Friday, March 18, 2016

ÔNG TRUMP RA ỨNG CỬ LÀ MỘT RỦI RO CHO THẾ GIỚI (VOA Tiếng Việt)





VOA Tiếng Việt
18.03.2016

Việc ông Donald Trump ra ứng cử tổng thống Mỹ là mối đe dọa lớn thứ sáu cho thế giới, gắn liền với khả năng chủ nghĩa khủng bố gây bất ổn kinh tế toàn cầu, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu EIU của Anh quốc.

Trong danh sách liệt kê các rủi ro toàn cầu mới nhất của tổ chức này, suy thoái kinh tế trầm trọng của Trung Quốc đang ở vị trí dẫn đầu. Theo sau là các hành động của Nga tại Syria và Ukraine tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh mới, cuộc khủng hoảng nợ nần doanh nghiệp tại các thị trường đang nổi, và sự rạn nứt của Liên hiệp châu Âu.

EIU nói họ không dự kiến ông Trump sẽ thắng cử vào tháng 11 năm nay, nhưng có khả năng nho nhỏ là ông sẽ chiến thắng và nếu điều đó xảy ra sẽ kéo theo một tác động lớn.
Tổ chức này nói thái độ địch của ông Trump đối với tự do thương mại, việc hô hào tiêu diệt thân nhân của những tay khủng bố, ủng hộ lực lượng trên bộ ở Syria và thái độ giữ khoảng cách với Trung Quốc và Mexico của ông Trump có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh thương mại và khơi dậy các nhóm khủng bố.

Ông Trump cam kết sẽ cứng rắn mạnh tay trong các cuộc đàm phán quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc. Một trong những cam kết lặp đi lặp lại nhiều lần nhất của ông trong chiến dịch tranh cử là xây hàng rào dọc biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico để ngăn chặn di dân bất hợp pháp. Kế hoạch này, ông nói, Mexico sẽ phải tự chi trả.

EIU cho biết xác suất của sự suy giảm kinh tế mạnh ở Trung Quốc là cao và sẽ đi kèm với một ‘tác động rất lớn’.

Vẫn theo tổ chức này, trì trệ kinh tế thái quá và giá cả sụt giảm của các mặt hàng như dầu mỏ và kim loại sẽ tiếp diễn trong khi các thị trường ở Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu sẽ phải khó khăn hơn trong việc mở rộng doanh thương với người tiêu dùng Trung Quốc.

Trong danh sách rủi ro toàn cầu, tên Trung Quốc cũng lại xuất hiện lần nữa, sau ông Trump và chủ nghĩa khủng bố. EIU nói các hoạt động tranh chấp của Bắc Kinh ở Biển Đông đề ra  một nguy cơ xung đột vũ trang. Dù triển vọng này thấp nhưng bất kỳ sự gầy dựng quân sự nào tại đây cũng mang lại rủi ro xảy ra sự cố vô tình, rồi có thể leo thang thành một sự kiện có ảnh hưởng lớn.

-----------------------------

BBC Tiếng Việt
18-3-2016

Tiền bạc đã trở thành vấn đề đối với các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016.
Ông Bernie Sanders kêu gọi chấm dứt sử dụng các khoản tiền quá lớn cho sự kiện chính trị trong khi tỉ phú Donald Trump bỏ tiền túi để trang trải một phần chi phí cho các cuộc vận động.

Luật bầu cử Liên bang Mỹ yêu cầu tất cả các ứng cử viên phải báo cáo từng xu quyên góp cho Ủy ban Bầu cử Liên Bang (FEC) nhằm có cái nhìn tổng quan ai sẽ bỏ phiếu cho ai thông qua sự đóng góp.
Những báo cáo này không bao gồm các số tiền lớn quyên góp được từ những Siêu ủy ban hoạt động chính trị và những chi tiêu bên ngoài các của đảng phái và nhóm vận động. Siêu ủy ban hoạt động chính trị phải được duy trì độc lập đối với các hoạt động tranh cử.
Những người đóng góp trực tiếp được phép giao tiếp thẳng với ứng cử viên nhưng không được đóng góp quá 2700 USD cho một ứng cử viên Tổng thống.

Vậy ai có thể dùng tiền để kêu gọi sự lắng nghe của Tổng thống tương lai? Sẽ rất bất ngờ khi nhìn qua những quyên góp cho cuộc tranh cử đang diễn ra.

Hillary Clinton- Quyên góp được 130.443.637 USD ( 91.761.306 Bảng Anh)
Không mấy ứng cử viên lại bị đặt chỉ trích về vấn đề tiền quyên góp nhiều như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bernie Sanders vẫn không ngừng đặt dấu hỏi về sự ảnh hưởng của Phố Wall đối với chính trị.
Vì thế sự liên hệ của bà Clinton đối với các ngân hàng lớn là gánh nặng cho bà.

Tuy nhiên, bà Clinton lại quyên được nhiều tiền từ các luật sư hơn là nhóm ngân hàng.
Chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton đã thu được 11 triệu USD từ luật sư và các công ty luật, bao gồm khoản đóng góp 1.33 triệu USD từ những cá nhân làm việc cho bảy công ty luật hàng đầu của Mỹ. Ngược lại, bà Clinton chỉ nhận được hơn 4 triệu USD từ các ngân hàng thương mại và các quĩ đầu tư.

Rất nhiều luật sư đóng góp cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton đang đại diện cho nhiều tập đoàn lớn và những ngân hàng, bao gồm cả những tổ chức “ngân hàng ngầm” như quỹ đầu tư thanh khoản, quỹ đầu tư tương hỗ và các công ty trách nhiệm hữu hạn.
Chỉ duy nhất bà Clinton đề cập đến vai trò của những “ngân hàng ngầm” này trong hệ thống tài chính và sự cần thiết phải có luật để kiểm soát. Thậm chí, bà Clinton còn cho rằng các hình thức ngân hàng ngầm này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.

Nếu bà Clinton thắng cử, những tổ chức như vậy có thể cần rất nhiều luật sư nhằm giúp những tổ chức này đối phó với luật lệ khắt khe.

Bernie Sanders- Quyên được tổng cộng 96.311.423 USD (67.749.575 triệu Bảng Anh)
Bernie Sanders không hề giấu giếm việc chỉ trích Wall Street, nêu tên những nhà tài trợ lớn và chỉ trích những Siêu ủy ban hoạt động chính trị.
Ông Sanders thậm chí còn trả lại một khoản đóng góp của Martin Shkreli, nguyên Giám đốc điều hành Turing Pharmaceutical , là người đã từng gây tai tiếng khi nâng giá một loại thuốc lên 5.000%.

Trái lại, ông Sanders chấp nhận sự ủng hộ nhỏ nhoi của những người dân Mỹ bình thường.
Gần 3/4 số tiền quyên góp của Thượng nghị sĩ Sanders là những khoản đóng góp dưới 200 USD. Đội ngũ vận động tranh cử của ông Sanders nói trung bình mỗi khoản đóng góp trong năm 2015 vào khoảng 27.16 USD trong lúc chỉ 17% số tiên quyên góp của đối thủ Hillary Clinton là dưới 200 USD.
Thượng nghị sĩ Sanders cũng quyên được từ những người Mỹ thất nghiệp với số tiền 14 triệu USD trong năm 2015.

Một trong những phần gây sự chú ý nhất của chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Sanders chính là sự chỉ trích đối với hệ thống tài chính và vai trò của những Siêu ủy ban hoạt động chính trị.
Chiến dịch tranh cử của ông Sanders nói: “Ông không có một Siêu ủy ban hoạt động chính trị. Ông tin rằng không thể chữa trị nền kinh tế bằng cách tham gia vào các chiêu trò lũng đoạn tài chính với những chính trị gia nhận những khoản tiền không giới hạn từ Wall Street và những nơi khác rồi bảo rằng sẽ không bị những tổ chức này chi phối.”

Tuy nhiên, có một Siêu ủy ban hoạt động chính trị đăng ký ủng hộ Sanders, hình thành bởi Liên đoàn y tá quốc gia-là tổ chức lớn nhất của nghiệp đoàn y tá trên nước Mỹ. Nhóm này đã quyên được 2.3 triệu USD từ những khoản đóng góp nhỏ và từ những triệu phú.

Ted Cruz- Quyên được 54.661.506 USD (38.458.710 Bảng Anh)
Sau ngày Siêu thứ ba, Ted Cruz cố gắng đặt mình vào vị trí là người duy nhất có thể đánh bại Donald Trump nhưng về khoản quyên góp, Cruz đã vượt qua ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử.
Phần lớn những đóng góp cho chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Ted Cruz là từ bang nhà Texas với hơn 43%. Những đóng góp này đến từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả những doanh nghiệp truyền thống về dầu mỏ và khí đốt của Texas.
Một trong những nhà tài trợ lớn nhất là anh em nhà Wilks- Dan và Farris, là những người sáng lập công ty Frac Tech, chuyên áp dụng công nghệ thủy áp để khai thác dầu. Công ty rất thành công khi Texas bùng nổ dầu mỏ trước khi được bán đi vào năm 2011 và hai anh em chuyển sang mua bán đất đai miền viễn Tây nước Mỹ.
Anh em nhà Wilks đóng góp 59.050 USD cho Ted Cruz và cũng mở hầu bao 15 triệu USD cho một Siêu ủy ban hoạt động chính trị ủng hộ Thượng nghị sĩ Texas.
Một trong những điều bất ngờ trong danh sách những tổ chức ủng hộ Thượng nghị sĩ Cruz chính là những nhân viên ngành Bưu điện với đóng góp cá nhân 34.345 USD.

Donald Trump- Quyên góp tổng cộng 25.526.319 USD (17.959.550 Bảng Anh)
Cũng giống như Bernie Sanders, sự thu hút dân chúng của tỉ phú Donald Trump đã giúp cho việc quyên góp.
Ông cũng có lợi thế riêng. Đầu tiên là sự để ý của truyền thông đã giúp cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump không cần phải mua quảng cáo từ truyền hình.
Mặc dù vậy, Donald Trump cũng đã quyên được 25 triệu USD, nhưng chỉ 7.5 triệu USD là từ cá nhân. Các nhà tài trợ chính làm trong ngành bất động động sản và dịch vụ y tế.
Lợi thế thứ hai chính là khả năng tự quyên góp của bản thân Donald Trump với đa số là các các khoản vay nợ, chiếm 69% ngân sách vận động tranh cử và sẽ phải trả lại hoặc từ các nguồn đóng góp khác hoặc từ chính tiền túi của Donald Trump. Đến nay, Donald Trump chỉ mới dùng khoản tiền cá nhân 250.318 USD cho chiến dịch tranh cử.
Phần lớn các khoản đóng góp cá nhân cho Donald Trump có giá trị nhỏ, phản ảnh uy tín của ông với người dân bình thường.
Một người ủng hộ rất thích khẩu hiệu “Make America great again” đã xin đăng ký khẩu hiệu “Make Christianity great again”. Một người ủng hộ khác thì để tên công việc mình làm là “#1 Trump fan”.

John Kasich- Quyên tổng cộng 8.648.890 USD (6,083,793 Bảng Anh)
Với cương vị Thống đốc bang Ohio và từng là thành viên của Hạ viện trong 9 kỳ, cựu sếp ngân hàng đầu tư và dẫn chương trình của kênh Fox News, có vẻ như John Kasich có nhiều ưu thế để kêu gọi quyên góp cho chiến dịch tranh cử.
Nhưng thực tế, 86% những đóng góp của John Kasich đến từ cá nhân, với tổng cộng hơn 7.4 triệu USD.
Tỉ phú, bao gồm nhà quản lý quỹ đầu tư thanh khoản Stanley Druckenmiller và nhà đầu tư Ron Burkle là những người đứng sau ủng hộ John Kasich. Các ngành ủng hộ ông nhất là công ty luật, bất động sản và đầu tư tài chính.
Tuy nhiên sự thua kém về quyên góp so với các đối thủ cho thấy xu hướng cuộc bầu cử 2016 là chính trị gia có tên tuổi và có truyền thống chưa chắc đã kêu gọi được sự quyên góp.

Marco Rubio (bỏ cuộc)- Tổng cộng 34.652.654 USD (24.379.915 Bảng Anh)
Sau khi thua cuộc tại bang nhà Florida, Marco Rubio đã dừng chiến dịch tranh cử nhưng số tiền quyên góp thuộc hàng nhiều nhất của những ứng cử viên Cộng Hòa.
Sau khi Jeb Bush bỏ cuộc, Rubio được xem là sẽ nhận được sự đóng góp tài chính nhiều nhất từ người ủng hộ.
Mặc dù vậy, ông là một chính khách có tên tuổi nên những khoản đóng góp từ những tập đoàn lớn luôn là mục tiêu của sự chỉ trích. Chỉ có 19% tiền quyên góp của Thượng nghị sĩ Rubio là từ những khoản nhỏ. Duy nhất có John Kasich nhận thấp hơn các khoản đóng góp nhỏ này trong các ứng cử viên Cộng Hòa.
Bảy trong số 10 các tổ chức hàng đầu đóng góp tiền cho Rubio là ngân hàng, công ty quản lý quỹ và công ty bảo hiểm, bao gồm cả Goldman Sachs, Morgan Stanley và Elliott Management.
Trong bản ông ghi các khoản đóng góp nộp cho Ủy ban Bầu cử Liên Bang (FEC) có hơn 1.000 đóng góp cá nhân với chức danh là Giám đốc điều hành.
Thượng nghị sĩ Rubio cũng là ứng cử viên Cộng Hòa duy nhất, ngoài Donald Trump, vay nợ, tuy khoản này chỉ là 98.000 USD.

Con số gây nhiều ngạc nhiên
Những người về hưu chính là nhóm đóng góp nhiều nhất cho tất cả các ứng cử viên.
Trong đó Hillary Clinton thu hút được nhiều nhất, quyên được 12.8 triệu USD, tiếp theo là Ben Carson với 9 triệu USD và Ted Cruz được 7.8 triệu USD.
Donald Trump quyên được ít nhất từ những người hưu trí với số tiền 432.143 USD.
Bernie Sanders hiện đang hơn Hillary Clinton về các khoản đóng góp từ những giáo viên dạy yoga, với 209 người so với 73 của bà Clinton.
Donald Trump cũng là người công khai nói về các khoản ông từng dành ủng hộ các chính trị gia khác trong quá khứ. Như việc ông từng đóng góp cho Ứng cử viên Cộng Hòa Ted Cruz 5.000 USD và ứng cử viên Dân Chủ Clinton 700 USD.




No comments: