Sunday, February 14, 2016

NUÔI CON KHÔN LỚN TRONG MỘT THẾ GIỚI BẠO LỰC (Conan Milner, Epoch Times)





Tác giả: Conan Milner, Epoch Times 
Dịch giả: Ngọc Yến
14 Tháng Hai , 2016
.
Cậu bé đang chơi một trò chơi điện tử (video game). Nghiên cứu cho thấy có sự tương quan mạnh mẽ giữa hành vi hung hăng với việc nghe nhìn phương tiện truyền thông bạo lực. (Zhenikeyev / iStock)

Từ truyền hình, đến đồ chơi chiến tranh, cho đến bộ phim bom tấn mới nhất của Hollywood, trẻ em ngày nay ngập chìm trong một số lượng khổng lồ các hình ảnh bạo lực. Mặc dù hầu hết trong số đó đều là sự bạo lực giả trang, nhưng nghiên cứu cho thấy nó vẫn có thể định hình một cách sâu sắc đến tinh thần và tâm trí con trẻ. Hơn 3.000 nghiên cứu chỉ ra một mối tương quan mạnh mẽ giữa việc nghe nhìn phương tiện truyền thông bạo lực và hành vi hung hăng.

Từ những năm 1950 người ta đã kêu gọi giới hạn sự bạo lực trong các chương trình phát sóng trên truyền hình, nhưng tính tàn bạo và đẫm máu trên màn hình vẫn gia tăng theo thời gian. Theo một báo cáo năm 2003, từ khi sinh ra cho đến khi tròn 18 tuổi, trẻ em Mỹ trung bình sẽ chứng kiến ​​200.000 hành vi bạo lực, trong đó có 40.000 vụ giết người.

Tất nhiên không chỉ có truyền hình. Một nghiên cứu từ Quỹ tài trợ Gia đình Henry J. Kaiser cho thấy rằng chín trong số mười trò game bán chạy nhất đều có nội dung bạo lực. Khoảng một nửa các trò chơi game có nội dung bạo lực nghiêm trọng, và 18 phần trăm đưa bạo lực thành trọng tâm chính của trò chơi.

Theo Jan Arnow, tác giả và là chuyên gia quốc tế nổi tiếng về vấn đề tác động của bạo lực và giải quyết xung đột, chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà trẻ em cơ bản là đang được đào tạo để căm ghét và sợ hãi.

“Nếu bạn nhìn lại chương trình truyền hình, điện ảnh, và game điện tử khoảng 10 năm trước đây sẽ thấy nó không xấu tệ như thế. Nhưng nền văn hóa của chúng ta đã ngày càng vô cảm, nên người ta phải nhồi nhét thêm [bạo lực] để thu hút sự chú ý của chúng ta. Nó cứ leo thang theo từng năm”, Jan Arnow nói.

Arnow bắt đầu quan tâm đến sự leo thang bạo lực trong truyền thông từ hơn 30 năm trước, khi bà đang nuôi dạy con cái của mình. Bà quan ngại về những gì sẽ xảy ra nếu xu hướng này tiếp tục.

Vì vậy, bà đi khắp thế giới để phỏng vấn giới trẻ, đặc biệt là những người sống trong những vùng có chiến tranh và xung đột – Palestine, Israel, Liên Xô, và Bắc Ai len – để xem kinh nghiệm ấy định hình thế giới quan của họ ra sao. Điểm chung là không ai trong số họ có thể hình dung ra một tương lai cho bản thân mình.

“Bạn hỏi, “Cháu muốn điều gì khi lớn lên”, và chúng nhìn vào bạn giống như bạn có 12 cái đầu vậy. “Lớn lên? Tôi sẽ không lớn lên. Tôi sẽ chết”. Tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời như thế”, bà cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng nền văn hóa của chúng ta bị ám ảnh bởi bạo lực và xung đột đến mức bão hòa, trẻ em Mỹ đang phát triển một nhân sinh quan vô vọng tương tự. Trong một nghiên cứu gần đây, hơn 60 phần trăm trẻ em lo lắng chúng có thể bị giết, và 19 phần trăm đôi khi ước muốn chúng đã chết rồi.

“Đây đích thị là những gì mà chúng ta đang thấy”, Arnow nói.

Một số có thể vẫn khăng khăng rằng họ chẳng hề bị bất kỳ ảnh hưởng nào từ phương tiện truyền thông, và chẳng muốn ai kiểm duyệt những gì họ coi là giải trí vô hại. Nhưng nghiên cứu cho thấy nền văn hóa bị ám ảnh bạo lực của chúng ta có nhiều nguy hại hơn những gì chúng ta có thể nhận thức ra được.

“Những giai thoại là không có bằng chứng”, Arnow nói. “Khi tôi thực hiện một bài phát biểu, trẻ em nói, ‘Vâng, cháu đã chơi trò chơi điện tử và cháu không sao cả”. Được rồi, đó là cháu. Nhưng cháu có biết đến những nghiên cứu [đối với ảnh hưởng từ những trò chơi đó không]? ”
“Rất nhiều điều như thế này chẳng mấy quan trọng đối với những người mà nó không có tác dụng ngay lập tức lên cá nhân họ. Bạn có thể thấy nếu bạn sống trong một cộng đồng được kiểm soát an ninh hoặc một vùng ngoại thành toàn người da trắng, và con bạn đang chơi các trò chơi điện tử, theo những bậc cha mẹ đó thì việc chơi như thế sẽ chẳng bao giờ ảnh hưởng đến bọn trẻ. Mà chúng lại có tất cả mọi thứ chúng cần. Chúng cũng chẳng thể nào bị bắt nạt ở trường”.

Ẩn sau những điều có thể nhìn thấy được

Những nghiên cứu cho thấy, trẻ càng được tiếp xúc với truyền thông mang tính bạo lực thì chúng càng dễ nghĩ rằng bạo lực là một cách thức có thể chấp nhận được trong xã hội khi đối phó với các vấn đề. Mỗi ngày, có khoảng 2.000 trẻ em bị tấn công ở trường, và gần 200.000 em bỏ học vì chúng sợ bị tấn công.

Một số trường học đang thực thi cứng rắn hơn đối với vấn đề hà hiếp, bắt nạt. Nhưng cũng giống như các luật chống nổ súng, căm thù tội ác, và sự ngược đãi trong gia đình, Arnow nói rằng những nỗ lực này bỏ qua gốc rễ của vấn đề.

“Chúng ta mê bạo lực trực tiếp. Đó là điều mà truyền hình sử dụng để hút khách. Đó là những gì mà quảng cáo sử dụng để hút khách. Đó là những gì mà phim ảnh, trò chơi điện tử sử dụng để hút khách – là tất cả những thứ đó. Và cho đến bây giờ khi chúng ta cố gắng giảm bớt nó đi, thì đó mới chỉ là đang làm sứt mẻ đôi chút phần nổi của tảng băng”, bà nói. “Chúng ta phải giải quyết đến càng sâu càng tốt, tận đến những nơi mà chúng ta có thể không nhìn thấy, để giải quyết các vấn đề ở mức thấp nhất có thể – mức văn hóa”.

Nhiều thập niên nay phương tiện truyền thông bạo lực đang dần dần lan rộng trong nền văn hóa Mỹ, do đó, các ảnh hưởng ở đây có thể khó nắm bắt. Nhưng ở Cuba, nơi mà sự tiếp xúc là tương đối mới, xu hướng này là không thể nhầm lẫn.

Arnow đã rất ngạc nhiên khi bà được yêu cầu phải tạo điều kiện cho một chương trình giải quyết xung đột trong các trường học ở Cuba, bởi vì bà đã nghe nói rằng họ không có vấn đề với bạo lực học đường. Nhưng các nhà quản lý lại nói rằng tất cả đã thay đổi cùng với sự tiếp cận với các trò chơi điện tử.

“Họ cho biết”, “Chúng tôi đã không gặp vấn đề gì cho đến khi những người đã bỏ đi bắt đầu quay trở lại với trò chơi tiêu khiển video game và các trò chơi bạo lực”, Arnow nói. “Họ có thể thấy sự gia tăng bạo lực, bắt nạt, và xung đột không thể giải quyết trong các trường học của họ. Đối với tôi điều đó đã nói lên tất cả”.

Kỹ năng tiếp thụ về truyền thông

Trong cuốn sách mới của mình, “In the Line of Fire: Raising Kids in a Violent World ” (Trong tầm đe dọa: Nuôi dạy trẻ trong thế giới bạo lực), Arnow cung cấp hơn 400 lời khuyên hữu ích có thể giúp bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại.

Một lời tư vấn then chốt là giúp trẻ em phát triển sự hiểu biết về phương tiện truyền thông. Theo Arnow, giới trẻ có được những kỹ năng này sẽ ít có khuynh hướng bị ảnh hưởng, ngay cả khi chúng xem các chương trình truyền thông bạo lực.

Phát triển các kỹ năng như vậy đòi hỏi một số hướng dẫn và sự tham gia của người lớn. Arnow kêu gọi các bậc cha mẹ phải “tìm ra đạo đức trong sự điên rồ”, hãy cùng xem các chương trình con em họ đang xem, cùng chơi các trò chơi điện tử mà con mình thích, và sau đó khiến con em mình phải suy nghĩ nghiêm túc về những gì chúng nhìn thấy.

Một phương pháp mà Arnow sử dụng đối với những đứa con của chính bà đã tỏ ra rất hiệu quả.Tôi đã cho chúng những quyển sổ ghi chép, và tôi nói, ‘Chúng ta sẽ xem truyền hình cả tuần”, tất nhiên như thế thì chúng rất thích. Tôi đã bảo chúng viết xuống từng điều phân biệt chủng tộc nào mà chúng đã nghe được. Tôi bảo một đứa cũng làm điều tương tự với những cảnh bạo lực. Và bọn trẻ mỗi đứa đều kiểm tra sổ tay ghi chép của chúng trong khi chúng xem truyền hình trong một tuần lễ”, bà nói. “Các con tôi đã vô cùng sửng sốt, vì những đứa trẻ ở tuổi lên 10 và 12, chúng phải lãnh nhận biết bao nhiêu điều mà lẽ ra chúng cần phải tránh. Từ đó trở đi, chúng đã cẩn thận hơn nhiều khi nghe hoặc xem bất cứ điều gì “

Arnow nói rằng việc này không cần thiết phải được thực hiện mọi thời mọi khắc, nhưng lâu lâu thực hiện một lần thì có thể có tác động lớn. “Hãy thử nghiệm một số thứ để giúp chúng hiểu được” bà nói. “Có kỹ năng sử dụng phương tiện truyền thông là một vốn liếng sẽ theo chúng suốt cuộc đời”.

Về cuốn sách ‘In the Line of Fire’ (Trong tầm đe dọa)

Cuốn sách của Arnow được liệt vào loại sách cung cấp những thông tin nhỏ, với các trích dẫn có liên quan, và các phần phụ bổ sung khác, với mục đích thu hút những người đọc phổ thông chỉ muốn đọc qua để nắm bắt một chút thông tin. Nó cũng cung cấp một số các liên kết đến các trang web, lời mách nước, và các nguồn tư liệu khác cho những ai muốn đào sâu vào một vấn đề cụ thể.

Các chương bao quát một phạm vi đa dạng các chủ đề như căm thù tội ác, tâm lý và tiếp thị đồ chơi chiến tranh, và đe dọa trực tuyến. Trong khi cuốn sách này được dựa trên cơ sở khoa học, nhiều người sẽ phản đối một số mục tiêu của Arnow, chẳng hạn như sự ám ảnh về súng của nước Mỹ. Chương “Guns Are Us” (Súng là chúng ta) dành một số trang để đối đầu với niềm tin phổ biến, chẳng hạn như với ‘câu thần chú’ về quyền sở hữu vũ khí “súng không giết người, chỉ có người giết người”, và quan điểm cho rằng sự bảo vệ vũ trang trong các trường học làm cho trẻ em được an toàn hơn.

“Trong khi không có sự liên kết rõ ràng giữa sự an toàn hơn trong các trường học và việc bảo vệ vũ trang, thì khoảng một phần ba các trường học của chúng ta đã có lính canh gác có trang bị vũ khí trong các học khu, và nhu cầu đối với việc giữ trật tự tại trường học đã khiến nó trở thành lĩnh vực thực thi pháp luật phát triển nhanh nhất”, cuốn sách nêu rõ.

“In the Line of Fire” là một cuốn sách với những đề mục đầy tham vọng, nhưng ai trong chúng ta cũng đều có thể học được điều gì đó có giá trị từ nó. Tương lai mà cuốn sách dự đoán là điều chúng ta không thể bỏ qua.

“Những đứa trẻ được nuôi dạy ngày hôm nay sẽ là các nhà lãnh đạo tương lai”, Arnow nói. “Nếu chúng tin rằng bạo lực là một chiến lược phù hợp để đối phó với xung đột thì đó là một viễn cảnh đáng sợ”.

Một vài bằng chứng về Văn hóa Bạo lực

  • * Hoa Kỳ sản xuất nhiều súng cầm tay hơn bất kỳ quốc gia nào khác, vậy mà nhu cầu ở đây lại cao đến nỗi vào năm 2011 ngoài 6,5 triệu khẩu súng được sản xuất trong nước, người Mỹ còn mua thêm 3,25 triệu khẩu súng được nhập từ các nước khác, theo ghi nhận từ Cục Quản lý Rượu, thuốc lá, súng lục, và chất nổ của Hoa Kỳ.

  • * Một nửa trong top 10 trò chơi video bán chạy nhất tại Hoa Kỳ được mô tả là trò chơi “first-person shooter”, nghĩa là game thủ chủ yếu bắn hạ gục đối thủ.

  • * Để tăng thêm tính xác thực (hoặc vị trí sản phẩm, hoặc tích hợp thương hiệu) một số trò chơi “first-person shooter” đưa ra một danh sách chi tiết các loại súng cầm tay thực tế có thể mua được trong thế giới thực. Những danh sách này đã được gỡ bỏ sau vụ thảm sát Newtown vào năm 2012.

  • * Trong năm 2013, ngành công nghiệp video game đã tăng trưởng lên đến 18,8 tỉ đô la Mỹ – gia tăng 40 phần trăm so với năm 2012.

  • * “Bom tấn” lớn nhất vào mùa xuân năm 2013 không phải là một bộ phim, mà là một trò chơi. “Grand Theft Auto VI” đã lập kỷ lục doanh thu là 310 triệu đô la Mỹ trong ngày đầu tiên ra mắt.

  • * Bắn súng là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong ở trẻ em lứa tuổi 1-19, và là nguyên nhân số một trong số các trẻ em da đen.

  • * Trong năm 2010, hơn 13.000 người đã chết trong các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, trong khi riêng tại Mỹ đã có hơn 31.000 người thiệt mạng do súng.






No comments: