Saturday, September 29, 2018

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, NGƯỜI VIẾT 'VĂN SỬ' (Trần Doãn Nho)




Trần Doãn Nho/Người Việt
September 29, 2018

Tạ Chí Đại Trường là một trong ba cây bút tài danh của vùng đất Bình Định. Hai tài danh kia là Nguyễn Mộng Giác (mất Tháng Bảy, 2012) và Võ Phiến (mất Tháng Chín, 2015).

Hình chụp năm 2012, từ trái, Đặng Thơ Thơ, Tạ Chí Đại Trường, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Doãn Nho, Phùng Nguyễn. (Hình: Trần Doãn Nho)

Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác đều viết văn, Tạ Chí Đại Trường viết sử. Anh là một người đầy “sử tính.” Nhìn đâu hay nói chuyện gì, anh cũng tìm ra một cái gì đó mang tính cách sử liệu, cần được giải thích.

Là một người bình dị, dễ tính, nhưng “bướng bỉnh,” trước sau như một, không bao giờ chịu thay đổi quan điểm của mình. Chẳng thế mà, trong lúc hầu hết những anh em đi ở tù về, thường tránh chuyện viết lách, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu, vẫn viết và gửi ra hải ngoại để xuất bản, nhất quyết bênh vực quan điểm của mình. Anh chỉ muốn đi tìm sự thật, những sự thật bị chôn vùi trong quá khứ mù tăm mà nếu không được tìm hiểu và giải thích cẩn thận, sẽ đưa sử gia đến chỗ chủ quan, sai lạc.

Viết sử, nhưng anh có một giọng văn riêng, rất riêng, khó lẫn với những nhà viết sử khác mà anh gọi là văn sử. Viết sử như văn. Đúng hơn, phải nói là anh viết sử trong tâm thế của một nhà văn. Và viết văn trong tinh thần của một người nghiên cứu sử. Cũng vì thế mà anh có tập “Những Bài Văn Sử,” gom góp một số bài “văn-văn-sử-sử” của anh.

Văn sử là gì? Anh giải thích: “Nổi bật trong văn chương là tính chất nghệ thuật, còn ở sử học là tính chất hệ thống hóa của nó. Tuy nhiên có một điểm khó tách rời văn chương và sử học: Cả hai đều phải xuất hiện qua hình thức chữ nghĩa, và nói lên điều thiết thân của con người, một nói về quá khứ và một cứ tưởng của muôn đời mà thật ra cũng chỉ là giai đoạn […]. Như vậy văn chương không chỉ nối dài lịch sử bằng hình thức của mình mà còn có tác động đẩy đưa lịch sử theo hướng mình mở ra nữa. Có vẻ như sử học bị bó trong khuôn khổ đã không làm hết nhiệm vụ.”

Như thế, có thể nói, Tạ Chí Đại Trường xem văn chương không chỉ là phương tiện mà còn góp phần làm sáng tỏ những sự kiện và nhân vật lịch sử. Nói cách khác, theo anh, văn chương là một yếu tố cần thiết trong phương pháp sử. “An Thái – Quê Hương – Niềm Hoang Tưởng” hay “Từ Nơi Sóng Vỗ Bồng Bềnh” trong tập “Những Bài Văn Sử” của anh là hai bút ký (văn xuôi) chứa đựng khá nhiều “chất” sử. Lồng sử trong văn, lồng văn trong sử.

Không biết có phải do vậy không mà nói chung, đọc anh tưởng dễ, nhưng lại không dễ. Sách và các bài viết của anh không thể đọc ngay, đọc hết một lần. Thích lắm mới đọc được. Mà có đọc thì đọc nhẩn nha, không thể vội. Chả là vì lối viết của anh, văn sử, là một tổng hợp giữa các sự kiện và lập luận chen lẫn trong những diễn đạt đầy hình tượng, văn chương, bóng bẩy.

Về sử, các sự kiện được mô tả rất chi tiết; chi tiết này kéo theo chi tiết kia, bề bộn, có đoạn, đọc thấy ngợp.

Về văn, anh viết phóng túng, ý tưởng chen chúc nhau, đa dạng. Có câu rất dài, dài một cách bất thường. Nhiều cách dùng chữ khá mới. Ví dụ: “Hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam xuất hiện trên thế giới đã gây nhiều xôn xao, trong đó có những ca tụng ngút người. […] Giống như ta đang chứng kiến một thứ lên đồng tập thể mãi đến cơn hồi tỉnh vẫn còn choáng váng miên man.”

Nhưng mặt khác, để làm sống lại những điều đã “chết,” anh sử dụng lối tả chân, cụ thể: “Lê Hoàn là một người xấu xí, mắt lé. Tính tình thấp kém, kiêu ngạo, khinh bạc, tàn bạo.” […] “Vua và sứ đi dạo trên bờ một con sông nhiều nhánh rẽ. Vua đi chân đất, lội xuống nước, câu cá. Mỗi lần cá cắn câu, vua giật được thì quần thần vỗ tay reo mừng!

Để biết qua cách viết văn sử của Tạ Chí Đại Trường, hãy thử đọc nguyên một đoạn nói về chuyện cây thuốc lá xâm nhập Việt Nam: “…Chỉ biết cây thuốc lá, mà Lê Quý Đôn biết gốc gác từ Philippines: ‘tạm-ba-cô,’ thấy ở Nam Trung Hoa, đến Đàng Ngoài qua ngã Lào (1660) được ‘quan, dân, đàn bà con gái đua nhau hút,’ khiến cho hai lần lệnh cấm 1665 không mang lại hiệu quả. Sự mê đắm đó tập trung vào một dạng đặc biệt của cây mê thảo này với tên riêng: ‘thuốc lào,’ thực sự thêm một lối giải trí ngoài rượu chè, cờ bạc bị cấm đoán, đã đem lại cho đám dân cực nhọc những giây phút quên lãng cuộc đời khốn khố. Và cho cả những người của tầng lớp quan quyền một chút ảo vọng về con đường công danh gập ghềnh, có khi đầy cay đắng với những rủi ro bất thường từ sấm sét trên cao, cùng lúc với những xung đột kèn cựa từ các đồng liêu của nhiều nguồn gốc đào tạo, thăng tiến… Các chúa Đàng Trong có vẻ cũng không từ bỏ lạc thú này vì cuối thế kỷ sau, chàng thanh niên Nguyễn Ánh, sau hồi vong gia thất thổ trở về dựng nghiệp ở Gia Định, đã có riêng một toán người đặc trách ‘hầu điếu.’”

Càng phóng túng hơn: “Tiếng khóc của người thanh niên 22 tuổi từ giã vợ con đi bắt thăm, mưu tính âm thầm trốn lính, trong đó có cả việc ăn hột bã đậu cho đi tả để qua mắt quan thầy thuốc. Cái khung cảnh bi hài nơi điền lính có người thân chen chúc ngóng cổ chầu chực bên ngoài khi bên trong trai tráng ở trần mang con số bắt thăm vẽ to tướng trên lưng,… tất cả được diễn tả hóm hỉnh trong một câu ca dao ngắn, khích động: Vàng ròng khó thể đem cân/Quan tha điền lính, xách quần chạy ra.
Chia vui với người may mắn, người ta cũng thông cảm nỗi lòng người trong quân ngũ với cuộc sống còn thua cả con chim trong lồng: Mười giờ kèn thổi tò te/Mắt anh lính tập đỏ hoe nhớ nhà.
Ám ảnh dục tình là kích động mạnh mẽ nhất của người trai đang tuổi mới lớn…”

Đoạn này trích ở trong “Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ 1861-1945,” phần mô tả cách tuyển quân của người Pháp thời thuộc địa. Sử hay ký hay tùy bút hay truyện? Không biết những nhà sử học khác nghĩ sao, riêng tôi, thêm vào một chút văn chương, những sự kiện và con số khô khan bỗng trở nên sinh động hơn, mà vẫn không làm sức mẻ sự thật.

Trong bài ký “An Thái – Quê Hương – Niềm Hoang Tưởng,” Tạ Chí Đại Trường cho biết An Thái, nơi anh em Tây Sơn trưởng thành, cũng là quê dòng trưởng của anh. “Gia phả không nói, nhưng tôi cứ mong rằng mình có một ông tổ nào đấy đã từng đi chăn trâu chăn bò với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ…”

Anh cho biết, chính tinh thần địa phương là lý do thúc đẩy anh nghiên cứu về Tây Sơn. “Tôi hãnh diện vì Tây Sơn. […] Ấy vậy mà các sử gia ưu việt của phe chiến thắng bây giờ cứ nằng nặc cho là tôi miệt thị cả một thế hệ – thế hệ Quang Trung. Trong thâm tâm, tôi muốn “yêu nhau yêu cả đường đi” nhưng mớ học vấn ít ỏi bảo tôi chớ mù quáng nhảy vào đánh hôi kẻ bại trận 200 năm trước hay hèn nhát xu phụ kẻ chiến thắng 200 năm sau. Tôi đâu có đủ khả năng làm chuyện đó?”

Tạ Chí Đại Trường định cư ở Hoa Kỳ theo diện tù nhân chính trị. Anh sống độc thân, ngụ tại nhà một người cháu ở ngay Little Saigon. Tạ Chí Đại Trường và tôi đều là những người cộng tác đều đặn cho văn học.

Những năm đầu thập niên 2000, năm nào tôi cũng qua Little Saigon, và lần nào cũng như lần nào, nhóm chúng tôi gồm có Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Mộng Giác, Lữ Quỳnh và tôi hay đi ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện linh tinh.

Sau khi anh Nguyễn Mộng Giác mất (2012), qua đó, tôi ghé chở anh đi chơi, lúc này chỉ có hai anh em. Tháng Mười Hai, 2014, tôi cùng Phùng Nguyễn ghé thăm anh. Lần này, anh bệnh nặng, đi đứng khó khăn, nhưng vẫn ăn nói hồn nhiên, vui vẻ. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Tạ Chí Đại Trường.

Cuối năm 2015, biết khó qua khỏi, anh trở về Việt Nam và mất vào ngày 24 Tháng Ba, 2016, tại Sài Gòn.

Tạ Chí Đại Trường đã xuất bản: Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam, Thần, Người và Đất Việt, Những Bài Văn Sử, Những Bài Dã Sử Việt, Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong, Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài, Thần, Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ 1861-1945. (Trần Doãn Nho)

--------------
Tham khảo:

-Tạ Chí Đại Trường: Miên man chữ nghĩa (Trần Doãn Nho).

-Những Bài Văn Sử, Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ 1861-1945, Những Bài Dã Sử Việt, Thần, Người và Đất Việt (Tạ Chí Đại Trường).

-Wikipedia tiếng Việt.






No comments: