Saturday, July 22, 2017

TẠI SAO OBAMACARE CHƯA CHẾT ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
July 21, 2017

Đảng Cộng Hòa vẫn muốn xóa bỏ đạo luật y tế ACA của Tổng Thống Obama từ lúc nó chưa ra đời. Hai năm trước, cả hai viện Quốc Hội đã thông qua một dự luật xóa bỏ hầu hết những điều khoản mới trong luật ACA này, ông Obama phải ký veto (phủ quyết). Năm ngoái, Tổng Thống Donald Trump thề quyết tâm thay thế Obamacare khi vận động tranh cử. Bây giờ “cờ đã đến tay,” ông Trump làm chủ Tòa Bạch Ốc và Cộng Hòa kiểm soát cả Quốc Hội.

Tại sao, sau sáu tháng bàn cãi ồn ào, ACA vẫn tiếp tục là luật lệ cho cả hệ thống y tế quốc gia? Tại sao ông tổng thống không buộc được những người cùng đảng bỏ phiếu xóa ACA và ban hành luật mới? Tại sao có những đại biểu không nghe lời giới lãnh đạo đảng ở Quốc Hội?

Lý do chính, là thể chế dân chủ tại nước Mỹ nó như vậy. Cử tri bỏ phiếu cho từng ứng cử viên, không bỏ phiếu cho một đảng. Các đại biểu phải theo quyền lợi của cử tri. Không cần chiều ý tất cả các cử tri trong đơn vị; nhưng phải chú ý đặc biệt đến các cử tri đã từng ủng hộ, bỏ phiếu cho mình. Đừng để cho một nhóm nào trong đám cử tri quý hóa đó thấy có một lý do để ghét bỏ mình, kỳ tới sẽ bầu cho đối thủ.

Một nguyên do khác, dễ thấy hơn, là trong bảy năm qua đảng Cộng Hòa vẫn chưa chuẩn bị sẽ làm những gì để xử vụ Obamacare khi có cơ hội. Ông tổng thống thì càng không quan tâm đến tiến trình lập pháp. Vì vậy, khi có quyền đủ để thay thế Obamacare thì họ không biết làm thế nào! Khó nhất là làm sao cho có đủ số phiếu ủng hộ ngay trong đảng mình. Vì trong nội bộ đã có những quyền lợi xung khắc, được lòng nhóm này thì lại mất phiếu nhóm khác. Không phải các nhóm bất đồng ý kiến với nhau. Khác biệt chính là những cử tri đã bỏ phiếu cho họ có những nhu cầu và quyền lợi khác nhau! Đó là đặc tính của cuộc sống dân chủ tự do! Hoan hô Dân Chủ Tự Do!

Nhưng có lẽ một nguyên nhân thực tế hơn cả, là thái độ của nhiều người Mỹ đối với Obamacare đã thay đổi. Trong bảy năm, ông Obama và đảng Dân Chủ không làm sao cho đa số dân Mỹ yêu đạo luật ACA. Bây giờ, nhờ đảng Cộng Hòa và ông Trump, bỗng nhiên nhiều người Mỹ đổi ý kiến. Khi các đại biểu Quốc Hội trở về đơn vị và thấy rất nhiều cử tri gọi điện thoại hoặc tới gặp, hoặc tụ tập để yêu cầu họ đừng bỏ phiếu cho các dự luật thay thế ACA, người ta sẽ phải tính toán. Và họ cũng biết sử dụng kết quả các cuộc nghiên cứu dư luận.

Các dự luật thay thế ở cả hai viện đều nhắm chấm dứt, hoặc ít nhất giảm bớt triệt để, vai trò của nhà nước trong hệ thống bảo hiểm y tế. Khi ACA bắt buộc ai cũng phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt tiền, rất nhiều người oán ghét. ACA còn buộc các hãng bảo hiểm không được bán thứ “bảo hiểm nhẹ,” mà phải bảo đảm trả tiền cho một số các dịch vụ y tế tối thiểu – giống như bán xe hơi thì phải có đủ cả… bốn bánh xe vậy. Nhưng hai điều trong đạo luật Obama cho phép nhà nước gây ảnh hưởng lớn nhất, một, mở rộng chương trình Medicaid (Medical ở California); và, hai, chính phủ trợ cấp cho những người mua bảo hiểm lấy (không mua chung ở sở làm) nếu họ không đủ tiền. Nhiều người Mỹ vốn ghét chuyện chính phủ nhúng tay vào việc kinh doanh (và họ coi y tế là một hoạt động kinh doanh). Họ càng ghét cay ghét đắng vì các luật lệ trên nếu thi hành sẽ tốn tiền! Khi chính phủ muốn giúp người nghèo và trợ cấp người trung lưu cho ai cũng có bảo hiểm, thì tất nhiên cần đến tiền. Tiền ở đâu ra? Tăng thuế.

Một điều bất ngờ cho cả hai đảng chính trị Mỹ là thái độ của dân Mỹ đã thay đổi. Năm ngoái có 51% dân Mỹ nghĩ rằng chính phủ có trách nhiệm làm sao tất cả mọi người được bảo hiểm y tế. Năm nay, số người nghĩ như vậy tăng lên thành 60%, cao nhất trong mười năm nay. Các cử tri Cộng Hòa cũng thay đổi ý kiến. Trong số những người lợi tức dưới $30,000 một năm, năm ngoái có 31% đồng ý về trách nhiệm của chính phủ, năm nay hơn một nửa (52%) nghĩ như vậy. Những người lợi tức từ $30,000 tới $75,000 thay đổi thái độ mạnh hơn: Năm ngoái chỉ có 14% chấp nhận ý kiến về trách nhiệm của chính phủ; năm nay tỷ lệ lên tới 34%. Đặc biệt, từ Tháng Giêng năm 2017 đến Tháng Bảy, số người ủng hộ chương trình Medicaid (Medical) đã tăng thêm 10%, lên tới 53%.

Nhiều nghị sĩ Cộng Hòa không đồng ý dự luật của đảng ở Thượng Viện đều nêu lý do chính là lo dân sẽ mất bảo hiểm. Dự luật mà Hạ Viện thông qua có thể khiến 20 triệu người mất bảo hiểm. Dự luật của Thượng Viện cũng vậy. Nếu chỉ xóa sạch đạo luật ACA mà không có gì thay thế, tức là trở lại hệ thống y tế thời 2010, thì sẽ có thêm hơn 30 triệu người mất bảo hiểm.

Không một nghị sĩ hay dân biểu nào muốn phải đối diện với các cử tri mất bảo hiểm trong cuộc bầu cử sắp tới, nếu họ bỏ phiếu chấp nhận. Không một đại biểu Quốc Hội nào muốn bị mang tiếng bớt thuế cho người giầu và cắt bảo hiểm y tế của người nghèo!

Cuộc bàn cãi về xóa bỏ và thay thế ACA, Obamacare, khiến cho cả nước Mỹ đối diện với một câu hỏi mà có khi họ quên lãng vì không mật thiết liên hệ đến đời sống của mình. Nên làm gì để tăng số người được bảo đảm có quyền đi bác sĩ, đến nhà thương chữa bệnh hay không? Bảo hiểm y tế là một ưu đãi, giống như khi mua và làm chủ xe hơi, hay là một thứ quyền công dân, ai cũng phải được hưởng?

Một người Mỹ da trắng, 58 tuổi, đã thay đổi ý kiến, ông Jeff Brahin ở Pensylvania, cho biết xưa nay ông vẫn chống Đạo Luật ACA, nhưng bây giờ lại chống dự luật thay thế nó. Lý do: Chúng ta không thể cướp đi bảo hiểm y tế của 20 triệu người! Làm thế là không phải! Một bà khác nói: Tôi nghĩ, để cho có người không được bảo hiểm y tế là tội lỗi! Không có bảo hiểm nó kinh hoàng lắm! Nếu bệnh chưa giết anh, mối lo cũng đủ giết anh rồi. Ông Patrick Murphy, một chủ tiệm bánh chỉ có mươi nhân viên nhưng vẫn lo cho họ có bảo hiểm, nói rằng trước đây ông chống Obamacare kịch liệt, không nhớ vì lý do cụ thể nào ngoài vấn đề ngân sách tốn kém, và một ý kiến là “Đảng Dân chủ nhét nó vào cổ họng chúng ta!” Nhưng bây giờ thì ông nghĩ người Mỹ nào cũng phải được bảo hiểm về y tế.

Quả thật, dân Mỹ đã thay đổi. Họ không chấp nhận để có người chung quanh mình không có tiền mua bảo hiểm y tế mà đành phải chịu, suốt đời. Họ không chấp nhận có những người đang được bảo hiểm rồi mai mốt sẽ mất (20, 30 triệu người). Riêng mối lo đó cũng đủ sinh bệnh rồi!

Một thế kỷ trước đây, dân chúng Mỹ cũng trải qua những biến chuyển tâm lý như vậy. Đầu thế kỷ 20, chuyện hưu bổng là một vấn đề cá nhân. Mạnh ai nấy lo để dành tiền mà sống lúc về già. Tự mình tiết kiệm, hoặc tiết kiệm chung, qua chỗ mình làm việc. Nhưng là đó là trách nhiệm cá nhân.

Trong thập niên 1930, đạo luật thiết lập Quỹ Hưu Bổng (Social Security) chung do chính phủ phụ trách đã thay đổi tất cả. Bây giờ bất cứ ai làm việc và đóng thuế đủ thời gian tương đương với 10 năm trong đời đều được rút tiền từ quỹ hưu bổng công lập. Đây không phải là một ân huệ, mà là một quyền. Không một chính trị gia nào dám xóa bỏ cái quyền đó. Quỹ Y Tế Cho Người Về Hưu (Medicare) trong thập niên 1960 cũng vậy. Quỹ y tế giúp người nghèo cũng vậy. Bây giờ đa số dân Mỹ thấy đó là cách sống bình thường, tự nhiên. Đạo Luật Obama giảm được 10 đến 20 triệu người không bảo hiểm, nhờ cho thêm một số người được hưởng Medicaid, và trợ cấp cho giới trung lưu tự mua lấy bảo hiểm. Bây giờ nhiều người Mỹ đã thay đổi thái độ đối với vai trò của chính phủ trong hệ thống y tế.








No comments: