Trần C. Trí
May 24, 2019
Cũng như bao nhiêu thực thể khác trong cuộc sống,
ngôn ngữ không ngừng tiến hóa. Luật tiến hóa bao gồm sự phát sinh, sự tăng trưởng
cũng như sự đào thải.
Hoàn cảnh tự nhiên, xã hội, kinh tế, chính trị… làm
sản sinh ra nhiều từ ngữ mới, cũng như làm mất đi nhiều từ ngữ khác. Trong cuộc
chiến tranh Việt Nam, rất nhiều từ ngữ mới được ra đời.
Khi cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam
được thành lập để che mắt quốc tế (1960), một quân đội đi kèm theo tổ chức khủng
bố này cũng được hình thành. Về thực chất, đây chỉ là một tổ chức thân Cộng trá
hình, có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Cộng Sản miền Bắc. Để phân biệt, người
ta gọi lính của quân đội miền Bắc là lính Bắc Việt (hay lính Cộng Sản chính
quy) và lính của quân đội Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam là lính Việt Cộng.
Nghĩa chính của hai chữ Việt Cộng là “người Việt
theo Cộng Sản,” còn nghĩa rộng của nó đã mang thêm một ý xấu. Người quốc gia miền
Nam dùng tên gọi này với thái độ miệt thị, ghê tởm. Ngay cả chính những người Cộng
Sản cũng ghét chữ này.
Lúc miền Nam rơi vào tay Cộng Sản vào cuối Tháng Tư,
1975, người dân miền Nam thường truyền miệng với nhau mẩu chuyện vui cười như
sau: Một bà mẹ miền Nam bị buộc phải ra đứng đón đoàn quân Cộng Sản tiến vào tiếp
thu các thành phố miền Nam cùng với nhiều người khác. Bà chào hỏi một nhóm bộ đội
Bắc Việt lẫn du kích Việt Cộng và nói: “Cám ơn mấy anh lắm lắm! Nhờ mấy anh vào
giải phóng miền Nam nên từ giờ trở đi chúng tôi không còn sợ bị Việt Cộng pháo
kích hằng đêm nữa!” Chẳng biết bà mẹ này vô tình nói ra điều này hay bà chơi chữ
cho vui!
Khi chiến tranh chấm dứt, cuộc đổi đời ở miền Nam đã
cho ra đời không biết bao nhiêu là từ ngữ mới (hay du nhập từ “miền Bắc xã hội
chủ nghĩa”); nào là “vượt biên,” “học tập cải tạo,” “nghĩa vụ quân sự,” “vùng
kinh tế mới,” “tư sản mại bản,” vân vân và vân vân. Cùng lúc đó, nhiều từ ngữ
cũ cũng không còn lưu dụng như “cảnh sát quốc gia,” “tổng động viên,” “ấp chiến
lược,” “hồi chánh”…
Giữa hai thái cực đó là những từ ngữ (chiếm đa số
trong tiếng Việt) vẫn tiếp tục được dùng trong nước lẫn ngoài nước. Một trong
những chữ đó là chữ kép “Việt Cộng.” Sở dĩ chữ này vẫn còn được dùng là vì cho
đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn cần phân biệt ai là “Việt Cộng,” ai là “quốc
gia,” hay chí ít cũng là “không Việt Cộng.”
Người viết bài này, cũng như rất nhiều người khác,
đã dùng từ ngữ này từ bao lâu nay. Nhưng đến một hôm, tôi giật mình xét lại hai
chữ này. Chữ “Việt” tượng trưng cho những gì thiêng liêng nhất: Tổ tiên, tổ quốc,
văn hóa, ngôn ngữ, cả hồn thiêng sông núi nằm trong một chữ như thế. Còn chữ “Cộng,”
từ hai chữ “Cộng Sản,” là tất cả những gì trái ngược.
Về chủ nghĩa Cộng Sản, đã có biết bao nhiêu danh
nhân, nhà thơ, nhà văn, chính trị gia trên thế giới đã nói lên nhận xét của
mình. Ở đây, chúng tôi chỉ xin ghi lại một câu của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà chắc
đa số quý vị cũng đã nghe qua hay đọc thấy: “Cộng Sản là loài cỏ dại, mọc trên
hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh sôi, nẩy nở trên rác rưởi của
cuộc đời.”
Như vậy chúng ta nghĩ sao? Để một chữ thiêng liêng
như chữ “Việt” bên cạnh một chữ chỉ về một khái niệm chẳng hơn gì loài rác rưởi
như chữ “Cộng” liệu có phải là chuyện nên làm hay không? Những người mà chúng
ta gọi là “Việt Cộng” không xứng đáng làm người Việt, mà thực ra họ cũng chẳng
tha thiết chi làm người Việt. Họ chỉ có quốc tế Cộng Sản là tổ quốc và bản “Quốc
tế ca” là “quốc ca” của họ mà thôi.
Khi tôi đem ý nghĩ này nói với với một số bạn bè, có
người bảo: “Nghe anh nói thì thấy cũng có lý nhưng nếu không dùng chữ ‘Việt Cộng’
để chỉ về những người đó thì mình biết dùng chữ gì khác đây?” Tôi đáp: “Chúng
ta có thể dùng hai chữ “Cộng Sản” để chỉ về họ là đủ rồi.”
Có người lại thắc mắc: “Nhưng không chỉ ở Việt Nam mới
có Cộng Sản. Vậy làm sao biết đó là Cộng Sản ở nước nào?” Tôi lại phải đáp:
“Thường thì nội dung của câu nói có thể cho ta biết điều đó. Ví dụ như nếu tôi
nói “Buổi tưởng niệm cuộc chiến Việt-Trung 1979 ở Hà Nội đã bị công an Cộng Sản
phá rối,” chắc các bạn biết tôi nói về ai rồi phải không?”
Một bạn khác vẫn còn ra chiều suy nghĩ: “Vậy thì
mình có phải bỏ luôn chữ Trung Cộng không, theo lập luận của anh?” Tôi cười bảo:
“Người Trung Hoa không thắc mắc chuyện đó thì thôi, hà cớ gì mà chúng ta phải
nhọc trí? Chúng ta chỉ nên lo chuyện của mình, còn trên thế giới mấy nước Cộng
Sản còn lại, mình muốn gọi họ thế nào cũng được. Ở Bắc Hàn thì có Hàn Cộng, ở
Cuba thì có Cu Cộng, ở Lào thì có Lào Cộng. Khi nào họ phản đối thì hẵng hay.”
Đây chỉ là thiển ý của tôi, xin nói lên đây để chúng
ta cùng suy xét. Riêng tôi thì tôi đã bắt đầu thay thế chữ “Việt Cộng” bằng chữ
“Cộng Sản” dạo gần đây. Người Mỹ nói “Old habits die hard.” Người Việt mình thì
có vẻ “cực đoan” hơn: “Đánh chết cái nết không chừa.” Nhưng tôi quyết phải chừa
cái “nết” xấu đó. Mới đầu thì cũng khó khăn, cứ quen miệng nói chữ “Việt Cộng.”
Sau dần dần khá hơn một chút, nói đến chữ “Việt…” thì kịp ngưng, rồi đổi qua chữ
“Cộng Sản.” Bây giờ thì khá hơn nhiều rồi!
Nghĩ xa xôi về chữ “Việt Cộng” là như vậy đó. Nhưng
rồi tôi lại nghĩ xa xôi hơn nữa. Gọi những người nắm quyền bính ở Ba Đình và
tay chân của họ là Cộng Sản đã công bình chưa? Nói một cách chung nhất, Cộng Sản
xấu thật, ác thật, nhưng những người tự xưng là Cộng Sản ở Việt Nam còn tệ hơn
nữa.
Ngày nay chẳng ai trong chúng ta lại không thấy rằng
họ chỉ mượn đầu heo nấu cháo, treo đầu dê bán thịt chó, khi áp dụng chủ nghĩa Cộng
Sản vào Việt Nam. Trong thâm tâm, họ chẳng tha thiết gì đến mớ lý thuyết của
Karl Marx hay của Vladimir Lenin mà kỳ thực chẳng mấy ai trong bọn họ có đủ
trình độ thấu hiểu nổi chứ đừng nói chi đến việc áp dụng. Họ chẳng qua là những
kẻ cơ hội chủ nghĩa, đánh mùi thấy đi đôi với chủ nghĩa Cộng Sản là sự cai trị
độc tài thì hí hửng mang về nước để làm cớ cướp chính quyền.
Vốn chẳng mặn mà gì với chủ nghĩa Cộng Sản trong
thâm tâm, khi họ thấy Liên Xô cùng hàng loạt các nước Cộng Sản Đông Âu sụp đổ
vào cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, họ vội vàng trở mặt, xoay qua hình thức
kinh tế tư bản để sống còn. Để lập lờ đánh lận con đen, họ cố dựng cái xác chết
xã hội chủ nghĩa lên, tô son trát phấn cho nó và đặt một cái tên mới thật kêu
và rỗng là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Bọn người xưng danh Cộng Sản này quả thật rất sính
chơi chữ, dùng chữ nào kêu chan chát chữ ấy, nhưng họ cũng thừa hiểu rằng họ chẳng
thể lừa ai ngoài chính họ mà thôi. Kinh tế thị trường mà sánh vai với định hướng
xã hội chủ nghĩa chẳng khác nào nước lã trộn với dầu ăn, trộn hoài mà “chẳng
nên công cán gì.” Lại có một anh đầu sỏ của bọn họ chẳng hiểu vì lú lẫn hay bị
thần khẩu nhập xác phàm mà tếu táo nói “đến hết thế kỷ 21 này không biết có chủ
nghĩa xã hội hay chưa,” huống hồ là hòng “quá độ” lên đến chủ nghĩa Cộng Sản!
Những người này thật tình cũng chưa đáng gọi là Cộng Sản là vì thế.
So với những người Cộng Sản khác trong “phe xã hội
chủ nghĩa anh em” thì những người “Cộng Sản” ở Việt Nam lại càng nên xấu hổ.
Trong nước, họ thẳng tay đàn áp người dân, về đối ngoại thì họ đang muốn dâng
nước nhà cho Tàu Cộng. Những nhóm chữ như “hèn với giặc, ác với dân,” “tàu thì
lạ, sự hèn hạ thì quen” vẫn được truyền miệng từ người này sang người khác.
Trong một gia đình, tội bất hiếu là tội lớn nhất.
Còn trong một nước, tội phản quốc hay thậm chí tội bán nước là tội tày trời,
không còn tội nào nặng hơn thế nữa. Các nước Cộng Sản ngày xưa như Liên Bang Xô
Viết, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc… hay những nước Cộng Sản còn lại ngày nay, họ
không bành trướng, đi chiếm các nước khác thì thôi chứ chẳng ai thấy họ bán nước
cho bất cứ ngoại bang nào.
Chỉ riêng những người gọi là Cộng Sản ở Việt Nam thì
đang làm cái chuyện kinh thiên động địa đó. Chẳng vậy mà họ đang tính chuyện loại
bỏ môn lịch sử trong học đường. Chuyện đó cũng dễ hiểu, vì trong khi nhà cầm
quyền đang lăm le bán nước thì trong lớp học có thầy cô nào còn lòng dạ giảng dạy
cho học trò về Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc mà không phải nhắc đến những
thành ngữ như “mãi quốc cầu vinh,” “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi về giày
mả tổ” không?
Nói tóm lại, bọn người cầm quyền hiện nay ở Việt Nam
chỉ là những kẻ ăn mày dĩ vãng, bám víu vào cái nhãn hiệu Cộng Sản đã lỗi thời
và cái thây ma ở Ba Đình là những thứ đã góp phần đưa họ lên đỉnh cao quyền lực
ngày nay. Họ thậm chí không đáng được gọi là Cộng Sản.
Tôi chưa đem ý nghĩ thứ hai này ra nói với bạn bè.
Tuy nhiên, tôi có thể mường tượng ra một cuộc nói chuyện như thế, trong đó các
bạn tôi sẽ kêu lên: “Ơ hay cái nhà anh này! Hai chữ Việt Cộng anh khuyên không
nên dùng. Nay thì hai chữ Cộng Sản anh cũng muốn tẩy chay nốt. Thế thì biết
dùng chữ gì để chỉ bọn người ấy đây?”
Lúc ấy tôi sẽ cười và bảo: “Cái nhãn đúng đắn nhất
mà chúng ta có thể dán lên trán họ chẳng phải tìm đâu cho xa xôi. Hãy cứ gọi bọn
họ là ‘lũ bán nước’ là gọn hơn cả. Họ có nhiều tội với dân, với nước lắm, nhưng
kết tội bán nước cho họ là đủ lắm rồi. Cũng giống như khi kết tội một người đủ
để người đó lãnh án tử hình thì chẳng mất công hài thêm chi những tội khác.”
Vậy nhé, từ nay tôi sẽ không gọi nhóm người ở Ba
Đình và bè lũ của họ là Việt Cộng hay Cộng Sản nữa, mà chỉ gọi họ là “lũ bán nước”
thôi. (Trần C. Trí)
No comments:
Post a Comment