Sunday, May 12, 2019

ĐIỂM SÁCH "HÀNH TRÌNH TỪ SÀI GÒN TỚI OTTAWA" CỦA TÁC GIẢ ALICE NGUYỄN SWANN (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
12/05/2019

“My Journey from Saigon to Ottawa” là sách của một tác giả gốc Việt vừa ra mắt độc giả ở Canada. Viết bằng tiếng Anh, cuộc hành trình của tác giả “Từ Saigon tới Ottawa” cho thấy một góc nhìn khác về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, từ quan điểm của một nhà ngoại giao từng đại diện cho Việt Nam Cộng Hoà ở Rome và ở Geneve. Hoài Hương phỏng vấn tác giả Alice Swann và nhà điểm sách David Kilgour, cựu Thượng nghị sĩ Liên Bang Canada, cũng là một nhà văn, nhà báo, và một nhà hoạt động bênh vực nhân quyền.

Alice Swann, tác giả "From Saigon to Ottawa", từng là một nhà ngoại giao thuộc Phái đoàn đại diện thường trực VNCH tại Liên Hiệp Quốc. (Courtesy photo)

Tác giả, bà Alice Nguyễn Swann, trước năm 1975 phục vụ Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà dưới quyền Đại sứ Lê Văn Lợi, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực VNCH tại Liên Hiệp Quốc. Trao đổi với VOA-Việt ngữ, tác giả chia sẻ một số chi tiết về thân thế và gia đình bà.

“Tôi lớn lên trong một gia đình có cha làm Đốc Phủ Sứ. Là một đứa trẻ may mắn được hưởng nhiều đặc quyền, tôi được hưởng một nền giáo dục Tây phương. Tôi đã được tiếp xúc với nhiều nhân vật từng nắm quyền ở Nam Việt Nam. Tôi đã chứng kiến nhiều tướng lãnh Pháp lần lượt tới Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương. Năm 1949, Pháp ký hiệp định công nhân độc lập với Hoàng đế Bảo Đại, đưa Bảo Đại vào cương vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam. Nước Pháp sau đó trở thành đồng minh của Nam Việt Nam chống lại chủ nghĩa cộng sản, nhưng vào năm 1954, các binh sĩ Pháp bị đánh bại trong trận Điện Biên Phủ.”

Nước Việt Nam chia hai, và hai miền của Việt Nam nằm dưới hai chế độ đối nghịch, một bên là Việt Nam Cộng hòa dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm, và bên kia là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hoa Kỳ trở thành đồng minh của miền Nam trong cuộc chiến chống lại cộng sản miền Bắc.

Ảnh chân dung Alice Swann

Là con gái út của Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Bá, giới chức người Việt đứng đầu bộ máy cai trị miền Nam thời Pháp thuộc, Alice Swann có cá tính mạnh mẽ, nhất quyết không chấp nhận con đường đã vạch sẵn cho đa số các cô tiểu thơ con nhà khá giả thời bấy giờ, là trau dồi công dung ngôn hạnh, lấy chồng làm lớn hay giàu có để trở thành phu nhân, Alice Swann quyết tâm thực hiện giấc mộng “sang Tây” du học, bất chấp sự chống đối của cha. May mắn cho tác giả, người anh cả tên Henri, từng du học ở Pháp, sau này trở thành một chủ ngân hàng, đã đứng về phía em gái, ông đồng ý tài trợ cho Alice đi du học, mới đầu bên Bỉ, và sau này tại các trường đại học danh giá khác của Châu Âu, nơi bà gặp nhiều nhân vật nổi tiếng, và từng chia chung phòng với em gái của Yoko Ono, cô Setsuko Ono, và đi ăn tối với công chúa Phương Mai, con của Cựu hoàng Bảo Đại.

Nhờ thông thạo ngoại ngữ, và có khả năng giao tiếp cởi mở với mọi người, Alice Swann được Đại sứ Lê Văn Lợi, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam Cộng Hoà tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) chú ý và chọn cho tập sự để sau này, có thể kế nhiệm ông trong cương vị Đại diện thường trực của miền Nam tại Liên Hiệp Quốc.

Tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà – là con đỡ đầu của cha của Alice Swann và được coi như một người trong gia đình.

Bà Swann nói với VOA-Việt ngữ:
“Cha của Dương Văn Minh và cha tôi từng là đồng nghiệp. Khi cha ông qua đời, cha tôi giúp bà quả phụ và các con của bạn ông. Cha tôi hỏi ông Minh muốn làm gì khi lớn lên? Ông ấy đáp là muốn gia nhập quân đội, lúc đó là năm 1953-54 gì đó, cha tôi bảo “được rồi, vậy thì để tôi giúp đưa vào trường võ bị ở Paris bên Pháp”. Ông Minh là người Việt Nam đầu tiên theo học tại học viện này.”

Trong những ngày cuối cùng trước khi Saigon sụp đổ, Tổng thống Dương Văn Minh phải thành lập nội các và yêu cầu Henri, người anh lớn của Alice có tên Việt Nam là Nguyễn Võ Diệu, giúp ông. Bà Swann kể:
“Tổng thống Dương Văn Minh phải chọn người vào nội các và nhờ anh tôi giúp. Henri nhận lời và trở thành Bộ trưởng Kinh tế cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà. Anh tôi ở lại SG. Sau đó người Mỹ có đề nghị đưa anh tôi và gia đình ông di tản sang Mỹ để được an toàn, nhưng anh tôi từ chối. Ông nói ‘tôi có bổn phận ở lại Việt Nam, tôi không muốn di tản.’ Thế là ông ấy vẫn sát cánh bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh. Cả hai ông đều bị bắt và bị quản thúc tại gia. Hai ông không bị giam nhưng phải ở trong nhà. Ông Dương Văn Minh ngày nào cũng phải tham gia khóa học tập về chủ nghĩa cộng sản. Riêng anh tôi, nhờ biết điều hành ngân hàng, nên sau khi ngân hàng của ông bị quốc hữu hóa, ông được phép làm việc để điều hành ngân hàng cũ của mình.”

Bà Swann cho biết là thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Dương Văn Minh là một lãnh đạo đối lập, chủ trương trung lập và tiếp xúc với Hà nội, và chính vì vậy mà trong những ngày cuối cùng, phía Hà nội tuyên bố chỉ nói chuyện với ông Minh, chứ không chấp nhận ai khác.

Theo bà thì ông Dương Văn Minh biết rõ nhiệm vụ của ông là điều đình để tránh đổ máu quân dân một cách vô ích:
“Ông ấy biết ông chỉ có nhiệm vụ đầu hàng và bàn giao miền Nam lại cho cộng sản để tránh một cuộc tắm máu. Khi ông được chọn làm Tổng thống, ông chỉ được ủy quyền để làm một công việc đó mà thôi. Và ông ấy đã làm như vậy.”

Bà cho biết cả ông Dương Văn Minh và Henri, tức ông Nguyễn Võ Diệu, được trả tự do cùng một lúc, và cả hai đã sang Pháp sống lưu vong.

Nhờ những liên hệ gia đình, và môi trường học đường và sau này nơi làm việc, , tác giả cuốn “My Journey from Saigon to Ottawa” có thể cung cấp những chi tiết rất thú vị của người trong cuộc đã từng tiếp xúc với nhiều nhân vật lịch sử, hoặc nổi tiếng. Theo lời bà kể lại thì Nam Phương hoàng hậu đã từng nhận làm mẹ đỡ đầu cho bà, dù điều này cuối cùng không thành sự thực. Rốt cuộc người đỡ đầu cho Alice khi bà cải đạo theo Công giáo là Andre Molitor, Thư ký riêng của Quốc vương Baudouin Đệ Nhất của Bỉ.

Cựu Thượng nghị sĩ Canada David Kilgour, cũng là một nhà văn và một nhà báo, nhận xét:
“Tôi đã đọc cuốn sách, và đã phát biểu tại buổi ra mắt sách ở Ottawa, đây là một cuốn sách rất hay, Alice là một người tuyệt vời. Khi đọc sách tôi vô cùng kinh ngạc và tự hỏi làm sao bà ấy có thể thực hiện những điều mà bà đã làm ở Việt Nam cũng như ở Châu Âu, và cuối cùng, ở Canada. Tôi là một fan lớn của Alice. Tôi tin rằng đây là một cuốn sách lý thú, rất đáng đọc. Alice là một nhân vật có hấp lực lớn.”

Lồng trong cuốn sách còn có một câu chuyện tình, mà Alice gọi là “mối tình lớn” của mình với một nhà ngoại giao người Đức, trước khi bà lấy chồng, người Canada, ông Julian Swann. Ông bà Swann có hai người con.

Phát biểu trong buổi ra mắt sách, tác giả nói bà viết “My Journey from Saigon to Ottawa”, “Hành trình từ Saigon tới Ottawa” vì yêu các con, và muốn để lại một kỷ niệm cho con cháu, nhưng mặt khác bà cảm thấy “có nghĩa vụ chia sẻ những gì mình biết về những câu chuyện đặc biệt liên quan tới một giai đoạn lịch sử Việt Nam”, mà một số thành viên trong gia đình bà từng đóng một vai trò quan trọng, và sau cùng vì bà muốn chia sẻ với độc giả những trải nghiệm của riêng mình, vốn khá khác biệt so với những trải nghiệm của những người cùng thời.

Trò chuyện với VOA-Việt ngữ, Alice Swann nói viết ra những trải nghiệm ấy trên giấy trắng mực đen cũng là “một hình thức trị liệu để hàn gắn những vết thương của quá khứ”.

Sách “My Journey from Saigon to Ottawa” do nhà xuất bản Westbow Press xuất bản, có trên Amazon.com







No comments: