VOA
Tiếng Việt
11/05/2019
Đợt leo thang thuế quan mới
nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này khó
lòng đạt được một thỏa thuận cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến
thắng trong khi ông Trump dường như đang có ưu thế khi leo thang cuộc chiến
này, các chuyên gia cho biết.
Bắt đầu từ rạng sáng ngày
10/5 giờ miền đông nước Mỹ, Hoa Kỳ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ
đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả tức thì với tuyên bố họ sẽ
phản công. Đợt đánh thuế này xảy ra sau khi ông Trump gia tăng áp lực với cáo
buộc Bắc Kinh rút lại cam kết trên một số nội dung của một thỏa thuận đang hình
thành.
Để lỡ thời cơ?
“Nếu Mỹ muốn thắng để ông
Trump có thể tuyên bố chiến thắng, ông ấy phải cho thấy có sự thay đổi đáng kể
trong hành động của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, về ăn cắp trên mạng, về ép buộc
chuyển giao công nghệ,” ông Steve Okun, chuyên gia thương mại và cố vấn cao cấp
tại hãng tư vấn McLarty Associates, nói trên kênh CNBC.
“Về mặt chính trị, rất
khó để cho Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để cho mọi người nhìn thấy là
nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ,” ông nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc đang
thương thảo một thỏa thuận thương mại trong vòng vài tháng qua. Các nhà đầu tư
và các phân tích gia hy vọng rằng hai bên có thể giải quyết xung đột bằng cách
đạt được một thỏa thuận nào đó.
“Tôi nghĩ rằng cơ hội đạt
được thỏa thuận đã giảm đáng kể, và khả năng các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ
đang tăng lên,” ông Nick Marro, một chuyên gia phân tích tại tạp chí Economist,
nói trên chương trình ‘Capital Connection’ của CNBC hôm 10/5.
Ông nói rằng việc tăng
thuế này đã xóa bỏ hết những ‘thiện chí’ và ‘thời cơ tích cực’ tích lũy được
trong các cuộc gặp trước đây giữa hai nước.
Kịch bản tốt nhất đối với
cả hai bên là tiếp tục đàm phán, các phân tích gia nói, nhưng việc leo thang
thuế quan trong tuần này cũng làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể không
bao giờ đạt được thỏa thuận.
Ông Stefan Legge, một giảng
viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ, dự báo chiến
tranh thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế có thể chịu được.
Bắc Kinh thiệt nhiều hơn?
Hầu hết các phân tích gia
đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại
kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6%
trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung
Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ đang có
tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ít lo sợ
hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Trump có lập trường mạnh bạo hơn
với Trung Quốc.
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng
3,2% trong quý đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đang dao động ở mức thấp nhất
trong vòng 50 năm, và sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay
đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư cho dù niềm tin đó có được trong lúc có hy vọng
vào việc hai nước sắp đạt được thỏa thuận.
“Mỹ nhập khẩu khoảng 540
tỷ đô la hàng Trung Quốc vào năm ngoái, và xuất sang Trung Quốc 120 tỷ,” ông
Robert E Scott, nhà kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) nói với kênh Al
Jazeera. “Cả hai con số đó đều không là bao so với quy mô kinh tế Mỹ, vốn đã đạt
được 21.100 tỷ đô la trong quý đầu tiên.”
Ông Scott cũng nói rằng tỷ
lệ này của Trung Quốc lớn hơn nhiều.
“Tổng số 540 tỷ đô la
hàng xuất khẩu của họ đến Mỹ trong năm 2018 chiếm 4% của nền kinh tế 13.400 tỷ
của họ,” ông phân tích. “Nói cách khác, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn bảy
lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này.”
Do sức mạnh của đồng đô
la Mỹ, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Trung Quốc
phải hấp thụ chi phí bổ sung, Scott tin tưởng rằng tác động của chiến tranh
thương mại đối với kinh tế Mỹ là ‘nhỏ và có thể xoay sở được’.
Tuy nhiên, các chuyên gia
khác tin rằng lập trường của chính quyền Trump có lẽ không mạnh mẽ như tựa đề
các bài báo thể hiện.
“Cho đến nay, các công ty Mỹ đã hấp thụ phần lớn chi phí của thuế quan,
nhất là đối với những hàng hóa đã bị đánh thuế ở mức chỉ 10%,” ông Andrew Coflan, một nhà nghiên cứu về
Trung Quốc ở Eurasia Group, nói với Al Jazeera.
“Tuy nhiên, 25% sẽ khó khăn hơn rất nhiều để tiếp thu nếu tính đến mức
lời trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Coflan nói thêm. “Những chi phí này sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng. Điều này sẽ
dẫn đến vừa lạm phát vừa mất việc làm, hai thách thức mà chính quyền Trump đã
không phải đối mặt.”
Nhưng ngay cả khi Mỹ cảm
thấy sức nóng, Trung Quốc vẫn là bên bị tổn thương kinh tế nhiều hơn do họ dựa
nhiều hơn vào xuất khẩu và gánh nợ ngày càng tăng của họ.
Các cuộc đàm phán bế tắc
hồi tuần trước được cho là do Trung Quốc muốn thực thi các cam kết bằng quy định
hơn là bằng luật pháp mà các quy định này có thể bị chính quyền thay đổi dễ
dàng.
Ông Gary Clyde Hufbauer,
chuyên gia cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, nói rằng có khả năng
Trung Quốc trở cờ trên những cam kết trước đó của họ về trợ cấp và mở cửa ngành
nông nghiệp, nhất là ngành thịt lợn và đậu nành.
Ảnh hưởng Mỹ đến đâu?
Tuy nhiên có điều mà nhiều
chuyên gia đồng tình là cho dù Mỹ có ở trong vị trí tốt hơn Trung Quốc trong
chiến tranh thương mại thì những hậu quả của nó là không thể tránh khỏi.
“Nếu thuế quan của ông
Trump phát triển thành cuộc chiến thương mại toàn diện, tăng trưởng GDP của Mỹ
sẽ bị kéo xuống, có khả năng là 0,5% và thị trường chứng khoán thậm chí còn bị ảnh
hưởng lớn hơn nữa,” ông Hufbauer nói thêm và đề cập đến sự bất ổn của thị trường
mà bất định trong chiến tranh thương mại gây ra.
Ông Hufbauer nói thêm rằng
trong trường hợp leo thang hơn nữa, người tiêu dùng có thể thấy nhiều mặt hàng
tăng giá đáng kể, trong khi các doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại.
“Ở phía nhập khẩu của Mỹ, một loạt các mặt hàng tiêu dùng bày bán trong
các cửa hàng như Walmart và Target sẽ đắt đỏ hơn,” ông nói. “Còn ở phía xuất khẩu,
sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sẽ ứ đọng. Các hãng dịch vụ doanh nghiệp lớn như
Ngân hàng JPMorgan Chase sẽ thiệt hại và xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao
của Mỹ như máy bay và turbine sẽ giảm.”
Trong khi các cuộc đàm
phán vẫn đang tiếp diễn, một số nhà phân tích tin rằng chính quyền Trump sẽ lùi
lại ở miệng vực.
“Tôi vẫn nghĩ là họ sẽ đạt
được thỏa thuận,” ông Edward Alden, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối
ngoại, được Al Jazeera dẫn lời nói.
Thị trường chứng khoán Mỹ
muốn nhìn thấy các dấu hiệu gần đạt đến thỏa thuận, Alden nói thêm.
“Phía Trung Quốc đang bị
thiệt hại nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể duy trì được
cuộc chiến lâu dài.”
Lợi thế tái tranh cử?
Đảng Cộng hòa ủng hộ rộng
rãi việc Tổng thống Trump trấn áp hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ, thao túng thị
trường và các hàng rào thương mại khác của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ Cộng hòa đang trở nên mất kiên nhẫn và nản
lòng với thiệt hại lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump, hơn một năm sau
khi ông Trump gọi tranh chấp thương mại là ‘dễ thắng lợi’.
Sự nản lòng đó dễ thấy nhất
ở những bang nông nghiệp vốn chịu thiệt thòi nhiều nhất trước các sắc thuế trả
đũa của Trung Quốc đối với hàng nông nghiệp Mỹ và điều đó đặt ra nguy cơ cho
chiến lược tái tranh cử của ông Trump, nhất là ở các bang miền Trung Tây.
Rất nhiều nông dân đã nói
với tôi: cuộc chiến này làm tổn hại chúng tôi tạm thời, nhưng Tổng thống đang
làm đúng bởi vì anh không thể để Trung Quốc lợi dụng chúng ta trong thương mại
quốc tế,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa Chuck Grassley của bang Iowa nói trong cuộc
phỏng vấn với NPR sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế quan.
“Do đó, tôi nghĩ rằng đã
đến lúc thương thảo một thỏa thuận mạnh, có thể thực thi để nông dân và thậm
chí là những người không phải nông dân có thể có được sự chắc chắn mà họ cần,”
ông Grassley nói.
Một số Thượng nghị sỹ Cộng
hòa hôm 7/5 đã cảnh báo phó Tổng thống Mike Pence rằng sự bất lực của ông Trump
trong việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc đang gây tổn thương cho kinh tế
nông nghiệp.
“Có cảm giác rất mạnh ở
những vùng nông nghiệp rằng họ đang bị đưa ra làm con chốt thí trong toàn bộ sự
việc này,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa Pat Roberts của tiểu bang Kansas, chủ tịch Ủy
ban Nông nghiệp Thượng viện, được tờ The Hill dẫn lời cho biết.
“Tổng thống đang đi đúng
cuộc chiến,” Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway của bang Texas, một thành viên cao
cấp của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện, nói. “Lời khuyên duy nhất của tôi đối với Tổng
thống và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và những người khác là hãy giải
quyết việc này càng nhanh càng tốt bởi vì chúng ta đang chứng kiến người dân Mỹ
đang chịu đựng mỗi ngày.”
Cuộc chiến của ông Trump
với Trung Quốc diễn ra vào lúc ông đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong nhiệm kỳ
của ông và nền kinh tế khỏe mạnh – hai nhân tố giúp ông có lợi thế trong cuộc
chiến thương mại.
Cuộc chiến thương mại với
Trung Quốc được đón nhận nhiều hơn ở những bang công nghiệp như Ohio, Michigan,
Pennsylvania và Wisconsin vốn giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử
hồi năm 2016. Những bang này đóng vai trò then chốt trong chiến lược tái tranh
cử của ông.
Mặc dù Đảng Dân chủ đồng
ý rộng rãi với những chỉ trích của ông Trump nhắm vào Trung Quốc, không có khả
năng họ dành cho ông Trump sự ủng hộ trong lúc cuộc chiến thương mại gây thiệt
hại ngày càng nhiều. Nếu thương thuyết bất thành thì các ứng cử viên Tổng thống
của Đảng Dân chủ sẽ tận dụng để công kích thành tích kinh tế và khả năng thương
thuyết của ông Trump.
Dân biểu Dân chủ Tim Ryan
của bang Ohio, một ứng viên Tổng thống vào năm 2020, nói ông chia sẻ quan ngại
của ông Trump về giao thương với Trung Quốc, nhưng chỉ trích việc ông Trump thiếu
chiến lược ‘một cách nguy hiểm’.
“Điều đó làm thị trường
chao đảo, nó không đem đến sự ổn định và ông ấy không có kế hoạch nào hết. Do
đó, tôi sẽ không ủng hộ nó đâu,” ông Ryan nói.
“Một ngày bạn ủng hộ ông ấy,
bạn nghĩ rằng ông ấy nói điều gì đó có ý nghĩa, rồi một ngày sau đó ông ấy đổi
ý,” ông Ryan nói thêm.
---------------------------
Mai Vân – RFI
Đăng ngày
10-05-2019
Hoa Kỳ áp dụng, kể từ 0 giờ, (giờ Washington) ngày
10/05/2019, mức thuế mới, tăng từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỉ hàng hóa hóa
nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vòng đàm phán lần thứ 11 giữa hai nước vẫn
tiếp tục trong ngày hôm nay. Trung Quốc thông báo sẽ có những biện pháp đáp trả
riêng.
Tổng cộng có đến 5.700 loại
mặt hàng, từ hóa chất, vật liệu xây dựng, cho đến đồ nội thất và hàng điện tử…
Theo ghi nhận của hãng
tin Anh Reuters, nổi bật trong các sản phẩm bị tăng thuế là các loại modem cũng
như thiết bị kết nối và truyền mạng internet. Trị giá nhập khẩu của riêng loại
mặt hàng này thôi, cũng đã lên đến 20 tỷ đô la hàng năm.
Thuế quan 25% đã được áp
dụng trên hàng nhập Trung Quốc đúng vào lúc diễn ra hai ngày đàm phán ở
Washington giữa phái đoàn thương mại hai nước. Vào hôm qua, đại diện Thương Mại
Hoa Kỳ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin đã gặp phó thủ
tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một tiếng rưỡi đồng hồ và đã đồng ý nối lại
thương thuyết vào hôm nay, 10/05.
Tổng thống Mỹ Donald
Trump hôm qua cho biết là ông đã nhận được một “bức thư rất hay” từ chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình, kêu gọi hai bên hợp tác. Tuy nhiên, ông Trump đã lên
tiếng đả kích thái độ tiền hậu bất nhất của Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ tuyên bố
nguyên văn như sau:
Tôi đã nhận được tối qua, một bức thư rất hay từ chủ
tịch Tập Cận Bình (nói rằng) chúng ta hãy làm việc cùng nhau, xem liệu chúng ta
có thể đạt thỏa thuận hay không... Thế nhưng họ đã đàm phán lại thỏa thuận, ý
tôi muốn nói là họ đã nuốt lại rất nhiều cam kết đã đưa ra và đòi thảo luận trở
lại về những cam kết đó. Đây là một điều mà không ai làm cả.
Về phần tôi, không giống như nhiều người khác, tôi
cho rằng thuế hải quan là một công cụ rất mạnh, vì vậy, chúng ta đã áp đặt các
loại thuế mới có hiệu lực vào thứ Sáu (10/05) như đã từng làm cách nay tám
tháng. Và trong tám tháng qua, người Trung Quốc đã bắt đầu phải trả tiền cho
chúng ta, trả hàng tỷ và hàng tỷ đô la.
Do đó, điều mà chúng ta đang làm là tăng thuế lên mức
25% trên 200 tỷ đô la kể từ thứ Sáu, và sau đó chúng ta sẽ đánh thuế trên 325 tỷ
đô la hàng hóa khác ở mức 25%. Thủ tục cho việc này đã bắt đầu khỏi động vào
chiều nay, chuyện ra sao thì chúng ta sẽ thấy, nhưng trong tư cách là tổng thống
của đất nước này, tôi phải làm một cái gì đó, và chúng ta sẽ thu về nhiều tiền
hơn bao giờ hết.
Vài phút sau khi việc áp
mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, Bắc Kinh đã có phản ứng:
Thông tín viên RFI
Stéphane Lagarde giải thích từ Bắc Kinh:
« Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc về việc Mỹ tăng
thuế hải quan. Chỉ 4 phút sau khi thời hạn chót mà Washington ấn định hết hiệu
lực, Tân Hoa Xã đã chạy dòng tin khẩn trên. Ngay sau đó, các cơ quan truyền
thông chính thức khác cũng lần lượt đưa tin về việc chấm dứt 5 tháng đình chiến
thương mại.
Trên website, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo :
Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các biện pháp trả đũa,
nhưng hiện tại không cung cấp chi tiết về các sản phẩm bị nhắm đến .
Từ đầu cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã tăng thuế
đối với 5.200 sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Xuất khẩu của các nhà sản xuất sữa
của Mỹ đã bị giảm hơn 48%. Trả lời báo Hồng Kông South China Morning Post, phó
chủ tịch Hội đồng các ngành công nghiệp sữa Mỹ cho rằng quyết định tăng thuế mới
của Trung Quốc sẽ đóng chặt thêm chiếc quan tài đối với ngành này. Các nhà sản
xuất đậu nành, quả việt quất đen, vang Calif ornia, phụ tùng ô tô, pin mặt trời
cũng có chung quan ngại.
Phía Trung Quốc thì ngược lại, hiện chưa có bất kỳ
bình luận gì từ các doanh nghiệp sẽ bị tác động từ biểu thuế mới của Mỹ. Từ đầu
tuần, các cơ quan truyền thông Nhà nước đăng tải cùng một thông điệp : Giữ bình
tĩnh, mọi việc đều nằm trong vòng kiểm soát».
---------------------------------
BBC
Tiếng Việt
10 tháng 5 2019
Thương chiến:
Mỹ tăng thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa TQ
Hoa Kỳ tăng gấp đôi thuế quan lên hàng hóa trị giá
200 tỷ đôla của Trung Quốc, một sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc thương chiến
đang gây thiệt hại cho các nước.
Thuế quan lên các hàng hóa
Trung Quốc bị ảnh hưởng tăng từ 10% lên 25%, và Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa.
Trung Quốc nói rằng nước
này lấy làm "hối tiếc sâu sắc" với hành động này và sẽ phải thực hiện
"các biện pháp trả đũa cần thiết".
Mức thuế mới được đưa ra
khi các quan chức cấp cao của cả hai bên đang nỗ lực cứu vãn một thỏa thuận
thương mại tại Washington.
Chỉ mới gần đây, Hoa Kỳ
và Trung Quốc gần như đã gần như kết thúc những tháng ngày căng thương mại.
Bộ Thương mại Trung Quốc
xác nhận việc tăng thuế mới đây nhất của Hoa Kỳ trên trang web của mình.
"Hy vọng rằng phía Mỹ
và Trung Quốc sẽ hợp tác... để giải quyết các vấn đề hiện có thông qua hợp tác
và tham vấn," Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
Thuế quan là thuế do các nhà nhập khẩu trả cho hàng hóa nước ngoài, vì
vậy mức thuế 25% sẽ được trả bời các công ty Mỹ nhập hàng hóa Trung Quốc vào nước
này.
Thị trường chứng khoán
Trung Quốc tăng hôm thứ Sáu (10/5), với chỉ số Hang Seng tăng 1% và Shanghai
Composite tăng gần 2%.
Tuy nhiên, hồi đầu tuần
thị trường chứng khoán đã sụt giảm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra hiệu
tăng thuế vào hôm Chủ Nhật.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã áp
thuế quan 10% lên hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc - bao gồm cá, túi
xách, quần áo và giầy dép.
Thuế quan phải tăng vào hồi
đầu năm, nhưng việc tăng thuế đã bị trì hoãn do các cuộc đàm phán có tiến triển.
Tăng thuế sẽ tác động đến những
gì?
Thương chiến Mỹ-Trung đã
đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm qua và gây ra sự không chắc chắn
cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặc dù ông Trump đã giảm
thiểu tác động của thuế quan lên nền kinh tế Hoa Kỳ, việc tăng thuế có thể tác
động đến một số công ty và người tiêu dùng Mỹ khi các công ty có thể chịu thêm
vài chi phí, giới phân tích cho biết.
Deborah Elms, giám đốc điều
hành Trung tâm Thương mại Châu Á nói: "Đây sẽ là cú sốc lớn với nền kinh tế.
"Tất cả
các công ty Mỹ đột nhiên đối mặt với việc tăng 25% chi phí, và rồi bạn phải nhớ
rằng người Trung Quốc sẽ trả đũa."
Trong một tuyên bố, Phòng
Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết họ cam kết giúp cả hai bên tìm ra giải
pháp "bền vững".
"Mặc dù chúng tôi thất
vọng vì cuộc cạnh tranh gia tăng, tuy vậy chúng tôi ủng hộ nỗ lực tiếp theo của
cả hai bên để đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận mạnh mẽ và có thể thực
thi nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản và cốt yếu mà các nhân viên của chúng tôi
đang phải đối mặt lâu nay ở Trung Quốc."
'Leo thang nghiêm trọng' của thương chiến
Phân
tích của Karishma Vaswasni, phóng viên kinh doanh châu Á
Không có đột phá, không
có thỏa thuận - chỉ có nhiều thuế quan hơn.
Với hành động này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã giáng một đòn hiệu
quả không chỉ vào nền kinh tế Trung Quốc - như ông có lẽ đã hy vọng - mà còn
vào nền kinh tế Mỹ.
Mức thuế quan 10% trước
đây lên hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc được các nhà nhập khẩu Hoa
Kỳ chấp nhận ở một mức độ nào đó, nhưng các nhà kinh tế cho rằng thuế quan 25%
sẽ khó 'nuốt' hơn cho họ rất nhiều.
Họ gần như chắc chắn phải
tính thêm mức phí đó vào người tiêu dùng Mỹ - và điều đó có nghĩa là giá cả sẽ
tăng.
Không nghi ngờ gì nữa,
đây là sự leo thang nghiêm trọng - và cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn
nhất thế giới đã trở lại.
Điều này có nghĩa là phần
còn lại của chúng ta nên chuẩn bị cho nhiều đau khổ sắp tới.
Tăng thuế ảnh hưởng như thế
nào đến các cuộc đàm phán?
Bất chấp căng thẳng leo
thang trong tuần này, các cuộc đàm phán giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven
Mnuchin đã được tổ chức hôm thứ Năm.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc
cho biết các quan chức Mỹ đã đồng ý với phó thủ tướng tiếp tục các cuộc đàm
phán vào sáng thứ Sáu, truyền thông cho biết.
Mặc dù có những lạc quan
gia tăng về tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây, các điểm mấu chốt
vẫn tồn tại xuyên suốt.
Bao gồm những vấn đề
quanh việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, làm cách nào nhanh chóng đẩy lùi thuế quan và
làm thế nào để thực thi thỏa thuận.
Các nhà phân tích nói rằng
Trung Quốc vẫn sẵn sàng đàm phán để duy trì nền tảng đạo đức và vì họ nhận ra tầm
quan trọng của việc giải quyết thương chiến.
"Một cuộc thương chiến
sẽ có hại cho Trung Quốc, cả nền kinh tế thực và thị trường tài chính. Nó cũng
không tốt cho nền kinh tế thế giới," Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc
tế Peterson nói.
"Sẽ tốt hơn cho
Trung Quốc để đóng vai trò chính khách hòa giải hơn là một người trả đũa giận dữ."
Tại sao Mỹ và Trung Quốc bất
hòa?
Trun g Quốc là mục tiêu
thường xuyên của sự tức giận của Donald Trump, với việc tổng thống Mỹ chỉ trích
sự bất cân bằng thương mại giữa hai nước và các quy tắc sở hữu trí tuệ của
Trung Quốc, mà ông nói là gây khó khăn cho các công ty Mỹ.
Một số người ở Trung Quốc
coi cuộc thương chiến là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sự trỗi
dậy của họ, với các chính phủ phương Tây ngày càng lo lắng về ảnh hưởng gia
tăng của Trung Quốc trên thế giới.
Cả hai bên đã áp thuế
quan lên hàng hóa của nhau trị giá hàng tỷ đôla. Tình hình có thể trở nên tồi tệ
hơn, vì ông Trump cũng cảnh báo rằng ông có thể "sớm" đưa ra mức thuế
25% lên hàng hóa trị giá 325 tỷ đôla của Trung Quốc.
Không rõ chính xác điều
gì dẫn đến những hành động mới đây nhất của tổng thống Hoa Kỳ, mà dường như làm
Trung Quốc ngạc nhiên.
Trước các cuộc thảo luận,
Ông Trump đã nói Trung Quốc "phá vỡ thỏa thuận" và sẽ phải trả giá vì
điều đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho
biết cuộc tranh cãi này tạo ra "mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu".
"Như
chúng tôi đã nói trước đây, mọi người đều thua trong một cuộc xung đột thương mại
kéo dài," cơ quan đảm bảo sự ổn định tài chính toàn cầu nói trong một tuyên bố,
và kêu gọi một "giải pháp nhanh chóng".
No comments:
Post a Comment