Wednesday, September 26, 2018

CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG SẼ ĐI VỀ ĐÂU? (Việt Hoàng)




25/09/2018

Có lẽ thời sự quốc tế nổi bật và mối quan tâm hàng đầu của người dân suốt thời gian qua là cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ-Trung đã không hề có dấu hiệu dừng lại mà vẫn tiếp tục leo thang sau khi Mỹ áp thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 24/09/2018 và Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa lên 60 tỉ USD hàng hóa nhập từ Mỹ.

Cuộc chiến này do tổng thống Mỹ Donald Trump châm ngòi. Lý do mà Mỹ đưa ra để thuyết phục người dân Mỹ là sự đối xử không công bằng của chính quyền Trung Quốc đối với các công ty Mỹ. Theo Mỹ thì Trung Quốc hạn chế mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa Mỹ, Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đồng thời Trung Quốc còn trợ giá cho hàng hóa xuất cảng vào Mỹ nhằm cạnh tranh không lành mạnh…

Những cáo buộc này của Mỹ là hoàn toàn có lý. Trung Quốc là một quốc gia độc tài nên họ đã cấm cửa các công ty lớn của Mỹ như Facebook, Google, Viber… nhằm bưng bít sự thật. Các sản phẩm liên quan đến văn hóa, giáo dục, tư tưởng… mang hơi hướng tự do và cởi mở cũng bị ngăn cản xuất bản và phát hành ở Trung Quốc.

Hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào Mỹ lên đến 500 tỉ USD trong khi hàng từ Mỹ nhập vào Trung Quốc là 150 tỉ USD, thâm thủng thương mại của Mỹ như vậy là 350 tỉ USD. Chúng ta đều biết thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới và là động cơ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ Trung Quốc mà các nước đồng minh của Mỹ như Đức, Nhật hay thậm chí là Việt Nam cũng đều xuất siêu vào Mỹ.

Trong giao thương thì người mua luôn có ưu thế hơn là người bán vì vậy không cần lý luận cao siêu chúng ta cũng có thể thấy được sự vượt trội và chiếm ưu thế của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Nếu giá cả hàng hóa của Trung Quốc tăng cao tại thị trường Mỹ thì chỉ cần chính quyền Mỹ mở cửa cho hàng hóa từ các quốc gia khác thay thế thì mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Hơn nữa hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, tức là dùng cũng được mà ‘nhịn’ cũng không sao trong khi hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc lại chủ yếu là nông sản thực phẩm. Đây là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của hơn 1,5 tỉ dân Trung Quốc, dù giá cao cũng phải mua, phải dùng.

Một lý do nữa khiến Trung Quốc khó lòng phản công Mỹ là nếu Trung Quốc làm căng bằng cách hạn chế hoạt động các công ty Mỹ thì họ sẽ rút ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang các thị trường mới nổi như Indonesia, Philippines… Đồng thời chính phủ Mỹ sẽ cấm các công ty Trung Quốc tiếp cận các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ.

Ngoài lý do kinh tế ra thì còn một lý do quan trọng khiến Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và nó liên quan đến sự khủng hoảng tư tưởng chính trị thế giới. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ và liên bang Xô Viết tan rã năm 1991 thì Mỹ và nhiều quốc gia dân chủ cho rằng bóng ma cộng sản đã không còn, chủ nghĩa tư bản đã toàn thắng và vì thế chỉ cần làm kinh tế là đủ. Chủ trương này bắt đầu từ tổng thống Bill Clinton với khẩu hiệu tranh cử "Kinh tế là trên hết". Kể từ đó Mỹ đã bắt tay làm ăn với các nước độc tài và sẵn sàng bỏ qua vấn đề dân chủ. Mỹ (và các nước dân chủ) hy vọng rằng với sự phát triển về kinh tế thì môi trường dân chủ tại các nước độc tài sẽ được cải thiện.

Thế nhưng trái ngược với những nhận định hời hợt đó, các nước độc tài còn lại trên thế giới, đứng đầu là Trung Quốc, nhờ bắt tay làm ăn với Mỹ và các nước dân chủ mà trở nên phát triển và hồi sinh mạnh mẽ. Khi kinh tế phát triển thì Trung Quốc lại càng có điều kiện để siết chặt dân chủ và bóp nghẹt tự do của người dân. Không chỉ thế, Trung Quốc còn đầu tư cho quốc phòng một ngân sách khổng lồ với mong muốn thay thế vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ vào năm 2025. Trung Quốc đã chiếm đóng và quân sự hóa Biển Đông nhằm kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới. Trung Quốc cũng vung tiền cho dự án khổng lồ "một vành đai, một con đường" nhằm phục vụ cho mưu đồ bá chủ thế giới của mình.

Mỹ và Phương Tây đã nhận ra sự "trỗi dậy không hòa bình" của Trung Quốc từ dưới thời Obama. Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời là nhằm mục đích bao vậy và ngăn cản sự bành trướng đó của Trung Quốc.

Trump là một tổng thống dân túy được bầu lên trong cơn giận dữ và lo lắng của một bộ phận người dân Mỹ. Với sự tiến bộ của công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và tự động hóa thì nhiều ngành nghề truyền thống sẽ cắt giảm công nhân tối đa như lắp ráp ô tô, dịch vụ tài chính, thu ngân, bán lẻ, may mặc… tóm lại là các công việc đơn giản bằng tay chân. Có ý kiến cho rằng những công nghệ mới đe dọa khoảng 40% công việc hiện tại ở Mỹ và 2/3 việc làm ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó các công ty công nghệ cao của Mỹ lại phát triển chưa từng có. Apple và Amazon đã vượt mốc 1000 tỉ USD.

Sự kiện các ngành nghề liên quan đến công nghệ cao phát triển trong khi các ngành nghề truyền thống suy thoái là lẽ tự nhiên và tất yếu. Tuy nhiên các chính trị gia truyền thống ở Mỹ và Châu Âu đã thiếu dũng cảm và sáng suốt để thảo luận một cách nghiêm túc các vấn đề và thách thức đang đặt ra. Họ đã tránh né các vấn đề hóc búa nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri. Chính điều đó đã làm gia tăng sự lo lắng và giận dữ của người dân và rồi người dân Âu-Mỹ đã trừng phạt bằng cách bỏ phiếu cho các chính trị gia dân túy.

Đặc điểm cơ bản của các chính khách dân túy là họ mị dân bằng cách đưa ra những giải pháp đơn giản cho những vấn đề hóc búa và nan giải. Tuy nhiên không thể có chuyện đó. Các chính phủ dân túy sẽ nhanh chóng thất bại, ví dụ nước Anh với Brexit. Chính phủ và người dân Anh đã nếm những trái đắng đầu tiên của Brexit. Thị trưởng London mới đây đã lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý lần hai về Brexit để ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Trump là tổng thống dân túy nên ông đã quyết định đánh vỗ mặt Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế. Sau khi áp thuế 200 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, ông còn đe dọa sẽ áp thuế tiếp 267 tỉ USD hàng hóa còn lại. Câu hỏi đặt ra là Trump có nên làm việc đó hay không ? Về lý thuyết thì không nên vì nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cảnh báo mức tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,5% và kinh tế thế giới sẽ mất đi 430 tỉ USD.

Thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, khi giá cả hàng hóa tăng lên thì sức mua (tiêu thụ) của người dân sẽ giảm xuống và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Nhiều công ty công nghệ Mỹ đã làm giàu và hưởng lợi rất nhiều từ "công xưởng thế giới" Trung Quốc, ví dụ tập đoàn Apple, toàn bộ nhà máy nằm ở Trung Quốc và không dễ một sớm một chiều có thể dọn về Mỹ hay một nơi khác.

Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ là điều chắc chắn nhưng Trump có "thỏa mãn" hay không thì chưa biết vì ông ta là một nhà lãnh đạo dân túy. Đã là dân túy thì không thể có viễn kiến. Không thể có những giải pháp dễ dàng cho những vấn đề nan giải. Thể chế chính trị theo mô hình "tổng thống chế" của Mỹ không thích hợp cho các giải pháp khó khăn, lâu dài và đau nhức vì tổng thống được bầu trực tiếp từ lá phiếu của người dân. Họ không dám làm mất lòng người dân. Các chế độ dân chủ theo mô hình "đại nghị" có thể chống đỡ được làn sóng dân túy mà Đức là một ví dụ. Bà thủ tướng Merkel dù bị chỉ trích mạnh mẽ nhưng vẫn tiếp tục tại vị thêm nhiệm kỳ thứ tư.

Điều khiến thế giới lo lắng là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài có gây ra thế chiến thứ 3 hay không ? Bài học từ chiến tranh thế giới lần 2 vẫn còn đó. Đức quốc xã trỗi dậy mạnh mẽ và đòi thay đổi trật tự thế giới do Mỹ-Anh-Pháp lãnh đạo, chiến tranh đã xảy ra khi các thỏa thuận phân chia thế giới bị bế tắc.

Có lẽ cảm nhận được sự nguy hiểm của một Trung Quốc độc tài chính trị nhưng phát triển về kinh tế mà Mỹ và các nước Phương Tây không khỏi lo lắng về một cuộc chiến bằng vũ khí nóng thay vì thương mại từ phía Trung Quốc. Bất chấp các bất đồng do Trump gây ra, các nước dân chủ, gần thì có Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, xa hơn thì có Pháp, Anh và xa hơn nữa thì có Canada... tất cả tàu chiến của các cường quốc đang ùn ùn kéo về Biển Đông mặc cho Trung Quốc ra sức phản đối. Thông điệp của các chiến hạm này cũng rất rõ ràng : Trung Quốc đừng có manh động mà gây chiến.

Một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước dân chủ chắc không xảy ra vì Trung Quốc biết rõ thực lực của mình.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm kết thúc khi Trung Quốc phải chấp nhận nhượng bộ. Tuy nhiên thế giới sẽ thay đổi sâu sắc. Trung Quốc hoặc là thay đổi về chính trị, chấp nhận các giá trị dân chủ và tự do của nhân loại hoặc là suy tàn. Trung Quốc khó có thể thay đổi, nhất là khi mọi quyền lực đều tập trung vào tay Tập Cận Bình. Đế quốc Trung Hoa sẽ suy tàn từ từ và tan rã.

Mỹ cũng sẽ thay đổi. Trump và chủ nghĩa dân túy sẽ nhanh chóng qua đi. Các chính trị gia truyền thống sẽ phải xét lại (dù đau nhức) về tư tưởng chính trị và thể chế chính trị. Các giá trị về tự do dân chủ và nhất là triết lý "hòa giải dân tộc" sẽ được tôn vinh trở lại và đó sẽ là những giá trị nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hòa bình trên toàn thế giới.
Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới mạnh mẽ hơn và nhấn chìm các thể chế độc tài còn sót lại trên thế giới.

Việt Hoàng
(25/09/2018)

--------------------------------

Đăng ngày 26-09-2018 

Ngân Hàng Phát Triển Châu Á vào hôm nay, 26/09/2018 đã lên tiếng báo động : Các nền kinh tế Châu Á, rất lệ thuộc vào xuất khẩu, có nguy cơ thấy tăng trưởng năm 2019 sụt giảm so với mức dự kiến trước đây vì cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tỷ lệ bị mất bình quân là 0,1%.

Trong báo cáo cập nhật về Triển Vọng Phát Triển Châu Á (BAD), liên quan đến 45 quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á xác nhận dự báo tăng trưởng 6% cho khu vực vào năm nay 2018, nhưng đã hạ thấp mức dự báo cho năm tới 2019, từ 5,9% xuống còn 5,8%.

Đây là mức thấp nhất từ năm 2001. Vào lúc ấy tăng trưởng Châu Á chỉ là 4,9%.

Theo ghi nhận của ông Yasuyuki Sadawa, trưởng nhóm kinh tế gia của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á : « nguy cơ sụt giảm tăng cao » do tác động của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung trên dây chuyền cung ứng trong khu vực và nguy cơ vốn đầu tư bị rút đi khỏi khu vực một cách bất ngờ trong trường hợp Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Một nguy cơ khác là khả năng nguồn tiền mặt trên trường quốc tế bị siết lại, làm tăng lãi suất vay vốn.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á dự kiến là trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu không cao, lạm phát tăng nhanh, vốn đầu tư rút bớt đi, tình trạng khó khăn trong cán cân chi thu tác động đến triển vọng kinh tế.

Trong tình hình đó, Đông Nam Á sẽ chỉ tăng trưởng là 5,1% thay vì 5,2% như đánh giá vào tháng 7 vừa qua.

Riêng đối với Việt Nam, mức tăng trưởng dự báo cho năm 2018 này đã bị rút từ 7,1% xuống còn 6,9%, một đà giảm sẽ tiếp tục qua năm 2019, với dự báo là 6,8%.

Riêng về Trung Quốc, BAD chờ đợi mức tăng trưởng 6,3% cho năm 2019, sụt 0,1 điểm so với dự báo vào tháng 7 vừa qua, còn năm nay, 2018, thì vẫn giữ mức 6,6% như đã thông báo vào tháng 7.

Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng năm nay là khoảng 6,5%, cũng như 2017, nhưng cuối cùng, vào năm ngoái tăng trưởng Trung Quốc lên 6,9%.





No comments: