Friday, March 18, 2016

VIỆT NAM TỤT HẬU LÀ DO LÃNH ĐẠO, NHƯNG GIỚI TRÍ THỨC CHỊU TRÁCH NHIỆM MỘT PHẦN KHÔNG NHỎ (FB Trương Nhân Tuấn)






Nếu có tầm nhìn thì VN đã không mỗi ngày một tụt hậu như hôm nay. Trách nhiệm là do lãnh đạo, nhưng một phần không nhỏ là do những nhà "khoa học" và "trí thức".

Một thí dụ đơn giản, Hà Nội, Sài Gòn... cũng như nhiều tỉnh thành khác. Khoảng mười năm trở lại đây, hễ mùa mưa đến là ngập lụt. "Hà Nội mùa này nước cũng như sông". Sài Gòn cũng vậy, không kém.

Nguyên nhân do trời hay do người ? Và đâu là "giải pháp"?

Cả chục năm rồi, mưa xuống là lụt, người dân dài cổ chờ "giải pháp".

Người ta cần giải pháp chớ không cần nghe "lý thuyết".

Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang khóc ròng, lớp khóc vì mất mùa, ruộng lúa cháy khô. Lớp khóc vì tiền tỉ nuôi con hàu, con tôm, con cua... tiêu tan thành mây khói. Mà một phần lớn dân nghèo khác khóc đến chảy máu mắt, vì giá nước ngọt trở nên đắt đỏ.

Người dân cần "giải pháp" chớ không cần nghe "khoa học gia" dạy bảo phải trồng cây gì, nuôi con gì.

Ý kiến của những "khoa học gia" VN, trên "lý thuyết" đều rất hay. Vấn đề là "trái mùa".

Chuyện nhiễm mặn, chuyện trái đất hâm nóng và thay đổi thời tiết, chuyện các nước xây dựng đập ở thượng nguồn sông Cửu Long, cũng như chuyện lụt lội mùa mưa ở Hà Nội, Sài Gòn... người ta đã biết trước hàng chục năm rồi. Người ta cần giải pháp. Người ta mõi cổ chờ mà giải pháp không thấy.

Hôm qua tôi đã viết, nếu có tâm và có tầm, thì trước tiên người ta đào tạo "vốn con người". Đài Loan, Đại Hàn là hai nước có điểm tương đồng với VN, sau độc lập, kinh tế đặt nền tảng lên nông nghiệp. Hai nước này "hiện đại hóa, công nghiệp hóa" đất nước thành công, từ thập niên 70, 80. Đóng góp của nông nghiệp cho GDP từ 40%, chiếm 70% dân số, xuống còn khoảng 3% và không tới 10% dân số. Còn Việt Nam, bốn thế hệ đã qua là bốn đời nông dân tiếp bước. Dân số sống về nông nghiệp, đặc biệt ở miền nam (lục tỉnh), vẫn không thay đổi với thời gian, lên trên 80%.

Nếu có "tầm", lý ra VN đã phải kiểm soát các đập nước ở thượng nguồn. Bởi vì VN không thể ngăn cấm các nước khác xây đập. Vì vậy, để không bị lệ thuộc, VN phải "kiểm soát" được các đập, bằng cách "đầu tư" xây dựng. VN không "nắm" được, vì thế sinh mạng ĐBSCL nằm trong tay các nước thượng nguồn.

Và nếu có tâm và có tầm, hạ tầng cơ sở (hệ thống điện, nước, đường xá, cầu cống, trường ốc...) lý ra cũng phải được xây dựng từ lâu. "Hệ thống nước uống" của nông dân vẫn là những lu nước bên hè (như trăm năm trước). Đường xá nhiều nơi vẫn là chèo xuồng... Nếu hệ thống giếng nước ngọt (miễn phí) dưới thời (chó đẻ) Mỹ, Diệm, Thiệu, Kỳ... được tiếp tục xây dựng thì dân đâu đến đỗi khóc ra máu mắt như hôm nay ?

Hạn hán khắp nơi, bây giờ khoa học gia bày ra chuyện nuôi tôm nuôi cua, thật là trái khoáy.

Những năm trước, khi má tôi còn khỏe, năm nào cận tết cũng cho xe chở về quê (Bạc Liệu) vài chục tấn gạo để "cứu đói". Mĩa mai, đây là xứ của "công tử Bạc Liêu", ruộng cò bay thẳng cánh.

Khu vực quê ngoại của tôi, từ khi nước nhiễm mặn, dân người ta cũng bỏ ruộng, đào mương nuôi tôm. Một hai mùa đầu bà con trúng đậm. Nhưng sang các mùa sau, tôm chết như rạ. Thay nước, đổ thuốc... đủ cách, mà cách nào dân cũng chết. (Tôm nhiễm thuốc trụ sinh bán không nước nào mua, cũng chết). Bơm nước rửa ruộng, thì ngay nước ngọt rửa ruộng cũng đã nhiễm mặn. Lúa trồng không được. Rốt cục trồng cây gì, nuôi con gì dân cũng chết. Người dân bỏ xứ đi các nơi ở đợ.

Năm nào cũng vậy, hiếm khi nhìn thấy người dân quê ở đây một nụ cười. Bây giờ nghe nói hạn hán ghê lắm, không có nước ngọt để uống.

Má tôi càng già trí nhớ càng mông lung. Không nhớ tới làng quê không chừng lại khỏe !
Và bây giờ không chỉ riêng quê ngoại của tôi chết vì nhiễm mặn, vì hạn hán. Các vùng khác, trước kia toàn là dân "phú hộ", nay cũng bắt đầu than trời!.

Kế hoạch thì phải tính trước 10 năm, 20 năm. Không cần ai dạy, lũ đến, người dân cũng biết mình phải "trồng cây gì, nuôi con gì".

Mà bây giờ người dân cần nước ngọt.



No comments: