Ngọc
Lan/Người Việt
May 1, 2019
WESTMINSTER, California (NV) – Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt sáng và nụ cười thân thiện luôn ở trên
môi là ấn tượng của bất kỳ ai lần đầu gặp Trần Quỳnh Vi (Vi Trần), tên Mỹ đầy đủ
là Vi Katerina Trần.
Vi Trần, nữ luật sư trẻ gốc Việt,
người đồng sáng lập Tạp Chí Luật Khoa, lâm bệnh hiểm nghèo. (Hình: Facebook Vi
Tran)
Nhiều người biết đến
Vi không chỉ trong vai trò của một luật sư, mà cô còn là đồng sáng lập viên của
tờ Tạp Chí Luật Khoa và The Vietnamese. Đây những tạp
chí bị “báo chí nhà nước” lẫn dư luận viên ở Việt Nam cho là “phản động,” “chống
chính quyền,” “cờ vàng ba que.”
Tuy nhiên, trong
vài ngày qua, tất cả bạn bè quen biết Vi đều sững sờ khi hay tin cô bị “xuất
huyết não dẫn đến đột quỵ và được cấp cứu tại một bệnh viện ở Đài Loan.”
Tin tức về bệnh
tình của người luật sư trẻ tuổi này được bạn bè “tìm thấy” và “share” cho nhau
sau khi quỹ “Gofundme” do những anh chị em họ của cô thiết lập, xuất hiện vào
ngày Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, kêu gọi sự giúp đỡ để cô có thể chi trả các khoản
chi phí y tế.
Mắc bệnh hiểm nghèo
Theo những gì viết
trên trang “Gofundme, thì “Vi là thành viên của một tổ chức phi lợi nhuận
nhằm thúc đẩy nhân quyền và dân chủ. Nhưng bi kịch thay khi vừa mới đây cô bị
chảy máu não nghiêm trọng và được chẩn đoán là mắc chứng phình động mạch não, một
căn bệnh rất nguy hiểm. Vi đã trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn ở Đài Loan và sẽ
cần nhiều phương pháp điều trị y tế khác nhau trong ít nhất là sáu tháng tới.
Nhưng Vi không có bảo hiểm y tế. Gia đình chúng tôi xin mọi người góp lời cầu
nguyện cho Vi. Chúng tôi cũng cần sự giúp đỡ của mọi người để chi trả các hóa
đơn y tế của Vi, nhiều phần lên đến hàng chục ngàn đô la.”
Tin tức này gây nên
cú sốc lớn với tất cả những ai quen biết Vi. Mọi người tỏ ra hoang mang, và sau
cùng, phải chấp nhận sự thật khi anh Trịnh Hữu Long, một người bạn thân thiết,
là người cùng cô sáng lập nên tờ Tạp Chí Luật Khoa, lên tiếng xác nhận.
“Mình xin xác nhận
thông này. Vi bị xuất huyết não dẫn đến đột quỵ hơn hai tuần trước và được cấp
cứu tại một bệnh viện ở Đài Loan,” Trịnh Hữu Long viết trên facebook cá nhân
mình vào chiều tối ngày 30 Tháng Tư (theo giờ California).
“Bác sĩ cho biết
đây là loại đột quỵ đặc biệt và rất nguy hiểm. Họ đưa ra nhiều giả thuyết nhưng
cũng không biết chắc là do cái gì. Vi đã trải qua hai cuộc phẫu thuật, mới qua
được tình trạng nguy kịch. Tình hình hiện tại là Vi đang dần tỉnh táo hơn và có
nhiều dấu hiệu hồi phục tốt. Vi sẽ sớm phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa,”
anh Long cho biết.
Blogger Phạm Đoan
Trang, cũng là một người bạn thân và đồng sáng lập Tạp Chí Luật Khoa, cho biết
thêm, “Hiện giờ Vi vừa trải qua hai lần phẫu thuật não ở Đài Loan. Vi khó có thể
về Mỹ điều trị, vì chi phí y tế ở Mỹ quá cao trong khi Vi đã không còn bảo hiểm.
Có lẽ tạm thời Vi đã qua cơn nguy hiểm, nhưng khả năng phục hồi để trở lại hoàn
toàn bình thường như trước còn rất xa. Công việc của Vi ở Luật Khoa và trang
báo tiếng Anh The Vietnamese vậy là đành dừng lại. Cầu xin mọi người hãy giúp đỡ
bạn tôi, bằng mọi hình thức có thể, đặc biệt là hỗ trợ tài chính và đóng góp,
duy trì nội dung cho The Vietnamese.”
Cô Vi Trần, đồng sáng lập viên
của tờ Tạp Chí Luật Khoa, và The Vietnamese đang bị “xuất huyết não dẫn đến đột
quỵ và được cấp cứu tại một bệnh viện ở Đài Loan.” (Hình: Facebook Vi Trần)
“Tình yêu kỳ lạ, không thể giải thích,
đối với Việt Nam’
Với tư cách là người
bạn, cô Đoan Trang cho biết, “Vi cùng gia đình rời Việt Nam từ năm 1992. Cô đã
có quốc tịch Mỹ, thừa hưởng nền giáo dục Mỹ, sử dụng tiếng Anh thành thạo hơn
tiếng Việt trong lĩnh vực chuyên môn của cô là luật pháp, và đã là một luật sư
có uy tín, mở công ty luật ở San Jose, California.”
“Nhưng ở Vi có một
tình yêu kỳ lạ, không thể giải thích, đối với Việt Nam – đất nước mà gia đình
cô đã buộc phải rời bỏ. Năm 2014 khi Trịnh Hữu Long và tôi mở trang báo mạng Luật
Khoa tạp chí, Vi tình nguyện từ bỏ tất cả – một công việc thu nhập rất tốt, một
sự nghiệp rất sáng, một cuộc sống bình yên và đầy đủ ở Mỹ – để tham gia cùng
chúng tôi trên một con đường đầy gian khó, rủi ro và bất trắc,” blogger Đoan
Trang cảm nhận.
Chia sẻ cảm nghĩ về
người cộng sự đặc biệt của mình, anh Trịnh Hữu Long bày tỏ, “Là người gần Vi nhất
trong những năm qua, tôi hiểu Vi đã hy sinh rất nhiều để đi con đường gian nan
này. Vi chưa bao giờ muốn rời khỏi Việt Nam, ngay từ khi còn nhỏ. Yêu Việt Nam
và tiếng Việt tha thiết, bốn năm trước Vi bỏ sự nghiệp ở California để qua
Philippines và Đài Loan làm việc.”
Cô Lam Kiều Lam, hiện
sống ở New York, là một người bạn của Vi Trần, chia sẻ, “… Ngày mới tham gia
Facebook, tôi hoàn toàn không biết gì về chính trị. Chính từ sự tình cờ quen
Vi, mà tôi học được từ Vi nhiều điều cho đến tận bây giờ, để từ đó tôi để ý đến
tình hình Việt Nam, nước Mỹ, quan tâm, chia sẻ và tìm hiểu, học hỏi để biết
thêm nhiều điều, về quê hương tôi bỏ lại và về đất nước hiện tại tôi gọi là
nhà.”
“Nếu ai hỏi điều gì
đã khiến cho cô gái gốc Sài Gòn ấy dù lìa quê ly xứ và định cư ở Mỹ từ khi rất
nhỏ, học, trở thành luật sư, thông thạo tiếng Anh, là công dân Mỹ, nhưng tâm hồn
rất thuần Việt và luôn hướng về cội nguồn, thì mình nghĩ đó chính là do tình
yêu tha thiết của em ấy đối với Sài Gòn và nước Việt,” cô Lam Kiều Lam nói
thêm.
Ông Sang Nguyễn, một
thành viên của tổ chức VOICE, hiện ở Garden Grove, nhận xét, “Tuy còn rất trẻ
nhưng Vi đã trưởng thành hơn nhiều người khác cùng lứa tuổi hoặc hơn em. Sự dấn
thân của em đã nói lên tất cả khát vọng của em muốn làm gì đó để nhình thấy được
sự thay đổi của quê hương, đất nước. Vi tuy khiêm tốn nhưng xông pha trên tuyến
đầu bằng sự hy sinh cá nhân để làm chuyện ít ai muốn. Ai có tiếp xúc với Vi sẽ
thấy em dễ mến, dễ yêu và dễ cảm phục đến chừng nào!”
Với cô Giang Tăng,
hiện ở San Francisco, một người quen biết Vi Trần từ lúc còn ở Việt Nam cũng tỏ
ra thảng thốt khi hay hung tin, “Không thể tin được khi đọc tin này. Chị ấy là
một người tốt bụng. Tôi biết chị Vi từ năm 2012, khi chị ấy về Kiên Giang làm
tình nguyện viên cho tổ chức Catalyst Foundation. Khi đó, chị Vi đã cùng với một
nhóm người Mỹ nhân đạo đến giúp đỡ cho những người dân nghèo khốn đốn bởi nạn
buôn người ở quê tôi.”
“Tôi biết chị là một
luật sư giỏi ở California, tôi rất ngưỡng mộ chị và rất vui khi có cơ hội gặp lại
chị ở vùng Bay Area này. Tuy nhiên, tôi đã không gặp lại chị Vi kể từ khi chị
ấy qua Châu Á để làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp cải thiện
nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Tôi không thể tin điều này lại xảy ra với chị.
Chị Vi xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn!” Giang nói một cách xúc động.
Luật sư Vi Trần (thứ 2 từ phải),
đồng sáng lập Luật Khoa Tạp Chí tại tòa soạn Nhật báo Người Việt năm 2015, cùng
với (từ trái) anh Trịnh Hữu Long, cựu chủ bút Người Việt Phạm Phú Thiện Giao và
cựu Tổng Giám Đốc Người Việt Phan Huy Đạt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Với riêng tôi, Vi
là hiện thân của những giá trị Mỹ: can đảm, nhiệt thành, quyết liệt, hết mình,
nhưng cũng rất thực tế, sáng suốt, không một chút ảo tưởng hão huyền nào vào những
điều không có thật. Tình bạn với Vi cũng là nguồn động viên to lớn cho tôi
trong những lúc gian nan nhất, vì tôi được có niềm tin rằng bên tôi đang có Vi,
phong trào dân chủ có Vi, Việt Nam may mắn có một người Việt như Vi,” nhà báo tự
do Phạm Đoan Trang chia sẻ.
Anh Trịnh Hữu Long
cho biết thêm, “Là đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí và gần đây là tờ
The Vietnamese, Vi đã làm việc cật lực hai năm đầu tiên chúng tôi ở Đài Loan với
một khoản lương rất ít ỏi và phải dùng tiền riêng để trang trải sinh hoạt. Vi
chưa bao giờ nói nhưng tôi biết chắc Vi còn dùng tiền riêng để chi trả nhiều
khoản của Luật Khoa, sau này ngân quỹ ổn hơn rồi tôi nói Vi kiểm kê lại xem Luật
Khoa nợ Vi bao nhiêu để Luật Khoa trả lại nhưng hơn nửa năm rồi Vi chưa bao giờ
tính và chưa bao giờ cho tôi biết.”
Theo anh Long, “Vi
không có bảo hiểm y tế ở Đài Loan, thành ra bị bệnh thế này phải tự chi trả hết.”
Hơn lúc nào hết, đây
là thời điểm một người như Luật sư Vi Trần cần những bàn tay của người thân, bạn
bè, và tất cả những ai luôn cổ võ cho những khát vọng về tự do, dân quyền ở Việt
Nam, chìa ra với cô, giúp cô vượt qua thử thách khắc nghiệt này, và cũng giúp
cô hoàn thành ước mơ “muốn trở về làm việc với người dân ở Việt Nam, đặc biệt
là những dân oan, những người oan sai trong các vụ việc” như cô từng thổ lộ
trong một bài trả lời phỏng vấn của đài VOA trước khi lâm bệnh.
Mọi đóng góp cho cô
Vi Trần, xin hãy vào trang Gofundme bằng cách BẤM
VÀO ĐÂY. (Ngọc Lan / ngoclan@nguoi-viet.com )
No comments:
Post a Comment