Monday, July 31, 2017

OBAMACARE SẼ NỔ TAN TÀNH KHÔNG ? (Người Việt Online)




July 30, 2017

WASHINGTON, DC (NV)  Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Bảy đe dọa sẽ chấm dứt việc trả tiền bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm nếu Quốc Hội không thông qua một đạo luật y tế mới và yêu cầu họ không từ bỏ nỗ lực có từ bảy năm nay nhằm hủy bỏ và thay thế Obamacare.

Qua Twitter hôm Thứ Bảy, ông Trump cho hay “nếu một đạo luật y tế không nhanh chóng được chấp thuận, việc trợ giúp tài chánh cho các công ty bảo hiểm và các thành viên Quốc Hội sẽ sớm chấm dứt.”

Bản tweet được gửi ra một ngày sau khi Thượng Viện do phía Cộng Hòa kiểm soát không huy động được đủ số phiếu để hủy bỏ một số điều khoản trong Obamacare.

Phần đầu bản tweet của ông Trump có vẻ muốn nói tới số tiền $8 tỷ là tiền chính phủ Mỹ bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm khi họ cung cấp dịch vụ cho người dân Mỹ có lợi tức thấp.

Phần thứ nhì có vẻ là lời đe dọa chấm dứt việc đóng góp của chủ nhân (chính phủ Mỹ), trả tiền bảo hiểm cho các thành viên Quốc Hội và nhân viên của họ, vốn được chuyển từ chương trình bảo hiểm y tế bình thường cho nhân viên chính phủ liên bang sang Obamacare năm 2010.

Tổng Thống Trump trước đây từng đe dọa sẽ ngưng việc trả tiền bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm, vốn là trách nhiệm của Bộ Y Tế.

Hồi Tháng Tư, ông nói sẽ chấm dứt trả tiền nếu phía Dân Chủ không chịu thương thuyết về dự luật y tế.

Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) trưởng khối thiểu số tại Thượng Viện, khi đáp trả bản tweet hôm Thứ Bảy của ông Trump, nói rằng nếu Tổng Thống Trump làm điều đó thì chi phí bảo hiểm sẽ tăng và nhiều triệu người dân Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để có bảo hiểm, theo như nhận định của các chuyên gia bảo hiểm.

Ông Trump sau đó kêu gọi Thượng Viện hãy có thêm nỗ lực bỏ phiếu cho một dự luật y tế trước khi tạm ngưng khóa họp và trở về địa phương đầu Tháng Tám này.

Nhiều công ty bảo hiểm đang chờ đợi câu trả lời, từ Tổng Thống Trump hay Quốc Hội Mỹ, là sẽ có tiếp tục tài trợ bảo hiểm hay không.

Nếu không có lời xác định, họ dự trù sẽ tăng tiền bảo hiểm thêm 16% vào hạn định 16 Tháng Tám tới đây. (V.Giang)

----------------------------------------------------------

July 29, 2017

Sau khi kế hoạch thay thế Obamacare tại Thượng Viện gặp thất bại lần chót, đạo luật ACA của ông Obama tiếp tục được thi hành. Tổng Thống Donald Trump dọa: “Cứ để đó, cho Obamacare tự nó nổ tan thành!” (let Obamacare implode), như ông vẫn nói từ trước. Liệu điều này có xẩy ra không? Nếu có, bao giờ sẽ xẩy ra và ai sẽ bị thiệt hại?

Nhưng khi nói “Obamacare nổ tan thành” thì câu đó có nghĩa gì?

Ðừng lo, không phải tất cả mọi người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế. Trước hết, những người đang có bảo hiểm y tế qua sở làm sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp. Những người đang được chính phủ bảo hiểm, trong các chương trình Medicare (cho người về hưu) hay Medicaid (gồm cả Medical, cho người nghèo) cũng vậy. Số những người này đông lắm.

Chương trình Medicaid cung cấp bảo hiểm cho 75 triệu người Mỹ, một phần năm dân số. Medicare bảo hiểm hơn 55 triệu, khoảng 14%. Thành phần đông nhất, gần 49% là những người mua bảo hiểm chung, trong sở làm. Quân đội và cựu quân nhân có bảo hiểm tốt, chiếm 2%. Tất cả những người trên đây không phải lo chuyện Obamacare bùng nổ.

Thành phần bị ảnh hưởng mạnh nhất là những người tự mua lấy bảo hiểm, trên những “thị trường” (exchanges) cá nhân do luật Obamacare thiết lập. Chỉ có khoảng 7% dân Mỹ tự mua lấy bảo hiểm cá nhân, trong đó 10 triệu đã mua qua các “thị trường” của Obamacare kể từ khi áp dụng năm 2014. Các hãng tham gia bán bảo hiểm trong các thị trường cá nhân này “mặc cả” và “cạnh tranh” với nhau để thu hút thân chủ. Nếu họ phải tính giá đắt quá vì có thế mới kiếm lời, người ta sẽ không ai mua. Nhưng nếu không thấy có lời, chính họ sẽ rút ra ngoài không bán nữa. Những người mất bảo hiểm sẽ bơ vơ, không mua ở đâu được bảo hiểm với giá phải chăng.

Ðó là hiện tượng “Obamacare nổ tan tành tự bên trong” mà Tổng Thống Trump tiên đoán.
Vụ nổ sẽ ảnh hưởng trên những người tự mua lấy bảo hiểm cá nhân. Nhiều chính trị gia Cộng Hòa đã tiên đoán hiện tượng này trước ông Trump, khi thấy các công ty bảo hiểm tăng giá khiến nhiều người không thể mua nổi.

Tại sao họ phải tăng giá?

Từ năm 2014 khi bắt đầu áp dụng Obamacare, các hãng bảo hiểm phải tính mức độ bệnh tật trung bình của các thân chủ, từ đó họ tính ra chi phí thầy thuốc, rồi tính một giá bán bảo hiểm sao cho có lời.

Trong hai năm đầu, họ đã tính sai. Vì trong những người mua bảo hiểm (nhiều người mới đi mua lần đầu vì bị bắt buộc, theo luật của Obama), tỷ số người bị bệnh cao hơn nhiều so với cách người bán tính toán. Khi làm tính, các hãng bảo hiểm nghĩ rằng tỷ số người bệnh cũng ngang bằng tỷ số trong dân Mỹ nói chung. Nhưng khi vào thực tế họ mới thấy khác; trong đám thân chủ mới này tỷ số người bệnh cao hơn bình thường. Nghĩa là bảo hiểm cho họ tốn kém hơn nhiều! Do đó phải tăng giá bán bảo hiểm. Tại sao những thân chủ mới này bệnh nhiều như vậy? Có lẽ vì trước kia họ chưa bao giờ được săn sóc sức khỏe, do không có bảo hiểm y tế; nhiều thứ bệnh đã tích tụ, mà họ không biết mình đang bệnh! Giá bảo hiểm vì thế phải tăng lên.

Tình trạng trên khiến nhiều người tiên đoán các thị trường do Obamacare lập ra có thể sẽ tan rã khi các hãng bảo hiểm tăng giá, và nhiều cá nhân sẽ không thể mua được bảo hiểm, dù có trợ cấp của chính phủ.

Nhưng tình trạng tan rã có thể xảy ra nhanh hơn, nếu chính phủ không sốt sắng tiếp tục thi hành đạo luật Obamacare. Hiện nay mỗi tháng chính phủ Mỹ trả 600 triệu cho các công ty bảo hiểm để trợ cấp những người nghèo và trung lưu tự mua bảo hiểm lấy. Chính phủ có thể trì hoãn việc trả tiền trợ cấp này, hoặc ngưng trả một thời gian dài. Các công ty bảo hiểm vì lỗ lã sẽ rút ra khỏi thị trường. Cuối Tháng Tám này là kỳ hạn chính phủ Mỹ sẽ trả tiền. Chúng ta có thể chờ coi chuyện gì sẽ xẩy ra.

Chính phủ cũng có thể lơ là không thi hành điều luật bắt mọi người dân Mỹ phải có bảo hiểm. Thấy trốn được, mà không thấy IRS hỏi tội, những người tự coi mình là khỏe mạnh sẽ bỏ luôn không mua bảo hiểm nữa. Chỉ còn những người già hoặc bệnh đi mua bảo hiểm. Khi đó, các hãng bảo hiểm cũng sẽ phải tăng giá, làm nhiều người khác phải rút lui. Thị trường bảo hiểm sẽ nổ tan tành!

Hiện nay, nhiều hãng bảo hiểm đã rút ra khỏi thị trường cá nhân ở một số quận hạt trên toàn quốc. Có 38 quận, với dân số khoảng 25,000 người, chỉ còn một hãng bảo hiểm. Các quận đó nằm ở tiểu bang Nevada, Indiana, Ohio, các tiểu bang miền Nam và Alaska. Ðó là những vùng nông thôn, dân cư thưa thớt, ít bác sĩ và bệnh viện, cho nên chi phí y tế rất cao. Ðặc biệt, đó cũng là những vùng cử tri thường ủng hộ đảng Cộng Hòa! Vì vậy, nhiều nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa lo lắng không muốn cho thị trường sụp đổ và họ sẽ yêu cầu chính phủ phải tiếp tục trợ cấp!

Ðó là một lý do khiến chúng ta không lo ngại chính phủ Mỹ và Quốc Hội sẽ để cho tình trạng thị trường tự nổ tan và sụp đổ.

Hơn nữa, có nhiều dấu hiệu cho thấy các hãng bảo hiểm không quá lo sợ đến nỗi từ bỏ không bán bảo hiểm trên các thị trường cá nhân. Nếu thấy có lời, họ không bao giờ bỏ.

Theo một cuộc nghiên cứu của Bloomberg News thì trong hầu hết nước Mỹ những người tự mua bảo hiểm vẫn có thể chọn giữa nhiều công ty cung cấp bán bảo hiểm. Một công ty lớn nhất tham dự các thị trường cá nhân theo luật Obama là Centene Corp., trong ngày Thứ Ba tuần qua đã cho biết họ kiếm lời nhiều hơn dự đoán. Công ty khác là Anthem Inc thì vẫn lỗ nhưng trong quý thứ nhì năm nay số tiền lời đã tăng lên hơn dự đoán nhiều.

Cuối cùng, thị trường còn ổn định hay sẽ nổ tan tành như Tổng Thống Trump tiên đoán tùy thuộc phần lớn vào hành động của chính phủ Mỹ. Nếu chính phủ thả lỏng không phạt những người không mua bảo hiểm; nếu chính phủ chậm chạp không trả tiền cho các hãng bảo hiểm, thì có thể thị trường sẽ nổ tan tành cuối năm nay đến năm tới. Nếu chính phủ vẫn tiếp tục thi hành nghiêm chỉnh đạo luật hiện hành, thì nguy cơ đó có thể tránh trước.

Chúng ta không quên rằng chỉ có 7% dân Mỹ tự mua bảo hiểm lấy, cho nên nếu thị trường đó nổ tan tành thì số người bị ảnh hưởng cũng chỉ trên 10 triệu. Nhưng chắc chắn Quốc Hội Mỹ sẽ phải can thiệp trước để ngăn cản nếu thấy có nguy cơ cả chục triệu người mất bảo hiểm y tế khi thị trường sụp đổ. Vì cuối năm 2018 dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu. Nếu trong số 10 triệu người đó có 10 ngàn, 20 ngàn ở trong đơn vị họ, thì họ sẽ phải lo bảo vệ cử tri của mình! (DT)







No comments: