Sunday, September 23, 2018

NGUYÊN THỦ QUỐC GIA LÀ AI? (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)



Posted on 22/09/2018

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, nhiều người đã thể hiện sự tiếc thương cũng như lòng ngưỡng mộ của mình dành cho ông.

Tuy nhiên, khi người viết vặn hỏi về chính sách và vai trò của ông Trần Đại Quang trong bộ máy nhà nước Việt Nam, cũng như lý do cho sự mến mộ của mình, rất nhiều bạn đã không trả lời được, thậm chí có dấu hiệu nhầm lẫn giữa chức danh Chủ tịch nước với Thủ tướng và Tổng Bí thư.

Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn chính xác hơn về vai trò của nguyên thủ quốc gia nói chung trên thế giới và chức danh Chủ tịch nước nói riêng tại Việt Nam.

Nguyên thủ hay “người Cha”

Tìm hiểu tư tưởng của các triết gia từ John Locke, Thomas Hobbes đến Jean-Jacques Rousseau, chúng ta biết được xã hội là một sản phẩm tiến hóa từ thế giới tự nhiên, hoang dã (state of nature) đến thế giới văn minh (state of civilization). Trong quá trình phát triển ấy, xã hội loài người chưa bao giờ thiếu vắng hình ảnh của một “người Cha” (the Father). Theo biện luận của nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud, hình ảnh người Cha trong lịch sử không chỉ có mặt cá nhân của nó, nó còn là lý tưởng đại diện chung cho gia đình, giai tầng hay quốc gia.

Theo dòng lịch sử, “người Cha” từ vị trí đứng đầu bộ tộc, người nắm chủ quyền trên vùng đất của mình, dần trở thành nhà Vua, người trị vì và đại diện cho vương quốc, thần dân của mình. Người Cha, vì vậy là biểu tượng của sự thống nhất và thịnh vượng chung của một vùng đất – một dân tộc.

Trong một nền cộng hoà, nơi chính quyền do người dân bầu ra và công dân thay thế cho thần dân, nhu cầu có một nguyên thủ quốc gia như thế vẫn còn tồn tại, nhưng có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Đối với nền cộng hòa tổng thống và các biến thể, nguyên thủ quốc gia là một phiên bản đã cải sửa của “Nhà Vua”, tức họ nắm quyền hành pháp cực lớn. Nguyên thủ quốc gia vì vậy, vừa là người đứng đầu nhà nước, vừa là người đứng đầu chính phủ. Nền cộng hòa giới hạn và kiểm soát quyền lực của vị “vua” mới này bằng cách tách quyền tư pháp và lập pháp khỏi ông ta. Tuy nhiên, cũng do quyền lực quá lớn, nguyên thủ quốc gia cũng sẽ phải được bầu đại chúng để đảm bảo tính dân chủ của nhà nước. Mô hình nhà nước Hoa Kỳ, Mexico, Brazil, Indonesia, Philippines là những ví dụ rõ nhất cho mô hình này.

Ngược lại, nguyên thủ trong các nhà nước có mô hình đại nghị như Đức (gọi là tổng thống) hay quân chủ lập hiến như Anh (nhà vua hay nữ hoàng) cũng là người đại diện quốc gia trong đối nội hay đối ngoại, nhưng thường có tính chất tượng trưng – danh nghĩa. Ví dụ, đối với Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ thực hiện những nhiệm vụ mang tính hình thức là chủ yếu như đại diện quốc gia ở nước ngoài, tuyên bố mở các kỳ họp Quốc hội hoặc làm thủ tục giải tán Quốc hội trước những kỳ bầu cử mới, v.v.

Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc nguyên thủ quốc gia chỉ là bù nhìn. Nhiều mô hình cố gắng xây dựng chế định nguyên thủ quốc gia trở nên độc lập, là rào cản cuối cùng đối với những toan tính và khủng hoảng. Nói rõ hơn, nguyên thủ quốc gia sẽ được hiến định trách nhiệm tách rời mình khỏi những đấu đá chính trị, thực hiện vai trò cân bằng hệ thống giữa các đảng phái và các nhánh quyền lực nhà nước. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ như vậy nguyên thủ mới có thể đại diện toàn thể ý nguyện của một quốc gia. Hiến pháp Việt Nam 1946 được xem là một trong những bản hiến pháp đầu tiên xây dựng nên mô hình này. Ngày nay, đại diện rõ ràng nhất của mô hình này chính là Cộng hòa Pháp sau gần năm lần thử sai các mô hình cộng hòa trên thế giới.

Nhờ vậy, nguyên thủ không cần thiết phải hành động vì lợi ích của bất kỳ đảng phái nào, có thẩm quyền ký ban hành các dự luật, có thẩm quyền lên tiếng khi nhận thấy chính phủ, quốc hội không thực hiện đúng chức trách của mình.

Chủ tịch nước Việt Nam: thấy vậy mà không phải vậy

Về mặt lý thuyết, vị trí Chủ tịch nước tại Việt Nam tách rời khỏi bộ máy quản trị quốc gia, vốn thuộc quyền của Thủ tướng. Vai trò quan trọng nhất của Chủ tịch nước là đại diện cho nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đây là lý do bạn thấy ông Trần Đại Quang xuất hiện rất nhiều trong các cuộc thăm chính thức, đón tiếp các phái đoàn ngoại giao, đón tiếp nguyên thủ quốc tế, v.v.

Tuy nhiên, do chúng ta là một mô hình cộng hòa đại nghị theo kiểu lai, nguyên thủ quốc gia được trang bị một số quyền lực mà đáng lẽ phải biến họ trở thành một thế lực chính trị trung lập khá tốt.

Một số quyền đáng chú ý của Chủ tịch nước được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam như đề nghị Ủy ban Thường vụ xem xét lại một pháp lệnh và trình ra Quốc hội cân nhắc nếu Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ vẫn không thể thống nhất. Chủ tịch nước cũng có quyền yêu cầu Quốc hội bầu lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng. Về mặt lý thuyết, Chủ tịch nước cũng là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Đáng tiếc thay, những quyền lực này không thoát khỏi cái bóng của đảng phái chính trị tại Việt Nam. Dù Hiến pháp ghi nhận rằng Chủ tịch nước được bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết 102/2015/QH13 quy định chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền trình danh sách ứng cử viên để các đại biểu Quốc hội bầu.

Danh sách ứng cử viên cho chức danh Chủ tịch nước thường chỉ có một người, được lựa chọn kỹ càng trong danh sách Uỷ viên Bộ Chính trị được quyết định trong một đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trước mỗi cuộc bầu cử Quốc hội.

Bởi vậy, mặc dù có rất nhiều quyền lực trên giấy tờ nhưng vai trò của Chủ tịch nước phần nhiều mang tính lễ nghi và hình thức. Quyền lực thực sự của Chủ tịch nước lại gắn với vai trò của ông/bà ta trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đảng và các cơ quan khác của Đảng Cộng sản Việt Nam.






No comments: