15.03.2016
Cả tuần qua, dư luận và cộng đồng mạng vẫn chưa thôi
bàn luận và theo dõi vụ bê bối của đài truyền hình Việt Nam (hay VTV) liên quan
đến vụ ông Bùi Minh Tuấn cáo buộc VTV vi phạm bản quyền, sử dụng sản phẩm truyền
hình mà không có sự đồng ý của tác giả là ông Tuấn.
Thông báo trang
Yamaha Trung Tá của ông Bùi Minh Tuấn đăng tải về vụ VTV bị khóa kênh YouTube
Vụ việc lần này phức tạp hơn rất nhiều so với những
gì thể hiện trên báo chí, vì liên quan không chỉ đến bản quyền mà còn cả quyền
thực hiện flycam của chính ông Tuấn. Tuy nhiên, tạm gác qua những vấn đề về giấy
phép thực hiện hay quy định thực hiện flycam, hãy nói về cách ứng xử và đối diện
khủng hoảng của VTV trong vụ này. Thực tế, VTV đã quá sơ hở và để lộ ra ba điểm
hạn chế đáng trách.
Thứ nhất là khâu kiểm duyệt thông tin và sản phẩm
đăng tải. Sự cẩu thả của bất kỳ ngành nào, xuất phát từ bất kỳ ai cũng đã là bất
lương, đằng này lại là một đài truyền hình quốc gia lớn mạnh. Ngay cả một cái rạp
chiếu phim bé xíu tại Sài Gòn, Hà Nội cũng biết cách mua bản quyền một bộ phim
để công chiếu; ngay cả các tờ báo lá cải cũng biết cách dẫn nguồn tin khi dẫn lại
bài của báo khác; hay ngay như những hãng thông tấn bình thường cũng biết cách
mua các nguồn tin, ảnh, video clip... để có quyền đăng tải. Với tuổi đời mấy chục
năm, phát triển đến tầm hàng chục triệu người xem mỗi ngày, thế nhưng có chuyện
bản quyền khi đăng lại, VTV lại không thực hiện, và dường như không có bất kỳ một
quy trình nào. Cần phải lưu ý thêm, đây không phải là lần đầu VTV dính líu đến
các vụ bê bối liên quan đến vấn đề kiểm duyệt sản phẩm tiền đăng tải. Những sai
sót ngớ ngẩn vẫn cứ xuất hiện thường trực, không phải mỗi ngày, nhưng với đài
truyền hình quốc gia thì quả thật người dân khó có thể chấp nhận được.
Thứ hai, khi nhận được đơn khiếu nại của ông Tuấn,
VTV dường như đã không cầu thị, hay có thể tắc trách trong việc giải quyết. Việc
để ông Tuấn năm lần bảy lượt đâm đơn khiếu nại, không biết động cơ của VTV là
gì, nhưng cũng cho thấy sự thiếu quyết tâm giải quyết hậu quả của một đơn vị
làm sai. Thật may cho VTV là vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn nhiều hạn
chế, nếu ở Mỹ hay ở nhiều nước châu Âu, mỗi sản phẩm VTV sử dụng không phép có
thể bị kiện và phạt đến hàng ngàn Euro, thậm chí nhiều hơn. Ví dụ tại Đức, nếu
dùng phần mềm hỗ trợ download miễn phí những bộ phim có đăng ký bản quyền, người
xem phải trả cả ngàn Euro tiền phạt mà không cần tranh cãi. Lẽ ra ngay khi nhận
được thư khiếu nại của ông Tuấn, VTV phải giải quyết nhanh, dứt khoát và chuyên
nghiệp; biến rủi ro thành cơ hội hợp tác với ông Tuấn (nếu có thể), hoặc ít nhất
cũng khiến ông Tuấn thấy được tôn trọng. Thế nên, việc ông Tuấn tìm đến Google
và khóa kênh youtube của VTV cũng là điều dễ hiểu. Đó là một bài học đắt giá
không đáng phải trả nếu như VTV biết ứng xử một cách khôn ngoan ngay từ hai cơ
hội giải quyết trước đó.
Thứ ba, cho đến nay, dù đã thể hiện quan điểm chấp
nhận sai và xin lỗi nhưng VTV dường như vẫn quá “khí khái” một cách không cần
thiết. Đối với những đơn vị lớn, chuyên nghiệp như VTV, việc thấy sai và công
khai sửa sai càng sớm thì thiệt hại càng ít, sự đồng cảm càng tăng. Nhìn sang
nước ngoài, bất kỳ đơn vị nào mắc phải các vụ bê bối thì ngay trong vòng 24 giờ,
họ phải họp khẩn và công khai họp báo xin lỗi. Cần nhớ rằng, đó không phải là một
sự cúi đầu nhục nhã trước một cá nhân như ông Tuấn, mà đó là cách ứng xử cầu thị,
minh bạch từ một đài truyền hình quốc gia. Nhưng cho đến nay, ngoài việc hẹn gặp
riêng, VTV chưa sẵn sàng công khai xin lỗi. Việc này làm tôi nhớ đến vụ Tân Hiệp
Phát bị tẩy chay sau vụ kiện con ruồi hồi năm ngoái. Lời xin lỗi kịp thời sẽ cứu
lấy chính mình khi dư luận có sự chia sẻ.
Trước vụ bê bối bản quyền không lâu, VTV cũng khiến
dư luận xôn xao về ý định xây dựng tháp truyền hìn cao nhất thế giới, với kinh
phí đầu tư của dự án rất khổng lồ, từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD. Theo công văn do Phó
tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Thành Lương trình Thủ tướng
Chính phủ, hiện VTV cùng 2 đối tác là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước
(SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam để xây
dựng tòa tháp 636 m - cao nhất thế giới - tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
Theo báo Lao Động, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính
phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt
khó khăn. Cụ thể là xin miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu,
hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền
sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng. VTV còn đề xuất áp dụng
cơ chế ưu đãi cao nhất gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm
50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, các năm còn lại áp dụng
thuế suất 10%. Miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu,
linh kiện… phục vụ xây lắp.
Tôi chưa cần bàn tới sự trái ngược thời đại, cũng
như tính thiếu lan tỏa về hiệu quả và lợi ích của một tháp truyền hình cao nhất
thế giới, thì ngay như việc giải quyết vụ bê bối bản quyền cũng cho thấy VTV dường
như chưa có sự chuyên nghiệp cần thiết để đạt được tầm vóc của một đài truyền
hình quốc gia. Như vậy, nếu có xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, trong bối
cảnh đất nước cần ưu tiên đầu tư nhiều hạng mục khác nhiều hơn, thì đó cũng chỉ
là một biểu tượng quá đà so với khả năng, sức lực và uy tín của VTV.
--------------------------------
* Blog của Cao Huy
Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của
Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment