Monday, February 29, 2016

VIỆT NAM CÓ THỂ KIỆN TRUNG QUỐC VỀ CÁI GÌ ? (Trương Nhân Tuấn)





dimanche 28 février 2016

Vấn đề quân sự hóa Biển Đông đã không còn là những lời răn đe suông. TQ từ khoảng hai năm nay đã đẩy mạnh những hoạt động ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa), TQ đã đặt các giàn ra đa, các ụ phòng không cũng như đưa các loại phi cơ chiến đấu. Tại Trường Sa, TQ đã ráo riết mở rộng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn (Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn, Châu Viên, Su Bi, Ga Ven...), gấp rút xây dựng trên các bãi Chữ Thập, Su Bi... những phi đạo (dài trên 3000 mét). Những gì TQ đã và đang làm ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) chắc chắn sẽ được thực hành cho các đảo nhân tạo  ở Trường Sa.

Ta có thể khẳng định rằng TQ đã và đang "quân sự hóa Biển Đông", bất chấp những phản đối của các đại cường Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Úc... hay các nước có liên hệ trong khu vực.

Nhìn động thái củng cố quốc phòng của các nước "lớn" có quan hệ đến khu vực, như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc... để đối trọng với việc "quân sự hóa Biển Đông" của TQ, ta thấy khả năng giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng một giải pháp hòa bình trở thành viễn ảnh xa xôi.

Lập trường của TQ, từ khoảng 100 năm nay, đã trở thành nguyên tắc đối ngoại, là không chấp nhận việc giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài quốc tế. Tình hình kinh tế đình trệ hiện thời của TQ, cũng như những rối loạn nội bộ do những khủng hoảng xã hội bắt nguồn từ việc suy thoái, đã khiến lãnh đạo Bắc Kinh cứng rắn trong lập trường, không chỉ ở Biển Đông, mà còn đối với Đài loan. 

Những người này cố gắng biến cuộc khủng hoảng xã hội thành một phong trào dân tộc chủ nghĩa.

Tức là lãnh đạo Bắc Kinh, ngay từ thời điểm hiện tại, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng chiến tranh chớ không bằng các nguyên tắc hòa bình theo Hiến chương LHQ.

Đối với Đài Loan (và Hồng Kông), Bắc Kinh sẽ vịn vào "luật chống ly khai" và nguyên tắc "một nước Trung Hoa" để răn đe các khuynh hướng ly khai, như của tân tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hay các phong trào sinh viên ở Hồng Kông.

Đối với Biển Đông, TQ tuần tự "khẳng định chủ quyền" của họ ở HS và TS. Bước đầu TQ sẽ thực hiện những công trình ở những vùng mà không ai có thể phản đối họ được, vì lý do mập mờ về pháp lý. Đó là tường hợp quân sự hóa đảo Phú Lâm, mở rộng các đảo (như Quang Hòa) ở Hoàng Sa. Hoặc mở rộng các bãi cạn ở TS trở thành các đảo nhân tạo, sau đó xây dựng trên các đảo đó những phi trường, bến cảng, ụ phòng không, đài ra đa... cuối cùng "quân sự hóa" để chúng trở thành các căn cứ hải-không quân.

Các hành vi cho tàu bè hay phi cơ tiếp cận các đảo này của hải quân Hoa Kỳ sẽ không làm cản trở các hoạt động của TQ. Hành vi của TQ là khẳng định chủ quyền, còn của Hoa Kỳ là giữ quyền "tự do hàng hải". Nếu hai bên nhượng bộ và thỏa mãn yêu sách của nhau, hai bên sẽ không xảy ra xung đột.

Thời gian tới, sau khi các công trình xây dựng đảo và việc "quân sự hóa" hoàn tất, TQ sẽ mở các hoạt động ở các khu vực khác, có thể gây tranh chấp, như xây dựng và mở rộng các đảo như Tri Tôn, bãi cạn Hoàng Nham... cuối cùng "quân sự hóa" các địa điểm này.

Người ta hình dung trong tương lai ngắn, TQ sẽ mở vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, giới hạn phía nam ở khoảng vĩ tuyến 8°30' bắc.

Trong bối cảnh như vậy nhiều người VN lên tiếng thúc hối nhà nước CSVN "kiện TQ ra trước một Tòa án quốc tế".

Câu hỏi đặt ra là VN có thể kiện TQ về cái gì? ở Tòa án nào?

Muốn kiện một đối tượng, điều cần thiết là xác định được đối tượng đã "phạm luật" ở điều gì ?

Những động thái của TQ ở khu vực Hoàng Sa, như vụ đặt giàn khoan 981 trên thềm lục địa của VN vào tháng 5 năm 2014, hay việc quân sự hóa đảo Phú Lâm, cho bồi đắp, mở rộng đảo Quang Hòa... đều có thể là những "lý cớ" để nhà nước VN đơn phương đi kiện TQ trước một Tòa án quốc tế.

Thực tế cho thấy nhà nước CSVN đã không làm điều gì hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi của TQ.

Nhà nước CSVN không làm các việc này vì họ có lý do của họ.

Ngay cả việc hải quân Hoa Kỳ thực hiện công tác bảo vệ quyền tự do hàng hải qui định theo luật quốc tế, VN còn không dám lên tiếng công khai ủng hộ, huống chi đến việc hưởng ứng.

Hành vi của hải quân VN tháp tùng cùng hải quân Hoa Kỳ tuần tiễu (như trong khu vực biển Hoàng Sa) là cơ hội để VN khẳng định chủ quyền của mình tại HS, cũng như khẳng định quyền lợi hợp pháp của VN trong vùng biển này.

Bởi vì từ lâu nhà nước VNDCCH đã nhìn nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền của TQ. Đồng thời nhà nước này cũng nhìn nhận khu vực biển (mà hải quân Hoa Kỳ tuần hành) là thuộc về Trung Quốc.

Sự "bất lực" của nhà nước CHXHCNVN hiện nay là "hệ quả" của sự "liên tục quốc gia": nhà nước CHXHCNVN là nhà nước "tiếp nối" nhà nước VNDCCH.

Tức là nhà nước CSVN hôm nay phải tôn trọng và thi hành những hứa hẹn về lãnh thổ, hải phận của nhà nước tiền nhiệm VNDCCH.

Nếu áp lực của người dân có hiệu quả, nhà nước CSVN vác đơn đi kiện TQ. Thì với thực tế pháp lý như vậy, kiện là để thua. CHXHCNVN không có tư cách pháp nhân để đứng ra kiện Trung Quốc.

Giả sử VN làm đơn kiện TQ ở Hoàng Sa. Vấn đề là Trung Quốc chiếm Hoàng Sa trên tay của VNCH chứ không phải trên tay CHXHCNVN.

Nhà nước CSVN hôm nay vẫn còn xem thực thể VNCH là "ngụy". Vụ TT Nguyễn Tấn Dũng bị hạ bệ vì lý do có con gái lấy chồng "con lính ngụy" cho thấy chính sách kỳ thị lý lịch của lãnh đạo CSVN.

Gọi VNCH là "ngụy", tức là "không thật", thì làm sao có thể kế thừa di sản ở một thực thể "không thật"?

Lý do khác, lúc TQ chiếm Hoàng Sa, nhà nước VNDCCH không lên tiếng phản đối, cũng không ký tên vào bản tuyên bố lên án TQ của VNCH.

Theo tập quán quốc tế, ở những tình huống bắt buộc quốc gia phải lên tiếng để bày tỏ lập trường, nếu quốc gia này im lặng thì sự im lặng này có nghĩa là sự đồng thuận. Thì bây giờ nhà nước CHXHCNVN lấy lý do gì để phản đối, chưa nói tới việc đi kiện?

Hay là đi kiện về việc chồng lấn vùng biển do có quan điểm khác nhau về Luật Biển?

Thí dụ TQ chủ trương các đảo HS (như đảo Tri Tôn) có hiệu lực của "đảo", còn VN chủ trương các đảo này là "đá", thì phán quyết của Tòa cách nào cũng đem lại thiệt hại cho VN.

Thứ nhứt là VN nhìn nhận HS thuộc chủ quyền của TQ.

Thứ hai, về hiệu lực các đảo HS, phán quyết của Tòa nhiều hay ít gì thì VN cũng mất biển.

Trong khi vùng biển HS (trên lý thuyết) là của VN.

Còn ở Trường Sa, VN có thể kiện về cái gì ?

Ở đây cũng vậy, với tình hình hiện tại, kiện là để được thua.

VN cũng không thể bắt chước Phi đi kiện TQ về việc mâu thuẩn về cách diễn giải luật biển.

Bởi vì, bề ngoài, hình thức kiện là đường chữ U, nhưng bề trong lại là chủ quyền các đảo.

Làm điều này VN cũng nhìn nhận các đảo TQ thuộc chủ quyền của TQ.  

Tức là, việc kêu gọi mọi người ký tên làm áp lực buộc nhà nước VN đi kiện TQ là "phiêu lưu", là bất định. Nếu không nói là để thua.

Trở ngại trong vấn đề kiện tụng là việc kế thừa di sản VNCH.

Nước CHXHCNVN hiện nay không có chính danh ở HS và TS. Họ vẫn xem VNCH là ngụy, vẫn chủ trương lãnh đạo phải là "người bắc kỳ, biết lý luận"...

Thay vì kêu gọi mọi người ký tên để yêu sách nhà nước kiện TQ, hợp lý là kêu gọi nhà nước CSVN thực thi chính sách hòa giải dân tộc, mục đích là kế thừa VNCH.

Xong việc này rồi thì mới có (một chút) hy vọng về kiện tụng.

Như trên đã nói, viễn tượng TQ sẽ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực. Trong bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại, lý do gây chiến tranh là điều cực kỳ trọng yếu.

Kiện TQ đôi khi không phải để thắng, (vì TQ không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài), mà kiện để VN có được "quyền tự vệ chính đáng".

Trong chiến tranh hiện đại, bên nào dành được quyền "tự vệ chính đáng" thì bên đó sẽ thắng.

Publié par Nhan Tuan Truong à 08:06 






No comments: