Monday, March 7, 2016

BAO GIỜ NGƯỜI VIỆT BIẾT THƯƠNG NHAU ? (Song Chi)





Mon, 03/07/2016 - 11:12 — songchi

Mỗi năm ở VN trung bình có khoảng từ 8,700-11,500 người chết vì tai nạn giao thông, nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao trên thế giới. (Theo “List of countries by traffic-related death rate” (Wikipedia), tỷ lệ trung bình là 17.4 trên 100,000 người thì tỷ lệ của VN là 24.5. Còn theo đánh giá của tổ chức World Health Ranking về “Road traffic accidents death rate by country”, tỷ lệ số người chết tính trên 100, 000 người của VN là 23.10, thuộc vào khu vực được tô màu xanh, là khá cao).

Nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 30 người rời khỏi nhà và vĩnh viễn không trở về. Chưa kể hàng ngàn người khác bị thương từ nhẹ đến nặng hoặc vĩnh viễn tàn phế. Tai nạn giao thông đã trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người VN mỗi khi phải bước chân ra đường. Báo chí, dư luận đã gióng lên hồi chuông báo động từ nhiều năm qua, rất nhiều giải pháp kiềm chế đã được đề ra, nhưng tai nạn giao thông vẫn không hề giảm đi.
Có nhiều nguyên nhân như cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn, thời tiết xấu…, bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn rất kém.

Thử nhìn lại mấy vụ tai nạn giao thông kinh hoàng mà báo chí đưa tin trong những ngày gần đây: Vụ chiếc xe Camry tông chết 3 người tại quận Long Biên, Hà Nội ngày 29.2, theo báo chí, người lái xe đã phạm cùng lúc nhiều tình tiết gây ra tai nạn: uống rượu trước lúc lái xe, không có bằng lái, lái với tốc độ nhanh, vượt sai làn đường rồi tông thẳng vào 2 ông cháu đi xe máy và 1 phụ nữ đi bộ. Trong video clip ghi lại vụ tai nạn, có thể thấy bản thân 2 ông cháu nạn nhân cũng không đội mũ bảo hiểm, người phụ nữ thì đang đi bộ dưới lòng đường, đường xá thì hẹp lại có thêm một chiếc ô tô đậu làm choán mất một phần đường. (“Vụ xe Camry tông chết 3 người: Lái xe không bằng lái, có hơi men”, Dân Trí, “Vụ Camry gây tai nạn và chuyện người Việt 'nhờn luật', VietnamNet)

Tất cả những sự bất cẩn, vi phạm luật giao thông này đã dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc trên.

Ngày 4.3 tại xã Phù Ủng, Ân Thi, một chiếc xe biển xanh lấn làn tông trực diện vào một người phụ nữ chạy xe gắn máy đang mang thai 8 tháng, khiến cả bà bầu và thai nhi sắp sinh cùng tử vong. (“Xe biển xanh lấn làn tông chết bà bầu 8 tháng”, Người Lao Động)
Ngày 6.3, tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lại một người không có bằng lái, ngồi vào xe taxi của người khác, tông chết một người phụ nữ lớn tuổi và một cháu bé khi cả hai đang ở lề đường trước cửa một ngôi nhà (“Vụ taxi 'điên' đâm chết 2 bà cháu: Tài xế không có bằng lái”, Tiền Phong)

Ngày 6.3, tại Quảng Ngãi, một chiếc xe tải chạy rất nhanh, dù đèn đỏ nhưng vẫn ôm cua và tông thẳng từ phía sau một chiếc xe gắn máy chở ba khiến hai mẹ con chết tại chỗ, bé trai may mắn văng vào gầm xe taxi đang dừng chờ đèn đỏ nên thoát chết. Theo bài báo “Xe tải tông hai mẹ con chết thảm, bé trai văng gầm taxi thoát chết” trên Tuổi Trẻ, “thời điểm xảy ra tai nạn tài xế Trần Quang Phu đã bị Công an huyện Ba Tơ tước giấy phép lái xe”.

Chỉ kể sơ qua vài vụ, đã chứng minh một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn vừa nói ở trên: ý thức chấp hành luật giao thông rất kém của người dân. Nói thẳng ra là chúng ta coi thường luật, coi thường tính mạng người khác và cả của chính mình. Sâu xa bên trong là chúng ta không có đủ lòng nhân ái, chất nhân văn để biết nghĩ, biết quý trọng tính mạng của người như của mình.

Trong lĩnh vực chế biến, cung cấp thực phẩm cũng vậy.

Cũng như tai nạn giao thông, tình trạng thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm độc…ở VN là một nỗi ám ảnh lớn cho tất cả mọi người. Không ai phủ nhận ẩm thực VN thuộc vào hàng ngon trên thế giới, nhiều món ăn Việt được phổ biến và được yêu thích rộng rãi tại nhiều quốc gia như phở, chả giò, gỏi cuốn, bánh mì thịt, cơm tấm, bánh xèo…Nhưng về mặt vệ sinh, an toàn thì thật đáng ngại.

Không chỉ hàng hóa thực phẩm bị nhiễm độc từ Trung Quốc tuồn qua đường chính ngạch lẫn buôn lậu, chính người Việt cũng đang thản nhiên giết người Việt bởi lối làm ăn chỉ biết có lợi nhuận trước mắt, không nghĩ gì đến sức khỏe, sinh mạng người khác. Người ta sẵn sàng phun nhớt thải cho rau muống xanh, trộn chất tạo nạc là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi cho lợn để tăng trọng nhanh, cho phẩm màu, chất bảo quản, chất tăng trưởng, chất tẩy trắng vào trong rau củ, thực phẩm, bánh mứt, sử dụng chất huỳnh quang, hàn the trong công nghệ chế biến bún, phở, thậm chí có một dạo dư luận kinh hoàng về việc phát hiện phoóc môn (formaldehyde, dùng làm chất tẩy uế, bảo quản tử thi…) được sử dụng trong bánh phở…

Lâu lâu báo chí lại đưa tin, hình ảnh quy trình chế biến nước tương bẩn, làm chả cá, giò sống, lạp xưởng, chà bông, làm sương sâm, sương xáo siêu bẩn…khiến người xem rùng cả mình. Còn hàng rong ngoài đường cho tới hàng quán, tiệm ăn suốt từ Nam ra Bắc, cũng là khuất mắt mà ăn chứ không thể đảm bảo có vệ sinh, an toàn hay không.

Điều đáng nói là ngay chính nhiều người chế biến thực phẩm cũng biết là bẩn nên chỉ để bán cho người khác, còn nhà mình thì không dám ăn!

Trong phiên họp Quốc hội tháng 11.2015, trong phần đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh đã phát biểu: “Có thể nói con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”("Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế", báo Giáo dục VN)

Có thể kể ra vô số những ví dụ về thái độ coi thường sinh mạng người khác nhan nhản trong nhiều khía cạnh của đời sống xã hội VN hiện tại. Từ việc thản nhiên xả rác và những chất bẩn xuống sông ngòi bất chấp việc ô nhiễm nguồn nước; thấy người bị nạn, nhất là tai nạn giao thông nhưng ngại giúp đỡ vì không muốn phiền hà (trong vụ xe Camry tông chết 3 người nói trên, báo chí đưa tin em bé 6 tuổi tim vẫn còn đập đã phải chờ rất lâu sau xe cứu thương mới đến, còn một số xe taxi được người dân vẫy gọi thì không dừng lại…), những bữa cơm giá rẻ nấu cho sinh viên, công nhân với những thực phẩm kém chất lượng thậm chí thiu thối…Cho tới công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải không bảo đảm vệ sinh, đáng sợ nhất là rác thải y tế độc hại cũng được tái chế (“Rác thải y tế độc hại lọt từ bệnh viện ra thị trường: Sự thật khủng khiếp bên trong bệnh viện”, Lao Động), tình trạng làm ăn gian dối, không bảo đảm an toàn trong xây cất, trong lao động gây tai nạn v.v…

Ngay cả một số ngành nghề lẽ ra phải được người dân tin tưởng, trông cậy, tìm đến khi có việc như cảnh sát thì ở VN, cảnh sát/ công an lại là những hung thần trong mắt người dân. Có biết bao nhiêu trường hợp người dân chỉ vi phạm những lỗi nhỏ về giao thông nhưng bị công an rượt đuổi, mất bình tĩnh tự gây ra tai nạn có khi tử vong, hoặc chỉ vì những nguyên nhân vặt vãnh, bị đưa về đồn, đang trong quá trình điều tra, tạm giam nhưng lại bị công an đánh đập, bạo hành đến chết.

Hoặc những môi trường phải là nơi an toàn như mẫu giáo, trường mầm non, trường học, bệnh viện…thì chúng ta cũng đọc/xem thấy bao nhiêu vụ cô bảo mẫu bạo hành trẻ, thầy cô xúc phạm học sinh với những lời lẽ rất phản giáo dục, một số trường hợp học sinh vì bị xúc phạm nặng nề mà uất ức dẫn đến làm điều dại dột như tự sát...

Câu hỏi vì sao người Việt chúng ta ác với nhau như vậy, vì sao người Việt chúng ta coi thường tính mạng của người khác như vậy?

Không có một dân tộc nào ác, xấu hơn dân tộc khác.

Một mô hình thể chế chính trị độc tài, giành và giữ quyền lực bằng con đường bạo lực và dối trá, kìm hãm mọi tự do, dân chủ, chà đạp nhân quyền, bóp nghẹt nhân tính trong con người đồng thời cổ súy lối sống chạy theo vật chất danh lợi, bất chấp tất cả...là nguyên nhân. Một nền giáo dục ngu dân, không có triết lý, mục tiêu giáo dục đúng đắn và cao thượng, học để đi thi, học để có bằng cấp chứ không phải học để làm người, một nền giáo dục không dạy cho con người những điều nhỏ bé như biết sống tử tế, có trách nhiệm với mình và với xã hội, có lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại...là nguyên nhân. Khi niềm tin lẫn chỗ dựa từ pháp luật cho tới giáo dục, tôn giáo đều không còn, thì chẳng còn ranh giới gì khiến người ta do dự, sợ hãi trước khi làm điều xấu, điều ác cả.

Còn lại chỉ là mỗi người, mỗi gia đình phải tự giáo dục cho nhau và giáo dục chính mình để ngọn lửa nhân ái, sự tử tế bên trong mình, trong nhau không bị thui chột đi.

Bao giờ chúng ta biết nghĩ cho người khác, biết quý trọng sức khỏe, mạng sống của người khác như của chính mình? Biết quý trọng cái chung, môi trường sống chung? Nghĩ cho người khác, nghĩ vì cái chung cũng chính là nghĩ cho mình và cho con cháu mình trong một mái nhà chung nơi mà từng việc làm của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến những người khác, không thể tránh được.





No comments: