Friday, May 31, 2019

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI (Báo Cali Today)




Báo Cali Today
May 31, 2019

Trong cuộc nói chuyện thứ Hai đầu tuần, Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh với những người ủng hộ ông mạnh mẽ rằng Trung Cộng, chứ không phải là giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ, mới chính là người phải lãnh nhận những hậu quả của chiến dịch tăng thuế trên hàng hoá nhập cảng vào nước Mỹ mà ông vừa mới quyết định áp đặt, dù rằng lời nhận định quá lạc quan và sai lầm này đã bị phủ nhận bởi một chuyên viên và cũng là cố vấn kinh tế hàng đầu của ông: đó là ông Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế tại Toà Bạch Ốc.

Trong một mẩu tin nhắn mới nhất được bắn ra trên mạng Twitter, ông Trump đã viết: “Không có lý do gì khiến người dân tiêu thụ ở Mỹ phải trả chi phí cho thuế quan này. Những loại thuế quan này có thể được hoàn toàn tránh được nếu như bạn mua hàng từ một nước không nằm trong danh sách bị đánh thuế, hoặc là mua hàng sản xuất tại Hoa Kỳ. Như vậy sẽ không có thuế quan gì hết.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Fox News Sunday” của một đài truyền hình nổi tiếng là cương quyết bênh vực cho TT Trump và phe Cộng Hoà, ông Kudlow đã không thể phủ nhận một sự thật không mấy lạc quan để xác nhận rằng việc áp đặt thuế quan lên hàng hoá nhập cảng vào từ Trung Cộng thật ra chẳng khác gì một món tiền thuế tính thêm mà các công ty của Mỹ sẽ đổ lên đầu của dân chúng và các cơ sở tiểu thương ở Mỹ sẽ phải gánh chịu.

Trong chương trình này, nhà báo Chris Wallace đã cho chiếu lại một đoạn phim ngắn trong đó TT Trump phát biểu rằng nước Mỹ “có thể thu vào mỗi năm 120 tỷ Mỹ-kim từ tiền thuế quan này, phần lớn là do phía Trung Cộng sẽ phải chi trả, chứ chúng ta sẽ không phải trả. Nhiều người cứ tìm cách diễn giải theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nhưng quả thật là chi phí này cuối cùng sẽ do phía Trung Cộng chi trả.”

Và liền sau đó, ông Wallace đã chất vấn ngay vị cố vấn kinh tế cao cấp của chính quyền Trump: “Nhưng này anh Larry ơi, điều đó hoàn toàn không đúng. Không phải Trung Cộng là nước phải trả tiền thuế quan. Mà đó là những công ty của Mỹ nhập cảng hàng hoá của Tầu vào Hoa Kỳ, coi như họ phải trả thêm tiến thuế nhiều hơn, để rồi sau đó là sẽ chuyển sang cho người dân tiêu thụ của Mỹ phải lãnh đủ.

Ông Kudlow không còn cách nào khác hơn để xác nhận điều này: “Nói như vậy coi như cũng đúng. Thật ra, cả hai bên đều sẽ phải trả. Cả đôi bên đều phải trả giá cho những vụ như thế này.

Trong ngày thứ Sáu trước đó, chính quyền Trump đã tuyên bố chính sách tăng thuế quan tổng số khoảng 200 tỷ Mỹ-kim hàng hoá nhập cảng từ Trung Cộng từ 10% lên thành 25% sau khi những cuộc đàm phán thương mại giữa đôi bên trong những tháng vừa qua không đi đến kết quả tốt đẹp. Sau đó, TT Trump đã bắn ra một mẩu tin nhắn để nói rằng “Trung Cộng “đã hủy bỏ giao kèo” và muốn “tìm cách thương thuyết trở lại”.

Để phản ứng trước quyết định từ phía Hoa Kỳ, Trung Cộng cũng loan báo trong ngày thứ Hai sau đó rằng họ sẽ tăng thuế quan lên số hàng hoá của Hoa Kỳ mà phía Tầu nhập cảng vào với tổng trị giá khoảng 60 tỷ Mỹ-kim, bao gồm đủ loại sản phẩm như các cục pin và những thực phẩm như rau củ và cà-phê. Chính sách tăng thuế mới này sẽ bắt đầu được áp dụng vào ngày 1 tháng 6 sắp tới.

Trong một bài phân tích và tổng hợp đăng trên nhật báo New York Times, ba nhà báo Jeanna Smialek, Jim Tankersley và Mark Landler cũng thuật lại chi tiết về lời xác nhận của ông Larry Kudlow để cho thấy cái giá phải trả mà người dân và đất nước của đôi bên phải lãnh đủ, chứ không phải chỉ riêng có Trung Cộng, khi xảy ra một cuộc chiến, dù là chiến tranh quân sự hay thương mại.

Thật ra, nhận định của ông Kudlow cũng chẳng phải là điều gì mới lạ, vì đó cũng là nhận định chung của hầu hết các kinh tế gia trên toàn cầu dù theo bất cứ khuynh hướng nào. Nó không đơn giản như lời tuyên bố và hứa hẹn của TT Trump với khối đông cử tri vẫn còn ủng hộ ông cuồng nhiệt rằng Hoa Kỳ nhờ có sức mạnh vượt trội nên có thể mạnh tay và đơn phương quyết định, và rằng những cuộc chiến mậu dịch rất dễ thắng vì những quốc gia làm ăn với Hoa Kỳ phải gánh chịu phần lớn chi phí.

Nhưng ông Kudlow cũng nói thêm rằng một cuộc chiến mậu dịch kéo dài giữa đôi bên sẽ khiến cho nước Mỹ được lợi hơn về mặt tài chính. Do đó, cái giá phải trả cũng rất xứng đáng để cho người dân Mỹ phải chịu hy sinh trong những ngày tháng tới để từ đó có thể khiến cho phía Trung Cộng phải đối xử công bằng hơn với các công ty và hãng xưởng của Hoa Kỳ.

Sau đó, ông Kudlow đã giải thích tiếp: “Chúng ta bắt buộc phải làm điều mà chúng ta cần phải làm. Chúng ta đã phải chịu đựng những chính sách làm ăn không công bằng trong bao nhiêu năm qua; và vì thế trong nhận định của tôi, những hậu quả về kinh tế sẽ rất nhỏ để có thể đạt được sự cải thiện về mậu dịch và mở ra các thị trường mới cho Hoa Kỳ, và đó là điều đáng cho chúng ta phải cương quyết dấn thân để đạt được.”  

Đa số các thị trường trên thế giới đều trải qua những biến động phản ảnh những khó khăn sắp tới. Các thị trường cổ phiếu ở Á châu và Âu châu đều tụt giá trong ngày thứ Hai đầu tuần. Và những biến chuyển trên thị trường trao đổi trong tương lai cho thấy là thị trường Wall Street cũng tụt giá.

Các viên chức cao cấp phía Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng những cuộc thương thuyết giữa đôi bên đều mang tính xây dựng, và họ sẽ tiếp tục như vậy. Ông Kudlow còn nói thêm rằng cả hai bên có thể sẽ tiếp tục trong một cuộc họp tay đôi giữa TT Trump và lãnh tụ Xi-jinping của Trung Cộng trong kỳ họp của khối G20 tại thành phố Osaka, Nhật bản vào tháng tới. Tuy nhiên, TT Trump lại bắn ra những thông điệp không rõ rệt khi tỏ dấu hiệu rằng có thể ông sẽ hài lòng với việc duy trì biện pháp tăng thuế trong lâu dài.

Các chuyên viên nhận định rằng có lẽ TT Trump quá lạc quan về sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ nên tỏ vẻ tự tin trong quyết định leo thang cuộc chiến mậu dịch đối đầu với Trung Cộng lần này. Tuy nhiên, điều này có thể là một ván bài đánh cược có thể gây ra những hậu quả tai hại trong lâu dài tuỳ theo quyết định của TT Trump sẽ đánh mạnh đến mức nào và những thành quả hay hậu quả nào sẽ xảy ra trong những ngày tháng tới.

Đa số các chuyên gia đều cho rằng việc tăng thuế quan này sẽ không tác động xấu đến mức đẩy nền kinh tế Mỹ đi vào tình trạng suy thoái, nhưng nhiều phần là nó sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế, nhất là nếu như TT Trump quyết định “đánh tới cùng” trong trận chiến khi đe doạ là sẽ áp đặt tăng thuế quan lên tất cả mọi hàng hoá nhập cảng từ Trung Cộng. Thống kê của chính phủ Mỹ cho biết trong năm 2018 vừa qua, Hoa Kỳ đã nhập cảng số hàng hoá của Trung Cộng có trị giá lên đến khoảng 540 tỷ Mỹ-kim.

Một trong những cuộc nghiên cứu về hậu quả của cuộc chiến thương mại cho thấy là mức lợi tức của giới tiêu thụ Mỹ mỗi tháng bị tụt giảm khoảng 4.4 tỷ Mỹ-kim, xuyên qua việc tăng thuế quan khiến hàng hoá nhập cảng trở nên đắt hơn. Tính đổ đồng, có thể coi như mỗi gia đình ở Mỹ đã bị tụt giảm lợi tức khoảng $419 trong một năm. Với chính sách tăng thêm thuế quan lần này, sự tụt giảm về lợi tức có thể lên đến $800 cho mỗi gia đình.

TT Trump và các phụ tá kinh tế của ông đều nhấn mạnh rằng chính sách cứng rắn của ông cuối cùng sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế của Hoa Kỳ, xuyên qua hai diễn biến: một là buộc phía Trung Cộng sẽ phải mở rộng thị trường nội địa của mình, và hai là sẽ đối xử với các công ty và hãng xưởng của Mỹ hoạt động tại Trung Cộng một cách công bằng hơn, thay vì bị xử ép như từ trước tới nay. Hoặc một kết quả khác nữa cũng rất khả quan, đó là sẽ khuyến khích hoặc thúc đẩy các hãng xưởng phải chuyển hướng để trở về sản xuất và lắp ráp hàng hoá ngay trong nước Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định kéo dài cuộc chiến mậu dịch có thể làm đảo lộn tất cả những dự phóng đầy lạc quan về viễn tượng phát triển kinh tế mạnh mẽ như việc thuê mướn nhân viên, tăng trưởng đầu tư một cách mạnh mẽ, và có thể sẽ thay đổi những tiên đoán về tăng trưởng kinh tế đầy lạc quan trong năm 2019 có thể lên đến tỉ lệ 3.2%. Đó cũng là nhận định của ông Rob Martin một cựu trưởng toán của Ngân hàng Trung ương Mỹ và giờ đây là giám đốc điều hành của cơ quan UBS.

Ông Martin và nhiều chuyên gia cho rằng những biện pháp tăng thuế quan do TT Trump áp đặt, nếu được tiếp tục duy trì, có thể sẽ làm tăng lên rủi ro về suy thoái kinh tế. Nếu như chính sách tăng thuế quan được áp dụng lên mọi thứ hàng xuất cảng của Trung Cộng, điều này có thể dẫn đến hậu quả là mức GDP, tổng sản lượng nội địa, có thể bị tụt giảm đến 1%.

Dĩ nhiên một cuốn chiến mậu dịch kéo dài sẽ đem đến những hậu quả tai hại cho nền kinh tế của Trung Cộng. Trong 6 tháng sau cùng của năm ngoái, nền kinh tế của Trung Cộng đã tụt giảm so với trước đây, một phần vì chính sách áp đặt thuế quan của chính quyền Trump đã làm giảm niềm tin về thương mại khắp nơi. Sau đó, chính quyền Trung Cộng đã ồ ạt đổ ra hàng tỷ Mỹ-kim vào hệ thống tài chính và áp lực các ngân hàng quốc doanh hãy tiếp tục tài trợ tín dụng cho nhiều cơ sở thương mại. 

Trong lúc TT Trump tiếp tục lạc quan về những dự phóng trong tương lai, nhiều chuyên gia tài chính khác lại không có cùng quan điểm như vậy. Các chuyên gia thuộc cơ quan Tax Foundation, một viện nghiên cứu tại thủ đô Washington, trước đây đã đưa ra những dự phóng về sự tăng trưởng kinh tế to lớn từ chính sách cắt thuế do TT Trump đề nghị, giờ đây lại cho rằng những biện pháp áp đặt tăng thuế quan mà chính quyền Trump vừa mới áp đặt coi như sẽ triệt tiêu tất cả những lợi ích mà chính sách và dự luật cắt thuế thông qua từ năm 2017.

Nhiều chuyên gia tiên đoán rằng lợi tức thu về từ tiền thuế quan mới áp đặt sẽ giảm bớt dần, sau khi các công ty và hãng xưởng bắt đầu cảm thấy không thể tiếp tục chịu đựng chính sách phải trả thêm thuế quan này và sẽ chấm dứt việc nhập cảng hàng hoá từ Trung Cộng. Dĩ nhiên nhiều công ty và hãng xưởng của Trung Cộng cũng sẽ bị thiệt thòi khi các công ty khác sẽ mua hàng hoá sản xuất tại Hoa Kỳ hoặc quay qua việc tìm mua hàng hoá tại các quốc gia khác ngoài Trung Cộng, chẳng hạn như các nước Mã Lai Á hoặc Việt Nam v.v.

Một góc cạnh khác về cái giá phải trả trong một trận chiến mậu dịch mà ít người chú ý đến là nhiều nạn nhân trong giới nhà nông ở Hoa Kỳ phải lãnh đủ khi phía Trung Cộng trả đũa và tăng thuế quan trên những nông phẩm này xuất cảng sang nước Tầu, khiến giá thành trở nên quá đắt nên thương vụ đột nhiên tụt xuống đến đáy. Tại nhiều tiểu bang nhỏ có nông phẩm chiếm một tỉ lệ quan trọng trong nền kinh tế, rất nhiều các nông gia đã phải ngất ngư và lo âu từ một năm trước khi sản phẩm của họ, trước đây chỉ bán sang Trung Cộng, nhưng giờ đây không có ai chịu mua, ngoại trừ chính phủ Mỹ, xuyên qua quyết định trợ cấp để cho giới nhà nông này không phải lâm vào cảnh khốn đốn.

Vào năm ngoái, chính quyền Trump đã quyết định chi ra 12 tỷ Mỹ-kim để trợ giúp cho những nông gia vô tình trở thành nạn nhân của trận chiến mậu dịch này. Mới đây, chính quyền Trump lại loan báo một kế hoạch trợ giúp lần thứ nhì với số tiền lên đến 16 tỷ Mỹ-kim cũng để trợ giúp tiếp cho khối dân này, phải chăng vì TT Trump không muốn khối cử tri này không trở nên bất mãn vì biết rằng họ là thành phần đã ủng hộ mạnh mẽ trong kỳ bầu cử năm 2016. Nhưng nếu như món tiền (28 tỷ Mỹ-kim) trợ giúp cho khối nông dân không may này được trích từ tiền túi của TT Trump và những tỷ phú của phe Cộng Hoà thì đây là điều đáng ngưỡng mộ. Đằng này, số tiền trợ giúp đó được lấy từ ngân quỹ của Hoa Kỳ, tức là từ tiền thuế của hơn 320 triệu người dân sinh sống tại nước Mỹ, như bạn đọc và người viết bài này phải nai lưng ra trả.

Mới đây, trong một bài viết trên tạp chí Bloomberg chuyên về các đề tài thời sự kinh tế, với những biểu đồ đi kèm để giải thích rõ ràng về bảng đánh giá ai thắng ai thua (scorecard) trong trận chiến mậu dịch kỳ này, ba nhà báo Enda CurranLauren Leatherby và Alexandre Tanzi đã đi đến kết luận rằng trong lúc các cuộc đàm phán về mậu dịch đang trì trệ và hai cường quốc kinh tế đang cố trụ bảo vệ vị thế của mình, hậu quả trước mặt là một con đường dài đầy khó khăn. Kết quả hiện nay tương đối chưa rõ ràng hơn thua: Hoa Kỳ có thể đang dẫn trước trên nhiều mặt (tụt giảm mức thâm thủng mậu dịch, trị giá cổ phiếu, tụt giảm tang trưởng kinh tế) trong khi Trung Cộng cũng đang có lợi thế trên những điểm khác (giá hàng hoá tăng cao, đầu tử tư nước ngoài vào). Ngoài ra cũng phải kể đến chuyện cả hai bên đều bị thiệt hại trên nhiều điểm chung (làm giảm niềm tin của giới tiêu thụ, trận chiến về hối đoái).

Nói chung, coi như mọi người ở cả hai bên đều phải trả một cái giá nào đó (giống như lời kết luận của Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow). Kinh-tế-gia trưởng của tạp chí Bloomberg là ông Tom Orlik nhận định: “Nếu xét về mặt tăng trưởng kinh tế, chẳng có ai chiến thắng trong một cuộc trận chiến mậu dịch. Nhưng nếu xét về mặt so kè về chính trị địa dư, điều đáng chú ý là xem phía bên nào bị thiệt hại nhiều hơn. Phía Hoa Kỳ thì cho rằng Trung Cộng sẽ lãnh đủ. Nhưng phía Trung Cộng thì Hoa Kỳ (nhất là người dân Mỹ) nhiều phần là không có đủ kiên nhẫn để chịu đựng trong lâu dài.”  

 Để kết luận, các chuyên gia và nhà báo đều cho rằng không ai chối cãi rằng chính sách áp đặt thuế quan lên các hàng nhập cảng từ Trung Cộng sẽ khiến cho ngân sách của Hoa Kỳ sẽ gia tăng trong giai đoạn đầu, nhưng điều quan trọng là không phải người dân và chính quyền Trung Cộng sẽ phải đón nhận những hậu quả, nhưng chính những người dân tiêu thụ tại Hoa Kỳ mới chính là nạn nhân phải lãnh đủ, xuyên qua việc phải trả giá cao hơn vì những công ty nhập cảng hàng hoá của Tầu sẽ phải đóng thêm thuế quan này và sau đó sẽ chuyển sang cho giới tiêu thụ bằng cách tăng lên giá bán. Đó là chưa kể trong đường dài, những chính sách áp đặt thuế quan có thể sẽ làm đảo lộn tất cả những dự phóng đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế như tình trạng tốt đẹp hiện nay.

MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 18 tháng 5/2019

------------------------------

XEM THÊM

Báo Cali Today
May 31, 2019

(CNBC) – Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin và cố vấn thương mại Robert Lighthizer phản đối kế hoạch bất ngờ đánh thuế hàng hoá từ Mexico của Tổng thống Donald Trump, theo một nguồn tin thông thạo Toà Bạch Ốc.

Cũng theo nguồn tin này, ý tưởng đánh thuế Mexico do cố vấn diều hâu về di trú  Stephen Miller khởi xướng. Vai trò của Miller cũng được nguồn tin khác xác nhận.

Tổng thống Mỹ thông báo chủ trương đánh thuế Mexico vào giữa lúc ông bị các đài phát thanh bảo thủ “chọc giận” về tình trạng di dân đổ về biên giới phía Nam ngày càng đông.  Ông Trump vào tối thứ 5 lên Twitter thông báo sẽ đánh 5% thuế lên tất cả các mặt hàng nhập cảng từ Mexico, bắt đầu từ ngày 10 tháng 6, và sẽ tăng từ từ tăng lên 25% “cho đến khi nào chấm dứt nạn di dân lậu băng qua Mexico và vào quốc gia chúng ta.”

Dự đoán thuế Mexico cộng với chiến  tranh thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu đã làm thị trường chứng khoán giảm mạnh vào hôm thứ Sáu, với các chỉ số giao dịch chính của Mỹ giảm 10% vào phiên giao dịch buổi chiều.

Sự phản đối của Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đánh dấu khoảnh khắc đoàn kết hiếm hoi giữa hai viên chức chính phủ hàng đầu với hai tư tưởng kinh tế hoàn toàn khác biệt.

Chủ trương thuế của ông Trump được  thông báo vào lúc những nhân vật ủng hộ tự do thương mại nổi bật như cố vấn kinh tế Larry Kudlow và Phó Tổng thống Mike Pence không có mặt để ngăn cản. Ông  Pence hiện đang công du sang Canada, còn Kudlow vừa mới được giải phẩu.

Sự phản đối của Lighthizer được tờ Wall Street Journal loan tin đầu giờ sáng. Toà Bạch Ốc hiện chưa đưa ra lời bình luận, còn Phát ngôn nhân của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bảo rằng, Lighthizer ủng hộ chiến lược của Tổng thống.

Cố vấn kinh tế của Toà Bạch Ốc Peter Navarro trên chương trình phỏng vấn với CNBC đầu giờ sáng thứ Sáu cho hay, đe doạ đánh thuế Mexico của ông Trump nhằm đáp lại việc quốc gia láng giềng “xuất cảng” những người bất hợp pháp. “Hãy nhìn vào những gì chúng ta đang tìm cách. Đây thực sự là một bước đi sáng suốt nhằm lôi kéo sự chú ý của Mexico, buộc họ phải giúp chúng ta, vì cho đến bây giờ Mexico vẫn án binh bất động,” ông Navarro nói.

Hương Giang (Theo CNBC)


------------------------------------

Báo Cali Today
May 31, 2019

Bloomberg Lời đe dọa của TT Trump tăng thuế nhập cảng lên hàng hóa Mexico nếu chính phủ xứ này không chịu làm gì để ngăn lại dòng người di dân lậu xâm nhập Mỹ sẽ có khả năng làm rối loạn kinh tế Hoa Kỳ trước năm bầu cử 2020.

TT Trump loan báo sẽ tăng thêm 5% thuế đánh vào tất cả hàng nhập cảng từ Mexico trừ phi chính phủ Mexico có ‘biện pháp quyết định’ nhằm ngăn lại dòng người di dân đổ vào Hoa Kỳ, theo thông báo của Tòa Bạch Ốc.

Được biết tỉ lệ tăng thuế mới sẽ được áp dụng vào ngày 10 tháng 6 và tăng đều đặn cho đến ngày 1 tháng 10 lại sẽ tăng tới 25%.

Quyết định bất ngờ của chính phủ Trump làm rối loạn các thị trường tài chính thế giới vì các nhà đầu tư đang có hy vọng Quốc Hội Mỹ có thể chấp thuận thỏa thuận mậu dịch mới giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico.

TT Trump mạnh mẽ chỉ trích tình trạng di dân hỗn loạn hiện nay tại vùng biên giới phía nam nước Mỹ là hậu quả của việc lơi là an ninh của Mexico và cũng không qưên chỉ trích phía Dân Chủ về chuyện di dân.

Đồng peso của Mexico giảm ngay 3% giá trị sau các bức điện tweets của TT Trump, đồng yen của Nhật tăng giá trong lúc các tín dụng phiếu của thị trường tài chính giảm và trái phiếu trị giá 10 năm đạt mức thấp nhất từ 20 tháng qua.

Các quan sát viên cho là TT Trump đang đánh quân bài mạo hiểm cho năm 2020, vì kinh tế Hoa Kỳ là thế mạnh để vận động tranh cử của ông và giờ đây ông đang đối diện với hiểm họa kinh tế rối loạn nếu ‘thẳng tay với Mexico’

Trần Vũ













No comments: