Tôi thấy là GS Xuân chỉ trích
chính sách can thiệp của nhà nước theo lối « nuôi cây gì trồng con gì » là hợp
lý, nhưng đơn giản hóa vấn đề như vậy là… phản khoa học.
Bởi vì vấn đề « ngập mặn » hiện
nay ở miền Nam có nhiều nguyên nhân, chính yếu gồm có :
1/ ngập mặn do biến đổi khí hậu,
2/ ngập mặn do sông Cửu Long cạn dòng,
3/ thiếu nước ngọt do hạn hán
(đồng thời sông Cửu long cũng thiếu nước),
4/ hậu quả các công trình thủy
lợi thành thủy hại…
Ngập mặn do biến đổi khí hậu, mới
sơ sơ hiện nay (nước biển dâng vài cm), nói như GS Xuân, là điều mừng cho bà
con nuôi tôm, nuôi cua. Nhưng khó khăn của thành phần bà con này, theo ý kiến
GS Xuân, là đến từ sự can thiệp của nhà nước, vì ưu tiên cho thành phần nông
dân, do đó có biện pháp ngăn nước mặn lấn vào. Như vậy nguyên nhân sâu xa của vấn
đề là chính sách « sở hữu ruộng đất » của nhà nước, sau đó mới là các công
trình « thủy hại ». Giải pháp là, khi mà người dân có quyền sở hữu thửa ruộng của
mình, chắc chắn họ rành hơn nhà nước ở việc nuôi con gì, trồng cây gì để làm
giàu.
Nhưng bà con mình có thể nuôi
tôm cua để làm giàu khi sông Cửu long cạn dòng hay không ? Đâu ai tính được phải
không ?
Còn những bà con khác, không chừng
đông hơn, sống về nghề trồng cây ăn trái, rau cỏ, cây kiểng thì họ sẽ sống ra
sao ? Ngập mặn do biến đổi khí hậu họ cũng chết, mà sông Cửu Long cạn dòng họ
cũng chết !
Lại còn những bà con ruộng đất
không thể nuôi tôm cua, cũng không thể trồng trọt, ngoài việc trồng lúa, thì ngập
mặn cách nào họ cũng chết.
Vì vậy, theo tôi, không thể coi
là chuyện nhỏ khi sông Cửu long cạn dòng. Cũng không thể xem thường hiện tượng
hâm nóng địa cầu. Con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên, cho dầu dân VN rất giỏi
thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Nhưng khi nước biển dâng cao, lại còn sông Cửu
Long cạn dòng, thì họ có nước phải bỏ xứ mà đi thôi.
----------------------------
9-3-2016
Xin đừng quá bi quan trước hiện tượng lúa bị chết
mặn như báo chí đã loan tin. Họ không loan tin về các nông dân nhờ có nước mặn
mà nuôi tôm rất thành công (giá trị gấp 3-4 lần lúa), và họ không hề lên tiến
dùm những nông dân nuôi tôm bị chết vì thiếu nước mặn do địa phương ngăn mặn để
cứu lúa, nhưng lúa không đủ nước ngọt nên lúa cũng thiệt hại theo tôm.
Đây là lỗi của Bộ Nông nghiệp và chánh quyền các
tỉnh có bờ biển tiếp giáp, chỉ biết trồng lúa-lúa-lúa bất chấp thiên nhiên
không cho phép, họ tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau,
nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Chỉ mấy ông làm thủy lợi
mới hưởng lợi vì có ximăng, sắt thép, bê tông để xơi.
Chúng ta đều thấy rằng thời kỳ cả nước ai ai cũng lo
cho an ninh lương thực đã qua rồi vì nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7-8
triệu tấn/năm với giá bèo như vậy. Nông dân trồng lúa của ta đã 40 năm rồi mà
vẫn là những người nghèo, họ bị hô hào phải trồng lúa thật nhiều (để cho người
ta được thăng quan tiến chức). Đã đến lúc cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa
phương và các phương tiện truyền thông do Ban Tuyên Giáo chỉ đạo phải đổi mới
tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho các hướng đó thế
nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt – tài nguyên
thiên nhiên không tái tạo.
Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… một cách bền vững hài hòa thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa.
Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để cho quan lên chức và nuôi dân các nước khác có ăn để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa.
GS.TS
VÕ TÒNG XUÂN
Sài Gòn 8/3/2016
Prof. Dr. Vo-Tong Xuan
Rector Emeritus, An Giang University
Rector, Nam Can Tho University
Rector Emeritus, An Giang University
Rector, Nam Can Tho University
No comments:
Post a Comment