hà Nội. Quý vị có chia sẻ hoặc đóng góp, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụgn hộp tiện ích bên tay phải.


No comments: