Thursday, May 2, 2019

BẢN TIN NGÀY 2-5-2019 (Báo Tiếng Dân)




02/05/2019

Tin Biển Đông

Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, RFA đưa tin. Ngày 1/5/2019, Tân Hoa xã thông báo, Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở các vùng biển: Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông. Ở Biển Đông, lệnh cấm sẽ áp dụng tại khu vực biển phía bắc vĩ tuyến 12.

Cơ quan hải giám của Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện nghiêm ngặt lệnh cấm này 24 giờ một ngày, bất cứ vi phạm nào trong thời gian này sẽ bị xử lý ngay lập tức. Trung Quốc lấy lý do bảo vệ nguồn cá ở Biển Đông, nhưng mọi người đều hiểu bá quyền TQ muốn biến vùng biển này thành “ao nhà” của chúng.

Hai chiến hạm Úc thăm cảng Cam Ranh, theo VOA. Đại sứ quán Úc ở Hà Nội thông báo, tàu Hải quân Hoàng gia HMAS Canberra và HMAS Newcastle với thủy thủ đoàn hơn 800 người sẽ đến cảng Cam Ranh, Khánh Hòa vào ngày 7/5, trong khuôn khổ hoạt động Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2019 (IPE19) của Lực lượng Quốc phòng Úc.




Quốc tang Lê Đức Anh sẽ được tổ chức ở thành Hồ

UBND TP HCM ra thông báo Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh, báo Người Lao Động đưa tin. Quốc tang cựu Chủ tịch nước sẽ không được tổ chức ở Hà Nội, (nơi diễn ra hầu hết quốc tang của các cựu “công thần” và lãnh đạo cấp cao của chế độ), mà diễn ra ở TP HCM. Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 7 – 11 giờ ngày 3/5/2019. Lễ truy điệu bắt đầu từ 11 giờ cùng ngày, tại Hội trường Thống Nhất, số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1.

Trong khi tang lễ diễn ra, các sự kiện, chương trình nghệ thuật, thi đấu và các hoạt động vui chơi giải trí cộng đồng khác sẽ bị hoãn 2 ngày, là ngày 3 và 4/5. Ban lễ tang gồm 39 lãnh đạo, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.

UBND TP HCM còn thông báo, không mang theo vòng hoa khi đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại TP HCM, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Người dân và các đoàn đến viếng chỉ cần mang theo băng viếng tang màu đen, chữ trắng, ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do Ban tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu chuẩn bị sẵn.

Địa điểm tổ chức quốc tang lần này khiến nhiều người nghi ngờ về mục đích đằng sau. “Nhờ” dịp quốc tang, ông Trọng không những phải gấp rút tập phục hồi chức năng sau cơn tai biến, mà còn phải trải qua chuyến bay dài và một lần nữa vào miền Nam, lãnh địa của nhiều “đồng chí” vẫn đang trong tầm ngắm của chiến dịch “đốt lò”.

Nguyễn Phú Trọng đã gắn huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Lê Đức Anh năm 2013. Ảnh: TTXVN

BBC có bài: Nói về Tướng Lê Đức Anh trong quan hệ với TQ và vụ Gạc Ma 1988. Đại tá Phạm Hữu Thắng, trí thức “lề đảng” từ Viện Lịch sử Quân sự, cho rằng ông Lê Đức Anh “có vai trò đầu tiên” trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ VN – TQ sau cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2/1979: “Tôi cũng nghiên cứu Hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, thì thấy rằng ông cũng là một người có vai trò gần như đầu tiên trong việc kết nối, tạo ra bình thường hóa quan hệ đối với Trung Quốc”.


Điện, xăng và các mặt hàng tăng giá: Người dân bần cùng hóa

ANTV viết: Hệ lụy tăng giá điện, xăng dầu. Theo các chuyên gia kinh tế, chuyện giá điện, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh đang tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, vận tải… dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội của người tiêu dùng.

Biếm họa của Nhím

Zing có bài: Giá điện, xăng tăng ảnh hưởng lạm phát. Tổng cục Thống kê cho biết, 9 trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, nguyên nhân đến từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tác động làm CPI chung tăng 0,41%, cũng như giá vé tàu hỏa tăng 2,76%.

PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định: “Quyết định áp thuế bảo vệ môi trường kịch trần lên xăng dầu, xu hướng tăng trở lại của giá dầu thế giới cùng việc tăng giá điện thêm 8,36% đều xảy ra trong 3 tháng đầu năm. Những điều chỉnh này thường không tác động ngay đến tỷ lệ lạm phát của quý đó mà kéo dài thậm chí đến 1 năm và ảnh hưởng mạnh nhất sau khoảng 3-4 tháng”. Một nhận định quá lạc quan về làn sóng lạm phát đang diễn ra.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu đánh giá tác động của giá điện, có kịch bản với giá xăng dầu tăng cao, theo VOV. Đối với mặt hàng xăng dầu, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới. Đồng thời, kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm cho việc bình ổn thị trường.

Đối với giá điện, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện thời gian qua.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết: “Đậu móa, tầm phó thủ tướng mà không biết hệ quả của giá điện tăng như thế nào mà phải ‘yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng’. Theo tôi, cả đám chính phủ phụ trách kinh tế công nghệ, bắt đầu từ Nguyễn Xuân Phúc, phải đi xuống, trả ghế thủ tướng lại cho người khác. ‘Tác động của giá điện tăng’ là gì? Là chuyện mà lãnh đạo phải ‘nhìn thấy trước’. Tầm thủ tướng thì phải biết trước từ một tới ba năm. Tầm ‘chính sách quốc gia’ thì phải biết trước từ 20 năm“.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Tiền điện tăng có thực do tăng giá và dùng nhiều? Bài viết chỉ ra, rất nhiều hóa đơn tiền điện tăng bất thường trong tháng 3, tháng 4 vừa qua không phải do người dùng xài điện nhiều, mà vì cách tính bất hợp lý của EVN để “móc túi” khách hàng.

Trong bài có câu hỏi: “Tại sao khách hàng chỉ được phân bổ 11kWh cho bậc 2 (hạn mức 50kWh), 23kWh cho bậc 3 (hạn mức 100kWh) và 21kWh còn lại cho bậc 4 (hạn mức 100kWh) trong số 66kWh, trong khi hạn mức điện tiêu thụ được tính cho từng bậc khách hàng sử dụng vẫn chưa hết?”

VnExpress đưa tin: Sau lễ, giá xăng có thể tiếp tục tăng. Bộ Công Thương thông báo, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này là: xăng RON 92 có giá 80,76 Mỹ kim một thùng, RON 95 82,8 Mỹ kim một thùng, tăng 3-4% so với kỳ trước. Giá dầu đang leo thang. Cho nên, trong kỳ điều chỉnh ngày 2/5, giá xăng, dầu có thể tiếp tục tăng. Chỉ trong tháng 4 vừa qua, giá xăng đã 2 lần tăng mạnh.


Số phận của Nhà thờ Bùi Chu

BBC đặt câu hỏi: Nhà thờ Bùi Chu sẽ bị đập đi xây mới hay ‘đại tu’ ngày 13/5? Linh mục đại diện giáo phận Bùi Chu chia sẻ với BBC về kế hoạch đại tu nhà thờ, “không dỡ ra thì sao sửa được” và chương trình “theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành”.  Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo nói thêm: “Công việc của Giáo hội thì ai hiểu được thì hiểu. Một vài người không đồng tình thì có thể họ không hiểu công việc phải làm”.

Hơn 20 kiến trúc sư vừa ký vào đơn kiến nghị tạm dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu, theo báo Người Lao Động. Trong lá đơn, các kiến trúc sư cho biết, kết quả 2 ngày khảo sát cho thấy công trình nhà thờ Bùi Chu chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc. Kết cấu khung chịu lực còn tốt, bảo đảm khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm. Hiện tượng tường ngoài nhà rêu mốc vì lâu năm không được tu sửa thì có thể được khắc phục đơn giản.

Các linh mục tuyên bố sẽ tiến hành “đại tu” nhà thờ, nhưng các kiến trúc sư, sau khi đọc bản vẽ, cho rằng “đây là việc đập bỏ di sản để xây dựng công trình mới với hình thức và quy mô khác lạ di sản hiện có. Khung gỗ và bước cột hoàn toàn khác với hiện trạng công trình”.

Các vụ ấu dâm và xâm hại tình dục

Blogger Nguyễn Trang Nhung viết: Nguyễn Văn Thừa, kẻ dâm ô trẻ em chưa bị xử lý. Nạn nhân là bé N.T.T.T, 11 tuổi, ở phường Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Vụ việc có dấu hiệu chìm xuồng, không phải vì gia đình bé muốn, mà vì cơ quan điều tra và báo chí đều chưa làm đúng trách nhiệm của mình, thậm chí, còn thể hiện sự chùn bước.

Vụ việc bắt đầu từ tháng 11/2018. Bé T. và một số bé gái khác đã tham gia lớp học nhạc do ông Nguyễn Văn Thừa hướng dẫn. Từ đó cho đến đầu năm 2019, ông Thừa đã nhiều lần sờ mó vào các vùng nhạy cảm của các bé, trong đó có bé T. Gia đình đã đưa bé đi khám thì được biết màng trinh có vết rách tương đối nham nhở ở vị trí hướng 3 giờ và 9 giờ.

Lớp dạy nhạc cho trẻ của ông Nguyễn Văn Thừa (bên trái) và đơn xin cứu xét của gia đình cháu bé bị hại. Ảnh: Blogger Nguyễn Trang Nhung

Công an tỉnh Trà Vinh vừa tạm giữ nam thanh niên đưa bạn gái 12 tuổi về nhà sống như vợ chồng, báo Tiền Phong đưa tin. Ngày 1/5, công an xác nhận, đã tạm giữ hình sự đối tượng Thạch Thanh Sang, ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Tháng 4 vừa qua, Sang làm quen nạn nhân T, 12 tuổi qua mạng xã hội. Sang đưa “bạn gái” về nhà sống thử thì gia đình nạn nhân phát hiện và báo công an. Sang khai nhận đã 3 lần làm “chuyện người lớn” với T.

Báo Người Đưa Tin cập nhật vụ nữ sinh lớp 8 tố bị thầy giáo hiếp dâm đến mang thai: Lầm lì ít nói và không chịu đi học. Chị dâu của nữ sinh H.T.H cho biết: “Từ hôm xảy ra vụ việc đến nay, H. vẫn không nói năng gì, vẫn im lặng, gia đình có hỏi chuyện đến trường thì em bảo không đi học nữa, mặc dù thầy cô giáo đã đến động viên rất nhiều nhưng H. vẫn sợ”. Vẫn chưa có kết quả xét nghiệm ADN của thai nhi trong bụng bé H.

Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt giữ đối tượng dụ bé gái 15 tuổi từ Bến Tre ra Quảng Bình làm “chuyện người lớn”, theo báo Người Lao Động. Nguyễn Nhật Trường, hiện tạm trú tại TP Đồng Hới, Quảng Bình bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nạn nhân là cháu P.T.N.N, ở huyện Ba Tri, Bến Tre.

Trường khai, đã làm quen với nạn nhân thông qua mạng xã hội Facebook. Ngày 26/4, Trường vào Bến Tre thăm N rồi rủ em này đón xe khách ra Quảng Bình chơi. Tối ngày 28/4, Trường và N đã có quan hệ tình dục với nhau.

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Xử lý thế nào vụ ông lão 81 tuổi nghi đưa cô gái tâm thần vào nhà vệ sinh sàm sỡ? LS Đặng Văn Cường phân tích, vụ việc xảy ra nơi công cộng, nhiều người chứng kiến, nhưng thông tin ban đầu chỉ thể hiện là người đàn ông lớn tuổi này đưa cô gái vào nhà vệ sinh, chưa có thông tin rõ ràng về hành vi xâm hại tình dục như thế nào, hậu quả ra sao, nên công an phải lấy lời khai của thủ phạm và kiểm tra tình trạng thể chất, tinh thần của nạn nhân.


Tin môi trường

Chuyện ở TP Móng Cái, Quảng Ninh: Hàng trăm tấn hà nuôi chết bất thường, ngư dân xót lòng, theo báo Lao Động. Bài báo đưa tin, hàng trăm bè nuôi hà bị chết bất thường tại khu vực cửa sông Bắc Luân, phường Trà Cổ, khi gần đến kỳ thu hoạch. Nhiều người nuôi hà phải chịu cảnh thất thu hàng tỉ đồng.

Một người nuôi hà cho biết: “Trong khi nguyên nhân chưa được xác định thì đến nay đã có khoảng 70-80% số bè nuôi hà đã chết nên người dân không còn ra bè kiểm tra, xử lý nữa mà phó mặc cho tự nhiên”.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Người nước ngoài đến nhặt rác giúp, chủ nhà có thấy kỳ không? Theo đó, trong khi du khách nước ngoài chăm chỉ nhặt rác trên các bãi biển, điểm tham quan, hoặc giữ rác lại trong balô, túi xách chờ đến nơi có thùng rác để bỏ vào, thì nhiều người Việt vẫn quen tay tiện đâu vứt đó trên chính đất nước mình. Ở Hội An, Quảng Nam, du khách khi đến đã mất tiền du lịch, rồi còn phải tốn thêm 10 Mỹ kim để… tham gia tour dọn rác.

Báo Thanh Niên có bài: Chiêm ngưỡng Phú Quốc từ flycam, ‘sốc’ vì nước sông đen ngòm chảy ra biển. Theo đó, một người dân trong lúc ghi lại hình ảnh đảo Phú Quốc từ flycam đã “sốc” khi chứng kiến cửa sông Dương Đông đen ngòm đang đổ ra biển, gần đó là những bãi tắm có nhiều khách du lịch. Dòng nước đen lan ra hẳn ngoài cửa sông, bị sóng đánh bật lại nên chảy ra khu vực bãi tắm gần đó.  

Nước trên sông Dương Đông bị nhuộm màu đen ngòm và bốc mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: B.T.T/TN


***







No comments: