Sunday, March 6, 2016

TÌNH TRẠNG HỖN LOẠN VÔ CHÍNH PHỦ SẮP DIỄN RA TRÊN LỤC ĐỊA Á- ÂU (Robert D. Kaplan - Foreign Affairs)





Robert D. Kaplan  -   Foreign Affairs   
Phạm Gia Minh dịch
Viet-studies  3-3-2016

Những rủi ro đến từ sự yếu đi của Trung Quốc và Nga

Khi mà Trung Quốc quả quyết tự khẳng định chủ quyền trên các vùng biển lân cận và nước Nga tiến hành cuộc chiến ở Syria, Ucraina thì người ta dễ nghĩ rằng hai siêu cường với lãnh thổ rộng lớn bao phủ lục địa Á-Âu đang đưa ra những tín hiệu về sức mạnh mới được củng cố của mình. Thế nhưng điều ngược lại mới đúng: Trung Quốc và Nga càng ngày càng cố trương cơ bắp không phải vì họ mạnh mà chính vì đang yếu. Khác với nước Đức Nazi phát xít, sức mạnh trong nước của nó vào những năm 1930 đã tiếp nhiên liệu cho hành động xâm lược quân sự ở nước ngoài. Còn những thế lực xét lại của ngày hôm nay thì đang trải qua hiện tượng ngược lại. Ở Trung Quốc và Nga tình trạng bất ổn trong nước đang nuôi dưỡng tâm lý hiếu chiến. Điều này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: lần đầu tiên kể từ khi bức tường Béc linh sụp đổ Hoa Kỳ lại thấy mình đang cạnh tranh với các siêu cường.

Thực trạng kinh tế ở cả Trung Quốc và Nga đều đang xấu đi một cách không cưỡng lại được. Kể từ khi giá năng lượng sụt giảm vào năm 2014 nước Nga liền bị cuốn vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Trung Quốc trong khi đó đã bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ được hứa hẹn sẽ là một cuộc chuyển đổi dữ dội để chia tay với tốc độ tăng trưởng GDP hai con số; sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán vào mùa hè năm 2015 và tháng Giêng 2016 chắc chắn chỉ là một sự nếm trải đôi chút trước khi bước vào những cuộc đổ vỡ tài chính sắp diễn ra.

Khả năng xảy ra những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng ở cả hai quốc gia nêu trên đã khiến cho vấn đề ổn định chính trị nội bộ của chúng không còn là chuyện mặc nhiên nữa. Trong kỷ nguyên của truyền thông xã hội và những cuộc thăm dò ý kiến không ngớt trên mạng thì ngay cả những nhân vật chuyên quyền như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn cảm thấy cần sự ủng hộ của quần chúng. Các vị lãnh tụ đó chắc chắn có cảm giác bất an sâu sắc bởi lẽ đất nước của họ từ xa xưa hầu như luôn bị bao vây bởi kẻ thù, những đội quân xâm lược lăm le vượt qua các vùng bình nguyên rộng mở. Trên thực tế họ đang thấy khó khăn hơn trong nỗ lực kiểm soát lãnh thổ bao la của mình khi có những phiến quân tiềm tàng hình thành trên những vùng đất xa xôi

Thế giới đã chứng kiến hình thức hỗn loạn, vô chính phủ khi mà các cuộc xung đột sắc tộc, chính trị, giáo phái có thể gây ra trong các quốc gia với quy mô vừa và nhỏ. Thế nhưng triển vọng gần như là hỗn loạn và vô chính phủ tại hai siêu cường đang vật lộn về những vấn đề kinh tế lại là điều đáng lo ngại hơn nhiều. Khi tình hình ở trong nước xấu đi Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ gia tăng xu hướng xuất khẩu các rắc rối của mình với hy vọng rằng chủ nghĩa dân tộc sẽ đánh lạc hướng những công dân đang bất bình và giúp tập hợp quần chúng. Hình thái hiếu chiến này đã tạo ra một vấn đề đặc biệt khó khăn đối với các quốc gia phương Tây. Ở những nơi mà chiến tranh xâm lược được dẫn dắt bởi sức mạnh trong nước thì cuộc chiến đi theo chiến lược có phương pháp luận và được lên kế hoạch kỹ lưỡng cho nên các quốc gia khác có thể giải thích và có đối sách phù hợp. Thế nhưng nếu cuộc chiến đó lại được châm ngòi bởi khủng hoảng nội bộ thì hành vi của nó vừa táo bạo, mang tính phản ứng, hấp tấp bốc đồng nên rất khó dự đoán và đối phó.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ dự tính sự đáp trả thái độ thù địch ngày càng gia tăng của Bắc kinh và Moscow thì nhiệm vụ đầu tiên của họ là tránh khiêu khích một cách không cần thiết các siêu cường cực kỳ nhạy cảm và đang suy tàn bên trong. Có nghĩa là họ không được đứng làm ngơ khi Trung Quốc và Nga vẽ lại đường biên giới quốc tế và các hải phận. Câu trả lời sẽ là gì ? Washington cần đặt ra lằn ranh đỏ một cách rõ ràng, liên lạc kín đáo và sẵn sàng hỗ trợ bằng sức manh quân sự nếu cần thiết.

Mối hiểm nguy ở Moscow

Một phần cũng vì các vấn đề kinh tế của nước Nga nghiêm trọng hơn của Trung Quốc rất nhiều nên chính sách gây hấn của Nga cũng trắng trợn hơn. Sau thời kỳ cầm quyền đầy hỗn loạn của Tổng thống Yelsin chấm dứt vào năm 1999 Putin đã củng cố quyền lực trung ương. Do giá năng lượng tăng vọt nên Putin đã có thể khai thác nền kinh tế giàu tài nguyên dầu mỏ để hình thành vùng ảnh hưởng tại các quốc gia thuộc Liên xô cũ và khối quân sự Vácsava. Mục tiêu của Putin rất rõ ràng: đó là phục hồi đế quốc trước đây.

Nhưng bởi vì trực tiếp cai trị thông qua các đảng cộng sản đã cho thấy cái giá phải trả là quá cao nên Putin thiên về một loại hình thức gián tiếp của chủ nghĩa đế quốc. Thay vì gửi quân đội tới những lãnh địa cũ trước đây, Putin cho xây dựng mạng lưới hoành tráng các đường ống dẫn dầu, hỗ trợ các nhà chính trị ở các quốc gia láng giềng theo nhiều cách, tiến hành các chiến dịch tình báo và sử dụng bên thứ ba để mua chuộc và kiểm soát truyền thông địa phương. Chỉ mới gần đây Putin mới hành động không úp mở trên một số mặt trận, chắc chắn cũng vì được khuyến khích bởi sự thiếu vắng hành động đáp trả của phương Tây đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Gruzia năm 2008. Hồi đầu năm 2014 các lực lượng quân đội Nga chiếm Crimea và các lực lượng dân quân vũ trang ủy nhiệm của Nga đã khởi phát cuộc chiến tranh vùng phía Đông Ucraina. Cuối năm 2015 Putin đưa quân đội Nga tham gia cuộc nội chiến ở Syria chủ yếu là để giải cứu chế độ của Basha al- Assad nhưng cũng vì một mục tiêu rộng lớn hơn đó là phục hồi lại vị thế của Moscow ở Levant và tìm kiếm thế đòn bẩy với khối EU bằng cách gây ảnh hưởng qua dòng người tỵ nạn đến châu Âu.

Năm 2014 giá dầu tụt dốc, các nước Trung và Đông Âu tiếp tục cự tuyệt mua khí đốt Nga, mức tăng trưởng toàn cầu thấp làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và các tài nguyên thiên nhiên khác của Nga. Thêm vào đó là chính sách cấm vận gây nhiều thương tổn cho Nga do phương Tây đưa ra. Kết quả là sự bùng nổ toàn diện của một cuộc khủng hoảng kinh tế với việc đồng Rúp mất gần một nửa giá trị so với đồng Đôla kể từ năm 2014. Năm nay, GDP của Nga tăng trưởng gần 0 % và tính đến quý 3 năm 2015 nền kinh tế bị co lại hơn 4%. Tám tháng đầu năm 2015 lượng đầu tư giảm 6% và khối lượng xây dựng giảm 8%.
Không phải tình cờ mà những cuộc phiêu lưu quân sự lại diễn ra cùng lúc với xu hướng đảo chiều rõ nét của sức mạnh kinh tế Nga.

Các vấn đề kinh tế của Nga đã lún sâu trong khủng hoảng khiến các nhà lãnh đạo có ít lựa chọn dễ dàng để khắc phục. Đã nhiều thập niên Nga chỉ dựa vào xuất khẩu tài nguyên và ngành sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ thị trường nội địa (bởi vì có ít người nước ngoài muốn mua các sản phẩm phục vụ dân sự của Nga). Trừ một vài loại tài sản có tính khoe khoang thì khu vực dịch vụ của Nga vẫn còn ở tầm mức kém phát triển. Bởi lẽ Putin và nhóm cố vấn chưa bao giờ quan tâm xây dựng các thể chế công dân và xã hội dân sự hay kinh tế thị trường đích thực nên tham nhũng và nền kinh tế được dẫn dắt bởi mafia ở nước Nga hôm nay cho thấy một sự tương đồng kỳ quái với nền kinh tế Xô viết cũ.

Quay trở lại những năm 1980 khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng Mikhail Gorbachov đã ứng phó bằng cách cởi mở hệ thống chính trị và điều này bị trả giá bằng tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ và sụp đổ của đế chế Nga. Putin đã thấm thía bài học đó nên quả quyết làm điều ngược lại: đóng chặt cửa hệ thống chính trị đồng thời hướng sự quan tâm của công chúng vào những màn khoa trương sức mạnh Nga ở các vùng ngoại biên lân cận. Putin là một cựu sĩ quan tình báo mà không phải là một quan chức bàn giấy,do đó mặc dù vẫn ấp ủ nỗi ác cảm và hận thù liên quan tới vị thế của nước Nga trên thế giới ông ta đã không tự lừa dối mình về những vấn đề nội bộ của nước Nga. Khi mà nền kinh tế Nga tiếp tục sa sút, Putin hiểu rõ rằng để có được sự ủng hộ trong nước thì chính sách đối ngoại của ông ta phải tỏ ra sáng tạo và có tính toán hơn, thậm chí mang tính hòa giải một cách lừa dối tùy vào từng thời điểm. Thời gian trước mắt sẽ hãy nhìn vào viễn cảnh ông ta phá hoại khối NATO và EU ngay cả khi Nga cam kết giúp đỡ phương Tây chống nhà nước Hồi giáo ISIS. Càng nhiều hỗn loạn ở nước ngoài mà Putin tạo ra thì sự ổn định trong nước rất có giá trị đối với nhà nước chuyên chế lại càng có thêm cơ hội xuất hiện. Người dân Nga có thể biết trên lý thuyết một cách trừu tượng rằng xã hội tự do thì vẫn được ưa thích hơn nhưng họ lại sợ những rủi ro của một sự chuyển đổi.

Cố gắng tới mức có thể được nhưng Putin không có khả năng che chắn cho chế độ của ông ta khỏi bụi phóng xạ của sự sụp đổ kinh tế. Sự thất vọng sẽ nuôi cấy mầm mống của tình trạng lục đục đấu đá nội bộ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao trong việc chia chác nguồn bổng lộc dồi dào.Sự thiếu vắng các thể chế đủ mạnh hiện nay cũng như bản chất tập trung cao độ nhưng bấp bênh, dễ đổ vỡ của chế độ khiến một cuộc lật đổ cung đình như đã xảy ra với Nikita Khrushov năm 1964 là không thể và nước Nga xét về phương thức quản trị vẫn là một nhà nước Xô viết.

Đất nước này từng trải qua quá trình tan vỡ của chế độ chuyên chế diễn ra tiếp theo sau tình trạng hỗn loạn (trong và sau cuộc Cách mạng tháng 10), và có thể giờ đây khi sự rối loạn lên cao đến mức nào đó sẽ đủ để chia tách nó lần nữa. Khu vực Bắc Cavcaz chịu ảnh hưởng nặng của Hồi giáo, cùng với những vùng đất ở Siberi và Viễn Đông thuộc Nga ở xa trung tâm lại từng chịu gánh nặng của các chính sách tàn bạo, đẫm máu có thể sẽ nới lỏng mối quan hệ với Moscow khi tình trạng mất ổn định diễn ra ngay chính bên trong điện Kremlin. Hậu quả có thể là một kịch bản kiểu Nam tư cũ: bạo lực và chủ nghĩa ly khai bắt đầu từ một chỗ sau đó lan ra khắp nơi. Khi mà Moscow mất kiểm soát thì phong trào Hồi giáo Jihadist sẽ tận dụng cơ hội để lấp chỗ trống và sẽ tiến vào những vùng xa trung tâm của nước Nga và cả Trung Á nữa.

Nghe đã thấy tồi tệ nhưng sự việc có thể còn xấu hơn nữa. Trở lại với năm 1991 nhà trí thức Balan Adam Michnik đã tiên đoán rằng các nhà lãnh đạo tương lai của Nga và Đông Âu sẽ lấp đầy khoảng trống do sự sụp đổ của CNCS để lại bằng một thứ “ chủ nghĩa dân tộc thô thiển và sơ khai”. Putin trong những năm gần đây đã theo đuổi thứ chủ nghĩa đó và đã rất ranh mãnh, quỷ quyệt chống lưng cho phong trào đòi ly khai ở Abkhzia, Donbas, Nagorno- Karabakh, Nam Ossetia và Transnistra để tạo ra những cuộc xung đột dễ dàng phủ nhận. Kết quả là đã hình thành các “tiểu nhà nước’ (statelets) kiểu như sứ quân . Trong những năm tới Putin rất có thể sẽ kích động một cách có lựa chọn các cuộc xung đột được gọi là “ xung đột đóng băng “ (frozen conflict) và lần này sẽ là các quốc gia vùng Baltic thành viên NATO ( những quốc gia này có đông người Nga sinh sống và vẫn được Moscow coi là những tỉnh bị mất). Trong khi đó, Putin sẽ nỗ lực chơi con bài châu Âu cần Nga ủng hộ ở Syria thì sẽ buộc phải công nhận việc sáp nhập Crimea và quyền kiểm soát của ông ta ở Đông Ucrain như một sự đã rồi.

Tuy nhiên đúng lúc cần phải có câu trả lời mạnh mẽ nhất thì dường như Châu Âu lại không thể làm như vậy. Theo một góc độ nào đó thì cuộc khủng hoảng ở Nga cũng đang song hành với khủng hoảng ở Châu Âu và cũng khiến châu lục này bị phân chia thành các khu vực trung tâm và phụ cận.

Mặc dù đã có sự điều chỉnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng các biện pháp khác, thời điểm tăng trưởng thấp toàn cầu xảy ra cùng với sự bất lực của châu Âu tiến hành các cải cách mang tính nền móng đã cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của Châu Âu sẽ còn kéo dài. Bằng việc làm cho các quốc gia hoảng sợ mà củng cố lại đường biên giới, cuộc khủng hoảng người nhập cư và chủ nghĩa khủng bố cũng sẽ làm cho sự chia rẽ EU thêm trầm trọng và không tránh khỏi là chính khối NATO.

Một sự không thống nhất như vậy sẽ khiến cho nỗ lực ngăn chặn Nga của Châu Âu trở nên ngập ngừng và thiếu tổ chức hơn những gì hôm nay đang được thực hiện. Khi mà NATO suy yếu đi các quốc gia trước kia là thành viên của khối quân sự VACSAVA sẽ quay sang Hoa Kỳ vì sự an toàn của mình. Các quốc gia đó cũng sẽ phân chia thành các nhóm nhỏ như đã biết đó là: Balan, các nước Baltic và Scandinavia đang thành lập liên minh có tính chất ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Nhóm Visegrad bao gồm Cộng hòa Czech, Hungary, Balan và Slovakia đang hình thành ngày một rõ nét hơn theo góc độ hiệp thương chính trị và quân sự. Một sự chia rẽ nữa đó là đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 dự kiến đi xuyên qua biển Baltic từ Nga tới thẳng Tây Âu mà không qua Trung và Đông Âu. Tại tất cả các quốc gia đó, tăng trưởng kinh tế chậm sẽ thúc đẩy các phong trào dân tộc chủ nghĩa của cả cánh tả lẫn cánh hữu như là những nạn nhân của các kỳ vọng kinh tế không được thỏa mãn.

Bắc kinh trên bờ vực thẳm

Tốc độ tăng trưởng thấp cũng khiến Bắc kinh tìm cách đẩy các mâu thuẫn phát sinh do những yếu kém nội bộ ra bên ngoài. Từ giữa những năm 1990 Bắc kinh đã nỗ lực xây dựng quân đội trang bị công nghệ cao, coi trọng phát triển các tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo hiện đại cùng các đơn vị chiến tranh tin học. Cũng giống như Hoa Kỳ đã nỗ lực đẩy các cường quốc Châu Âu ra khỏi vùng biển Caribe vào thế kỷ XIX, Trung Quốc hiện nay đang tìm cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – ND). Láng giềng của Trung Quốc ngày càng trở nên lo ngại: Nhật Bản coi sự bành trướng của hải quân Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu nên đã quyết định từ bỏ chủ nghĩa hòa bình   (theo đuổi từ sau bại trận trong Đại chiến Thế giới II – ND) và nâng cấp các lực lượng vũ trang. Malaysia, Philippines, Singapore và Việt nam đều tiến hành hiện đại hóa quân đội của mình. Có điều gì đó đã khuấy động vùng biển từng tương đối yên tĩnh và là nơi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong suốt thời Chiến tranh Lạnh. Một môi trường hàng hải ổn định nơi từng chỉ có một thế lực kiểm soát nay đã bắt đầu trở nên bất ổn và đa cực.

Cũng giống như Nga, sự hung hăng của Trung Quốc ngày càng thể hiện não trạng của giới chóp bu quyền lực khi mà nền kinh tế đã khựng lại sau mấy thập niên thăng tiến. GDP hàng năm đã giảm từ 2 chữ số là con số thịnh hành trong suốt 10 năm đầu của thế kỷ này xuống con số chính thức 6,9% trong quý III năm 2015, tất nhiên con số thực không nghi ngờ sẽ phải thấp hơn. Tình trạng bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán đã bắt đầu vỡ bung cùng vô số những mất cân đối khác trong nền kinh tế sử dụng quá mức các đòn bẩy, đặc biệt là khu vực ngân hàng thiếu minh bạch.

Trong khi đó các căng thẳng sắc tộc ngày một gia tăng tại quốc gia rộng lớn này. Ở một mức độ nhất định, Trung Quốc – đất nước do người Hán chiếm đa số là một nhà tù đối với các sắc tộc khác, trong đó có người Mông cổ, người Tibet và Uighu và tất cả họ đều chống đối lại sự kiểm soát của trung ương với các cấp độ khác nhau. Hiện nay các chiến binh Uighu là mối đe dọa ly khai trực tiếp nhất, một số đã được đào tạo ở Iraq, Syria và vì họ có liên lạc với phong trào Jihardist toàn cầu nên mối nguy sẽ ngày một gia tăng. Trong những năm gần đây đã bùng phát các vụ đánh bom có liên quan tới chủ nghĩa ly khai Uighu ở tỉnh Quảng Tây – một điểm trung chuyển trên con đường buôn lậu dẫn đến Việt nam chứng tỏ chủ nghĩa khủng bố sẽ không còn bị giới hạn trong các vùng dân tộc thiểu số ở phía Tây Trung Quốc nữa. Bắc kinh đã nỗ lực xoa dịu các phong trào đó bằng sự phát triển kinh tế, ví dụ như con đường tơ lụa vành đai kinh tế của Trung Quốc đi qua Trung Á đang được đề xuất nhằm làm xói mòn nền móng của chủ nghĩa ly khai Uighu nơi đây.Tuy nhiên nếu như dự án khổng lồ này bị đuối sức do bản thân nền kinh tế Trung Quốc suy giảm thì chủ nghĩa ly khai có thể sẽ bùng phát thành bạo lực mạnh hơn.

Còn hơn cả Putin, họ Tập từng trải qua nhiều năm công tác đảng ở vùng nội Mông nên hẳn còn nuôi dưỡng một số ảo tưởng về những vấn đề kinh tế trầm trọng của Trung Quốc. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là ông ta biết cách giải quyết chúng. Họ Tập đã đối phó lại tình trạng kinh tế trở nên hỗn loạn bằng cách dựa vào chủ trương chống tham nhũng. Quả thực chiến dịch này (đả hổ, diệt ruồi – ND) đã chủ yếu diễn ra như một cuộc thanh trừng chính trị lớn giúp Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực về an ninh quốc gia. Vì giờ đây các quyết định không còn do tập thể thông qua như trước kia nữa nên họ Tập có toàn quyền hướng những bất ổn trong nước ra bên ngoài dưới hình thức xâm lược. Trong 3 thập niên vừa qua lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra tương đối dễ đoán nhận, không thích mạo hiểm và mang tính tập thể. Thế nhưng hiện nay tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc đã trở nên rất không an lành như xưa.

Những tham vọng của Trung Quốc còn vươn xa hơn tham vọng của Nga nhưng lại không khiến phương Tây lo ngại bởi lẽ chúng được đưa ra một cách tao nhã, khéo léo.Trong khi Putin đưa đội quân côn đồ đeo mặt nạ trượt tuyết đột kích và cướp bóc miền Đông Ucraina thì sự xâm lược của họ Tập lại diễn ra với quy mô nhỏ hơn nhiều, tăng dần theo từng bước một khiến Hoa Kỳ khó điên đầu khi đối phó để làm sao không bị coi là phản ứng quá mức cần thiết. Họ Tập phái lực lượng hải giám cùng tàu thuyền thương mại (chứ không phải toàn lực lượng hải quân) để quấy rối tàu chiến Philippines, đưa dàn khoan vào vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt nam (nhưng chỉ trong vài tuần lễ), thực hiện các dự án cải tạo mở rộng đảo chiếm đóng trái phép và các bãi đá ngầm (tất cả đều không có người ở). Và kể từ khi các hành động nguy hiểm đó diễn ra trên biển không thấy chúng gây ra những nỗi gian khó cho thường dân và trên thực tế đã không có thiệt hại về binh lính (thực tế Trung Quốc đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với ngư dân Việt nam. Đó là những hành động của cướp biển và việc tác giả Robert Kaplan chưa thấy hết tính nghiêm trọng của tình trạng này phải chăng cũng có phần trách nhiệm của thông tin đối ngoại Việt nam thời gian qua đã bỏ ngỏ mặt trận vận động sự ủng hộ quốc tế ? – ND).

Những động thái khác của Trung Quốc thì ít khéo léo và tinh tế hơn. Ngoài việc gia tăng các yêu sách về hàng hải, Trung Quốc đang xây cầu, đường sắt và đường ống dẫn dầu dẫn sâu vào vùng Trung Á đồng thời hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ Đô la vào hành lang giao thông kéo dài từ miền Tây Trung Quốc đi qua Pakistan để tới Ấn độ dương, nơi mà Trung Quốc đã tham gia vào các dự án cảng biển từ Tanzania cho tới Myanma. Nhưng một khi các khó khăn kinh tế ngày một trầm trọng thì sự tao nhã của hành vi xâm lăng có thể bị lột bỏ và được thay thế bởi những hành động thô bạo và hấp tấp, nóng nảy hơn. Họ Tập sẽ khó cưỡng lại sự cấp thiết phải sử dụng các tranh chấp hàng hải ở Châu Á để tiếp thêm nhiên liệu cho chủ nghĩa dân tộc – sức mạnh đem lại giải pháp gắn kết một xã hội đang bị đe dọa trở nên chia rẽ.

Nhiều khả năng nguy cơ của khủng hoảng đang ngày một hiển hiện tại các quốc gia Trung Á: Kazkhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Trạng thái ổn định kéo dài của các quốc gia chuyên chế này đã giúp Trung Quốc dễ dàng kiểm soát những cộng đồng thiểu số Trung Á của mình hơn. Tuy nhiên thời thế có thể đang thay đổi. Một vài chế độ trong số đó kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc vẫn còn đang được dẫn dắt bởi những Ban chấp hành Trung ương kiểu thời kỳ Brezhnev. Các lãnh tụ đó nay đã già nua, câu hỏi về tính pháp lý của những chế độ đó đang được đặt ra trong khi kinh tế của chúng vẫn bị cột chặt vào các cỗ máy đang giảm tốc là Trung Quốc và Nga, dân số thì ngày càng bị Hồi giáo hóa. Vùng Trung Á, nói theo một cách khác, có thể đang chín muồi cho một sự bùng nổ theo kiểu Mùa Xuân Ả Rập.

Cùng đối mặt với suy thoái kinh tế và những đe dọa mang tính địa- chính trị, Trung Quốc và Nga có khả năng tạo dựng mối quan hệ mang tính đồng minh chiến thuật dựa trên những tương đồng giữa hai nhà nước chuyên chế, hướng tới quản lý vấn đề các vùng biên giới để cùng chống lại phương Tây. Kết quả của quá trình này là vào tháng 11 năm ngoái, hai bên cuối cùng đã giải quyết được cuộc tranh cãi từ lâu nay về biên giới với việc Nga trả lại cho Trung Quốc một dải đất nhỏ vùng Viễn Đông mà Trung Quốc vẫn nêu yêu sách. Tuy nhiên quá trình chuyển giao đã gây nên công phẫn ở cả hai nước: người dân thường Nga phản đối sự nhu nhược của điện Kremlin còn nhiều người Trung Quốc than phiền rằng họ đòi được ít đất quá. Ở đây một lần nữa ý kiến đám đông có thể ép buộc các chế độ chuyên chế, trong trường hợp này nó đã ngăn cản khả năng hai nhà nước chuyên chế hình thành một liên minh trục lợi.

Sự hỗn loạn sắp diễn ra

Quyền lực tập trung – ai có nó và ai thực thi nó là một vấn đề mang tính địa – chính trị thời nay. Chế độ chuyên chế tập trung bao trùm một vùng rộng lớn vốn là một vấn đề cần phải bàn và hơn nữa nó lại hiện diện trong một không gian mà ý thức về sắc tộc, tôn giáo và cá nhân đang ngày một được nâng cao, đồng thời truyền thông điện tử có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thể hiện những nỗi bất bình, bức xúc mang tính riêng biệt. Không có gì là ngạc nhiên khi khu vực lục địa Á-Âu đang trở nên ngày một phức tạp hơn trước.

Các nhà hoạch định chính sách ở Washington có lẽ tốt hơn hết là nên bắt đầu lên kế hoạch để đối phó với những hỗn loạn tiềm tàng sắp diễn ra : đảo chính ở Kremlin, một bộ phận của nước Nga sẽ tách ra, phong trào khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Tây Trung Quốc, cuộc đấu tranh phe phái quyền lực ở Bắc kinh và những lộn xộn về chính trị ở Trung Á, mặc dù hiện nay thì chưa chắc nhưng tất cả đều trở nên ngày càng có thể. Bất kể hình thái hỗn loạn nào xảy ra thì chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ buộc phải vật lộn khó khăn với các vấn đề mới phát sinh hoặc kiểu này hoặc kiểu kia. Ai sẽ quản lý kho vũ khí hạt nhân của nước Nga nếu như ban lãnh đạo của quốc gia này chia rẽ? Hoa Kỳ sẽ bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc như thế nào khi chế độ này đàn áp sự nổi dậy từ bên trong?

Hoạch định chính sách để đối phó với những điều bất ngờ như thế khác với lên kế hoạch cuộc chiến giải phóng Iraq. (Nếu như Trung Quốc và Nga một khi nào đó có chính phủ dân chủ hơn thì người dân của họ sẽ tự đóng góp vào sự thay đổi). Tuy vậy điều này không có nghĩa là khả năng xảy ra hỗn loạn sẽ được giảm thiểu. Và để ngăn chặn cuộc khủng hoảng về an ninh hãi hùng có khả năng xảy ra đó Washing ton sẽ cần phải đề ra một lằn ranh đỏ rõ ràng. Bất kỳ khi nào cần thiết đều có thể liên lạc theo lằn ranh đó một cách riêng tư mà không mang tính tranh giành quyền lực. Mặc dù những kẻ gây rắc rối ở Quốc hội Hoa Kỳ dường như không thực thi điều này nhưng Hoa Kỳ sẽ chẳng được lợi gì từ việc dùng những lời nhục mạ để chọc tức các chế độ đang lo sợ bị mất mặt ở trong nước.

Trong trường hợp nước Nga, Hoa Kỳ yêu cầu dừng khởi xướng các cuộc” xung đột đóng băng”. Khi mà Putin có ý định phân tán sự chú ý của người dân Nga khỏi các vấn đề kinh tế khó khăn thì ông ta sẽ thấy hấp dẫn hơn việc kích động tình trạng lộn xộn ở các nước láng giềng. Lithuania và Mondova có thể đứng đầu danh sách các mục tiêu tiềm năng được Putin ngắm đến do nạn tham nhũng và sự non yếu của các chính phủ dân chủ nơi đây.(Mondova đã gần tới tình trạng hỗn loạn về chính trị, tham nhũng ở Lithuania tuy vậy còn kém xa Moldova- ND). Cả hai quốc gia này đều có giá trị chiến lược về địa- chính trị: Mondova có thể là cửa ngõ cho Nga tiếp cận vùng Balkan còn Lithuania là cầu nối trên bộ dẫn đến thành phố Kaliningrad thuộc Nga nhưng lại nằm tách biệt. Đối với Putin các cuộc xung đột đóng băng có lợi thế ở chỗ đó là cuộc chiến không tuyên bố nên giảm thiểu khả năng đáp trả mạnh mẽ của phương Tây. Chính vì vậy cần có hành động đáp trả phù hợp: nếu Putin đứng đằng sau các biến cố ở Lithuania và Mondova thì phương Tây cần tăng cường các biện pháp chế tài trừng phạt Nga và gia tăng nhịp độ của các cuộc tập trận ở Trung và Đông Âu.

Cuối cùng, đó là NATO phải nâng cao đáng kể tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia Đông Âu và sẵn sàng triển khai nhanh chóng hơn phi cơ, các lực lượng mặt đất và các lực lượng đặc nhiệm tới vùng này. Hàng trăm binh lính Hoa Kỳ, nhân viên hàng hải và lính thủy thay phiên nhau đóng quân tại các quốc gia ở tuyến đầu của NATO trước đây từng tham gia khối quân sự VARSAVA tuy chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn nhưng chắc chắn sẽ ngăn chặn sự gây hấn của Nga. Có thể chỉ cần đến vài tiểu đoàn hoặc một lữ đoàn. Nói rộng ra thì Hoa Kỳ sẽ cần phải tạo ra những “ cái bẫy dây” quân sự có nhiệm vụ báo động nhằm ngăn chặn Nga triển khai các cuộc tấn công qua biên giới nhưng lại không gây ra bất kỳ một khủng hoảng nào. Và như vậy, cách mà Hoa Kỳ đối phó với năng lực chống tiếp cận ngày càng gia tăng của Nga ở vùng Baltic đông dân cư cần phải tinh vi hơn là đối với Trung Quốc ở vùng biển Nam Trung hoa có phần trống trải hơn.

Washington cũng cần đặt ra lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc. Ở vùng biển Nam Trung Hoa. Mỹ không cho phép các dự án cải tạo đảo và bãi ngầm để tiến tới thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ, nơi mà Trung Quốc tự cho mình quyền cấm các máy bay nước ngoài bay qua như họ đã tuyên bố ở biển Hoa Đông năm 2013. Diễn biến này là một phần của chiến lược nhập nhằng, mập mờ nhưng với chủ đích đã được tính toán kỹ: càng tạo ra khoảng cách mù mờ, phức tạp về quân sự thì vị thế bá chủ của hải quân Hoa Kỳ càng bị đe dọa. Nếu như Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – ND) thì Washing ton phải đáp trả bằng cách đẩy mạnh các hoạt động của hải quân ở các vùng phụ cận và tăng viện trợ quân sự cho đồng minh của mình trong khu vực. Vừa qua tàu chiến của Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tự do dịch chuyển còn yếu ớt trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nếu các hoạt động này không trở nên thường xuyên và dứt khoát thì Trung Quốc sẽ không cảm thấy bị ngăn cản.

Thời điểm của sức mạnh

Chưa bao giờ câu cách ngôn trước đây của Tổng thống Theodore Roosevelt mà ngày nay đã trở thành khuôn mẫu “ Nói khẽ nhưng mang theo cây gậy to” lại có tính ứng dụng cao như hiện nay. Cây gậy to có thể ngăn chặn được hành động gây hấn, xâm lược bất kể chúng khởi phát từ sức mạnh hay sự suy yếu. Tuy vậy, tuyên bố nhẹ nhàng vẫn đặc biệt phù hợp hơn khi mà sự gây hấn khởi phát từ tình trạng suy yếu, bởi lẽ những ngôn từ gây ấn tượng chói tai sẽ kích động một cách không cần thiết các nhà lãnh đạo đang bị dồn tới chân tường. Thực ra, điều quan trọng đối với Hoa Kỳ lúc này là tăng cường sự hiện diện của lực lượng quân đội ở các quốc gia vùng Baltic và biển Nam Trung Hoa (biển Đông – ND) hơn là công khai lên án Moscow và Bắc kinh vì hành động của họ ở những nơi đó.

Cây gậy to có nghĩa là nhanh chóng phục hồi ngân sách quốc phòng sau khi nó bị tiêu tán và kìm hãm. Quân đội Hoa Kỳ có gần 570.000 quân lính vào năm 2010 và dự tính sẽ giảm còn 450.000 vào năm 2017. Hoa Kỳ đang đồn trú 33.000 quân mặt đất ở Châu Âu sau khi giảm từ 200.000 thời Chiến tranh lạnh. So sánh với lực lượng tàu chiến và máy bay thì các lực lượng bộ binh tạo nên hình ảnh đáng tin cậy hơn về quân đội Hoa Kỳ bởi lẽ chúng đưa ra một thông điệp thể hiện ý chí quốc gia sẵn sàng đổ máu để tôn trọng những điều đã cam kết. Vì hiện nay chiến tranh ngày càng trở nên không quy ước cho nên Hoa Kỳ không cần thiết phải đồn trú một lực lượng lớn quân mặt đất ở Châu Âu như thời kỳ Chiến tranh lạnh nhưng vẫn cần bố trí lực lượng trên diện rộng. Nói về lực lượng hải quân, biển Baltic là quá chật chội để có thể sử dụng tối ưu nhóm tàu sân bay tiêm kích cho nên Hoa Kỳ nên gửi tới đó nhiều tàu ngầm hơn.

Washington phải làm yên tâm các đồng minh của mình bằng cách hạn chế bớt những tuyên bố ồn ào về các vấn đề đa quốc gia,toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và nên chỉ dùng chúng ở những nơi thật sự phù hợp. Tổng thống không bao giờ có thể mong đợi người dân Israel, Balan hay Đài Loan chẳng hạn lại tin tưởng ông hơn chỉ vì ông đi đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu; người dân ở những nơi đó muốn Tổng thống nêu rõ những các vấn đề địa- chính trị tiến thoái lưỡng nan, khó xử của họ. Mặc dù vấn đề bệnh dịch, mực nước biển dâng hay những thách thức toàn cầu khác là hiện hữu nhưng Hoa Kỳ có điều kiện xa hoa để quan tâm tới chúng chủ yếu là do vị trí địa lý khá an toàn của mình. Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ, nếu đem so sánh thì họ đang phải sống trong sự nguy hiểm do ở quá gần Trung Quốc và Nga nên buộc phải đối phó với các nguy cơ có quy mô hẹp và mang tính truyền thống hơn. Với hiện trạng vị trí địa lý bi kịch và bất hạnh của mình, các quốc gia Châu Á mong muốn thấy nhiều tàu chiến Hoa Kỳ hơn trong vùng biển của họ. Cũng như Trung và Đông Âu đều mong muốn một sự cam kết (từ phía Hoa Kỳ – ND) mạnh mẽ và rõ ràng đối với nền quốc phòng của họ. Chưa bao giờ như hiện nay, do quá trình toàn cầu hóa và cách mạng truyền thông yếu tố địa lý ngày một trở nên liên thông và gắn kết. Uy tín quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ chịu rủi ro tại một nơi này nếu ở nơi khác ông không thể đáp trả lại hành động gây hấn, xâm lược một cách xứng đáng.

Năm 1959 nhà khoa học chính trị Robert Strausz- Hupé đã định nghĩa “ cuộc xung đột kéo dài” như là trạng thái kình địch trường kỳ có lợi cho bên nào tỏ ra vừa nhẫn nại lại vừa biết cách “ trở nên thịnh vượng hơn nhờ xung đột như một điều kiện bình thường của thế kỷ XX “. Hupé còn viết đại ý: “lối tư duy của phương Tây chỉ nhìn thấy công cụ của hòa bình mà không thấy lợi thế biến lưỡi cày thành thanh gươm nếu nhìn từ khía cạnh khác của sự vật “. Chính chủ nghĩa CS kiểu Trung Quốc và Liên Xô đã là đối tượng phản ánh hiện thực của Straus- Hupé. Tuy nhiên, Hoa Kỳ rút cục cũng đã có thể tự vệ trước những đối thủ của mình bằng chính sách kiềm chế theo kiểu cuộc xung đột kéo dài.

Kiềm chế không chỉ là cản trở, hạn chế như nhiều người vẫn nghĩ mà đó còn là chủ động có tính toán để can dự vào các hoạt động gây hấn và nhất quán bảo vệ các đồng minh. Suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh các Tổng thống Hoa Kỳ đã hiểu rõ và thuyết phục rằng trong khi muốn tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân thì tình trạng đối đầu và xung đột (có kiềm chế – ND) thay vì hòa bình là điều bình thường.

Ngày hôm nay, khi mà Trung Quốc và Nga gia tăng các cuộc xung đột kéo dài thì các vị Tổng thống trong tương lai của Hoa Kỳ cần phải nhận thức sự thật đó. Và họ cũng phải phối hợp một tỷ lệ hợp lý giữa sức mạnh và sự cảnh giác, đề phòng bởi lẽ họ đã bỏ lại xa mấy thập niên tương đối yên bình của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và Hậu Chiến Tranh Lạnh để chuẩn bị bước vào giai đoạn hỗn loạn của lục địa Á- Âu đang tách ra từng phần.

Thăng long- Hà nội 2/3/2016
Bản dịch của Phạm Gia Minh

Dịch giả gửi cho viet-studies ngày 3-3-16

--------------------------



Người Việt
Sunday, March 6, 2016 3:29:39 PM

WASHINGTON, DC (NV) - Ngũ Giác Đài hiện đang chuẩn bị kế hoạch để đưa một lữ đoàn bộ binh tác chiến hay nhiều hơn nữa trở lại Âu Châu, nơi vị chỉ huy cao cấp nhất của Mỹ đã cho thấy có nhu cầu cấp thiết phải tăng cường phòng thủ của liên minh NATO chống lại sự đe dọa của Nga, theo tờ Military Times.

Nếu điều này được thi hành, việc bố trí này có thể liên hệ tới hàng ngàn binh sĩ - một lữ đoàn tác chiến Mỹ thường có từ 3,000 đến 5,000 binh sĩ - và đánh dấu lần đầu tiên từ nhiều thập niên nay Bộ Chỉ Huy Âu Châu của quân đội Mỹ (EUCOM) đã gia tăng nhân sự trên lục địa này.

Tư lệnh EUCOM, Tướng Philip Breedlove, thảo luận các đề nghị của ông với giới chức cao cấp hàng đầu ở Ngũ Giác Đài khi ở Washington, DC, tuần qua, theo các nguồn tin thông thạo.
Đây là sự gia tăng thêm bên cạnh việc luân chuyển một lữ đoàn đóng tại vùng Đông Âu, trong kế hoạch trị giá $3.4 tỷ để trấn an các đồng minh Âu Châu và đã được Ngũ Giác Đài đưa ra trong dự thảo ngân sách tài khóa tới.

Bản tin của Military Times cho hay giới chức quốc phòng Mỹ hiện đang xem xét các phương cách để gia tăng lực lượng bộ binh đóng thường trực ở Âu Châu và sẽ phải xác định là cần bao nhiêu quân và lấy từ đâu.

Cuộc thảo luận tại Ngũ Giác Đài diễn ra trong lúc có sự lo ngại là lực lượng Mỹ và NATO sẽ nhanh chóng bị lực lượng Nga từ cạnh sườn phía Đông tiến vào tràn ngập và tiêu diệt tại chỗ do có quân số và hỏa lực hùng hậu hơn. (V.Giang)




No comments: